Nam Sudan: Nơi có cuộc khủng hoảng bị lãng quên

Khi những cuộc xung đột ở Ukraine hay Trung Đông vẫn đang diễn ra khiến cả thế giới đều bị ảnh hưởng thì dường như chúng ta quên mất rằng có một cuộc xung đột khác cũng khủng khiếp không kém đang hành hạ hàng chục triệu người dân thường ở Nam Sudan.

“Địa ngục” Nam Sudan

Tại một phiên họp tại Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) ngày 26/10/2024, Phó giám đốc Điều hành của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), Tiến sĩ Ted Chaiban đã phải thốt lên rằng: “Chúng ta chưa bao giờ chứng kiến những con số như thế này trong một thế hệ”. Người đại diện hàng đầu của tổ chức lớn nhất thế giới về quyền trẻ em muốn nhắc đến con số khủng khiếp là 8,5 triệu người đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực và 775.000 người khác đang rơi vào nạn đói. Đó chính là những con số đến từ cuộc khủng hoảng ở Nam Sudan, nơi đang diễn ra một cuộc xung đột sắc tộc mà Tiến sĩ Chaiban gọi là “một trong những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong ký ức của những người còn sống”.

Nam Sudan: nơi có cuộc khủng hoảng bị lãng quên -0
Cuộc xung đột sắc tộc tôn giáo kéo dài làm cho vùng đất trở nên kiệt quệ.

Những con số này không tự nhiên mà có. Đó là kết quả của cuộc điều tra mới nhất do chính ông Chaiban cùng với đại diện của Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) Raouf Mazou thu thập được sau hơn một tuần làm việc tại miền Nam Sudan hồi trung tuần tháng 10 vừa qua. Để thu thập được đầy đủ thông tin, hai đại diện hàng đầu của LHQ phải trực tiếp đến gặp gỡ giới chức địa phương, thăm hàng chục trại tị nạn đang tiếp nhận trung bình mỗi ngày hơn 4.000 người.

Thống kê cho thấy, kể từ khi cuộc xung đột tại Sudan tái bùng phát tháng 4/2023 tới nay, hơn 14 triệu người đã buộc phải rời bỏ nhà cửa, con số lớn nhất từng được ghi nhận trong thế kỷ 21 biến đây trở thành cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất thế kỷ. Trong phát biểu trước Đại hội đồng, Tiến sĩ Chaiban nhấn mạnh: “Toàn bộ đất nước đã phải di dời” nhưng “cuộc khủng hoảng đã bị lãng quên”.

Thực tế, những cảnh báo nghiêm trọng của Tiến sĩ Chaiban cũng chỉ tiếp nối những cảnh báo khác từ các quan chức của LHQ trong suốt một năm qua về tính phức tạp của tình hình tại Nam Sudan. Thế nhưng, người dân ở đây vẫn chưa nhận được những lời đáp lại tương xứng. Một báo cáo khác từ Văn phòng Điều phối Nhân đạo của LHQ (OCHA) và Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), hơn 7 triệu người tại Nam Sudan đang rơi vào tình trạng thiếu ăn nghiêm trọng, đặc biệt ở các vùng xung đột.

Với một cuộc chiến kéo dài hơn một thập kỷ qua, mùa màng bị tàn phá đẩy người dân vào cảnh khốn cùng. Tình trạng hạn hán và lũ lụt do biến đổi khí hậu càng làm cho cuộc sống trở nên tuyệt vọng hơn. Nhiều người dân tại Nam Sudan buộc phải ăn các loại rễ cây, lá rừng để duy trì sự sống. Trẻ em và phụ nữ đặc biệt dễ bị tổn thương, khi hình ảnh những đứa trẻ suy dinh dưỡng nặng đang ngày càng phổ biến. Các chuyên gia của OCHA đã đau xót thừa nhận rằng: “Nếu không có các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp, hàng nghìn người có thể sẽ chết vì đói và bệnh tật trong những tháng tới”.

Và… những ưu tiên khác

Dù khủng hoảng tại Nam Sudan đã kéo dài từ lâu và đang ở mức báo động đỏ, nhưng sự hỗ trợ quốc tế lại rất hạn chế. Điều này trái ngược với những cuộc xung đột tại Trung Đông và Ukraine, nơi nhận được sự chú ý từ cộng đồng quốc tế. Các chuyên gia phân tích cho rằng điều này phản ánh sự phân biệt trong việc phân bổ tài trợ và quan tâm dựa trên lợi ích của các nước lớn.

Ông David Miliband, Chủ tịch Ủy ban Cứu trợ Quốc tế, nhận xét: “Việc quốc tế ưu tiên một số khu vực trong khi bỏ mặc những vùng khủng hoảng như Nam Sudan cho thấy một bộ mặt đáng buồn của thế giới. Chúng ta đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo có thể tránh được, nhưng vì không có lợi ích kinh tế rõ ràng, các quốc gia sẵn sàng quay lưng đi”.

Những con số không biết nói dối. Cuộc xung đột tại Trung Đông và Ukraine đều thu hút lượng lớn viện trợ lớn từ các quốc gia phương Tây. Theo báo cáo từ Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), riêng Hoa Kỳ đã cung cấp hơn 70 tỷ USD viện trợ cho Ukraine trong năm qua, bao gồm cả hỗ trợ quân sự và kinh tế. Các quốc gia châu Âu cũng dành hàng chục tỷ euro cho các chiến dịch cứu trợ và tái thiết tại khu vực này.

