Nhận diện 16 lĩnh vực trong nghiên cứu biển Đông

Trước nay, nghiên cứu biển Đông, trong phạm vi của khối khoa học xã hội và nhân văn đã được thực hiện theo nhiều hướng khác nhau. Bài này, muốn đi đến một cái nhìn tổng quan về các phân môn của chuyên ngành này. Theo chúng tôi, nghiên cứu biển Đông gồm có 16 khu vực như sau.

 

Luật biển (Marine Law)

Đây là giá trị nổi bật được chú ý đến nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây. Đầu tiên từ nghiên cứu của nhóm Nguyễn Nhã (1973), Trong khi nhóm Nguyễn Nhã được coi như là những người đặt gạch cho cuộc đấu tranh giành chủ quyền của thế hệ học giả Sài Gòn, thì các công bố của Bộ Ngoại giao (2013) như là phát ngôn học thuật chính thức của nhà nước cho lĩnh vực này với những văn bản hành chính quan phương trong hệ thống châu bản triều Nguyễn. Đầu năm 2014, sự kiện giàn khoan HY981 là cú huých để hàng loạt ấn phẩm khoa học liên quan đến biển Đông ra đời. Cuốn sách “Một số tư liệu Hán Nôm về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông” của Viện NC Hán Nôm (một phần của đề tài) là bước ngoặt đáng kể khi lần đầu tiên công bố một cách tương đối toàn diện và có hệ thống những nguyên bản sử liệu (chữ viết bản đồ) xác định lịch sử chiếm hữu và thực thi chủ quyền của các triều đại phong kiến Việt Nam (chúa Nguyễn và nhà Nguyễn) đối với Hoàng Sa- Trường Sa.

Theo tiêu chuẩn án lệ quốc tế được sử dụng cho các tòa án quốc tế về tranh chấp lãnh thổ, để chứng minh được sự sở hữu lãnh thổ/ của một quốc gia thì cần chứng minh bốn điểm sau đây bằng các sử liệu: (1) Lịch sử khám phá (từng được áp dụng thành quyền khám phá); (2) Sự chiếm hữu tượng trưng thông qua các biểu vật tượng trưng như cờ, bia đá, cọc mốc, hoặc các công trình kiến trúc; (3&4) Sự chiếm hữu thực sự và hành xử chủ quyền (thực thi quyền chủ quyền) một cách liên tục đối với lãnh thổ đó (occupation và effectivité)[1]. (5) Chủ thể chiếm hữu phải là một quốc gia. [Từ Đặng Minh Thu 1998/ tb.2014].

Những sử liệu công bố trong Hồng Đức bản đồ (cùng với các sử liệu khảo cổ học lịch sử/ khảo cổ học biển đảo) cho thấy, người Việt các triều đại Việt Nam trong lịch sử đã khám phá ít nhất là từ thế kỷ XV [Từ Đặng Minh Thu 1998]. Người Việt đã đến đó sinh sống hàng thế kỷ, và đến thế kỷ XVII, chính quyền nhà Nguyễn ở Đàng Trong đã thành lập các đội Hoàng Sa- Bắc Hải để khai thác đảo một cách liên tục hai quần đảo này. Tính liên tục của sự chiếm hữu và hành xử chủ quyền trong quãng 3 thế kỷ đã tạo nên CHỦ QUYỀN LỊCH SỬ cho Việt Nam trên cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Nhận diện 16 lĩnh vực trong nghiên cứu biển Đông

Chiến sĩ Hải quân chỉ dẫn cho xuồng vào đảo Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa. Ảnh: Mai Thắng / Báo Biên Phòng.

Hải dương học lịch sử (historical Marine Geography)

Hải dương học lịch sử là phân ngành nhỏ của Địa lý học lịch sử (historical Geography). Địa lý học lịch sử trước nay chỉ chú trọng đến lịch sử địa lý hành chính, mà hầu như chưa để ý đến biển đảo, hoặc đề cập đến nó như một đối tượng ngoại vi. Nếu phân mảng chi tiết, ngành này sẽ bao gồm (1) lục địa học lịch sử (mainland historical Geography); (2) hải dương học lịch sử; (3) thủy giang học lịch sử (river historical Geography): một ngành khoa học chuyên biệt nghiên cứu về các dòng sông ở mọi phương diện của lịch sử địa lý đến lịch sử văn hóa, được khởi đầu rất sớm từ cuốn Thủy kinh chú. Trong đó, hải dương học lịch sử sẽ có một giao giới chung với thủy giang học lịch sử, đó là các cửa biển/ cửa sông thông ra biển. Cả hai ngành này lại đồng thời có giao giới chia cắt với ngành thủy văn học (hydrology).

