Vụ Iran tập kích Israel phơi bày khác biệt trong chính sách đối ngoại Biden - Trump

Phản ứng của ông Trump và ông Biden với vụ Iran tập kích Israel đã cho thấy khác biệt trong chính sách của hai người đối với cả đồng minh lẫn đối thủ Mỹ.

Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đêm 13/4 phóng hơn 170 máy bay không người lái (UAV), 120 tên lửa đạn đạo và 30 tên lửa hành trình nhằm vào nhiều mục tiêu ở Israel để đáp trả vụ không kích tòa lãnh sự Iran tại Syria hồi đầu tháng.

Đợt tấn công của Iran không gây thiệt hại đáng kể cho Israel, kể cả về hạ tầng. Quân đội Israel, với sự hỗ trợ từ Mỹ, Anh, Pháp và Jordan, đánh chặn hầu hết UAV, tên lửa Iran.

Các quan chức Israel cho biết trong khi trận tập kích dài 5 giờ của Iran diễn ra, nội các chiến tranh của Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã muốn lập tức tung đòn đáp trả mạnh mẽ nhằm vào Tehran. Giới quan sát cho rằng vụ tập kích là cái cớ "không thể tốt hơn" để Israel tấn công các cơ sở hạ tầng quan trọng của Iran, đặc biệt là các nhà máy hạt nhân của nước này, vốn từ lâu đã trở thành "cái gai trong mắt" Tel Aviv.

Nếu Israel tiến hành đòn tấn công đáp trả vào thời điểm đó, cuộc khủng hoảng Trung Đông chắc chắn sẽ bùng phát thành chiến sự quy mô lớn, khi Iran luôn tuyên bố mọi hành động nhắm vào các cơ sở hạt nhân của họ là "vượt lằn ranh đỏ" và sẽ bị đáp trả quyết liệt.

Vào thời điểm căng thẳng như vậy, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã điện đàm với Thủ tướng Netanyahu, tái khẳng định "cam kết sắt đá" trong đảm bảo an ninh cho Israel. Tuy nhiên, ông Biden cũng nhắc nhở ông Netanyahu rằng việc Israel chặn đứng thành công cuộc tập kích ồ ạt từ Iran là nhờ phối hợp phòng thủ cùng Mỹ và các nước đối tác trong khu vực. Ông đồng thời cảnh báo Israel không nên đáp trả Iran sau vụ tập kích được đánh giá là "kiềm chế và chừng mực" mà Tehran tiến hành.

"Đây đã là chiến thắng rồi. Hãy hài lòng với chiến thắng này", một quan chức Nhà Trắng thuật lại lời của Tổng thống Biden với ông Netanyahu trong cuộc điện đàm. Ông Biden được cho là còn nói với Thủ tướng Netanyahu rằng Washington sẽ không tham gia vào bất kỳ đòn đáp trả nào của Tel Aviv.

NYTimes dẫn lời hai quan chức Mỹ giấu tên cho biết ông Netanyahu đã hủy kế hoạch tấn công đáp trả Iran ngay lập tức sau cuộc điện đàm với ông Biden.

Trong khi đó, cựu tổng thống Mỹ Donald Trump lên tiếng công kích người kế nhiệm, cho rằng cách làm này của ông Biden chỉ thể hiện "sự yếu đuối không thể tin được".

"Israel bị tấn công! Chuyện này lẽ ra không bao giờ được phép xảy ra. Chuyện này sẽ không bao giờ xảy ra nếu tôi là tổng thống", ông viết trên mạng xã hội Truth Social ngày 14/4. Ông Trump còn chia sẻ lại cảnh báo về hậu quả thảm khốc đăng năm 2018, sau khi tổng thống Iran khi đó là Hassan Rouhani khuyên Mỹ "không nên đùa với lửa".

Cách phản ứng về vụ tập kích của Iran phần nào phản ánh sự khác biệt giữa ông Trump và ông Biden trong chính sách với Tehran. Các phát biểu gần đây đã cho thấy cựu tổng thống Trump sẵn sàng leo thang căng thẳng nhanh thế nào trong trường hợp xung đột xảy ra, Guardian bình luận.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và cựu tổng thống Donald Trump. Ảnh: AP

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và cựu tổng thống Donald Trump. Ảnh: AP

Trả lời phỏng vấn Fox News ngày 14/4, Karoline Leavitt, thư ký báo chí chiến dịch tranh cử của ông Trump, tái khẳng định sự yếu kém của chính quyền Biden đã khiến "thế giới trở nên hỗn loạn".

"Sự thật đáng buồn là Israel sẽ không bao giờ bị tấn công nếu ông Trump vẫn ở Nhà Trắng. Ông ấy đã áp các lệnh trừng phạt với Iran. Tehran chưa bao giờ yếu như vậy", theo Leavitt. "Nhưng chỉ trong vài năm, ông Biden đã đảo ngược các chính sách của ông Trump và Iran giờ đây mạnh bạo hơn".

