Từ bài học ở Biển Đỏ, nhận diện rủi ro kết nối hàng hải trên Biển Đông

Điểm nghẽn tại một hành lang hàng hải có thể sẽ tác động tới tự do hàng hải toàn cầu, từ câu chuyện hiện nay ở Biển Đỏ có thể hình dung ra những thách thức đối với hàng hải ở Biển Đông nếu những bất đồng không được kiểm soát tốt.

 

Từ 'bài học' ở Biển Đỏ, nhận diện rủi ro kết nối hàng hải trên Biển Đông
Những thách thức về hàng hải tại Biển Đông là một chủ đề được các đại biểu tham dự Đối thoại Biển lần thứ 12 tích cực thảo luận. (Nguồn: TTXVN)

Gián đoạn hàng hải là thách thức toàn cầu

Phát biểu tại Đối thoại biển lần thứ 12 tại TP.HCM ngày 15/3 vừa qua, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho rằng tình trạng hỗn loạn ở Biển Đỏ đã cho thấy các tuyến đường huyết mạch và điểm nghẽn hàng hải quan trọng có thể được sử dụng cho các mục tiêu địa chính trị. Đây cũng là một ví dụ về sự gián đoạn tại một hành lang hàng hải chính có thể gây ra hậu quả toàn cầu.

Dẫn số liệu từ Cục Hàng hải Việt Nam cho thấy giá cước vận chuyển từ Việt Nam đến bờ Đông nước Mỹ tăng từ 2.600 USD/container thời điểm tháng 12/2023 lên 4.100 - 4.500 USD vào tháng 1-2024, tăng 58 - 73%, ông Nguyễn Minh Vũ cho rằng Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng nặng nề dù ở xa Biển Đỏ.

"Rủi ro lớn đã dẫn đến phí bảo hiểm cao hơn và chi phí năng lượng cũng cao hơn. Các khó khăn về vận chuyển hàng hải đã làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam và gây ra đình trệ trong chuỗi cung ứng. Thật không may, Việt Nam đã là một trong những nước bị tác động từ các cuộc tấn công tại Biển Đỏ", ông nói.

Từ bài học của Biển Đỏ, trong khuôn khổ Đối thoại biển với chủ đề "Thúc đẩy kết nối trên biển - Tăng cường gắn kết toàn cầu" lần này, những vấn đề về kết nối trên Biển Đông cũng được đưa ra thảo luận sôi nổi.

Tại Đối thoại, ông Nguyễn Minh Vũ đã đề cập tới lo lắng trong khu vực về "hàng loạt sự kiện gây bất ổn và khiêu khích ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt là ở Biển Đông".

Ông Nguyễn Minh Vũ cho rằng có những hoạt động trong vùng xám làm suy yếu luật pháp về biển. Đã có những thách thức đối với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982), làm dấy lên mối lo ngại về trật tự pháp lý trên biển, tự do hàng hải và hàng không, cũng như về việc bảo vệ chủ quyền và các quyền lợi hợp pháp của các quốc gia ven biển.

“Các yêu sách hàng hải mơ hồ và quá đáng, bất kỳ sự coi thường trật tự pháp lý trên biển dựa trên UNCLOS 1982, cũng như bất kỳ nỗ lực nào nhằm áp đặt chính sách thực dụng và tùy tiện trên biển, đều là những nguyên nhân gây ra các lo ngại”, ông Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh.

Cũng với những lo ngại đó, tại Đối thoại biển lần này, TS. Nguyễn Hùng Sơn (Phó giám đốc Học viện Ngoại giao) nhấn mạnh thêm các thách thức địa chính trị, và chính trị nội bộ các nước khi nhiều quốc gia lớn trải qua đợt bầu cử quan trọng, tạo ra nguy cơ thay đổi chính sách.

Ông Nguyễn Hùng Sơn cũng nhắc tới một số hành động có thể bị xem là "hành động vùng xám" với cơ sở pháp lý không rõ ràng, và từ đó gây ra bất ổn, tạo khó khăn cho các quốc gia trong việc hợp tác cùng phản ứng.

Từ 'bài học' ở Biển Đỏ, nhận diện rủi ro kết nối hàng hải trên Biển Đông
Việt Nam đã xây dựng chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nhấn mạnh vào kết nối hàng hải. (Nguồn: TTXVN)

Kết nối hàng hải theo luật pháp quốc tế

Các đại biểu tại Đối thoại cho rằng thực tiễn nêu trên càng làm nổi bật nhu cầu tăng cường kết nối giữa các quốc gia, khi đó có thể là giải pháp phát huy tiềm năng kinh tế của khu vực. Hiện nay đã có nhiều nỗ lực và sáng kiến thúc đẩy kết nối biển, tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức khiến các nỗ lực này chưa được triển khai như mong đợi. Do đó, các đại biểu đều cho rằng cần phải sớm thúc đẩy chuyển đổi số trong thúc đẩy chuỗi cung ứng biển.

Tạp chí tài chính Australia (AFR) từng đánh giá chỉ riêng Biển Đông đã là nơi lưu thông của 27,9% thương mại hàng hóa khắp thế giới. AFR cũng cảnh báo nguy cơ hiệu ứng dây chuyền khi một trong các tuyến hàng hải trên thế giới tê liệt vì một lý do nào đó, nó có thể dẫn đến việc đóng cửa eo biển Malacca hoặc Biển Đông. Vấn đề là Biển Đông đang có sự tranh chấp của nhiều bên, do đó xung đột quân sự là rủi ro dễ hình dung nhất.

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho rằng mạng lưới hàng hải đóng vai trò là tuyến đường thương mại huyết mạch, chiếm 80% thương mại toàn cầu. Kết nối hàng hải tạo điều kiện cho trao đổi văn hóa, nghiên cứu khoa học và du lịch cũng như đóng vai trò quan trọng không chỉ trong ứng phó với các sự cố thảm họa và viện trợ nhân đạo mà còn đối với các tuyến cáp quang, vốn là xương sống của kết nối số toàn cầu. Mặt khác, kết nối hàng hải ngày nay cũng bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi số hóa, tự động hóa và chuyển đổi năng lượng xanh.

Là quốc gia ven biển và cũng là quốc gia sử dụng biển, Việt Nam đã xây dựng chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nhấn mạnh vào kết nối hàng hải. Sự thịnh vượng của nền kinh tế Việt Nam hiện nay phụ thuộc vào an toàn, an ninh của các hành lang hàng hải.

Việt Nam cam kết mạnh mẽ về an toàn hàng hải, tự do hàng hải và hàng không, kết nối hàng hải không bị cản trở theo luật pháp quốc tế. Việc tôn trọng UNCLOS 1982 là nền tảng để bảo đảm hòa bình, ổn định, trật tự pháp lý trên biển và là phương thức giải quyết các tranh chấp trên biển phù hợp nhất.

 

VY ANH/Theo Baoquocte.vn