Tham vọng xây dựng 'nước Nga mới' của Tổng thống Putin

Tầm nhìn về xây dựng một nước Nga vĩ đại với các giá trị truyền thống đối chọi với phương Tây đã được ông Putin theo đuổi trong 4 nhiệm kỳ qua.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm nay sẽ tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ 5, trở thành một trong những lãnh đạo tại nhiệm lâu nhất thế giới. Sự kiện không chỉ đánh dấu 25 năm ông nắm giữ quyền lực, mà còn cho thấy sự thay đổi lớn của nước Nga, điều mà ông Putin nhiều khả năng sẽ thúc đẩy trong 6 năm tới và xa hơn.

Trong khi tiếp tục cuộc chiến ở Ukraine, Tổng thống Putin cũng đang chỉ đạo sự chuyển đổi quan trọng không kém trong nước, tái cấu trúc đất nước thành xã hội thời chiến và xem phương Tây là kẻ thù trực tiếp đe dọa đến sự tồn vong của nước Nga.

"Người Nga đang sống trong thực tế hoàn toàn mới", Dmitri Trenin, nhà phân tích ủng hộ Điện Kremlin, viết trong bài bình luận gần đây. Các bình luận viên Nga mô tả đây là "sức mạnh cách mạng" có thể thay đổi trật tự toàn cầu, vạch ra những quy tắc riêng, xây dựng mô hình mới thay thế cho mô hình phương Tây trong một thế giới đang được tái định hình bởi các cường quốc cạnh tranh ảnh hưởng.

Washington Post mô tả chuyển đổi mang tính lịch sử này giống như "cuộc thập tự chinh" của ông Putin. Chiến dịch ở Ukraine được xem là bước đi quyết liệt trong kế hoạch lớn của ông Putin nhằm khôi phục sự vĩ đại của Nga như siêu cường thời Liên Xô và thời kỳ của các sa hoàng trong 200 năm trước đó.

Tuy nhiên, quá trình ông chuyển đổi nước Nga diễn ra từ trước đó rất lâu. Ông đã thể hiện sức mạnh quân sự của Nga khi đưa quân vào Gruzia năm 2008, cũng như điều quân đội đến Syria và châu Phi.

Bên cạnh thể hiện sức mạnh quân sự, ông Putin cũng chú trọng bảo vệ các giá trị mà ông coi là "truyền thống của nước Nga" nhằm chống lại ảnh hưởng từ phương Tây, từ đó biến Nga thành một đối trọng với các cường quốc châu Âu và Mỹ, cũng như lôi kéo sự ủng hộ của các quốc gia đang phát triển.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Moskva ngày 18/3. Ảnh: AP

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Moskva ngày 18/3. Ảnh: AP

Trước khi phát động chiến dịch ở Ukraine cuối tháng 2/2022, ông Putin đã công bố sắc lệnh được coi là quan trọng đối với an ninh quốc gia Nga. Sắc lệnh đề ra các biện pháp khẩn cấp để bảo vệ "giá trị đạo đức và tinh thần truyền thống của Nga" và gọi Mỹ là mối đe dọa trực tiếp.

"Các mối đe dọa đối với giá trị truyền thống đến từ những tổ chức khủng bố và cực đoan, một số phương tiện và nền tảng truyền thông, hành động của Mỹ và các nước không thân thiện khác", sắc lệnh nêu rõ.

Ông Putin chỉ rõ mục tiêu quan trọng là "định vị Nga trên trường quốc tế như quốc gia giám sát và bảo vệ các giá trị đạo đức truyền thống toàn cầu".

Trong Thông điệp Liên bang hồi tháng 2, ông Putin đề cập tới việc thúc đẩy phụ nữ thêm sinh con và tạo ra "tầng lớp ưu tú" mới.

"Chúng ta có thể thấy những gì đang diễn ra ở một số nước, nơi các tiêu chuẩn đạo đức và gia đình đang bị cố tình phá hoại, đất nước bị đẩy đến bên bờ tuyệt chủng và suy đồi. Chúng ta chọn cuộc sống. Nga đã và vẫn là thành trì của các giá trị truyền thống nền tảng của nền văn minh nhân loại", ông nói.

Ông cũng tuyên bố về "thời đại của những anh hùng mới", nói rằng giới tinh hoa cũ "đã mất uy tín".

"Những người không làm gì cho xã hội song tự coi mình là tầng lớp được nhận các đặc quyền và đặc ân, đặc biệt những người lợi dụng quá trình chuyển đổi kinh tế trong những năm 1990 để kiếm chác, chắc chắn không được xem là giới thượng lưu. Những người phục vụ nước Nga, công nhân chăm chỉ, binh sĩ, người đáng tin cậy và chứng minh được lòng trung thành của họ là những người thực sự ưu tú", ông nói.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov trong phần trả lời yêu cầu bình luận của Washington Post cho biết mục tiêu của Nga là "khuyến khích người dân của chúng tôi sinh càng nhiều con càng tốt", nhằm tăng dân số đất nước.

"Trong các gia đình Nga, thế hệ ông bà từng có tới 7-8 người con và thậm chí nhiều hơn. Hãy bảo tồn và làm sống lại những giá trị truyền thống tuyệt vời này", ông Putin nói trong bài phát biểu hồi tháng 11 năm ngoái.