Tại Dải Gaza, nơi quân đội Israel đang thực hiện một chiến dịch quân sự lớn dù liên tục ngăn chặn các nỗ lực cứu trợ quốc tế cho người dân địa phương thì người dân ở đây vẫn nhận được hàng trăm triệu USD tài trợ quốc tế từ các nguồn khác nhau. Theo thống kê của Cơ quan Cứu trợ của LHQ dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA), kể từ tháng 10/2023, khi xung đột bùng phát tại Gaza, các quốc gia và tổ chức quốc tế đã cam kết hàng trăm triệu USD để đáp ứng nhu cầu nhân đạo khẩn cấp, bao gồm lương thực, nước sạch, y tế và hỗ trợ nơi ở. Tính riêng từ đầu năm 2024 tới nay, Hoa Kỳ đã cung cấp khoảng 73 triệu USD viện trợ khẩn cấp, chủ yếu qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) để giúp đỡ người dân tại Gaza và Bờ Tây. EU cũng cam kết hỗ trợ nhân đạo và tái thiết quy mô lớn nhằm giải quyết tình trạng thiếu thốn trong khu vực, bất chấp cuộc xung đột còn chưa có dấu hiệu kết thúc.

Ngược lại, các khoản tài trợ cho Nam Sudan chỉ đạt 40% tổng số cần thiết theo kế hoạch cứu trợ của LHQ. Một thống kê của LHQ cho thấy, đến tháng 8/2024, Văn phòng Hỗ trợ Nhân đạo của USAID đang đứng đầu trong cung cấp viện trợ tại Nam Sudan với khoảng 19.000 tấn thực phẩm hiện vật và 6 triệu USD tiền mặt hỗ trợ. Con số này dù rất đáng quý nhưng rõ ràng là quá nhỏ so với những gì diễn ra tại Ukraine hay Trung Đông. Ông Mark Lowcock, cựu Giám đốc điều hành Văn phòng Điều phối Nhân đạo của LHQ đã đúng khi nhận xét: “Thế giới đang sẵn sàng chi hàng tỷ đô cho những khu vực có lợi ích chiến lược rõ ràng. Nhưng khi không có sự trao đổi lợi ích, những quốc gia như Nam Sudan sẽ mãi bị bỏ lại phía sau”.

Nam Sudan: nơi có cuộc khủng hoảng bị lãng quên -0
Tiếng kêu cứu phát đi từ Sudan.

Sự thật đau lòng

Chênh lệch trong sự quan tâm quốc tế đối với các cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Nam Sudan so với Ukraine và Trung Đông đã dẫn đến nhiều ý kiến trái chiều. Các nhà phân tích cho rằng, trong khi Ukraine và các nước Trung Đông như Israel và Palestine nhận được sự chú ý và viện trợ quốc tế đáng kể, Nam Sudan lại thường bị bỏ qua trong các chương trình cứu trợ và hỗ trợ nhân đạo vì khu vực này ít có ảnh hưởng đến hệ thống kinh tế toàn cầu. Bà Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế, nhận định rằng việc quốc tế bỏ qua Nam Sudan là một ví dụ điển hình về cách thế giới phân bổ tài nguyên dựa trên lợi ích thay vì nhu cầu. “Chúng ta đang lãng quên những con người yếu đuối nhất khi không có động cơ kinh tế hoặc chính trị thúc đẩy việc cứu trợ”, bà Georgiena cho biết.

Tổ chức nhân đạo INTERSOS của Italia, cơ quan đang hỗ trợ cho hơn 5 triệu người tị nạn ở Nam Sudan nhận định rằng thế giới dường như có tiêu chuẩn kép khi phản ứng với các cuộc khủng hoảng. Cuộc xung đột liên quan đến lợi ích địa chính trị như Ukraine nhận được sự hỗ trợ tài chính và sự quan tâm mạnh mẽ hơn từ các nước phương Tây, trong khi các cuộc khủng hoảng ít nổi bật như ở Nam Sudan không nhận được sự quan tâm tương tự, mặc dù nhu cầu nhân đạo ở đó rất cấp bách.

Tại LHQ, các cuộc tranh cãi về sự "thiên vị" trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ và các nước phương Tây cũng đã xuất hiện. Sự bất bình này càng làm nổi bật sự chênh lệch trong cách cộng đồng quốc tế đối xử với các cuộc khủng hoảng khác nhau. Một khảo sát của tổ chức từ thiện Oxfam cũng cho thấy rằng hơn 80% người dân tại Nam Sudan cảm thấy thất vọng với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Con số phản ánh một thực tế đáng buồn về sự ích kỷ và thờ ơ của thế giới đối với các khủng hoảng nhân đạo không mang lại lợi ích kinh tế.

Các chuyên gia nhân đạo nhấn mạnh rằng việc thiếu hỗ trợ quốc tế không chỉ làm tình hình tại Nam Sudan xấu đi mà còn ảnh hưởng đến sự ổn định của khu vực.

Nam Sudan là một trong những quốc gia có dân số trẻ nhất thế giới, và nếu không có sự hỗ trợ, quốc gia này có thể trở thành môi trường nuôi dưỡng các nhóm vũ trang cực đoan. Ông Richard Gowan, Giám đốc chính sách tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Hoa Kỳ cho biết: “Việc bỏ mặc Nam Sudan sẽ không chỉ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho đất nước này, mà còn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn cho cả khu vực và xa hơn là các khu vực khác trên thế giới”. Vấn đề là: ai sẽ thực sự quan tâm đến những điều đó?

Theo CAND