2023 - Năm sôi động và rực rỡ của ngoại giao Việt Nam

Năm 2023 đánh dấu một chặng đường đầy sôi động và rực rỡ của ngoại giao Việt Nam với nhiều thành tựu nổi bật cả song phương lẫn đa phương.

 

Tại phiên khai mạc Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 ngày 19-12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá rằng các hoạt động đối ngoại Việt Nam “diễn ra hết sức sôi động, liên tục và là điểm sáng nổi bật của năm 2023”.

Việt Nam đã chào đón một loạt lãnh đạo quốc tế đến thăm và lãnh đạo Việt Nam đi thăm nước ngoài trong năm 2023. Những chuyến thăm này không chỉ củng cố quan hệ ngoại giao của Việt Nam với các đối tác mà còn là cơ hội thu hút các nguồn đầu tư nước ngoài.

TTXVN dẫn nhận định của Giáo sư, Tiến sĩ Bharti Chhibber - chuyên gia về Việt Nam, chính sách đối ngoại ASEAN - rằng trường phái "Ngoại giao cây tre" và chính sách đối ngoại linh hoạt mang đến cho Việt Nam nhiều thành tựu trong các mối quan hệ quốc tế năm 2023.

Phát triển, làm sâu sắc hơn quan hệ song phương

Trong năm 2023, Việt Nam là quốc gia được cả Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới thăm. Hai chuyến thăm trên đặc biệt được dư luận trong nước và quốc tế quan tâm và bình luận tích cực.

Ngày 10-9, Tổng thống Mỹ Joe Biden có chuyến thăm chính thức đầu tiên đến Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Chuyến thăm của Tổng thống Biden tập trung vào hợp tác hai nước về công nghệ và đổi mới, kinh tế và biến đổi khí hậu. Năm 2023, kim ngạch thương mại Việt - Mỹ vượt mức 140 tỉ USD.

ngoại giao Việt Nam
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (phải) đón Tổng thống Mỹ Joe Biden trên bục danh dự, thực hiện nghi lễ chào cờ tại Phủ Chủ tịch ngày 10-9. Ảnh: TTXVN

Đặc biệt, hai bên đã ra Tuyên bố chung về việc nâng tầm quan hệ Việt - Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì Hòa bình, Hợp tác và Phát triển bền vững, sau 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện.

Chuyến thăm diễn ra thành công tốt đẹp và được tạp chí Diplomat đánh giá là “chuyến thăm mang tính lịch sử”. Hãng tin Reuters dẫn lời Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan rằng chuyến thăm của Tổng thống Biden phản ánh vai trò dẫn đầu của Việt Nam trong các đối tác của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Theo đài CNN, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby đánh giá quan hệ Việt - Mỹ là “quan hệ quan trọng tại một khu vực quan trọng trên thế giới".

Trong ngày 12 và ngày 13-12, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình có chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam. Đây là chuyến thăm quan trọng giữa hai đảng, hai nước trong bối cảnh quan hệ 15 năm Đối tác chiến lược toàn diện đang phát triển tích cực trên mọi lĩnh vực. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Việt - Trung đã ký 36 văn bản thỏa thuận hợp tác.

screenshot-2023-12-23-224925-3172.png
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (phải) cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại lễ đón chiều 12-12. Ảnh: TTXVN

 

Ngoài ra, lãnh đạo hai nước công bố Tuyên bố chung gồm 5 phần, nhất trí xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc mang ý nghĩa chiến lược.

Phát biểu tại buổi hội đàm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tin rằng chuyến thăm hai ngày của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là "dấu mốc lịch sử mới", giúp đưa quan hệ hai đảng, hai nước lên "tầm cao mới", theo TTXVN.

Hãng thông tấn Tân Hoa Xã nhận định sự kiện này có ý nghĩa chiến lược, mở ra chương mới trong quan hệ song phương.

Trong năm 2023, Việt Nam còn tiếp đón hàng loạt lãnh đạo các quốc gia khác cùng với nhiều cam kết hỗ trợ và đầu tư mạnh vào thị trường Việt Nam.

Tháng 6, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol có chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam cùng với 205 doanh nghiệp lớn ở Hàn Quốc với những cái tên nổi bật như Samsung, SK, Hyundai Motor, LG, Lotte,… Đây là phái đoàn doanh nghiệp lớn nhất tháp tùng chuyến công du nước ngoài của Tổng thống Yoon từ trước đến nay.

Kim ngạch thương mại song phương giữa Hàn Quốc và Mỹ năm 2022 đạt khoảng 87 tỉ USD. Hai nước đặt mục tiêu nâng lên 100 tỉ USD trong năm 2023 và 150 tỉ USD vào năm 2030. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Việt - Hàn đã trao đổi 17 văn kiện hợp tác.