Hải dương học lịch sử là ngành khoa học nghiên cứu về lịch sử, phạm vi địa lý các vùng duyên hải, hải khẩu, các vùng biển và các hải đảo trong tiến trình lịch sử. Hải dương học lịch sử cần được phân biệt với Hải dương học là ngành khoa học nghiên cứu mọi hiện tượng hải dương như tương tác biển- khí quyển và các quá trình biến đổi ở vùng cửa biển- cửa sông. Để triển khai nghiên cứu chuyên ngành này, nhà nghiên cứu, ngoài việc khảo sát thám đạc địa chất, địa mạo, thủy triều học, thiên văn học, khảo cổ học…, còn phải nghiên cứu các sử liệu văn hiến hữu quan. Trong đó, các sử liệu văn hiến Hán- Nôm được coi như là nguồn sử liệu có trường độ lớn nhất quãng trên dưới 2000 năm (so với các sử liệu văn hiến của tiếng Pháp, Bồ Đào Nha, La Tinh và Quốc ngữ chỉ khoảng 500 năm trở lại đây).

Hải danh học lịch sử (historical Marine Toponymy)

Hải danh học lịch sử là ngành khoa học nghiên cứu thuộc phạm vi của ngôn ngữ học lịch sử, hoặc từ nguyên học, và nằm trong mảng giao cắt trực tiếp với hải dương học lịch sử, văn hóa học. Xét về mặt đối tượng nghiên cứu, hải danh học lịch sử với hải dương học lịch sử là cặp đôi không thể tách rời. Trong khi hải dương học lịch sử chú ý nghiên cứu các vấn đề lịch sử- văn hóa- trính trị liên quan đến biển, thì hải danh học lịch sử nghiên cứu về vỏ vật chất ngữ ngôn của các đối tượng trên. Chuyên ngành này lấy việc nghiên cứu các tên gọi của các vùng biển, các vịnh biển, các đảo hòn và các hải khẩu ở khía cạnh lịch sử, từ nguyên. Ngành này chú ý phân tích những biến động và ổn định về tên gọi, mã hóa chúng trở thành như một chuỗi các từ khóa để giúp nhà nghiên cứu tiếp tục khảo sát tư liệu và cung cấp các hệ vấn đề hữu quan cho các chuyên ngành khác.

Vẫn quay trở lại với ví dụ núi Non Nước tại thành phố Ninh Bình. Các sử liệu Hán Nôm sẽ cung cấp hàng loạt các tên gọi với các niên đại tương đối chính xác. Thời Đinh Bộ Lĩnh được đặt tên là là Ngự Trấn Phòng sơn 禦 鎮 防 山, thời Lê Đại Hành lại được đặt tên là Hộ Thành sơn 護 城 山. Theo Trương Hán Siêu, núi này từ năm 1091 đã được vua Lý cho xây chùa tháp, tên là Thủy Sơn (núi nước). Sau Hán Siêu đổi tên núi thành Dục Thúy Sơn (浴翠山) vào năm 1343. Và cả hai tên này đến nay vẫn được dùng. Riêng tên Nôm thì mở rộng hơn thành “núi Non Nước”. Núi Non Nước thời Đinh nằm ngoài cửa biển. Thời Trần, sóng còn dữ dội nên gọi là cửa Đại Ác. Sau biển đã lui, trở nên hiền hòa hơn nên đổi tên là cửa Đại An. Nay cửa biển là ngã ba sông Vân Sàng và sông đáy.

Hải thương học lịch sử (Historical Marine Commerce Studies)

Hải thương học trước nay còn được gọi là thương mại biển. Hải thương học nghiên cứu về quá trình giao thương qua đường biển từ phạm vi hẹp nhất là giữa các hải cảng trong một quốc gia cho đến mạng lưới hải thương liên vùng, liên quốc gia, liên khu vực, và ở khía cạnh rộng nhất là mạng lưới hải thương trên toàn cầu. Như mọi ngành khoa học khác, Hải thương học không chỉ nghiên cứu các hoạt động hải thương trong thời điểm hiện tại thuộc phạm trù đương đại, mà như một lẽ tất yếu, hải thương học còn quan tâm đến các vấn đề lịch sử của ngành này (tức lịch sử hải thương học, nằm trong phạm vi lịch sử khoa học) cũng như hải thương học lịch sử (tức nghiên cứu về hải thương trong lịch sử xa xưa, từ thời cổ đại đến trung- cận đại).

