Thất bại bầu cử giáng đòn vào Tổng thống Hàn Quốc

Chiến thắng áp đảo giúp phe đối lập kiểm soát quốc hội, khiến Tổng thống Hàn Quốc đối mặt nhiều khó khăn để thúc đẩy chương trình nghị sự trong ba năm tới.

 

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol từng hy vọng cuộc bầu cử quốc hội tuần này sẽ giúp đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) của ông giành lại quyền kiểm soát cơ quan lập pháp Hàn Quốc. Điều đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ông thông qua các dự luật quan trọng để thực hiện cam kết tranh cử và hoàn thành cải cách trong 3 năm còn lại của nhiệm kỳ.

Tuy nhiên, những gì ông Yoon nhận về là thất bại cay đắng của PPP trước phe đối lập. Với hơn 99% số phiếu được kiểm và 8 ghế chưa định đoạt, phe đối lập gồm đảng Dân chủ (DP), đảng Dân chủ Thống nhất và đảng Tái thiết Hàn Quốc đã giành được tổng cộng 184 ghế trong 300 ghế quốc hội. PPP và đảng Tương lai Nhân dân đồng minh chỉ giành được 106 ghế.

Với kết quả này, ông Yoon trở thành tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc phải làm việc với quốc hội do phe đối lập kiểm soát trong toàn bộ 5 năm nhiệm kỳ kể từ năm 1987.

Phe đối lập không giành được đủ 200 ghế để có thể đơn phương luận tội tổng thống, kịch bản có thể khiến ông Yoon gần như mất đi toàn bộ quyền lực trong những năm còn lại của nhiệm kỳ.

Nhưng với vị thế kiểm soát 3/5 số ghế trong quốc hội, họ giờ đây có thể thúc đẩy những dự luật gây tranh cãi mà không cần sự ủng hộ từ đảng cầm quyền. Điều này đồng nghĩa Tổng thống Yoon sẽ đối mặt rất nhiều khó khăn trong chương trình nghị sự mà ông đang theo đuổi, theo Lee Haye-ah, nhà phân tích chính trị của Yonhap.

Việc ông khó tìm kiếm đồng thuận từ phe đối lập kiểm soát quốc hội có nguy cơ làm chệch hướng ba lĩnh vực cải cách lớn, gồm giáo dục, lương hưu và lao động. Đồng thời, kế hoạch cải cách y tế mà ông Yoon đang thúc đẩy cùng nhiều tham vọng chính sách khác cũng đứng trước nguy cơ bị gác lại.

Tổng thống Yoon Suk-yeol tại điểm bỏ phiếu ở Busan, Hàn Quốc ngày 5/4. Ảnh: AFP

Tổng thống Yoon Suk-yeol tại điểm bỏ phiếu ở Busan, Hàn Quốc ngày 5/4. Ảnh: AFP

Các chuyên gia chính trị cho rằng ông Yoon Suk-yeol không có lựa chọn nào khác ngoài thiết lập lại cách điều hành công việc quốc gia của mình. Lựa chọn này có thể mang tới nhiều thay đổi trong chính nội các của ông, cũng như khiến Tổng thống Hàn Quốc phải tìm cách tiếp cận phe đối lập, gồm cả gặp riêng lãnh đạo DP Lee Jae-myung. Ông Yoon chưa từng gặp ông Lee kể từ khi nhậm chức.

Nội các của Tổng thống Yoon ngay lập tức bị xáo trộn, khi Thủ tướng Han Duck-soo cùng các quan chức cấp cao như Chánh Văn phòng Tổng thống Lee Kwan-seop và lãnh đạo PPP Han Dong-hoon đã nộp đơn xin từ chức để chịu trách nhiệm về thất bại bầu cử của đảng.

Tổng thống Yoon tuyên bố sẽ cải cách các vấn đề trong nước theo ý chí của cử tri, tìm cách cải tổ chính quyền cũng như nỗ lực ổn định nền kinh tế, cải thiện sinh kế cho người dân.