Ngoài ra, Việt Nam còn đón tiếp Chủ tịch Đảng nước Nga thống nhất, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry A. Medvedev, Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh, Phó Tổng thống Cộng hòa Nam Phi Paul Mashatile, thủ tướng các nước Úc, Belarus, Hà Lan, Campuchia,…

Ở chiều ngược lại, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết trong một năm qua, có 45 chuyến thăm của lãnh đạo Việt Nam tới các nước láng giềng, các đối tác chiến lược quan trọng.

Nổi bật nhất là chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu Cấp cao Việt Nam từ ngày 27 đến ngày 30-11, nhân dịp kỉ niệm 50 quan hệ Việt Nam - Nhật Bản.

Ngày 27-11 đánh dấu một cột mốc mới trong quan hệ Việt - Nhật khi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Kishida Fumio nhất trí nâng cấp quan hệ hai nước lên “Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới”.

Hãng tin Reuters nhấn mạnh động thái này thể hiện vai trò chiến lược ngày càng tăng của Việt Nam như một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và phương Tây leo thang.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Nhật Fumio Kishida cho biết hai bên sẽ tăng cường trao đổi liên quan đến quốc phòng và thảo luận về hợp tác thông qua Thỏa thuận hỗ trợ an ninh chính thức (OSA) của Tokyo.

Nhật Bản khẳng định ủng hộ Việt Nam đăng cai tổ chức các hoạt động của Năm Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2027. Đồng thời, Nhật Bản sẵn sàng phối hợp hỗ trợ để Việt Nam tổ chức thành công sự kiện quan trọng này.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng có ý nghĩa quan trọng và thành quả toàn diện.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Việt Nam đã có những chuyến thăm và công tác tại Lào, Áo, Bulgari, Bangladesh, Indonesia, các nước Mỹ Latinh như Cộng hòa Cuba, Cộng hòa Argentina và Cộng hòa Đông Uruguay,.. và ký nhiều thỏa thuận hợp tác quan trọng.

Củng cố, phát huy vai trò của Việt Nam trong quan hệ đa phương

Ở cấp độ đa phương, Việt Nam khởi đầu năm 2023 với việc đảm nhiệm vai trò thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025. Ngoài ra, Việt Nam còn được tin tưởng bầu làm Phó Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (Công ước 2003) của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO). Trong năm 2023, Việt Nam tiếp tục là thành viên tích cực của Hiệp hội các quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN).

Lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam đã tham dự nhiều hội nghị, diễn đàn đa phương quan trọng ở cấp độ toàn cầu và khu vực, đóng góp tích cực vào những vấn đề chung.

Ngày 28-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hành động khí hậu thế giới trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 28 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP28),...

screenshot-2023-12-23-233400-9131.png
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị COP28. Ảnh: CNN

 

Tại hội nghị này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có những bài phát biểu quan trọng, lan tỏa thông điệp về môi trường đến bạn bè quốc tế. Việt Nam đã tham gia một vài sáng kiến hợp tác đa phương mới nhằm mở ra cơ hội hợp tác mới về chuyển đổi năng lượng và tăng trưởng xanh.

Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã công bố Kế hoạch huy động nguồn lực cho thực hiện Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) của Việt Nam tại COP28. Kế hoạch này thu hút sự quan tâm cao và được các nước, tổ chức quốc tế cũng như các tập đoàn lớn cam kết ủng hộ. Trong đó, các đối tác quốc tế cam kết huy động nguồn lực ban đầu là 15,5 tỉ USD trong vòng 3 đến 5 năm tới nhằm giải quyết nhu cầu cấp bách cho chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam.

Có thể thấy, sự tham gia và đóng góp của Việt Nam vào COP28 thể hiện cam kết và trách nhiệm của nước ta trong việc tham gia xử lý các vấn đề toàn cầu.

Về cấp độ khu vực, hồi tháng 5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 tại Indonesia. Ngày 3-6, Việt Nam tham dự Đối thoại Shangri-La 2023,... Gần đây nhất là chuyến tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính từ ngày 15 đến 18-12.

Thông qua những sự kiện này, Việt Nam thể hiện vai trò tích cực trong việc xây dựng và phát triển ASEAN, cũng như góp phần giữ gìn hòa bình trong khu vực và trên thế giới.

Bằng những nỗ lực ngoại giao không ngừng nghỉ, Việt Nam trở thành đối tác tin cậy của nhiều quốc gia, tổ chức trên khu vực và thế giới. Tính đến năm 2023, Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 6 quốc gia, bao gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản.

Ông Bùi Thanh Sơn cho rằng những hoạt động ngoại giao của năm 2023 đã tạo nên bước phát triển mới về chất trong đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Trong bối cảnh thế giới nhiều biến động, Việt Nam đã xử lý đúng đắn các vấn đề đối ngoại, quan hệ với các đối tác trên cơ sở kiên định độc lập, tự chủ, hòa hiếu, linh hoạt.

Nhìn về tương lai, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần 32, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị ngành Ngoại giao phát huy những kết quả đạt được để chuyển mình mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2024.

NGỌC LAN - BÍCH HUYỀN/Theo PLO