Hải thương học đã và đang trở thành ngành khoa học được quan tâm nhiều nhất, được đầu tư nhiều nhất và đương nhiên là ngành khoa học có nhiều thành tựu nhất cả ở Việt Nam lẫn Quốc tế. Ở Việt Nam, hải thương học được bắt đầu từ Trần Quốc Vượng (1988), K. Hall (1985), Li Tana (1993), Momoki Shiro (1995), Anthony Reid (2001),… cho đến nay, nghiên cứu hải thương học đã trở thành một nghiên cứu trọng điểm và có kết quả được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu thương mại biển của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Hải thương học lịch sử là ngành khoa học nghiên cứu về lịch sử của ngành hải thương ở Việt Nam trong mối quan hệ với mạng lưới thương mại Châu Á và thế giới trong giai đoạn Cổ- Trung- Cận đại để xác lập quá trình hình thành, phương thức hoạt động, vai trò kinh tế và vai trò văn hóa của các hải thị, cảng đảo, các đế chế biển… và các mối giao thương trên biển trong lịch sử Việt Nam. Ngành khoa học này muốn hướng đến một cái nhìn khác về lịch sử văn hóa Việt Nam.

Hải quân học lịch sử (Historical Naval Studies)

Hải quân nói riêng và thủy quân nói chung là một lực lượng giữ một vị trí quan trọng trong lịch sử quân sự Việt Nam. Lịch sử Việt Nam, nhìn từ một góc độ phổ biến hiện nay, là lịch sử chiến tranh với những trang sử rực rỡ của việc dựng nước và giữ nước, thì hải quân và các cuộc hải chiến được coi như là những mốc son chói đỏ. Vì thế, nghiên cứu hải quân học lịch sử là một lĩnh vực thú vị, trước nay đã được quan tâm nghiên cứu với cuốn chuyên luận “Quân thủy Việt Nam trong lịch sử chống ngoại xâm” của nhóm tác giả Nguyễn Việt, (1983). Những ghi chép sớm trong Việt sử lược hay Đại Việt sử ký toàn thư về những trận thủy chiến lịch sử như trận Bạch Đằng năm 938 của Ngô Quyền, 981 của Lê Hoàn, năm 1288 của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn là những nguồn sử liệu nổi tiếng để nhiều tác giả tiến hành nghiên cứu về thủy quân học lịch sử. Ngoài ra còn phải kể đến những cuộc hành quân nổi tiếng của nhiều vị vua Đại Việt trong quá trình tiến về Phương Nam như Trần Anh Tông, Lê Thánh Tông, Nguyễn Gia Long… Ngoài những nguồn sử liệu phong phú, với những kết quả mới trong khảo cổ học hải dương, ngành hải quân học lịch sử và nghiên cứu lịch sử ngành đóng thuyền ngày càng trở nên hấp dẫn. (xem thêm Li Tana 2002, Trần Đức Anh Sơn 2014).

Tuy nhiên, một khía cạnh còn bỏ ngỏ là việc mô tả, phục dựng các trận hải chiến lịch sử hầu như chưa được nghiên cứu từ góc độ binh pháp cổ Đông Á. Ví dụ bài thơ “Quan duyệt thủy trận” Nguyễn Trãi có câu: “Muôn giáp khoe oai tỳ- hổ dữ, Nghìn thuyền bày trận quán- nga nhanh.” (萬甲耀霜貔虎肅, 千艘布陣鸛鵝行。), chúng ta phải biết hai thế trận quán và nga là gì, cách thức bày trận ra sao, nó ảnh hưởng từ loại hình binh pháp nào của Đông Á. Và trong một trận chiến cụ thể nào đó, cần phải giải đọc các trận chiến đó từ bối cảnh văn hóa và lịch sử của nó.

Cung cấp sử liệu cho văn hóa học hải dương (Marine Culturology)

Văn hóa học hải dương (cg. nghiên cứu văn hóa biển đảo) là chuyên ngành nghiên cứu các yếu tố văn hóa liên quan đến biển đảo và các vùng duyên hải. Các yếu tố văn hóa biển dĩ nhiên được coi như là một bộ phận của văn hóa của một cộng đồng cư dân hoặc một dân tộc cận duyên hải. Văn hóa học hải dương hiện đã và đang trở thành một chuyên ngành được các nhà khoa học trong nước và quốc tế quan tâm. Văn hóa biển là tổng thể các yếu tố vật chất và phi vật thể được tạo nên trong quá trình tương tác giữa con người và biển đảo. Trong đó tính lịch sử của văn hóa biển được coi như là một mảnh đất đầy hứa hẹn cho khai thác sử liệu văn hiến Hán Nôm. Tính lịch sử của văn hóa biển sẽ làm nên truyền truyền thống văn hóa biển.