Các nhà phân tích cho rằng kết quả bầu cử phản ánh nỗi thất vọng của người dân Hàn Quốc, khi chính quyền đã không giải quyết được tình trạng bất bình đẳng, giá nhà đất cao và tỷ lệ thanh niên thất nghiệp ở quốc gia 51 triệu dân này.

"Khi cử tri chọn tôi, các bạn đang phán xét chính quyền Tổng thống Yoon và trao cho đảng Dân chủ nghĩa vụ chịu trách nhiệm về sinh kế của người dân, tạo ra xã hội tốt đẹp hơn", ông Lee, lãnh đạo đảng DP đối lập, nói.

Một số nhà phân tích coi cuộc bầu cử quốc hội chính là cuộc trưng cầu dân ý giữa nhiệm kỳ về Tổng thống Yoon, trong bối cảnh Hàn Quốc đối mặt khủng hoảng chi phí sinh hoạt và loạt bê bối chính trị. Kết quả bầu cử cho thấy nền tảng ủng hộ ông Yoon đã suy giảm và tỷ lệ tín nhiệm dành cho lãnh đạo Hàn Quốc trong những tháng gần đây chỉ ở mức khoảng 30%.

"Sự phán xét" là cụm từ được những chính trị gia đối lập nhắc đến nhiều nhất trong các tuyên bố chiến thắng. Họ chỉ trích ông Yoon quản lý nền kinh tế yếu kém, cũng như việc ông từ chối thừa nhận vợ mình hành động không đúng mực khi được tặng món quà là chiếc túi hàng hiệu Dior trị giá 2.200 USD. Đệ nhất phu nhân Kim Keon-hee đã không xuất hiện trước công chúng kể từ ngày 15/12/2023 và vắng mặt khi ông Yoon bỏ phiếu.

Nền kinh tế Hàn Quốc năm ngoái tăng trưởng với tốc độ chậm hơn nhiều so với những nước phát triển khác và lạm phát đã tăng lên sau nhiều thập kỷ được kiềm chế.

Khi tranh cử, ông Yoon đề cao công lý khi xuất thân là một công tố viên quyết liệt với vấn nạn tham nhũng. Nhưng khi đương chức, việc chính phủ của ông tăng cường giám sát pháp lý các thành viên đảng đối lập được cho là mang động cơ chính trị. Ông cũng phủ quyết nỗ lực của quốc hội để điều tra Đệ nhất phu nhân Kim Keon-hee liên quan đến bê bối thao túng giá cổ phiếu công ty Deutsch Motors năm 2009-2012.

Khi dư luận bức xúc với cáo buộc Đệ nhất phu nhân Kim Keon-hee được một mục sư người Mỹ gốc Hàn tặng chiếc túi hiệu Christian Dior có giá khoảng 3 triệu won (2.200 USD) vào tháng 9/2022, vợ chồng ông không lên tiếng xin lỗi hay xử lý các vấn đề liên quan. Ông cho rằng đây là "cái bẫy có động cơ chính trị" nhằm làm tổn hại danh tiếng của ông trước cuộc bầu cử quốc hội.

"Kết quả bầu cử cho thấy sự phẫn nộ của mọi người đối với ông Yoon sau hai năm cầm quyền", nhà phân tích chính trị Yum Seung-yul cho hay. "Điều gì sẽ xảy ra nếu ông ấy không thay đổi sau kết quả bầu cử này? Tôi nghĩ công chúng sẽ tức giận hơn nữa và điều đó khiến tôi thấy lo lắng".

Những bê bối đẩy Tổng thống Hàn Quốc vào hiểm cảnh

Tỷ lệ cử tri đi bầu lần này ở Hàn Quốc đạt mức cao nhất trong ba thập kỷ qua, với 2/3 trong số 44,3 triệu cử tri đi bỏ phiếu.

Hai năm trước, Kim Sun-woo, nhân viên văn phòng 36 tuổi ở Seoul, ủng hộ ông Yoon trong cuộc tranh cử tổng thống. Nhưng giờ, anh thất vọng vì nhiều lời hứa tranh cử của ông Yoon không được hiện thực. Thay vào đó, anh chọn ủng hộ phe đối lập.