Ông Trump năm 2018 tái áp lệnh trừng phạt với Iran sau khi rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân JCPOA mà Washington và Tehran đạt được năm 2015, dưới thời ông Barack Obama. Cựu tổng thống còn ra lệnh hạ sát tướng Qassem Soleimani của IRGC, được coi là người quyền lực thứ hai đất nước sau lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei.

Trong khi đó, ông Biden đã dành hơn hai năm cho nỗ lực khôi phục JCPOA. Năm 2023, giới chức Mỹ thương lượng và đạt thỏa thuận trao đổi 5 tù nhân với Iran, gỡ phong tỏa khoảng 6 tỷ USD tài sản của Tehran. Washington hồi tháng 3 tái ân hạn một lệnh trừng phạt, cho phép Iraq mua năng lượng từ Iran, đồng nghĩa Tehran có thể có thêm nguồn thu 10 tỷ USD.

"Khó có thể nhìn vào những gì Tổng thống Biden đã làm và nói chúng tôi đã mềm mỏng với Iran hơn", phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nói. "Đó là do chính quyền tiền nhiệm quyết định rút Mỹ khỏi JCPOA. Giờ đây, Iran tiến gần sở hữu vũ khí hạt nhân hơn rất nhiều so với khi ông Trump đắc cử".

Tổng thống Biden ngày 12/4 cảnh báo Iran có thể tấn công trả đũa Israel vào cuối tuần và gửi thông điệp "đừng làm vậy" đến Tehran. Động thái khiến ông Biden hứng chỉ trích từ phía đảng Cộng hòa.

"Ông Biden nói 'đừng' không phải là sự răn đe hiệu quả. Mỗi khi ông ấy nói 'đừng', họ sẽ thực hiện", thượng nghị sĩ Lindsey Graham, bang Nam Carolina, viết trên X ngày 13/4.

"Dưới thời Trump, Iran khốn khổ. Tổng thống Biden tặng họ hàng tỷ USD và rồi ngây thơ nói 'đừng'", thượng nghị sĩ Cộng hòa Marsha Blackburn mỉa mai. "'Đừng' không phải chính sách đối ngoại. Các chính sách của ông Biden đã tài trợ cho cuộc tấn công của Iran vào Israel".

Những mảnh vỡ bốc cháy sau khi UAV Iran bị Israel đánh chặn trên bầu trời thành phố Jerusalem vào rạng sáng 14/4. Ảnh: Reuters

Những mảnh vỡ bốc cháy sau khi UAV Iran bị Israel đánh chặn trên bầu trời thành phố Jerusalem vào rạng sáng 14/4. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, các thành viên đảng Cộng hòa dường như không quan tâm đến thực tế rằng họ cũng đang là yếu tố khiến chính sách hỗ trợ đồng minh của Mỹ gặp trở ngại.

Thượng viện Mỹ, do phe Dân chủ kiểm soát, hồi tháng 2 đã thông qua dự luật 95 tỷ USD, trong đó có 14,1 tỷ USD viện trợ cho Israel, 60 tỷ USD viện trợ cho Ukraine và cùng các khoản chi cho đối tác ở Ấn Độ - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, dự luật bế tắc ở Hạ viện, bởi phe Cộng hòa chiếm đa số yêu cầu bổ sung điều khoản liên quan an ninh biên giới Mỹ.

Khi phe Dân chủ trình lên dự luật sửa đổi với các điều khoản an ninh biên giới nghiêm ngặt chưa từng có, phe Cộng hòa lại một lần nữa bác bỏ, bởi họ lo ngại rằng việc thông qua nó có thể ghi điểm chính trị cho ông Biden, tạo bất lợi cho ông Trump vào năm bầu cử.

Dù Trump chưa tái đắc cử, quan điểm phản đối viện trợ cho Ukraine của ông vẫn ảnh hưởng đến đảng Cộng hòa, đẩy họ vào thế khó trong chính sách đối ngoại. Họ muốn thể hiện sự mạnh mẽ để chỉ trích Tổng thống Biden yếu kém, nhưng khi chặn viện trợ Ukraine, họ cũng đồng thời cản trở đề nghị của ông Biden về hỗ trợ quốc phòng cho Israel.

Năm 2022, quốc hội Mỹ duyệt 4 gói viện trợ cho Ukraine tổng trị giá 75 tỷ USD. Đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện vào tháng 1/2023 và kể từ đó từ chối duyệt thêm viện trợ cho Ukraine. Sau nhiều tháng không hành động, phe Cộng hòa tại Hạ viện đang đề xuất bỏ phiếu về một dự luật hỗ trợ Israel riêng, tách khỏi vấn đề viện trợ cho Ukraine và an ninh biên giới.

"Chỉ bỏ phiếu viện trợ Israel là chưa đủ để bảo vệ các đồng minh và giữ cam kết của Mỹ", David Frum, cây viết của Atlantic, bình luận. "Giờ là lúc ông Biden chỉ trích chính sách đối ngoại yếu kém của ông Trump cũng như đảng Cộng hòa, những người không vì 'nước Mỹ thứ hai', chứ đừng nói là 'nước Mỹ trước tiên'".

Theo Vnexpress (Theo Fox News, The Atlantic)