Nếu theo định nghĩa khái quát nhất về văn hóa, thì mọi yếu tố mang tính biển đều có thể coi là văn hóa biển. Song ở đây cần phân định ranh giới giữa các ngành khoa học thông qua các hệ tiêu chí phân loại. Ví dụ, nếu nghiên cứu về văn hóa hải thuyền thì chúng ta cần đưa ra các yếu tố gì để phân biệt với nghiên cứu hải thuyền? Ở ngành thứ nhất, chúng ta quan tâm đến các hiện tượng kiêng kỵ, lối sống, phong tục, văn hóa của các ngư dân và thủy thủ cùng những hình vẽ biểu tượng trên tầu thuyền (ví dụ chim ích); Còn nghiên cứu hải thuyền thì quan tâm đến phương thức tạo tác, các xưởng chế tầu, số lượng, loại hình và chức năng của chúng,…

Về mặt cơ cấu, văn hóa học hải dương sẽ bao quát nhiều phạm vi khác nhau từ ẩm thực (cách chế biến hải sản), đến tín ngưỡng biển (qua các vị thần biển), văn học biển, nghệ thuật diễn xướng, các phong tục tập quán và nghi lễ liên quan đến biển… Ngoài ra, có khá nhiều ghi chép tản mạn khác về các loại mắm, yến sào, các loại hải sản… Cho đến nay, văn hóa học hải dương được coi như là một ngành khoa học được quan tâm nhiều nhất và ít nhiều đã đạt được thành tựu đáng kể. Nhưng nhìn từ góc độ lịch sử văn hóa, thì hầu như chưa có nghiên cứu nào về vấn đề thú vị này.

Tín ngưỡng hải dương (Marine Religious Belief Studies)

Nghiên cứu tín ngưỡng, tôn giáo liên quan đến biển là một chuyên ngành khoa học thuộc văn hóa học hải dương. Song do vị trí đặc thù và rất quan trọng của nó, nên chúng tôi xếp thành một mục riêng. Chuyên ngành này ở Việt Nam đã được quan tâm từ nhiều chục năm nay với hàng trăm bài viết và hơn chục chuyên luận. Khởi phát ban đầu, tín ngưỡng hải dương được nghiên cứu qua các công trình nghiên cứu văn hóa dân gian duyên hải, hay các công trình nghiên cứu về di dân và các ảnh hưởng của văn hóa Hoa kiều tại Việt Nam.

Tín ngưỡng hải dương đặt tổng hòa các yếu tố văn hóa tín ngưỡng (từ biểu tượng hải thần, đến nghi lễ, văn học lễ nghi, văn hóa diễn xướng,…) làm đối tượng nghiên cứu. Hiện chưa có số liệu thống kê chính thức về số lượng hải thần và các lễ hội tương ứng, song có thể chia làm nhiều loại khác nhau tùy theo tiêu chí phân loại. Tiêu biểu như: Ngư Ông (ngư thần), Thiên Hậu (nhân thần), bà Lường (kết hợp tín ngưỡng biển với tín ngưỡng phồn thực thờ Lỗ Lường), Tứ vị Thánh Nương (nhân thần), Thiên Yana (kết hợp thần biển và thần của Champa), lính Hoàng Sa (chiến sĩ tử trận),…

Tín ngưỡng hải dương ở thời Trung Đại. Nó không chỉ như là một thực thể văn hóa dân gian, mà những ghi chép trên còn cho thấy tự tác động và ảnh hưởng của tín ngưỡng dân gian đối với triều đình. Trong đó, các nguồn sử liệu Hán Nôm, được coi như là những tư liệu nguyên cấp, có tính đa trị để nghiên cứu về các loại hình tín ngưỡng hải dương nói riêng và văn hóa tín ngưỡng nói chung.