"Giống như nhiều người, tôi bỏ phiếu dựa trên mong muốn gửi thông điệp tới chính quyền hiện tại", Kim nói.

Chang, giám đốc điều hành công ty thiết kế 40 tuổi, cho biết ông là cử tri ủng hộ đảng DP, song lần này ông đi bỏ phiếu vì muốn "trừng phạt" chính phủ cầm quyền. "Điều đó bao gồm việc ông Yoon cố gắng hết sức để làm hài lòng Nhật Bản và cho phép họ xả nước thải Fukishima ra biển", ông nói.

Nhiều người Hàn Quốc đã tức giận khi chính quyền ông Yoon năm ngoái ủng hộ Tokyo trong việc xả nước làm mát từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển, dù Nhật Bản khẳng định nước thải đã được xử lý nghiêm ngặt trước đó và không phát hiện chất phóng xạ nguy hiểm.

Nông dân Hàn Quốc cầm hành lá kèm biểu ngữ Lương tháng của tổng thống chỉ đáng 875 won, trong cuộc biểu tình phản đối nông sản nhập khẩu ở Sejong ngày 25/3. Ảnh: AFP

Nông dân Hàn Quốc cầm hành lá kèm biểu ngữ "Lương tháng của tổng thống chỉ đáng 875 won", trong cuộc biểu tình phản đối nông sản nhập khẩu ở Sejong ngày 25/3. Ảnh: AFP

Theo luật, Tổng thống Yoon, 63 tuổi, sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2027 và không thể tái tranh cử. Ông sẽ đối mặt ba năm còn lại với rất nhiều trắc trở nếu không nhận được sự hợp tác từ phe đối lập tại quốc hội.

Khi những chính sách trong nước đứng trước nguy cơ bị quốc hội cản trở, giới quan sát cho rằng ông Yoon có thể tập trung nhiều hơn vào chương trình nghị sự nước ngoài trong những năm còn lại của nhiệm kỳ.

"Thành tựu của ông Yoon chủ yếu là về chính sách đối ngoại, tăng cường liên kết kinh tế với Mỹ và cải thiện quan song phương và ba bên với Nhật Bản", Joan Cho, giáo sư nghiên cứu về Đông Á và chính phủ tại Đại học Wesleyan ở Mỹ, nói.

"Với tình trạng hiện tại, tập trung vào chính sách đối ngoại, lĩnh vực ông Yoon vẫn có quyền lực theo luật định, có thể là lựa chọn hấp dẫn", giáo sư Mason Richey tại Đại học Ngoại ngữ Hankuk, có chung nhận định.

Tuy nhiên, giáo sư Richey cũng cảnh báo những kế hoạch đó cũng có thể gặp rủi ro nếu phe đối lập tìm cách cắt giảm ngân sách cho các chương trình đối ngoại. Moon Chung-in, cố vấn về chính sách Triều Tiên trong chính phủ tiền nhiệm, có quan điểm tương tự.

"Về mặt hiến pháp, tổng thống có thẩm quyền về chính sách an ninh quốc gia và đối ngoại. Song giống ở Mỹ, quốc hội có thể can thiệp bằng cách kiểm soát ngân sách và nếu liên minh đối lập chiếm đa số tại quốc hội, đòn bẩy chính sách của đảng cầm quyền sẽ rất hạn chế", giáo sư Moon nói.

Ông Moon, hiện là giáo sư danh dự tại Đại học Yonsei ở Seoul, cho rằng Tổng thống Yoon "sẽ phải thương lượng với phe đối lập", song điều này sẽ là một thách thức với người không thích thỏa hiệp như lãnh đạo Hàn Quốc.

"Với phong cách của ông ấy, điều này khó có thể xảy ra. Tôi cho rằng Tổng thống Yoon sẽ đối mặt với một tương lai nhiều bấp bênh", ông nói.

Thanh Tâm (Theo Yonhap, WSJ, Washington Times)

Nguồn: VnExpress