Việt Nam lên tiếng trước phát ngôn của Trung Quốc và Philippines về yêu sách ở Biển Đông

Việt Nam kiên quyết phản đối và bác bỏ tất cả các yêu sách ở Biển Đông trái luật pháp quốc tế, vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng. Ảnh: Bộ Ngoại giao

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng. Ảnh: Bộ Ngoại giao

Ngày 23/3, trả lời về quan điểm của Việt Nam đối với phát biểu của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 14/3/2024 và Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philippines ngày 17/3/2024 về vấn đề Biển Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nêu rõ: "Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp luật pháp quốc tế, cũng như có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phản đối với các vùng biển của mình được xác lập phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS)".

Liên quan đến các yêu sách ở Biển Đông trái luật pháp quốc tế, vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển của Việt Nam được xác lập phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, lập trường của Việt Nam là luôn rõ ràng, nhất quán và đã được khẳng định nhiều lần, theo đó Việt Nam kiên quyết phản đối và bác bỏ tất cả các yêu sách này - bà Hằng nói thêm.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết Việt Nam mong muốn các quốc gia liên quan thực sự tôn trọng và tuân thủ các quy định của UNCLOS 1982, cùng đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định và tìm kiếm các giải pháp cơ bản, lâu dài ở Biển Đông.

Thời gian qua, Trung Quốc và Philippines đã có một số va chạm trên Biển Đông. 

Tại cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 14/3/2024, Người Phát ngôn Uông Văn Bân tuyên bố Trung Quốc là quốc gia đầu tiên phát hiện, đặt tên, thăm dò và khai thác Nam Hải Chư Đảo (tên gọi trái phép mà Trung Quốc sử dụng cho các quần đảo bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam) và các vùng biển liên quan, đồng thời là nước đầu tiên thực hiện quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với cái gọi là Nam Hải Chư Đảo và các vùng biển liên quan.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đưa ra tuyên bố phi lý rằng Trung Quốc có chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hàng hải ở Biển Đông, trong đó có việc Trung Quốc có chủ quyền đối với Nam Hải Chư Đảo; Trung Quốc có nội thủy, lãnh hải và vùng tiếp giáp dựa trên Nam Hải Chư Đảo; Trung Quốc có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa dựa trên Nam Hải Chư Đảo; Và Trung Quốc có quyền lịch sử ở Biển Đông.

Đến ngày 17/3, phía Philippines ra tuyên bố cho rằng cái gọi là quyền lịch sử của Trung Quốc là vô căn cứ và sai lệch. Đồng thời khẳng định Philippines có chủ quyền và thực hiện quyền kiểm soát hành chính đối với Bajo de Masinloc, cũng như nhiều thực thể khác ở phía tây Palawan mà hiện nay tạo thành Nhóm đảo Kalayaan (Nhóm đảo Kalayaan là tên Philippines gọi một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam).

Theo Đời sống Pháp luật