Tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines đối mặt với tàu của hải cảnh Trung Quốc ở Biển Đông ngày 26-8 - Ảnh: AFP
Ngày 29-8, chỉ huy các lực lượng vũ trang Philippines , tướng Romeo Brawner, cho biết Washington và Manila đã thảo luận về các phương án để tiếp tế cho lực lượng Philippines ở Biển Đông.
Mỹ nói hộ tống tàu Philippines là hợp lý "Chúng tôi rất vui vì Mỹ đã đưa ra cho chúng tôi một loạt các lựa chọn, bao gồm cả việc tham gia hoặc hộ tống chúng tôi trong các nhiệm vụ luân phiên và tiếp tế", Hãng tin AFP dẫn lời ông Brawner nói tại cuộc họp báo sau khi gặp ông Samuel Paparo, chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, ngày 29-8.
Ông Brawner nói rằng Philippines sẽ không chấp nhận lời đề nghị cho đến khi nước này không thể tự tiếp tế và quân đội "đang bên bờ vực tử thần". Ông cho biết Manila vẫn còn các lựa chọn và sẽ tiếp tục tiếp tế.
Tuy nhiên, chỉ huy của Philippines cho biết nước này vẫn "sẵn sàng" cho việc này. "Nếu không còn cách nào hiệu quả thì chúng tôi có thể yêu cầu giúp đỡ", ông Brawner nói.
Trong khi đó, ông Paparo khẳng định việc Mỹ hộ tống tàu Philippines "là một lựa chọn hoàn toàn hợp lý trong hiệp ước phòng thủ chung giữa hai nước".
Căng thẳng leo thang nhiều tháng qua với hàng loạt cuộc đụng độ giữa tàu của Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông.
Tàu của hai nước đã đối đầu hai lần trong tháng này gần bãi cạn Sa Bin thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Bãi cạn Sa Bin (phía Philippines gọi là Escoda) là nơi tập trung của các tàu thực hiện nhiệm vụ tiếp tế cho quân đội Philippines đồn trú trên xác tàu chiến BRP Teresa Magbanua ở bãi Cỏ Mây vốn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Philippines chi 33 tỉ USD hiện đại hóa quân sự
Tàu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu tiếp tế của Philippines ở Biển Đông hồi tháng 5-2024 - Ảnh: REUTERS
Ông Brawner thông báo Philippines đang tính nâng cấp quân đội với tên lửa tầm trung và chiến đấu cơ hiện đại, dự kiến chi ít nhất 33 tỉ USD.
"Chúng tôi muốn có thêm nhiều hệ thống vũ khí mới nhất. Bao gồm cả năng lực tầm trung", Hãng tin Reuters dẫn lời ông Brawner nói.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Gilberto Teodoro cũng tuyên bố Philippines đang xem xét các đề nghị mua thêm vũ khí. Theo ông Teodoro, Manila và đồng minh Mỹ đang chuẩn bị cho cuộc tập trận quân sự chung có thể là lớn nhất vào năm tới.
Vào tháng 4-2024, Mỹ đã triển khai hệ thống tên lửa tầm trung của mình ở miền bắc Philippines trong các cuộc tập trận quân sự. Phản ứng sau đó, Trung Quốc chỉ trích sự hiện diện của các tên lửa này "mang lại những rủi ro chiến tranh lớn trong khu vực".
Trong phát biểu trước Quốc hội Philippines mới đây, ông tiết lộ kế hoạch chi 33,7 tỉ USD để củng cố năng lực quân đội, bao gồm khả năng mua 40 chiến đấu cơ.
"Quá trình đấu thầu hiện đang được tiến hành bí mật, nhưng chúng tôi vẫn đang tiếp tục xem xét các hồ sơ dự thầu có thể chấp nhận được", ông nói.
"Chúng tôi cũng đang đầu tư vào các năng lực răn đe khác, không nhất thiết phải là máy bay chiến đấu đa năng", ông thông tin thêm.
Trung Quốc cảnh báo Tại cuộc họp báo ngày 29-8, ông Brawner cũng xác nhận Manila đã sử dụng một máy bay trực thăng để chuyển hàng tiếp tế cho tàu BRP Teresa Magbanua.
Vụ việc diễn ra ngày 28-8 đã khiến Trung Quốc nổi giận và lên tiếng cảnh báo. Hãng tin Reuters dẫn lời người phát ngôn lực lượng hải cảnh Trung Quốc nói rằng đây là "hành động liều lĩnh... có thể gây ra những sự cố không lường trước trên biển và trên không".
Lực lượng này chỉ trích Philippines đang "đánh cược vào sức khỏe và tính mạng của các sĩ quan, nhân viên trên tàu", và kêu gọi Manila kiềm chế tính toán sai lầm và làm leo thang tình hình.
Theo Tuổi trẻ