Thấy gì từ chuyến công du nước ngoài của Tổng thống Putin?

Sau một thời gian dài vắng bóng, ông Putin trở lại chính trường quốc tế với hình ảnh quen thuộc - một nhà lãnh đạo với phong thái điềm tĩnh, kiên nhẫn và tự tin.

Cuối tháng 2, khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, Tổng thống Putin xuất hiện với hình ảnh nhà lãnh đạo cứng rắn, quyết không thỏa hiệp với các tuyên bố sẵn sàng đáp trả khi lợi ích quốc gia bị đe dọa. 

Nhưng tới cuối tháng 6, ông chủ điện Kremlin trở lại với phong thái điềm tĩnh, kiên nhẫn và tự tin như thường lệ. 

Hôm 29/6, nhà lãnh đạo Nga tươi cười sải bước trên đường băng của một sân bay ở Turkmenistan, cởi bỏ chiếc áo khoác trước khi tiến về chiếc limousine bọc thép để tham dự hội nghị thượng đỉnh các quốc gia ven biển Caspi.

Chuyến công du nước ngoài đầu tiên

Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Putin sau khi Nga đưa quân sang Ukraine và đánh dấu lần đầu tiên ông rời Nga sau khi đại dịch bùng phát. 

Theo New York Times, chuyến đi dường như được thiết kế để đối trọng với hội nghị thượng đỉnh NATO ở Tây Ban Nha, nơi các quốc gia phương Tây công bố tầm nhìn chiến lược mới với Moskva là đối thủ chính.

Thấy gì từ chuyến công du nước ngoài của Tổng thống Putin? - 1

Ông Putin tươi cười sải bước trên đường băng của một sân bay ở Turkmenistan. (Ảnh: Getty Images)

Ông chủ điện Kremlin gửi đi một thông điệp tới người dân Nga và cả thế giới rằng bất chấp xung đột ở Ukraine, Moskva đang trở lại. 

Chuyến đi cũng giúp ông định hình lại hình ảnh của mình - một nhà lãnh đạo bình tĩnh, đĩnh đạc, bảo vệ người dân Nga khỏi những nguy cơ của thế giới. Nhà lãnh đạo Nga dường như muốn cho thế giới thấy rằng hệ thống kinh tế và chính trị Nga đã ổn định trở lại sau thời gian đầu chệch choạc vì loạt cấm vận từ phương Tây.

Theo NYT, điểm mấu chốt trong thông điệp mà ông Putin gửi gắm qua chuyến công du lần này là kịch bản Nga hoàn toàn bị cô lập khỏi thế giới là không thể.

Hôm 29/6, ông bay tới Turkmenistan để tham dự cuộc gặp với lãnh đạo các quốc gia ven biển Caspi, bao gồm Azerbaijan, Kazakhstan, Iran và Turkmenistan.

Hội nghị này có ý nghĩa thiết thực bởi Nga đang cố mở rộng ảnh hưởng ở khu vực giàu năng lượng, có tầm quan trọng về kinh tế, đồng thời tìm cách lấp đầy khoảng trống quyền lực Mỹ để lại sau khi rút quân khỏi Afghanistan.

Nhưng sự kiện này cũng mang tính biểu tượng đối với những người theo dõi ông Putin từ quê nhà. Nó mang đến một bức tranh toàn cảnh về hoạt động ngoại giao và quyền lực mềm của Nga khi các lãnh đạo phương Tây tụ họp tại Madrid.

Hội kiến với lãnh đạo khu vực Caspi, ông Putin kêu gọi hợp tác khu vực nhiều hơn nữa, bao gồm việc tổ chức một diễn đàn phim ảnh.

Tại cuộc họp báo ngắn sau đó, ông nhấn mạnh chiến dịch quân sự quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine đang diễn ra theo đúng kế hoạch và không cần phải đưa ra bất kỳ thời hạn nào để kết thúc nó. 

“Không cần phải nói về bất kỳ thời hạn nào. Tôi không bao giờ nói về hạn chót vì đó là cuộc sống, là thực tế. Việc áp đặt hạn chót là không đúng, bởi nó liên quan đến cường độ tác chiến, vấn đề gắn liền với thương vong. Chúng tôi phải đặt việc bảo vệ mạng sống của những binh sĩ lên trên hết”, ông khẳng định. 

Tới 30/6, vị Tổng thống Nga tiếp tục khẳng định sẽ không lùi bước trong video phát biểu tại một hội nghị ở St. Petersburg. 

Chờ đợi

Tatiana Stanovaya, chuyên gia lâu năm về điện Kremlin nói cô không bất ngờ với sự "phủ sóng" liên tục của ông Putin thời gian gần đây. 

Ông chủ điện Kremlin có thể kín tiếng trong vài tuần, không xuất hiện trước máy quay một thời gian dài. Nhưng khi mọi thứ dần ổn định trở lại, ông tham gia một loạt các sự kiện. 

Thấy gì từ chuyến công du nước ngoài của Tổng thống Putin? - 2

Ông Putin xuất hiện trong một sự kiện tổ chức tại St.Petersburg. (Ảnh: Reuters)

Cách đây vài tuần, ông dành hơn 90 phút trong phiên họp ở tòa thị chính với các doanh nhân trẻ. Một tuần sau đó, ông xuất hiện trong gần 4 giờ trên sân khấu tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St.Petersburg.

"Ông ấy bắt đầu tích cực xuất hiện trước công chúng, cởi mở hơn, thẳng thắn hơn", bà Stanovaya nhận định.  

 

Trong bài phát biểu tuyên bố phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, ông dùng các từ ngữ với sắc thái mạnh, lên án gay gắt Mỹ và phương Tây. 

Nhưng với các tuyên bố gần đây, ông tránh chỉ trích và trở lại với hình ảnh một nhà lãnh đạo điềm tĩnh. 

Theo NYT, trái với cảnh báo ban đầu từ Moskva, các động thái của phương Tây gần đây như trao tư cách ứng cử viên Liên minh châu Âu cho Ukraine và mời Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO không kích động bất cứ sự trả đũa mạnh mẽ nào từ ông Putin.

Thay vào đó, chiến lược của ông dường như là chờ đợi, chờ cho quyết tâm của phương Tây chùn bước trước áp lực kinh tế, chờ cho chính phủ của Tổng thống Volodymyr Zelensky của Ukraine sẽ lùi bước khi Nga đẩy mạnh đà tiến công. 

Theo bà Stanovaya, Moskva dường như đang bước vào thời kỳ hòa hoãn với Washington khi nhận thấy Tổng thống Biden đang đặt ra các giới hạn về quy mô viện trợ cho Ukraine để tránh gây xung đột trên diện rộng.

"Nga đang theo dõi sát sao các tuyên bố từ chính quyền Biden và chờ đợi", chuyên gia này cho hay, đánh giá cách tiếp cận này vẫn tiềm ẩn không ít rủi ro.

Trong bài phát biểu tại Turkmenistan hôm 29/6, ông Putin không đề cập tới Ukraine hay cuộc đối đầu của ông với phương Tây. Thay vào đó, ông đề cập tới các nỗ lực của Nga nhằm cải thiện giao thông và du lịch trong khu vực cũng như giải quyết ô nhiễm và nguồn thủy sản cạn kiệt.

Ông cho biết con tàu du lịch đầu tiên của Caspi sẽ tới vùng Astrakhan của Nga vào năm tới. Tên con tàu là Peter Đại đế.

Theo VTC News (Nguồn: The New York Times)