Trọng tâm trong tầm nhìn này là tạo ra một nhà nước hùng mạnh do ông Putin lãnh đạo và các cá nhân hy sinh lợi ích riêng cho đất nước, như đàn ông có thể sẵn sàng hy sinh mạng sống nếu có chiến tranh hoặc cống hiến cho công việc, trong khi phụ nữ nỗ lực sinh con để đảm bảo dân số.

Năm 2002, khi tổng thống Ba Lan lúc đó là Aleksander Kwasniewski có cuộc gặp gần 5 giờ với lãnh đạo Nga, ông Putin đã bày tỏ sự ngưỡng mộ với Peter Đại đế, Catherine Đại đế và cựu lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin. Ông cũng nêu rõ mong muốn xây dựng lại "nước Nga vĩ đại".

Tại Nga, ngân sách cho giáo dục lòng yêu nước và các tổ chức quân sự dành cho trẻ em, thanh thiếu niên đã tăng lên hơn 500 triệu USD vào năm 2024, gấp nhiều lần so với con số 34 triệu trong năm 2021, theo thống kê của nhật báo Nga RBC.

Bắt đầu từ tháng 9, tất cả học sinh Nga sẽ được tham gia các khóa huấn luyện quân sự do những người lính từng chiến đấu ở Ukraine hướng dẫn. Kể từ năm ngoái, sinh viên đại học cũng tham gia khóa học bắt buộc về lòng yêu nước.

Học sinh ở mọi lứa tuổi được tham gia hoạt động ủng hộ chiến tranh, gồm những cuộc trò chuyện với cựu chiến binh. Tại Novosibirsk, trẻ em chế tạo máy bay không người lái (UAV), trong khi tại Tatarstan, trẻ em tham gia sản xuất phần đuôi UAV. Những nhóm khác tham gia làm nạng cho thương binh hoặc tất cho những binh sĩ mất tay chân.

Giới tinh hoa Nga trong khi đó ngày càng có lập trường cứng rắn chống phương Tây. "Mọi người đều chống phương Tây, đó là tất cả những gì bạn có thể nghe thấy. Lập trường đó sẽ ngày càng gia tăng", một tỷ phú Nga sống ở nước ngoài chia sẻ.

Nhiều người Nga yêu nước đã hào hứng trước những lời hứa hẹn của ông Putin về tầng lớp tinh hoa mới. Yekaterina Kolotovkina, vợ của trung tướng Andrei Kolotovkin, người chỉ huy quân đoàn vũ trang số hai của Samara, đã xây dựng dự án "Những người vợ anh hùng", giới thiệu trên khắp nước Nga chân dung vợ của những người lính khoác lên người bộ quân phục của chồng.

Kolotovkin cũng điều hành nhóm phụ nữ hưu trí cung cấp băng gạc cho những người lính đang tham chiến ở Ukraine. Nhà kho của họ chất đầy hàng hóa gửi ra tiền tuyến, từ các gói bánh, kẹo cho tới những bùa may mắn tự làm.

"Những người trở về từ chiến trường chắc chắn sẽ tạo nên một thế hệ tinh hoa mới. Đây là những người đã chứng minh được tình yêu của họ với nước Nga. Họ là những người yêu nước thực sự và phải được đảm bảo việc làm đàng hoàng trong các cơ quan nhà nước", Kolotovkina nói.

Kolotovkina đổ lỗi cho phương Tây vì mang những giá trị "rác rưởi" tới Nga.

"Nước Nga mới sẽ tập trung về giá trị gia đình. Con cái chúng tôi khỏe mạnh và yêu nước. Đó sẽ là xã hội lành mạnh và yêu nước. Chúng tôi sẽ loại bỏ tất cả những người bắt đầu phá hủy đất nước của chúng tôi và Nga sẽ không có chỗ cho họ", cô nói.

Kể từ khi nắm quyền tổng thống vào ngày cuối cùng năm 1999, ông Putin đã định hình Nga như một khối thống nhất, không có chỗ cho phe đối lập chính trị hay những bất đồng quan điểm và thúc đẩy sự tận tâm với "các giá trị truyền thống".

Dù vậy, một số người theo đường lối tự do, bày tỏ hoài nghi về tương lai của tầm nhìn này. "Nhiều người trong xã hội Nga đã bắt đầu mệt mỏi với chính sách kinh tế thời chiến, với cuộc xung đột ở Ukraine, cũng như lập trường chống lại phương Tây", Abbas Gallyamov, từng là người viết diễn văn cho ông Putin giai đoạn 2008-2010, nói.

Gallyamov còn làm cố vấn chính trị cho Điện Kremlin đến năm 2018, trước khi đưa ra những ý kiến chỉ trích các quyết định của Tổng thống Putin và bị cấp trên dọa sa thải.

Ông sau đó đưa gia đình tới sống ở Israel. Năm ngoái, ông bị Bộ Nội vụ Nga đưa vào danh sách truy nã, trong khi Bộ Tư pháp Nga coi ông là "đặc vụ nước ngoài" và phát lệnh bắt hôm 4/3.

Giới quan sát nhận định trong nhiệm kỳ thứ 5, ông Putin sẽ tiếp tục theo đuổi tầm nhìn này nhằm xây dựng một "nước Nga mới", nơi không chấp nhận những người chống lại tham vọng đó. "Ở đây, ông Putin là người quyết định tất cả", một thành viên tầng lớp tinh hoa Nga cho biết.

Theo Vnexpress (Theo Washington Post, AP)