Thư từ nước Mỹ: "Đạo luật vì dân" – Một "cải cách" thật sự khó hiểu

Sau khi đảng nắm quyền bị một đảng khác thay thế thì đảng mới sẽ lại lợi dụng hệ thống mà dự luật HR1 đã tạo ra theo cách của mình.

Thư từ nước Mỹ: "Đạo luật vì dân" – Một "cải cách" thật sự khó hiểu

Nước Mỹ trước giờ vẫn luôn có uy tín với các cuộc bầu cử "tự do và công bằng", quyền lực được chuyển giao một cách hoà bình từ chính quyền cũ sang chính quyền mới. Khi những điều đó được thực hiện, cuộc bầu cử sẽ được tuyên bố là đảm bảo tính hợp pháp của quy trình dân chủ.

Cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 năm 2020 và những sự kiện liên quan sau đó đã diễn ra như vậy.

Tháng 02 năm 2021, phe cánh tả với quyền đa số tại Hạ viện đã thông qua một dự luật ký hiệu HR1 để khắc phục những lỗ hổng trong cuộc bầu cử 2020 mà nhiều người cho rằng cần phải được xử lý để đảm bảo tính hợp pháp và liêm chính trong bầu cử.

Dự luật HR1 hiện đang chờ Thượng viện thông qua.

Người dân Mỹ được thông tin rằng dự luật này sẽ đưa ra những giải pháp để đảm bảo các cuộc bầu cử tới đây sẽ tốt hơn.

Thực tế như thế nào?

Cử tri và Giấy tờ tuỳ thân

Hầu hết các tiểu bang yêu cầu cử tri xuất trình giấy tờ tùy thân có dán ảnh khi bỏ phiếu trực tiếp. Dự luật HR1 xoá bỏ yêu cầu này. Rõ ràng, nếu một người không có giấy tờ tuỳ thân thì không ai có thể xác minh được danh tính của họ: bất kỳ ai cũng có thể xuất hiện và bỏ phiếu thay cho một cử tri đã đăng ký.

Dự luật HR1 mặc định rằng nhiều người ở Mỹ, đặc biệt là những người thuộc các nhóm thiểu số đều không có giấy tờ tuỳ thân. Tuy nhiên, hãy cứ thử đến thư viện mượn sách xem sao: bất kỳ ai cũng phải xuất trình giấy tờ tuỳ thân mới được mượn. Tương tự như vậy nếu người ta đi khám bệnh, lấy bằng lái xe ô tô, gia nhập quân đội, đăng ký vào đại học, lên máy bay, mua rượu, nhận trợ cấp an sinh xã hội và bắt đầu một công việc ở chỗ làm mới.

Mà thực tế là kể cả người nhập cư bất hợp pháp cũng không gặp khó khăn gì khi làm giấy tờ tuỳ thân, tương tự như việc sinh viên đại học đi mua rượu. Nếu chưa có giấy tờ tuỳ thân, ai cũng có thể dễ dàng đi làm.

Đăng ký cử tri tự động

Nhiều người dân không đăng ký bỏ phiếu – lý do vừa có thể là họ không hài lòng về chính trị vừa có thể là họ đã hài lòng rồi nên yên tâm không cần bỏ phiếu. Dự luật HR1 yêu cầu người dân bắt buộc phải đăng ký cử tri dù thích hay không.

Hệ quả của việc này là trong hệ thống sẽ có tên của nhiều người thuộc diện bỏ phiếu nhưng sẽ không đi bỏ phiếu. Đây là điều dễ dẫn đến khả năng gian lận. Danh sách đăng ký cử tri được công khai, như vậy những kẻ gian lận chỉ cần tra cứu thông tin của các cử tri đã đăng ký và sau đó bỏ phiếu dưới tên của họ.

Thanh lọc danh sách cử tri

Có nhiều người đã chuyển nhà đi nơi khác và do đó không đủ điều kiện để bỏ phiếu tại địa chỉ cũ. Ngoài ra, còn những người đã qua đời hoặc mất khả năng lao động và những người thuộc diện không thể bỏ phiếu. Tất cả đều được coi là đối tượng không hợp lệ để bỏ phiếu.

