Trung Quốc nổi cơn thịnh nộ, đưa ra quyết định chưa từng có trong quan hệ với EU: Giọt nước đã tràn ly

Vụ phản công của Trung Quốc, thông qua cơ quan ngôn luận nổi tiếng Thời báo Hoàn cầu như "giọt nước làm tràn ly", khiến EU giật mình nhìn lại tham vọng của Bắc Kinh.

Việc Đại sứ Trung Quốc tại Lithuania Shen Zhifei bị bãi nhiệm là một sự kiện chưa từng có trong quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc. Theo giới phân tích, vụ việc này cho thấy EU đang cảnh giác hơn với tham vọng của Trung Quốc ở vùng Baltic.

Căng thẳng ngoại giao giữa Trung Quốc và Lithuania đang leo thang đến đỉnh điểm khi Ngoại trưởng Gabrielius Landsbergis của Lithuania ngày 3/9 kêu gọi các quốc gia châu Âu giảm sự phụ thuộc vào Bắc Kinh sau quyết định triệu hồi đại sứ của hai bên.

Động thái chưa từng có trong quan hệ EU-Trung Quốc

Lần đầu tiên, một nhà ngoại giao Trung Quốc ở một quốc gia EU đột ngột bị bãi nhiệm và triệu hồi trở về nước kể từ khi liên minh được thành lập vào năm 1993.

Như người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying đã thông báo, quyết định này là do cái mà Bắc Kinh gọi là vi phạm "chính sách Một Trung Quốc", một vấn đề nhạy cảm đối với Trung Quốc. Đối với EU, đây có thể là thời điểm để thể hiện sự đoàn kết của châu Âu.

Trung Quốc nổi cơn thịnh nộ, đưa ra quyết định chưa từng có trong quan hệ với EU: Giọt nước đã tràn ly - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Lithuania nói EU cần phải đánh giá lại mối quan hệ với Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Mối quan hệ giữa Lithuania và Trung Quốc rơi vào vòng xoáy căng thẳng từ khá lâu. Hồi tháng 5, chính phủ ở Vilnius tuyên bố rút khỏi diễn đàn hợp tác 17+1 mà Bắc Kinh thiết kế để tạo điều kiện thuận lợi cho mối quan hệ của họ với 17 quốc gia trong khu vực ở Trung và Đông Âu (CEE). Qua tháng 6, Lithuania đã tặng 20.000 liều vắc xin AstraZeneca cho Đài Loan để cảm ơn việc hòn đảo này tặng khẩu trang và sản phẩm y tế cho họ vào năm 2020.

Đỉnh điểm căng thẳng là vào tháng 7 sau khi Đài Loan thông báo sẽ mở văn phòng đại diện tại thủ đô Vilnius của Lithuania với tên gọi "Văn phòng đại diện Đài Loan tại Lithuania". Trung Quốc ngay lập tức cho rằng tính toàn vẹn lãnh thổ của họ bị xâm phạm, và đã triệu hồi đại sứ của họ tại Vilnius về nước, cũng như yêu cầu đại sứ Lithuania tại Bắc Kinh rời đi.

Giới chuyên gia cho rằng, việc Đài Loan mở văn phòng đại diện của mình tại các nước trên thế giới không hiếm. Hiện chính quyền Đài Bắc có tất cả 57 văn phòng loại này tại 57 quốc gia mà Đài Loan không có quan hệ ngoại giao.

Tuy nhiên, vấn đề khiến Bắc Kinh nổi cơn thịnh nộ là chính quyền quốc gia vùng Baltic này không gọi cơ sở đó là văn phòng đại diện của Đài Bắc, theo cách mà Trung Quốc đưa ra, mà lại dùng tên Đài Loan (các văn phòng đại diện của Đài Loan tại châu Âu chỉ sử dụng từ Đài Bắc thay vì Đài Loan).

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã lên án một động thái "vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc và đi ngược lại nguyên tắc một Trung Quốc".

EU cũng đáp trả, lưu ý rằng những động thái như vậy "chắc chắn có tác động đến quan hệ chung giữa EU và Trung Quốc" và nói thêm rằng EU không coi việc mở văn phòng đại diện với việc dùng từ Đài Loan là vi phạm chính sách "Một Trung Quốc của EU".

Trung Quốc nổi cơn thịnh nộ, đưa ra quyết định chưa từng có trong quan hệ với EU: Giọt nước đã tràn ly - Ảnh 2.

               Đại sứ Lithuania tại Trung Quốc Diana Mickeviciene. Ảnh: SCMP

Đây là thời điểm để châu Âu đoàn kết

Trong bối cảnh căng thẳng như thế này theo trang Cepa, trong cuộc thảo luận ngày 3/9 về quan hệ của EU với Trung Quốc, Ngoại trưởng Gabrielius Landsbergis của Lithuania nói khối này cần phải đánh giá lại mối quan hệ với Trung Quốc.

