Khi những cơn đói phải xếp cuối trong hàng đợi...

Tương lai của Cơ quan cứu trợ Liên Hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine đang bấp bênh khi các nước Arab không thể lấp đầy khoảng trống tài trợ do Mỹ để lại. Và, sự bấp bênh ấy khiến hàng triệu số phận ở Gaza thêm phần hắt hiu.

Số tiền ít ỏi cho 2 tháng cầm cự

Khoảng một tuần sau khi Mỹ và các nước phương Tây khác đóng băng tài trợ cho cơ quan của Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA) vào cuối tháng 1, quan chức hàng đầu của cơ quan này đã bay tới Vịnh Persic hy vọng các chế độ quân chủ giàu có của Arab sẽ cứu UNRWA vào thời điểm mà họ đảm nhận vai trò chủ lực trong việc cung cấp viện trợ nhân đạo ở Gaza.

Khi những cơn đói phải xếp cuối trong hàng đợi... -0
Hàng trăm người Palestine ở Gaza chen lấn nhận hàng viện trợ bên một nhà kho của UNRWA hồi cuối tháng 3. Ảnh: Reuters.

Nhưng, nỗ lực ấy dường như không mấy hiệu quả. Ông Philippe Lazzarini, người đứng đầu UNRWA, chỉ huy động được 85 triệu USD từ Saudi Arabia, Qatar và UAE cho năm 2024, thấp hơn rất nhiều so với số tiền bị mất khi Mỹ và các nước khác cắt viện trợ sau những cáo buộc rằng ít nhất một chục nhân viên cơ quan đã tham gia cuộc tấn công ngày 7/10 vào Israel. Năm ngoái, riêng Mỹ đã tài trợ cho cơ UNRWA hơn 422 triệu USD.

Các quan chức của UNRWA cho biết, số tiền mà Lazzarini đã cố gắng gom góp cho đến nay đủ để trang trải chi phí của cơ quan này cho đến tháng 5. Nếu không có nguồn tài trợ mới, UNRWA sẽ buộc phải thu hẹp quy mô các hoạt động nhân đạo ở Gaza, bao gồm việc cung cấp thức ăn và chỗ ở cho hơn một triệu người. Hiện tại, cơ quan khác của Liên hợp quốc và các nhóm từ thiện phụ thuộc rất nhiều vào UNRWA, với khoảng 3.000 nhân viên giám sát hầu hết việc phân phối viện trợ và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người tị nạn Palestine.

Ông Lazzarini cho biết những đóng góp gần đây của người Arab và các nhà tài trợ khác đã phần nào giúp cơ quan này tiếp tục hỗ trợ người Palestine trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Gaza đang hết sức căng thẳng. Hiện tại, phần lớn trong số 2,2 triệu người ở Gaza đã phải di dời, không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc y tế đầy đủ và đang trên bờ vực của nạn đói.

Viễn cảnh tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn đã thuyết phục một số quốc gia - bao gồm Canada, Thụy Điển, Australia và Phần Lan - nối lại nguồn tài trợ ban đầu bị đình chỉ trong những tuần gần đây. “Nhưng, trong bao lâu? Nếu không có nguồn tài trợ bổ sung, chúng tôi sẽ chỉ tiếp cận được những khu vực rất hữu hạn”, ông Lazzarini nói trong một cuộc họp tại Liên hợp quốc cách đây hơn 1 tuần.

Khi những cơn đói phải xếp cuối trong hàng đợi... -0
Người dân đi ngang qua trụ sở bị hư hại của UNRWA ở Gaza, hôm 15/2. Ảnh: AFP.

Nguồn cơn của tình cảnh bấp bênh

UNRWA đã bị lôi kéo vào cuộc tranh cãi kể từ khi Israel cáo buộc ít nhất hàng chục nhân viên của cơ quan này tham gia các cuộc tấn công do Hamas lãnh đạo. Sau những cáo buộc ấy, UNRWA đã sa thải các nhân viên được cho là có liên quan đến vụ tấn công và cho biết Israel chưa cung cấp bằng chứng khẳng định sự liên quan đến các nhóm chiến binh không chỉ dừng lại ở một vài cá nhân. Liên hợp quốc cũng đã tiến hành 2 cuộc điều tra về tính trung lập của UNRWA.

Nhưng, Israel vẫn đang nỗ lực đẩy UNRWA dần rời khỏi Gaza. Tel Aviv phân phát “báo cáo tình báo” với nội dung cáo buộc rằng 10% nhân viên của UNRWA có “mối quan hệ” không xác định với các nhóm chiến binh Hồi giáo ở Gaza. Israel gây áp lực để nhiều chính phủ đình chỉ tài trợ cho UNRWA và đang vận động các đồng minh của mình thay thế UNRWA bằng các nhóm nhân đạo khác. Đại diện UNRWA hôm 26/3 cho biết quân đội Israel đã cấm cơ quan này cung cấp thực phẩm tới phần phía Bắc của Gaza, một khu vực đang bị suy dinh dưỡng cấp tính lan rộng.