Dự luật HR1 nghiêm cấm các tiểu bang xoá tên những cử tri này khỏi danh sách cử tri đăng ký. Vậy hãy thử làm một phép cộng các mục đáng chú ý của dự luật này: Không yêu cầu xuất trình giấy tờ tuỳ thân khi đi bỏ phiếu, đăng ký cử tri tự động, lệnh nghiêm cấm xoá tên cử tri không hợp lệ khỏi danh sách cử tri tiểu bang – quả là một cơ hội lớn cho gian lận có đất sống.

Quyền bỏ phiếu của người mắc trọng tội

Dự luật HR1 khôi phục quyền bỏ phiếu của những người bị kết án trọng tội, bao gồm cả nhóm đang thi hành án tù và nhóm đã ra tù. Khi một người đã hoàn thành việc chấp hành án thì việc khôi phục quyền bỏ phiếu là hợp lý. Nhưng với những người còn đang chấp hành án tù thì sẽ không hợp lý nữa.

Tại sao những tù nhân phạm trọng tội lại được ưu tiên cao như vậy? Lẽ nào những người này là đảng viên cánh tả sao?

Bỏ phiếu sớm

Việc bỏ phiếu trước ngày bầu cử năm 2020 đã dẫn đến nhiều hoạt động bất hợp pháp và phi đạo đức. Trong hầu hết các cuộc bầu cử trước đây, cử tri chỉ đi bỏ phiếu vào đúng ngày bầu cử. Năm 2020, việc bỏ phiếu bắt đầu trước đó một tháng. Việc này đã kéo theo rất nhiều vấn đề: các biến cố lớn có xu hướng xảy ra ngay trước ngày bầu cử; thành ra những người bỏ phiếu sớm không thể tính đến những điều này trước khi điền lựa chọn vào lá phiếu. Trong trường hợp các đảng phái chính trị có hành vi sai trái thì việc bỏ phiếu sớm mang lại lợi thế cho họ bởi các lá phiếu đã được gửi đi và cử tri không còn cơ hội cân nhắc lại.

Một vấn đề khác là khuynh hướng bỏ phiếu cho một ứng viên nhất định trở nên rất rõ ràng từ trước ngày bầu cử. Trong bối cảnh bỏ phiếu sớm, điều này sẽ khiến những cử tri chưa đi bỏ phiếu nhụt chí. Người ta sẽ băn khoăn: Tại sao phải đứng dưới mưa hàng giờ đồng hồ để chờ bỏ được lá phiếu khi kết quả bầu cử đã hiển nhiên rồi?

Bỏ phiếu qua thư

Bỏ phiếu qua thư chính là một vấn đề gặp phải trong cuộc bầu cử 2020. Đến tận nhiều ngày sau ngày 3/11, các lá phiếu vẫn tiếp tục được đếm với lý do khách quan là do đại dịch Covid-19 đã gây ra sự chậm trễ. Tiêu chí để xác định tính hợp lệ của một lá phiếu là dấu bưu điện. Đủ các vấn đề đã xảy ra trong thực tế: mất thư, nhân viên bưu điện huỷ thư.

Trước đây, việc bỏ phiếu qua thư chỉ được cho phép nếu cử tri có lý do chính đáng khiến họ không thể trực tiếp bỏ phiếu: bệnh tật, nghĩa vụ quân sự, vướng bận công việc ở nơi khác ngoài tiểu bang sinh sống… Vì Covid-19, không cần phải có lý do nào nữa cả, và dự luật mới sẽ tiếp tục cho phép việc này.

Các biện pháp kiểm soát việc bỏ phiếu qua thư rất lỏng lẻo – không kiểm soát được việc ai đã điền thông tin vào lá phiếu và gửi lá phiếu đó qua đường bưu điện. Một số tiểu bang đã gửi phiếu bầu qua đường bưu điện đến cho tất cả cử tri đã đăng ký. Chuyện xảy ra năm 2020 là nhiều lá phiếu đã được gửi đến cho những người đã chuyển khỏi tiểu bang, những người đã qua đời và những người không đủ điều kiện bỏ phiếu. Với những lá phiếu này, bất kỳ ai cũng có thể điền thông tin và gửi lại qua đường bưu điện.