Nghiên cứu văn học biển (Marine Literature)

Văn học biển hay văn học hướng biển là một mảng nghiên cứu trước nay ít được đề cập đến ở Việt Nam do những điều kiện khách quan hoặc do quan niệm lục địa quá sâu đậm trong định hướng nghiên cứu lịch sử văn học. Văn học hướng biển, với số lượng tác phẩm mới sưu tầm, đây hẳn là một đề tài không thể không nhắc đến khi nghiên cứu văn học Trung đại Việt Nam, và nó đã trở thành một mảng quan trọng không thể thiếu khi nghiên cứu lịch sử văn học và lịch sử văn hóa. Chúng tôi cho rằng: văn học hướng biển cùng với tư duy hướng biển là một xu hướng quan trọng trong lịch sử văn hóa Việt Nam, vốn được xây dựng từ cơ tầng văn hóa biển. Văn học hướng biển thể hiện nhiều diễn ngôn khác nhau, đó là diễn ngôn nghệ thuật, diễn ngôn lịch sử, diễn ngôn chính trị- đạo đức… Nghiên cứu văn học biển không chỉ lấy các tư liệu, văn liệu Hán Nôm làm bản vị mà còn lấy các tư liệu văn học dân gian (ca dao, hò, vè,…) làm đối tượng khảo sát, nghiên cứu. Nếu tiến hành khảo sát rộng hơn và sâu hơn, chắc chắn đây sẽ là một mảng đề tài quan trọng và thú vị.

Kinh tế học hải dương (Marine Economics)

Kinh tế học hải dương (nghiên cứu kinh tế biển) là một ngành khoa học hết sức phát triển hiện nay. Đây là chuyên ngành có phạm vi rất rộng từ hải thương, ngư nghiệp, thuế biển cho đến du lịch, vận tải biển, khai thác hải sản khoáng sản, công nghiệp đóng tàu, dịch vụ hàng hải, công nghiệp năng lượng biển … “Kinh tế biển là một loại hình vùng kinh tế mang tính tổng thể đa ngành nghề, đa lĩnh vực, hoạt động kinh tế diễn ra ở trên biển, ven biển và hải đảo, … gắn liền với khai thác các tiềm năng, tài nguyên biển, (trong đó có tiềm năng vị thế: địa- kinh tế, địa- chiến lược) và gắn với chủ quyền lãnh thổ quốc gia.” [Nguyễn Bá Ninh 2012: 4]. Với phạm vi sử liệu Hán Nôm đề cập, kinh tế học hải dương sẽ bao gồm các chuyên ngành nhỏ hơn như chính sách thuế biển, hải thương học lịch sử, hải sản học lịch sử, hải thị học lịch sử… Vì tầm quan trọng và thành tựu đã đạt được, hải thương học lịch sử, và hải thị học lịch sử được tách riêng thành một mục riêng trong bài viết này.

Khảo cổ học hải dương (Marine Archeology)

Khảo cổ học hải dương là một ngành khoa học tưởng như độc lập với sử liệu văn hiến. Khảo cổ học hải dương, xét về không gian môi trường, có thể phân làm hai chuyên ngành chính: khảo cổ học dưới nước và khảo cổ học trên bờ (duyên hải và châu đảo). Nhưng trên thực tế, sử liệu văn hiến và sử liệu văn vật (hiện vật khảo cổ học) được coi như là hai chân kiềng quan trọng của nghiên cứu lịch sử. Sử liệu hiện vật tuy là các loại sử liệu câm, song bản thân nó vẫn chứa đựng những diễn ngôn lịch sử mà không phải sử liệu văn hiến nào cũng có được. Ngược lại, sử liệu văn hiến lại được coi như là nguồn tư liệu chỉ dẫn định hướng để nghiên cứu khảo cổ học hải dương.

Từ những năm 1990 đến nay, khảo cổ học hải dương đã đạt được một số kết quả bước đầu, tuy khiêm tốn, nhưng đã góp phần làm phát lộ nhiều vấn đề thú vị. Quá trình/ kết quả trục vớt tàu đắm tại Sa huỳnh, Cù Lam Chàm, Vũng Tàu,… và việc tìm thấy nhiều hiện vật của người Việt (ví dụ như tiền đồng thời Minh Mạng, Tự Đức) tại một số đảo như Nam Yết, Song Tử Tây, thuộc Hoàng Sa- Trường Sa cho thấy những ghi chép trong Đại Nam thực lục là hoàn toàn chính xác, góp phần đưa ra một hệ thống cứ liệu khả tín, xác đáng về quá trình chiếm hữu, thực thi chủ quyền và chủ quyền lịch sử của Việt Nam đối với hai quần đảo này.

