Nỗi lo từ Mỹ và Slovakia
Trước đó, nhằm ngăn việc chính phủ phải đóng cửa, Quốc hội Mỹ đã loại bỏ khoản tài trợ dành cho Ukraine khỏi dự luật chi tiêu khẩn cấp vào cuối tuần qua. Hiện đang xuất hiện nhiều ý kiến phản đối tài trợ cho Kiev trong đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, chính phủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn khẳng định sẽ tiếp tục viện trợ cho Kiev.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba (trái) và Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell |
Trong khi đó, tại châu Âu, đảng Dân chủ xã hội Smer của cựu Thủ tướng Slovakia Robert Fico đã giành nhiều phiếu nhất trong cuộc bầu cử Quốc hội ở nước này và đứng trước cơ hội thành lập một chính phủ mới. Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Fico đã nhấn mạnh “không một viên đạn nào” từ kho dự trữ của Slovakia được gửi đến Ukraine. Trả lời báo chí sau khi biết kết quả cuộc bầu cử, ông Fico nhấn mạnh: “Chúng tôi không thay đổi quan điểm rằng sẵn sàng hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine. Slovakia sẵn sàng giúp đỡ tái thiết Ukraine nhưng tất cả cũng đã rõ quan điểm của chúng tôi về việc cung cấp vũ khí cho Kiev”.
Slovakia là quốc gia thuộc NATO, có đường biên giới với Ukraine. Dưới thời chính phủ sắp mãn nhiệm, Slovakia đã tiếp nhận người tị nạn và cung cấp một lượng lớn vũ khí cho Kiev.
Sự kiên định từ EU
Trên tài khoản mạng xã hội X (trước là Twitter), ông Josep Borrell, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU, chia sẻ: “Chúng tôi triệu tập một cuộc họp lịch sử của các ngoại trưởng EU tại Ukraine, quốc gia đang là ứng viên và là thành viên tương lai của EU. Chúng tôi muốn bày tỏ tình đoàn kết và sự ủng hộ dành cho người dân Ukraine”.
Trước đó, theo Cơ quan Quốc phòng châu Âu, đã có 7 quốc gia thành viên EU đặt mua đạn dược trong khuôn khổ một kế hoạch mua chung đề ra vào tháng 3 nhằm khẩn cấp viện trợ cho Ukraine và bổ sung kho dự trữ đang cạn kiệt của phương Tây.
Trả lời hãng tin Reuters, Cơ quan Quốc phòng châu Âu cho biết các quốc gia trên đặt mua đạn pháo 155mm, là loại đạn pháo được Ukraine sử dụng nhiều nhất trong cuộc xung đột hiện nay. Số đạn này liên quan đến 4 hệ thống pháo hiện đại được thiết kế và sản xuất ở châu Âu là Caesar của Pháp, Krab của Ba Lan, PzH2000 của Đức và Zuzana C/2000 của Slovakia. Theo Reuters, kế hoạch mua chung đạn dược mà EU khởi động vào tháng 3 trị giá ít nhất 2 tỷ EUR, với mục tiêu là gửi được 1 triệu quả đạn pháo và tên lửa đến Ukraine trong vòng 12 tháng.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba bày tỏ sự tự hào khi được tổ chức cuộc họp lần đầu tiên được tổ chức bên ngoài EU. Đối với động thái của Quốc hội Mỹ, ông Kuleba khẳng định, Kiev vẫn tin tưởng vào sự hỗ trợ của Mỹ và cho rằng quyết định của Quốc hội Mỹ vừa qua chỉ là “một sự cố”.
Với diễn biến tại Slovakia, ông Kuleba cho rằng hiện còn quá sớm để đánh giá cuộc bầu cử tác động như thế nào đến sự ủng hộ dành cho Ukraine. “Chúng ta phải đợi cho đến khi chính phủ mới được thành lập”, ông Kuleba nói.
MINH CHÂU/Theo SGGP