Một người đàn ông được giao việc giải quyết bất bình đẳng giới ở Nhật

Bất bình đẳng giữa nam giới và phụ nữ là vấn đề dai dẳng tại Nhật Bản mà chính quyền Thủ tướng Fumio Kishida đang nỗ lực giải quyết.

Nhật Bản là một trong các nước có tình trạng bất bình đẳng nam nữ cao nhất trong nhóm quốc gia phát triển, thể hiện ở chênh lệch thu nhập và thiếu vắng sự hiện diện của nước giới trong bộ máy lãnh đạo.

Tháng 8/2022, Thủ tướng Fumio Kishida bổ nhiệm nghị sĩ Masanobu Ogura làm Bộ trưởng Quyền phụ nữ. Việc sắp xếp một chính trị gia nam giới vào vị trí vốn có truyền thống thuộc về phụ nữ đã làm dấy lên làn sóng hoài nghi trong công chúng Nhật.

Bổ nhiệm gây tranh cãi

Trong thời gian dài trước khi được bổ nhiệm, ông Ogura đã cho thấy sự quan tâm tới vấn đề thúc đẩy quyền của phụ nữ.

Tháng 4/2021, ông Ogura cùng một số nam đồng nghiệp của đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền mặc những chiếc bụng bầu giả nặng tới 7,3 kg trong khi thực hiện các hoạt động thường ngày. Hoạt động này là một phần trong chiến dịch thúc đẩy sự cảm thông dành cho phụ nữ của LDP, theo Reuters.

"Tôi không ngủ được vì sức ép lên dạ dày, cơ thể tôi đau nhức bởi không thể nằm nghiêng. Mới chỉ một ngày trôi qua, tôi không dám nghĩ những người thực sự có bầu sẽ cảm thấy như thế nào", ông Ogura viết trên trang Twitter cá nhân sau một ngày làm quen với chiếc bụng bầu giả.

phu nu nhat ban anh 2

Ông Masanobu Ogura mặc bụng bầu giả. Ảnh: Reuters.

Sau ngày được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quyền phụ nữ, ông Ogura trở thành đối tượng chỉ trích của nhiều phụ nữ cũng như phe đối lập tại Nhật Bản.

"Đừng giả vờ rằng ông hiểu mang bầu là như thế nào sau khi đeo bụng bầu giả trong 2 ngày. Việc mang bầu kéo dài 10 tháng, cùng với sự đau đớn khủng khiếp khi sinh", một ý kiến chỉ trích cho biết.

Bộ trưởng Ogura thừa nhận ông nhận được nhiều sự chỉ trích từ phụ nữ về hành động mang bụng bầu giả.

"Điều đó giúp tôi nhận ra đàn ông, trong đó có bản thân mình, không hiểu phụ nữ nhiều như thế nào", ông Ogura nói.

Ogura là người đàn ông đầu tiên kể từ 2017 đảm nhiệm chức vụ bộ trưởng Quyền phụ nữ, sau 5 người tiền nhiệm là nữ giới. Chức vụ mà ông Ogura đảm nhiệm càng thêm nhiều áp lực khi Nhật Bản chủ trì cuộc họp cấp cao về bình đẳng giới của G7 năm nay, dự kiến tổ chức ở Tochigi.

Tại hội nghị G7 tháng 10/2022 ở Berlin, ông Ogura thay mặt Nhật Bản ký tuyên bố chung cam kết "chương trình nghị sự bình đẳng giới" đầy tham vọng, trong đó có thúc đẩy sự tham gia của các nữ doanh nhân và quyền của cộng đồng LGBTQ.

Bất bình đẳng tại Nhật Bản

Hiện thực hóa cam kết tại Berlin không phải điều dễ dàng với Tokyo. Bất bình đẳng giới là vấn đề dai dẳng tại Nhật Bản, nước xếp thứ 116/146 quốc gia về bình đẳng giới theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

Năm 2021, phụ nữ Nhật Bản có thu nhập thấp hơn nam giới trung bình 22,4%. Ước tính, phụ nữ chỉ nắm 18% tổng giá trị tài sản tại Nhật, chỉ bằng 50% so với mặt bằng chung của châu Á.

Với chính sách "tài sản mới", Thủ tướng Kishida cam kết sẽ cải thiện các số liệu nói trên và thúc đẩy sự tự chủ tài chính cho phụ nữ Nhật, với Bộ trưởng Ogura là mũi xung kích chính.