Nhân học hải dương (Maritime Anthropology)

Nhân học hải dương là ngành khoa học nghiên cứu về mối quan hệ giữa các đồng đồng dân cư, cộng đồng dân tộc với môi trường hải dương. Các khảo sát được thực hiện trên nhiều bình diện khác nhau từ lịch sử, kinh tế, xã hội, văn hóa, tín ngưỡng, lễ hội, các ngành nghề liên quan đến biển,… Ở nội hàm như vậy, đối tượng của nhân học hải dương sẽ bao quát gần như tất cả các chuyên ngành khác liên quan đến hải dương, nhưng điểm khác biệt là chuyên ngành này lấy con người, lấy các cộng đồng làm đối tượng trung tâm, còn những cạnh khía khác chỉ nằm ở phạm vi hữu quan, hoặc ngoại biên. Phương pháp luận của nhân học hải dương được hình thành từ mối quan tâm đến khả năng thích nghi, ứng phó, khả năng tương tác, tận dụng, khai thác với môi trường duyên hải, môi trường hải dương. Nó quan tâm đến cả các chính sách quản lý hải thương, chính sách thuế, chính sách quân sự, chính sách khai thác và quản lý tài nguyên biển, và các loại hình hoạt động liên quan đến đời sống của con người trong môi trường hải dương.

Các sử liệu trên đã gợi mở nhiều hướng nghiên cứu khác nhau về nhân học hải dương, quá trình khai hoang lấn biển không chỉ có từ thời Nguyễn Công Trứ mà đã xuất hiện (ít nhất) là từ thời Lê. Nghiên cứu hệ thống đê biển, các chính sách khai hoang của các triều đại là một vấn đề lý thú. Và không nghi ngờ gì rằng, ngoài việc bồi đắp tự nhiên của lưu lượng phù sa sông, thì quá trình quai đê lấn biển của con người cũng chính là một nhân tố quan trọng để thay đổi địa hình, địa mạo của đông bằng sông Hồng và các vùng cửa biển ở Bắc Bộ trong quãng ít nhất 500 năm trở lại đây[2]. Ngoài ra, các thương cảng, hải thị cắm chốt ở các cửa biển và hải đảo như Domea (Hải Phòng), Vân Đồn (Quảng Ninh), Lạch Trường (Nam Định), Thi Nại (Bình Định) đã trở thành một hệ thống “tiền đồn thương mại” để người Việt, người Chăm hòa vào mạng lưới hải thương quốc tế rộng lớn trong lịch sử.

Hải trình học lịch sử (Sea Route Studies)

Hải trình học lịch sử là một phân môn của khoa nghiên cứu về lịch sử giao thông đường thủy, cùng với lịch sử giao thông đường sông. Nếu nghiên cứu lịch sử giao thông đường bộ (ví dụ như nghiên cứu về hệ thống đường thượng đạo) là một góc nhìn giao thông từ núi về lịch sử Việt Nam [Nguyễn Mạnh Tiến 2014; Phạm Lê Huy ], thì nghiên cứu lịch sử giao thông đường biển (tức hải trình học lịch sử) là góc nhìn giao thông từ biển góp phần soi sáng một mảng miếng vô cùng quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Với những nghiên cứu gần đây, tiêu biểu như Li Tanna (1996), nhóm Nghiên cứu Thương mại Châu Á (2006-2014), hải trình học hẳn nhiên đã đóng một vị trí tối quan trọng để tạo nên hai xu hướng lịch sử then chốt trong tiến trình lịch sử Việt Nam: thứ nhất hải trình duyên hải là con đường Nam tiến của người Việt trong suốt ngàn năm lịch sử để tạo nên một dải bờ biển 3200 km như ngày nay; thứ hai là hải trình khu vực (với mạng lưới bản đồ được thiết lập) để Việt Nam trong lịch sử hòa vào dòng chảy hải thương thế giới trong xu hướng toàn cầu hóa. Tuy nhiên, trong khi, mạng lưới bản đồ hải trình quốc tế đã được xác lập bởi nhiều học giả quốc tế, thì mạng lưới hải trình nội địa lại chưa được quan tâm một cách đúng mức theo góc nhìn đoạn đại và lịch đại.

Chính sách an ninh biển (Maritime Security policy Studies)

An ninh biển luôn là một vấn đề liên quan đến sự tồn tại/ sống còn của một thể chế biển, dù thể chế đó là một quốc gia duyên hải, hay một quốc gia biển, và cả đế chế biển. Để giữ được tình hình an ninh duyên hải cũng như ngoài biển, các triều đại Việt Nam trong lịch sử luôn thực thi các chính sách an ninh để củng cố sự cai trị của mình không chỉ trên lục địa mà cả phía hải dương. Các chính sách đó có thể liên quan đến lực lượng hải quân, và các chính sách kinh tế- văn hóa hữu quan. An ninh biển là vấn đề được đặt ra ở mọi thời đại, mọi quốc gia, mọi thể chế. Nghiên cứu chính sách an ninh biển cũng như hệ thống phòng thủ biển, lực lượng hải quân, lực lượng đồn bốt cửa biển (tấn bảo)… nói chung sẽ góp phần dựng nên một bức tranh tương đối bao quát về lịch sử an ninh.