Theo ông, "chính sách đối với Trung Quốc của từng quốc gia thành viên không giúp đẩy mạnh chính sách của EU. Nếu mỗi nước tự hành động và bỏ qua cơ chế EU 27, chúng ta sẽ thua ở rất nhiều mặt".

Ngoại trưởng Lithuania cũng khuyến khích các quốc gia khác thực hiện động thái đáp trả Trung Quốc tương tự và đề xuất rằng đã đến "thời điểm cao" để chuyển sang "định dạng 27+1", tức là để toàn EU tham gia vào việc phát triển một chính sách thống nhất đối với Bắc Kinh.

Ngoại trưởng Lithuania cũng kêu gọi EU tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế và giảm sự phụ thuộc vào thương mại Trung Quốc.

Ông nói: "EU mạnh nhất khi tất cả 27 quốc gia thành viên cùng hành động với các thể chế của EU". Thực tế các sự kiện gần đây cho thấy, lời kêu gọi của Lithuania về sự đoàn kết của châu Âu được nhận xét là đúng.

"Giọt nước làm tràn ly"

Có lẽ theo một cách nào đó, có thể thấy rằng, vụ phản công của Trung Quốc, thông qua cơ quan ngôn luận nổi tiếng Thời báo Hoàn cầu, trong đó mô tả Lithuania là "quốc gia chống Nga nhất ở châu Âu" cùng với đề xuất rằng Trung Quốc nên bắt tay với Nga và Belarus, để thực hiện các biện pháp trừng phạt nhằm vào Lithuania như "giọt nước làm tràn ly".

Một đề xuất và thông điệp như vây, được cơ quan truyền thông chính phủ nổi tiếng có quan điểm diều hâu như Thời báo Hoàn cầu đăng tải được xem như là một lời cảnh báo sớm đối với EU, đặc biệt là trước những chia rẽ trong khối về quan hệ với Trung Quốc.

Hiệp định Toàn diện về Đầu tư (CAI), được đàm phán vào cuối năm 2020, là một ví dụ tuyệt vời. Bất chấp việc Đức và Pháp nhất trí thỏa thuận này, những quốc gia khác như Italia, Ba Lan, Bỉ và Tây Ban Nha đã phản đối cách mà Thủ tướng Đức Angela Merkel thông qua thỏa thuận trong những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu của Đức.

Trung Quốc nổi cơn thịnh nộ, đưa ra quyết định chưa từng có trong quan hệ với EU: Giọt nước đã tràn ly - Ảnh 3.

Bên ngoài tòa nhà Đại sứ quán Trung Quốc ở Vilnius, Lithuania hôm 23/7. Trung Quốc hiện đã rút đại sứ khỏi Lithuania trong vụ căng thẳng liên quan đến vấn đề Đài Loan. Ảnh: EPA

Sự khác biệt về quan điểm giữa các thành viên EU và cả phản ứng không kiên quyết của EU thật sự khiến Trung Quốc không thể không lưu tâm. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng, thái độ hiện tại của EU, trong đó vừa coi Trung Quốc là đối tác, đối thủ cạnh tranh và đồng thời là đối thủ mang tính hệ thống là "rất mâu thuẫn".

Đối với các nhà hoạch định chính sách của EU, phản ứng hợp lý là loại bỏ một chính sách mâu thuẫn và thay thế nó bằng sự rõ ràng bằng cách tạo ra một chính sách thống nhất và chặt chẽ hơn đối với Trung Quốc. Trước những mối đe dọa nhắm vào một quốc gia thành viên, EU cần có sự đoàn kết không chỉ ở cấp độ "trên những tuyên bố" mà cần phải hành động thực tế.

Trang Cepa cho rằng, EU cần mặc định những lời kêu gọi từ các quốc gia không thuộc EU để "trừng phạt" một thành viên EU sẽ không được chấp nhận như một đòn đáp trả rõ ràng nhằm vào đề xuất trừng phạt đầy "ác ý" trên tờ Thờ báo Hoàn cầu.

Ban đối ngoại của EU, EEAS, cũng như các cơ quan khác của EU, nên xây dựng một mặt trận thống nhất giữa các quốc gia thành viên để kiên quyết phản đối các hành vi như vậy.

Trường hợp của Lithuania có thể được coi là một phép thử đối với chính sách đối ngoại của EU, và từ quan điểm của các quốc gia thành viên, do đó, cần nắm bắt cơ hội này để thể hiện sự đoàn kết của châu Âu.

Việc giải quyết cuộc xung đột hiện tại giữa Trung Quốc và Lithuania sẽ cho thấy những lời của chuyên gia nghiên cứu về Đông Âu của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc Zhang Hong có đúng hay không. "EU có truyền thống ngoại giao là bảo vệ các thành viên của mình. . . về các vấn đề không phải lợi ích cốt lõi và các vấn đề nội bộ ngoài EU nhưng thường chỉ mang tính biểu tượng".

Vì vậy, đã đến lúc EU cần vượt ra ngoài chủ nghĩa tượng trưng này. Bởi vì an ninh của một quốc gia thành viên là lợi ích cơ bản của tất cả các thành viên EU.

Theo Soha