"Khoảng cách thu nhập về giới là vấn đề lớn tại Nhật Bản, bên cạnh việc thiếu phụ nữ tại các vị trí quản lý. Chúng ta cần tạo ra môi trường cho phép phụ nữ làm việc cạnh tranh trong khi vẫn có thể chăm sóc con", ông Ogura nói.

Chính phủ của ông Kishida cũng tham vọng đảo ngược đà suy giảm của tỷ lệ sinh. Tháng 5/2022, Nhật Bản ghi nhận 798.561 trẻ em được sinh ra, thấp chưa từng có kể từ khi thống kê.

Phát biểu hôm 22/1, ông Kishida cho biết suy giảm tỷ lệ sinh có nguy cơ đẩy Nhật Bản vào rối loạn xã hội, đồng thời cam kết sẽ có các biện pháp đột phá nhằm san sẻ gánh nặng con cái cho mọi giới tính, mọi độ tuổi.

Trả lời Japan Times, ông Ogura nói việc san sẻ gánh nặng con cái từ phụ nữ sang đàn ông là chìa khóa để giải quyết vấn đề dân số của Nhật Bản. Theo thống kê, thời gian chăm con của phụ nữ cao gấp 7 lần so với nam giới.

"Tôi sẽ nỗ lực thúc thúc đẩy sự tham gia của đàn ông vào chăm sóc trẻ em và khiến họ nghỉ thai sản nhiều hơn", ông Ogura cho biết.

Nỗ lực thu hẹp khoảng cách thu nhập

Chính quyền của Thủ tướng Kishida đã có những bước đi cụ thể nhằm giải quyết bài toán bất bình đẳng kinh tế. Giữa năm 2022, chính phủ Nhật ban hành luật bắt buộc các công ty có hơn 300 lao động công khai sự khác biệt về mức lương trả cho lao động nam và nữ.

Lý do về khoảng cách thu nhập giữa hai giới tại Nhật Bản rất phức tạp, các chuyên gia cho biết không thể sớm tìm ra một giải pháp toàn vẹn. Theo điều tra, 54,4% phụ nữ Nhật ký hợp đồng lao động ngắn hạn, so với chỉ 22,2% nam giới. Những lao động nữ này không chỉ bị trả lương thấp hơn, họ còn dễ bị sa thải khi có biến động chính sách nhân sự.

Tokyo đang yêu cầu các công ty mở rộng số lượng vị trí dài hạn cho phụ nữ. Nhưng ngay cả khi đã ký hợp đồng dài hạn, vẫn có những rào cản khác nằm trong chính sách.

 

phu nu nhat ban anh 4

Cuộc tuần hành của phong trào ủng hộ quyền phụ nữ tại Tokyo. Ảnh: Mainichi.

Theo Đạo luật Lương hưu quốc gia, người trong độ tuổi 20-59 thu nhập dưới 10.000 USD/tháng sẽ được hưởng bảo hiểm y tế miễn phí và hưởng mức đóng quỹ lương hưu theo vợ hoặc chồng.

Đạo luật này ra đời vào thập niên 1980 nhằm hỗ trợ những phụ nữ nội trợ. Đạo luật này giờ là thứ khiến nhiều phụ nữ chấp nhận làm những công việc bán thời gian lương thấp, không đòi hỏi hay thậm chí từ chối được tăng lương hoặc thăng chức.

Theo Bộ trưởng Ogura, số phụ nữ làm việc trong các ngành công nghiệp hưởng lương cao, như công nghệ, cũng đóng vai trò trong bất bình đẳng kinh tế.

"Phụ nữ chỉ chiếm 19% lực lượng lao động trong ngành điện tử ở Nhật Bản, không có nhiều hình mẫu là nữ giới trong ngành công nghệ", ông Ogura cho hay.

Ông Ogura tin rằng chìa khóa để thu hẹp khoảng cách này là khuyến khích nữ sinh học cao hơn về khoa học, công nghệ, kỹ sư và toán học ở các cấp đại học và sau đại học. Nữ sinh trung học Nhật Bản có điểm thi toán và khoa học cao nhất nhóm G7. Nhưng sự bất bình đẳng trong các môn khoa học và công nghệ xuất hiện kể từ thời kỳ đại học về sau.

Năm 2019, phụ nữ Nhật chỉ chiếm 17% số sinh viên tốt nghiệp các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Con số này ở 36 nước thuộc nhóm OECD là 32%.

"Tôi hy vọng có thể hỗ trợ tích cực cho các nữ học giả Nhật Bản trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Chúng ta cũng cần xóa bỏ những thành kiến khiến các công ty công nghệ không tuyển phụ nữ", ông Ogura nói.

Theo Zing News