Bản đồ học lịch sử

Bản đồ học lịch sử là một chuyên ngành nghiên cứu lịch sử bản đồ và các phương thức quan trắc, trắc đạc, trắc địa, đồ họa các tác phẩm bản đồ cổ trong lịch sử. Bản đồ học lịch sử thuộc phạm vi phân môn của khoa học đo đạc và bản đồ.

Những nguồn sử liệu Hán Nôm cho thấy, ít nhất từ thế kỷ XI- XII, nhà Lý đã tiến hành cho vẽ bản đồ núi sông. Thực tế, đó là điều hoàn toàn có thể xảy ra, bởi bản đồ học và khoa vẽ bản đồ có ý nghĩa và chức năng rất quan trọng đối với mọi thể chế nhà nước. bản đồ được dùng để quản lý hành chính đất nước, để xác lập hệ thống phòng thủ cả ở biên giới đất liền và các cửa ngõ ngoài biển (hải khẩu và hải đảo). Bản đồ được dùng để phục vụ cho chế độ quản lý các nước phụ thuộc, với chính sách ki mi truyền thống. Trong đó, “cống bản đồ” được coi như là một định chế bắt buộc đối với tất cả các nước phiên dậu. Như vậy, khoa bản đồ học là một khoa học cơ bản và then chốt, đối với việc quản lý, phòng thủ, thậm chí đối với cả việc bành trướng/ mở rộng lãnh thổ. Bản đồ không chỉ được dùng trong phạm vi chính trị- quân sự mà còn trở thành một tri thức nền tảng đối với mọi cộng đồng dân cư trong quá trình giao lưu văn hóa, tiếp xúc văn hóa.

Thường thì ngành bản đồ học lịch sử hay bị nhập vào phạm vi của địa lý học lịch sử. Nhưng cần thiết phải phân biệt ranh giới giữa hai ngành này. Nếu như địa lý học lịch sử nghiên cứu về diên cách (thay đổi, và sự bất biến) về địa danh hành chính theo chiều lịch đại, thì bản đồ học lịch sử nghiên cứu về các cơ sở khoa học, các phương pháp quan trắc đo đạc, các tiêu chuẩn, các kỹ thuật và quy trình đồ họa bản đồ (vẽ và in) cũng như lịch sử của ngành này. Như thế, xét ở khía cạnh vật chất, bản đồ học lịch sử có mối quan hệ mật thiết với văn bản học, thư tịch học, mộc bản học,… Còn nếu xét ở phương diện khoa học, thì ngành bản đồ học lịch sử (ở Việt Nam) lại liên quan mật thiết đến một số ngành khoa học như: chiêm tinh học, thiên văn học, thủy văn học,… Kể từ sau Trần Nghĩa và Whitmore, cũng có một số nghiên cứu khác về bản đồ song những thành quả của những ngành này còn khá hạn chế so với nhu cầu hiện nay.

Hải thị học (đô thị biển)

Hải thị học lịch sử là chuyên ngành thuộc phân môn của đô thị học lịch sử. Chuyên ngành này lấy các đô thị ven biển trong lịch sử làm đối tượng nghiên cứu. Trong đó, các yếu tố của kinh tế biển- văn hóa biển với những vấn đề địa chính trị- địa kinh tế- địa sinh thái được coi là trọng tâm nghiên cứu. Hải thị/ hải cảng/ cảng thị đương niên có mối quan hệ mật thiết với các loại hình đô thị khác trong một khu vực địa lý nhất định như đô thị ven sông, đô thị đất liền. Với tư cách là một vị trí tiền tuyến của một hệ thống cảng thị/ hệ thống thương mại, các đơn nguyên hải thị luôn có mối quan hệ hữu cơ với các hải thị khác và các cảng thị ven sông khác trong một khu vực địa- sinh thái, địa nhân văn của một quốc gia, hoặc nếu ở tầm mức lơn hơn, các hải thị đó còn có mối quan hệ với các hải thị ở các quốc gia khác trong khu vực và thế giới.