Không yêu cầu xác minh chữ ký

So sánh chữ ký trên biểu mẫu đăng ký cử tri với chữ ký trên lá phiếu là một cách để ngăn ngừa gian lận. Dự luật HR1 không yêu cầu phải xác minh chữ ký. Một lần nữa, điều này sẽ cho phép những kẻ gian lận có thể đàng hoàng điền thông tin vào các lá phiếu.

Tệ hơn nữa, khi xảy ra các vấn đề gây tranh cãi trong bầu cử, nhiều chính quyền địa phương đã từ chối xác minh chữ ký trong quá trình thực hiện kiểm phiếu lại.

Vote harvesting

"Vote harvesting" là chỉ việc các đảng chính trị cho người định vị các cử tri tiềm năng, cử người đến tận nhà "giúp" cử tri điền vào lá phiếu của họ, và sau đó "giúp" họ chuyển lá phiếu đến địa điểm bỏ phiếu chính thức. Với cách làm như vậy, chỉ một người "hỗ trợ" đã có thể can thiệp đến hàng trăm lá phiếu.

Dự luật HR1 cho phép việc này chẳng khác nào khuyến khích gia tăng gian lận – ôi không, ý tôi là gia tăng "quyền tiếp cận" bỏ phiếu.

Hỗ trợ Liên bang cho Bảo mật Hệ thống

Dự luật HR1 kêu gọi chính phủ liên bang giám sát an ninh hệ thống bỏ phiếu điện tử trên toàn quốc. Điều này nghe ra có vẻ hợp lý cho đến khi bạn nhận ra một điều: bản thân chính phủ liên bang còn không thể bảo mật được các hệ thống máy tính của chính mình trước các cuộc tấn công mạng.

Điều gì thúc đẩy Cải cách Bầu cử?

Bạn không cần phải có bằng tiến sĩ về khoa học chính trị để nhận ra một điều rằng đảng nắm quyền tại Mỹ lúc này đang mong muốn điều chỉnh hệ thống bầu cử theo hướng có lợi cho mình. Họ đã từ bỏ các thông lệ bầu cử tiêu chuẩn trước đây và dự định phổ biến các quy tắc mới được thử nghiệm và đã thành công vào năm 2020.

Hơn nữa, bằng cách ban hành các tiêu chuẩn bỏ phiếu và hệ thống bảo mật trên toàn quốc, dự luật HR1 loại bỏ các trách nhiệm hiến định của các chính quyền tiểu bang và chuyển giao lại cho chính quyền liên bang. Điều này là vi phạm học thuyết "phân quyền" giữa tiểu bang và chính quyền liên bang.

Thư từ nước Mỹ: Đạo luật vì dân – Một cải cách thật sự khó hiểu - Ảnh 1.

Những cải cách mà dự luật này đề xuất sẽ khiến những cuộc bầu cử trong tương lai bị thao túng nhiều hơn. Chúng sẽ tạo cơ hội để "những kẻ xấu" có thể thực hiện những hoạt động bất thường để lợi dụng.

Một số người có thể cho rằng bất thường trong bầu cử là điều không thể tránh được hoàn toàn, miễn là chúng không ảnh hưởng đến kết quả bầu cử. Nhưng nói như vậy là sai. Tất cả từng lá phiếu bầu của từng cử tri đều phải được kiểm đếm và không ai có quyền can thiệp vào việc này.

Dự luật HR1 mặc định rằng những tác giả của dự luật này có thể sử dụng nó để nắm giữ quyền lực mãi mãi. Nhưng họ không nhận thấy một điều là việc duy trì quyền lực lâu dài trong hệ thống của Mỹ là điều bất khả thi. Sau khi đảng nắm quyền bị một đảng khác thay thế thì đảng mới sẽ lại lợi dụng hệ thống mà dự luật HR1 đã tạo ra theo cách của mình.

Dự luật HR1 có tiêu đề: "Đạo luật vì dân"- Không hề!

Tiến sỹ Terry F. Buss – Chuyển ngữ: Đào Thuý

Nguồn Soha

Nguồn:vpdf.org.vn Copy link