Mỹ sẽ không sớm tiếp tục tài trợ. Một gói chi tiêu mới đã được Quốc hội thông qua và Tổng thống Joe Biden đã ký thành luật bao gồm một điều khoản ngăn UNRWA nhận tiền cho đến ít nhất là tháng 3/2025. Nếu ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump đắc cử tổng thống vào tháng 11, có lẽ khả năng tài trợ sẽ tiếp tục trở lại càng ít hơn. Chính quyền của ông Donald Trump từng cắt nguồn tài trợ cho UNRWA vào năm 2018, nói rằng mô hình hoạt động của họ “có sai sót không thể sửa chữa được”.

Các chế độ quân chủ Arab từ lâu đã ưa thích quyên góp song phương cho các mục đích nhân đạo hơn là thông qua Liên hợp quốc. Họ không muốn UNRWA sụp đổ nhưng cũng thấy được lợi ích từ việc cải cách tổ chức này, chẳng hạn như bằng cải thiện cách sàng lọc nhân viên để ngăn chặn Hamas xâm nhập. Trao đổi với Tạp chí Wall Street Journal, một số nhà phân tích chính trị chỉ ra rằng, các chính phủ Vùng Vịnh cũng không coi nhiệm vụ của mình là phải can thiệp hoàn toàn để thay thế nguồn tài trợ của phương Tây.

Saudi Arabia tuần trước đã cam kết hỗ trợ 40 triệu USD cho UNRWA, dành số tiền này cho hoạt động ứng phó nhân đạo ở Gaza. Đây là khoản đóng góp lớn nhất của một quốc gia cho cơ quan này kể từ khi nổ ra vụ cáo buộc nhân viên UNRWA tham gia Hamas. Nhưng, con số đó quá nhỏ bé nếu so với khoản viện trợ nhân đạo 400 triệu USD cho Ukraine mà Saudi Arabia công bố vào năm 2022.

UAE gần đây đã giải ngân 20 triệu USD cho UNRWA, số tiền mà nước này đã hứa vào năm ngoái nhưng chưa thực hiện. Theo Tạp chí Wall Street Journal, UAE đã đưa ra điều kiện rằng UNRWA sẽ không coi đây là một khoản viện trợ mới hoặc dùng số tiền đó làm ví dụ để kêu gọi các quốc gia khác không đình chỉ tài trợ. Qatar thì cam kết tài trợ 25 triệu USD cho năm 2024. Kuwait cho đến nay vẫn chưa đưa ra cam kết nào.

Theo các nhà phân tích, những quốc gia Arab, bao gồm cả Saudi Arabia, không muốn cam kết tài trợ số tiền lớn cho Gaza cho đến khi có sự rõ ràng hơn về tương lai chính trị của dải đất này. Riyadh đang thúc đẩy giải pháp hai nhà nước, trong đó chính quyền Palestine (PA) được cải cách sẽ đóng một vai trò nào đó quản lý Dải Gaza - một khả năng mà Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho đến nay vẫn loại trừ.

“Các quân chủ Arab đang để mắt đến việc tái thiết Gaza sau chiến tranh”. Bader al-Saif, một chuyên gia về các vấn đề Vịnh Ba Tư và Arab tại Đại học Kuwait cho biết. “Việc đưa ra những khoản viện trợ cho UNRWA sẽ củng cố hình ảnh rằng các quốc gia Vùng Vịnh sẽ luôn đến giải cứu. Họ chắc chắn sẽ không xây dựng lại nếu điều đó không gắn liền với những nhượng bộ từ Israel và tôi không biết điều đó sẽ diễn ra như thế nào trong bối cảnh hiện tại”.

Khi những cơn đói phải xếp cuối trong hàng đợi... -0
Người Palestine tại một trường học do UNRWA điều hành ở trung tâm Dải Gaza. Ảnh: Zuma.

Viễn cảnh được báo trước

UNRWA được Đại hội đồng Liên hợp quốc thành lập vào tháng 12/1949 để giải quyết vấn đề 700.000 người tị nạn Palestine mà quân đội Israel đã buộc họ phải rời bỏ nhà cửa trong cuộc chiến dẫn đến việc thành lập nhà nước Israel vào tháng 5/1948. Người Palestine gọi việc trục xuất này là “nakba”, hoặc “thảm họa”.