Sinh thái học hải dương (Marine Ecology)

Sinh thái học hải dương là một phân môn khoa học nghiên cứu về các hệ vấn đề thuộc sinh thái biển như các loại hình môi trường biển (rừng ngập mặn, đáy biển, đầm phá, ), hệ thực vật, hệ động vật, quần xã sinh vật và những tác động của con người đối với hệ sinh thái nói chung. Từ góc nhìn lịch sử, sinh thái học hải dương sẽ có những đóng góp nhất định về sự biến đổi môi trường đối với các hệ sinh thái biển. Chuyên ngành này thuộc phạm vi lịch sử sinh thái, và đồng thời là một phân môn của khoa học lịch sử.

Từ góc độ diễn ngôn, một nguồn sử liệu sẽ chứa đựng nhiều thông tin lịch sử khác nhau, ví dụ như đoạn dưới đây trong sách Xiêm La quốc lộ trình tập lục: “Ngã ba Long Xuyên: (1) một nhánh theo hướng Nam, sông dài uốn lượn, hai bên là rừng cây và dừa nước, ăn thông đến cửa biển Gành Hàu; (2) một nhánh theo hướng Đông Bắc, sông dài uốn lượn, hai bên là dừa nước, thủy trình 1 ngày đến Trại Cá寨 𩵜, hai bên bờ cư dân làm nghề cá.” [Tống Phước Ngoạn 1810/ tb2013: 56, 71]. Những ghi chép như trên là rất thú vị , cho biết các nguồn thông tin về sinh vật, môi trường cũng như sự tương tác giữa con người với các sinh vật sinh thái biển.

Như trên đã phân tích, nghiên cứu Biển Đông, với tư cách là một khoa học đa ngành, và là một bộ phận quan trọng của Việt Nam học. Với 16 chuyên ngành như đã trình bày, việc nghiên cứu biển đông cần phải có những chiến lược dài hơi và có hệ thống, từ việc đào tạo cán bộ khoa học (từ các cấp thạc sĩ, tiến sĩ,…) cho đến triển khai các hệ đề tài cụ thể để phục vụ cho công tác bảo vệ chủ quyền biền đảo nói riêng và chiến lược biển nói chung. Sự hoạch định chính sách vĩ mô về phương diện khoa học cần những chủ trương nhất quán và lộ trình hợp lý để Việt Nam trong tương lai trở thành một quốc gia biển, hoặc cao hơn xa hơn, trở thành một cường quốc biển.

Theo TRẦN TRỌNG DƯƠNG / TẠP CHÍ TIA SÁNG

————————–

Tài liệu tham khảo:

Đào Duy Anh 1964/ tb1997. Đất nước Việt Nam qua các đời: Nghiên cứu địa lý học lịch sử Việt Nam, Nxb. Thuận Hóa – Huế,.
Kenneth R. Hall. 1985. Maritime Trade and State Development in Early Southeast Asia, University of Hawaii Press, Honolulu, pp.169-193.
Nguyễn Bá Ninh. 2012. Kinh tế biển ở các tỉnh Nam Trung Bộ Việt Nam trong hội nhập quốc tế. LATS Kinh tế. Học viện Chính trị- Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh. 179 trang. Mã kho: LA12.0739.3 (Thư viện Quốc gia Việt Nam)
Trần Đức Anh Sơn. 2014. Ngành đóng thuyền và tàu thuyền ở Việt Nam thời Nguyễn. Nxb Văn hóa – Văn nghệ. Tp. HCM.
Phan Thị Yến Tuyết. 2008. Nghiên cứu văn hóa biển Nam Bộ: tiếp cận nhân học và văn hóa dân gian. Trong “Văn hóa biển miền Trung và văn hóa biển Tây Nam Bộ”. Nxb Từ điển Bách khoa. Hà Nội. Tr.451-467.
Lê Đức Tố. 2010. Hải dương học biển Đông. Nxb Đại học Quốc gia. H.
Nhiều tác giả. Việt Nam trong hệ thống thương mại châu Á thế kỉ XVI-XVII, (Viết chung). Nxb. Thế Giới, H., 2007.
John K. Whitmore: The Rise of the Coast: Trade, State and Culture in Early Đại Việt, Journal of Southeast Asian Studies, 37 (1), February 2006, pp.103

————————–

Chú thích:

[1] Robert Jennings: The acquisition of territory in international law (New York, 1963), chuyển dẫn Charles de Visscher chú thích 2. [theo Từ Đặng Minh Thu 1997/ tb.2014].
[2] Xem Nguyễn Hải Kế. 1984. Đê Hồng Đức và công cuộc khẩn hoang vùng ven biển Nam sông Hồng thời Lê Sơ.