Chỉ một đòn, Nga diệt "hạm đội muỗi" Ukraine: Có kẻ đánh lén ở Biển Đen - Nguy hiểm cận kề!

"Hạm đội muỗi" của Ukraine không gây ra mối đe dọa thực sự đối với Nga, nhưng mối nguy lại đến từ thứ vũ khí nguy hiểm khác.

Nhà vua trở lại

Một trong những sự kiện chính thu hút sự chú ý trong mùa hè vừa qua là cuộc đụng độ giữa tàu khu trục Anh và Nga ở khu vực biển gần bán đảo Crimea.

Sau khi nhận được cảnh báo bằng hỏa lực, người Anh đã bỏ đi, nhưng tuyên bố sẽ quay trở lại.

Giới quan sát nhận định, những sự cố tương tự có thể sớm xảy ra trong tương lai gần, trừ khi phương Tây đồng ý rằng Biển Đen trên thực tế đã bắt đầu trở thành sân chơi của riêng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trở lại quá khứ, sự sụp đổ của Liên Xô và việc phân chia Hạm đội Biển Đen với Ukraine là một đòn giáng nặng nề đối với sức mạnh trên biển của Liên bang Nga non trẻ.

Ngoại trừ Abkhazia, Nga không có một tác nhân thân thiện nào ở Biển Đen, và hạm đội sau khi "phân chia" và "tối ưu hóa" đã suy yếu đến mức kém hơn 5 lần so với hạm đội của Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này đã được thừa nhận vào năm 2011 bởi cựu chỉ huy Hạm đội Biển Đen, Đô đốc Vladimir Komoedov.

Tuy nhiên, sau sự kiện sáp nhập Crimea, cán cân quyền lực đã thay đổi trong khu vực. Bán đảo trở thành một thành trì quân sự hùng mạnh, Hạm đội Biển Đen đã nhanh chóng tăng cường quân số và khả năng tác chiến.

Chỉ 10 năm sau những đánh giá đáng thất vọng đó, Nga một lần nữa trở thành một trong những nước đi đầu trong lưu vực Biển Đen, ngang hàng với Thổ Nhĩ Kỳ.

Gruzia và Ukraine bị bỏ lại phía sau vì hải quân tụt hậu, còn Bulgaria và Romania thậm chí không được tính đến. Chỉ các tàu chiến của Mỹ và NATO mới có thể gây ra mối đe dọa thực sự đối với Crimea, nhưng chúng bị giới hạn bởi Công ước Montreux.

Moscow có thể bình thản "làm chủ" vùng nước này mà chỉ phải trông chừng Ankara.

Phương Tây có chấp nhận tình trạng như vậy không? Dĩ nhiên là không. Đối thủ của Nga đã đưa ra một loạt các biện pháp nhằm thay đổi lại cán cân quyền lực theo hướng có lợi.

Chỉ một đòn, Nga diệt hạm đội muỗi Ukraine: Có kẻ đánh lén ở Biển Đen - Nguy hiểm cận kề! - Ảnh 2.

Hạm đội Biển Đen đang khôi phục vị thế trong vùng biển khu vực.

Tình thế nguy hiểm

Đầu tiên, Anh đã ký kết một thỏa thuận về hợp tác quân sự-kỹ thuật với Ukraine. Trong khuôn khổ, người Anh sẽ giúp Kiev xây dựng hai căn cứ hải quân cùng một lúc. Ngoài ra, các chủ đề chuyển giao tàu của Mỹ cho Kiev, cũng như đóng các tàu hộ tống mới đã nhiều lần được đưa ra thảo luận.

Đây có thể coi là những tiến bộ tốt, nhưng một "hạm đội muỗi" như vậy không gây ra mối đe dọa thực sự đối với Hạm đội Biển Đen của Nga.

Đáng báo động hơn cả phải kể đến thông tin người Anh sẽ đặt trạm theo dõi tàu tại căn cứ hải quân trong khu vực. Sự xuất hiện của một cơ sở hạ tầng quân sự có khả năng tiết lộ vị trí tàu ngầm và truyền dữ liệu cho NATO là điều rất không tốt đối với Nga.

Thứ hai, mối nguy hiểm thực sự đối với hạm đội Nga không phải là các tàu thuyền và tàu hộ tống của Ukraine mà chính là tên lửa chống hạm Neptune.

Về mặt công nghệ, chúng là một biến thể của tên lửa chống hạm Kh-35 và có khả năng tiêu diệt các tàu có lượng choán nước lên đến 5000 tấn ở khoảng cách lên tới 280 km.

Quá trình chế tạo tên lửa bắt đầu vào năm 2014 và được đưa vào trang bị vào năm 2020. Đây là thứ vũ khí không nên bị đánh giá thấp.

Được triển khai tại các tổ hợp ven biển trên Biển Đen và Biển Azov, tên lửa Neptune sẽ là mối đe dọa thực sự đối với các căn cứ hải quân của Hải quân Nga ở Sevastopol và thậm chí ở Novorossiysk.

Với phiên bản tên lửa phóng từ máy bay, "cánh tay" của Ukraine trên khu vực Biển Đen sẽ còn kéo dài hơn nữa.

Tỏng thời gian qua, các máy bay trinh sát và UAV của Mỹ liên tục tăng tần suất xuất kích, nghiên cứu Crimea và hệ thống phòng không tại khu vực để xác định mục tiêu cho tên lửa hành trình của Ukraine.

Thứ ba, cần lưu ý rằng sau năm 2027, tình hình ở Biển Đen có thể thay đổi đáng kể. Ankara đã chuyển từ lời nói sang hành động và bắt đầu xây dựng kênh đào Istanbul đi qua eo biển Bosphorus.

Tổng thống Erdogan đã nhấn mạnh rằng các tiêu chuẩn của Công ước Montreux sẽ không áp dụng cho tuyến đường thủy mới. Rất có thể, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ yêu cầu sửa đổi các điều khoản của thỏa thuận quốc tế này, vì không còn phản ánh thực tế địa chính trị đã thay đổi.

Các đối tác phương Tây sẽ rất vui mừng khi tình hình mới sẽ giúp tàu thuyền của họ có quyền ở lại Biển Đen lâu dài hơn chứ không phải trong 21 ngày như trước.

Do đó, trong trung hạn, cán cân quyền lực ở vùng biển khu vực có thể sẽ lại thay đổi, theo hướng không có lợi cho Hải quân Nga.

Mạnh Kiên

Theo Soha