Trí thức, văn nghệ sĩ 'cần giữ cốt cách như tùng, như bách'

Theo Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, văn nghệ sĩ, trí thức, nhà khoa học cần giữ vững cốt cách "như tùng, như bách", tiếp tục tận hiến vì dân tộc.

 

Sáng 16/2, phát biểu tại hội nghị gặp mặt trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ nhân dịp xuân Quý Mão 2023, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng dẫn câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài, có đức". Hiện nay Việt Nam có dân số gần 100 triệu người và hơn 5 triệu đồng bào ở nước ngoài, vì vậy "người có tài, có đức sẽ nhiều hơn".

Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam đã tập hợp được 2,2 triệu trí thức, Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tập hợp hơn 40.000 văn nghệ sĩ. Ngoài ra, lực lượng văn nghệ sĩ, trí thức sinh sống ở nước ngoài cũng rất hùng hậu, hoạt động nhiều lĩnh vực. "Các nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ là nguyên khí quốc gia, vốn quý của dân tộc", ông Thưởng nhấn mạnh.

Theo Thường trực Ban Bí thư, nói đến nhà khoa học, văn nghệ sĩ, trí thức là nói đến tài năng, tâm huyết, yêu nước, mẫn cảm với thời cuộc, có tinh thần quốc gia, dân tộc. Đảng, Nhà nước luôn tạo điều kiện tốt nhất để giải phóng năng lực, khuyến khích trí thức, văn nghệ sĩ thử nghiệm, sáng tạo để nhân lên tình yêu, cảm hứng, khát vọng xây dựng đất nước.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu tại hội nghị gặp mặt trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ, sáng 16/2. Ảnh: Hoàng Phong

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu tại hội nghị gặp mặt trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ, sáng 16/2. Ảnh: Hoàng Phong

Khi đất nước trong giai đoạn khó khăn, nhiều văn nghệ sĩ, trí thức tiền bối đã chấp nhận hi sinh, gian khổ, hòa mình vào cuộc kháng chiến, kiến quốc, cống hiến tài năng cho đất nước. Họ để lại cho hậu thế bài học sâu sắc về giá trị, phẩm giá con người.

Để phát huy vai trò của trí thức, văn nghệ sĩ, ông Thưởng cho rằng cần có cơ chế thu hút, trọng dụng nhân tài, để người chuyên môn cao có đãi ngộ thỏa đáng; tôn trọng và có cơ chế phù hợp nâng cao chất lượng tư vấn, phản biện của chuyên gia, trí thức, nhà khoa học với các vấn đề của đất nước.

'Được đặt niềm tin, nhà văn sẵn sàng dấn thân'

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch hội Nhà văn Việt Nam đề xuất, Đảng, Nhà nước cần tiếp tục đầu tư cho các nhà văn, "không phải về tiền, điều kiện sống mà quan trọng hơn là niềm tin". Khi được đặt niềm tin, các nhà văn sẽ có cảm hứng, sẵn sàng dấn thân.

Bên cạnh đó, nhà văn cũng cần được đầu tư về không gian tự do sáng tạo, "chứ không phải là biệt thự, trại sáng tác như khách sạn năm sao". "Chưa bao giờ nghệ sĩ được quyền sáng tạo, bày tỏ phản biện xã hội như hiện nay. Không gian sáng tạo tự do sẽ chắp cánh cho nhà văn bay lên", ông Thiều khẳng định.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Ảnh: Hoàng Phong

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Ảnh: Hoàng Phong

Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, cần thẳng thắn nhìn nhận những thành tựu lĩnh vực văn hóa nghệ thuật "chưa tương xứng với kỳ tích của dân tộc, chưa đáp ứng kỳ vọng của người dân".

Các công trình, tác phẩm tầm vóc, được công chúng trong và ngoài nước ghi nhận đang "vắng bóng". Nhiều loại hình nghệ thuật dân gian, bác học sa sút nghiêm trọng. Xu thế nghiệp dư trong sáng tác và biểu diễn đang lên ngôi với những tác phẩm thị trường, nhảm nhí để đáp ứng thị hiếu một bộ phận công chúng.

"Sản phẩm văn hóa ngoại lai, chất lượng thấp, phản cảm đang chiếm lĩnh các phân khúc thị trường văn hóa từ thành thị đến nông thôn, từ sân khấu, màn ảnh đến báo hình, báo mạng, đến cả chốn linh thiêng như di tích, lễ hội", ông Quân bày tỏ trăn trở.

Viết Tuân

Nguồn: VnExpress