Biển Đông: Indonesia nhấn mạnh cách tiếp cận mới để sớm có COC, chuyên gia nhận định Mỹ 'không thể rời mắt' khỏi khu vực

Một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông khả thi và phù hợp với luật pháp quốc tế hứa hẹn sẽ sớm đạt được, đóng vai trò quan trọng trong giải quyết các thách thức liên quan đến Biển Đông.

 

Malaysia diễn tập ở Biển Đông, Nhật Bản tham gia điều phốiCơ chế giải quyết tranh chấp UNCLOS 1982 trù định ngày càng cho thấy tính ưu việtChuyên gia Mỹ: UNCLOS 1982 tạo ra một hệ thống luật bình đẳng, có ý nghĩa quan trọng đối với các nước nhỏ

Biển Đông: Indonesia nhấn mạnh cách tiếp cận mới để sớm có COC, chuyên gia nhận định Mỹ 'không thể rời mắt' khỏi khu vực
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi lạc quan về việc sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). (Nguồn: Humas Setneg)

Triển vọng khả thi về COC

Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi ngày 4/2 cho biết nước này đang lên kế hoạch tăng cường đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc để hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Phát biểu tại Jakarta khi kết thúc Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho hay: “Triển vọng của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là trọng tâm của cuộc thảo luận lần này. Chúng tôi cũng đã thảo luận về COC, cam kết của các thành viên để khép lại đàm phán COC càng sớm càng tốt”.

Ngoại trưởng Indonesia cho biết Indonesia đang chuẩn bị tổ chức vòng đàm phán về COC trong năm nay, vòng đầu tiên dự kiến diễn ra vào tháng 3 tới.

Trung Quốc tuyên bố quyền tài phán đối với gần như toàn bộ Biển Đông dựa trên bản đồ phi pháp “Đường 9 đoạn”, vốn bị Tòa Trọng tài Thường trực ở La Haye ra phán quyết là không có cơ sở pháp lý năm 2016.

Đầu tuần này, Philippines đã cho phép Mỹ tiếp cận nhiều hơn với các căn cứ quân sự của nước này, một phần là để ứng phó với các thách thức ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại Biển Đông.

Mặc dù không phải là bên có yêu sách chính thức tại Biển Đông, song Indonesia cũng đã phải đối mặt với sự phản kháng từ Trung Quốc về hoạt động thăm dò trữ lượng dầu khí ở Biển Bắc Natuna.

Tháng trước, Indonesia đã điều một tàu chiến đến khu vực này để theo dõi một tàu tuần duyên Trung Quốc. Sidharto R. Suryodipuro, Giám đốc hợp tác ASEAN tại Bộ Ngoại giao Indonesia, cho biết bên lề Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN vừa qua: “Các cách tiếp cận mới sẽ được tất cả các nước thành viên ASEAN và các đối tác Trung Quốc khai thác để đạt được tiến bộ về COC. Điều quan trọng là tất cả đều nhất trí rằng đây phải là một triển vọng khả thi và phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Biển Đông: Indonesia nhấn mạnh cách tiếp cận mới để sớm có COC, chuyên gia nhận định Mỹ 'không thể rời mắt' khỏi khu vực
Các lực lượng hải quân của Mỹ, Canada, Nhật Bản và Australia cùng tham gia một cuộc tập trận chung ở Biển Đông. (Nguồn: PhiStar)

Cam kết mạnh mẽ của Washington

Theo Channel News Asia, Washington vừa điều tàu sân bay USS Nimitz, một trong những tàu chiến lớn nhất thế giới, đi qua Biển Đông như một phần của hoạt động triển khai thường xuyên nhằm thể hiện cam kết của nước này đối với châu Á-Thái Bình Dương.

Cam kết của Mỹ ở khu vực được thực hiện bất chấp việc Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chi hàng tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine - như một phần trong nỗ lực của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Theo Ridzwan Rahmat, nhà phân tích quốc phòng tại Tạp chí Janes, có lí do chính đáng để chính quyền Tổng thống Biden không rút lui ở khu vực này. “Họ tuyệt đối không thể rời mắt khỏi khu vực châu Á - Thái Bình Dương vì khu vực này có tốc độ quân sự hóa nhanh nhất thế giới, bất chấp những gì đang diễn ra ở Ukraine. Các quốc gia ở khu vực này của thế giới đang hiện đại hóa quân đội của họ, mở rộng ngân sách quân sự với tốc độ nhanh nhất từng thấy”, ông nói.

Các chỉ huy trên tàu USS Nimitz chạy bằng năng lượng hạt nhân cho biết nhiệm vụ của họ là duy trì hòa bình và ổn định và giảm thiểu xung đột tiềm ẩn trên biển, thực hiện các sứ mệnh nhân đạo, và nhiệm vụ này có thể kéo dài đến 8 tháng.

Vy Vy/Theo Baoquocte.vn