Ngày nay, UNRWA cung cấp các dịch vụ giáo dục, chăm sóc sức khỏe và xã hội cho những người tị nạn còn sống sót và con cháu của họ, với số lượng gần 7 triệu người sống rải rác ở Jordan, Lebanon và Syria cũng như Bờ Tây, Đông Jerusalem và Dải Gaza.

Không có quốc gia Arab nào ngoài Jordan sẵn sàng trao quyền công dân cho một số lượng đáng kể người tị nạn Palestine và cộng đồng quốc tế gần như phó mặc việc chăm sóc họ cho Liên hợp quốc. Mỹ đã cung cấp phần lớn tài trợ cho UNRWA trong nhiều thập kỷ, nhưng ngày càng có nhiều chính trị gia ở cả lưỡng đảng tại Mỹ bày tỏ quan ngại về cơ quan này và nhiệm vụ không giới hạn của UNRWA.

Trên thực tế, UNRWA đã gặp khó khăn về tài chính trước khi cuộc chiến ở Gaza bắt đầu. Không giống như hầu hết các cơ quan của Liên hợp quốc, UNRWA hầu như không sử dụng ngân sách chung của Liên hợp quốc, ngoại trừ để giúp trang trải lương cho một số ít nhân viên quốc tế. Thay vào đó, cơ quan này dựa vào sự đóng góp tự nguyện và không thể đoán trước từ các nhà tài trợ. Bởi sự phụ thuộc ấy mà UNRWA chưa bao giờ phục hồi hoàn toàn sau quyết định ngừng tài trợ từ năm 2018 đến năm 2020 của của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Vào thời điểm đó, các nước bao gồm Đức và các quốc gia quân chủ Vùng Vịnh đã tăng mạnh đóng góp hằng năm nhưng không đủ để bù đắp hoàn toàn cho khoản tài trợ bị mất của Mỹ. UNRWA đã sử dụng số tiền tiết kiệm ít ỏi có được để bù đắp cho những khoản lỗ đó. Bất chấp việc Mỹ nối lại viện trợ dưới thời Tổng thống Joe Biden, UNRWA cho biết, họ đã kết thúc mỗi năm tài chính gần đây với hóa đơn chờ thanh toán đã quá hạn lên tới hàng chục triệu USD cho tất cả mọi người, từ nhân viên bác sĩ đến nhà cung cấp giấy vệ sinh.

Việc đình chỉ tài trợ được công bố vào tháng 1 có nguy cơ tác động gần như ngay lập tức đến UNRWA. Nỗ lực thúc đẩy ngoại giao của Giám đốc Lazzarini đã giúp trì hoãn điều đó bằng cách nhanh chóng đảm bảo nguồn tiền bổ sung từ các quốc gia như Tây Ban Nha và Ireland. EU hồi đầu tháng này cho biết, họ sẽ thanh toán khoảng 50 triệu euro cho UNRWA sau khi cơ quan này đồng ý cho phép các chuyên gia do EU chỉ định kiểm tra cách thức sàng lọc nhân viên.

Khi những cơn đói phải xếp cuối trong hàng đợi... -0
Giám đốc UNRWA Philippe Lazzarini mới quyên góp được 85 triệu USD trong năm nay, chỉ đủ cho cơ quan này hoạt động đến tháng 5. Ảnh: SWI.

Theo một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, nước này đã cung cấp 71 triệu USD cho UNRWA trong năm nay trước khi tạm dừng tài trợ. Washington thường thực hiện thanh toán thành 3 đợt một năm, điều đó có nghĩa là việc cắt nguồn tài trợ sẽ trở nên đặc biệt nghiêm trọng trong những tháng tới. Đức, trước đây là nhà tài trợ lớn thứ hai của UNRWA, đã không đóng góp gì cho tổ chức này trong năm nay. 

Do đó, cơn đói của hàng triệu người tại Gaza vẫn đối diện nguy cơ trầm kha hơn. Những nỗ lực mới nhất của Giám đốc Philippe Lazzarini cũng chỉ đang dừng lại ở những lời kêu gọi.

Chẳng hạn như hôm 29/3, tức một ngày sau khi Tòa án Công lý quốc tế yêu cầu Israel mở đường cho các hoạt động nhân đạo tại Gaza, ông Lazzarini đã hối thúc Tel Aviv cho phép UNRWA vận chuyển lương thực và các thực phẩm thiết yếu đến phía Bắc Gaza và mở thêm các cửa khẩu đường bộ để tạo điều kiện cho việc vận chuyển hàng cứu trợ. Nhưng, cho đến lúc này, lời kêu gọi ấy vẫn chưa nhận được hồi đáp, bằng bất cứ hành động cụ thể nào.

Theo CAND