Chính sách đối ngoại khác biệt với 2 người tiền nhiệm của Tổng thống Mỹ Biden

Tổng thống Joe Biden có nhiều điểm khác biệt với cả 2 người tiền nhiệm Donald Trump và Barack Obama với một tầm nhìn phức tạp hơn trong việc xây dựng liên minh.

 

Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Biden tuyên bố rằng “Nước Mỹ đã trở lại”, khẳng định ông sẽ đặt chủ nghĩa quốc tế và ngoại giao ở trọng tâm tiếp cận trong việc điều hành. Tất cả đều với mục tiêu củng cố vị thế của nước Mỹ trên trường quốc tế và khẳng định ưu thế cạnh tranh trước Trung Quốc.

Tổng thống Joe Biden. Ảnh: Getty
Tổng thống Joe Biden. Ảnh: Getty

Gần 6 tuần kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống, ông Biden đã đưa ra một số quyết sách ngoại giao khiến dư luận có thể dễ dàng hình dung về chính sách đối ngoại của ông. Bức tranh trở nên chi tiết hơn với những gì ông đã tuyên bố trong chiến dịch tranh cử tổng thống: Ông sẽ làm mọi việc một cách thận trọng, đảo ngược nhiều chính sách của người tiền nhiệm, nhưng sẽ không có sự thay đổi đáng kể đối với những “khoản đầu tư dài hạn” của Mỹ ở Trung Đông.

Ông Biden đã cam kết gia hạn Hiệp ước START mới với Nga, chấm dứt sự ủng hộ của Mỹ đối với các chiến dịch ở Yemen. Tuy nhiên, tuần trước, chính ông Biden đã ra lệnh không kích nhằm vào các tay súng được Iran hậu thuẫn ở Syria và cũng không áp lệnh trừng phạt đối với hoàng gia Saudi Arabia trong vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi. Ông Biden đồng thời cũng thực hiện cam kết cứng rắn với Trung Quốc.

Dù vậy, các chuyên gia không kỳ vọng về một sự thay đổi quan điểm đáng kể.

“Ông Biden thực sự muốn tập trung vào các chương trình trong nước và vì thế ông muốn giảm thiểu mọi nguồn lực chính trị mà ông phải sử dụng trong các vấn đề đối ngoại”, theo Trita Parsi, người sáng lập Viện Quincy về Nghệ thuật lãnh đạo có trách nhiệm.

Vấn đề Saudi Arabia

Chính quyền Biden tuần trước công bố báo cáo tình báo khẳng định Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đã ra lệnh tiến hành vụ sát hại nhà báo Khashoggi năm 2018, tuy nhiên ông Biden đã không trực tiếp trừng phạt vị Thái tử này.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki bảo vệ quyết định của chính quyền Biden về việc chỉ áp trừng phạt đối với đơn vị cận vệ hoàng gia đã tiến hành vụ sát hại chứ không phải là hoàng gia Saudi Arabia. Bà nói rằng, sẽ có các chiến lược ngoại giao để ngăn chặn các sự việc tương tự trong tương lai.

Chính quyền Biden đang đặt trọng tâm vào “đối thoại đồng cấp” hơn là tiếp tục các tiếp cận “độc hành” của người tiền nhiệm Donald Trump.

Một ngày trước khi chính quyền Biden công bố quyết định về Saudi Arabia, ông Biden đã đưa ra “chỉ dấu quan trọng đầu tiên” về nhiệm kỳ tổng thống của ông rằng, ông sẽ sẵn sàng sử dụng lực lượng quân đội ở Trung Đông nếu ông cho rằng điều đó là chính đáng.

Việc ông Biden ra lệnh không kích nhằm vào các tay súng được Iran hậu thuẫn ở Syria cho thấy ông sẵn sàng duy trì sự hiện diện quân sự “ăn miếng trả miếng” ở Trung Đông nếu Iran tiếp tục hỗ trợ mạng lưới phiến quân chống Mỹ trên khắp khu vực.

Phản ứng trước các cuộc không kích – được cho là tiêu diệt ít nhất 1 thành viên nhóm Kataib Hezbollah được Iran hậu thuẫn và cũng là một thành phần trong lực lượng an ninh chính thức của chính phủ Iraq – Iran từ chối lời mời của bên thứ 3 tham gia vào các cuộc  đàm phán ngoại giao với Mỹ.

Xuyên suốt vệt chiến dịch tranh cử, ông Biden đã cam kết khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran được ký thời Tổng thống Barack Obama (mà khi đó ông Biden là Phó Tổng thống), ông nhấn mạnh rằng ông từng là người phản đối quyết định can thiệp Libya cũng như tăng quân ở Afghanistan của Tổng thống Obama. (Ông Biden cũng phản đối nhiệm vụ rủi ro tiêu diệt Osama bin Laden, dù ông không sớm nói về điều này).

Khi chính thức nhậm chức, một trong những động thái đầu tiên của ông Biden là tuyên bố rằng ông sẽ chấm dứt “mọi sự hỗ trợ của Mỹ đối với các chiến dịch tấn công trong cuộc chiến ở Yemen, trong đó có cả các thương vụ bán vũ khí cho bên liên quan”.

Đây được xem như một động thái “phủ đầu”, trong bối cảnh Quốc hội nhiều khả năng sẽ đưa trở lại dự luật cắt giảm doanh số bán vũ khí cho các bên trong cuộc chiến ở Yemen mà ông Trump từng phủ quyết.

Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy sức ép từ nội bộ đảng Dân chủ - và từ nhiều thành viên đảng Cộng hòa ủng hộ ông Trump – buộc ông Biden phải sang một trang mới về sự can thiệp của Mỹ.

“Những cuộc chiến không hồi kết”

Dù vậy, trong bộ máy của mình, ông Biden vẫn có những nhân vật kỳ cựu trong việc xây dựng chính sách đối ngoại của đảng Dân chủ ở Washington. Điều này dấy lên những lo ngại từ những người phản đối trong đảng Dân chủ rằng ông Biden sẽ trở lại cách tiếp cận “can thiệp-ôn hòa” như thời chính quyền Obama.

Nhiều tuần sau khi tuyên thệ nhậm chức, một số nhóm cấp tiến đã gửi cho ông Biden danh sách 100 khuyến nghị, trong bối cảnh họ ngày càng lo ngại về các lựa chọn nhân sự của ông trong bộ máy chính sách đối ngoại. Những người này chỉ ra rằng, rất nhiều cựu quan chức thời chính quyền Obama có quan hệ với ngành công nghiệp quốc phòng trong những năm họ không làm việc trong chính phủ.

Ông Biden nói rằng, ông muốn “chấm dứt những cuộc chiến bất tận” và ông cũng thường nói về trải nghiệm của bản thân ông với tư cách là cha của một quân nhân từng làm nhiệm vụ ở Iraq (con trai ông, Beau Biden, người đã qua đời vì ung thư năm 2015-ND).

Tuy nhiên ông Biden giờ đây được cho là ít có khả năng thực hiện những cam kết về việc rút toàn bộ binh sỹ Mỹ khỏi Afghanistan trước ngày 1/5. Điều này cũng sẽ trở thành phép thử quan trọng đối với cam kết không can thiệp của ông trong một tình huống mà kết quả dù theo cách này hay cách khác cũng vẫn tồi tệ.

Các liên minh và Trung Quốc

Bonnie Glaser, Giám đốc Dự án về Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược nói rằng, chính quyền Biden đang tìm cách không để những cuộc xung đột ở Trung Đông phủ bóng lên những tham vọng trong nước cũng như trọng tâm kiềm chế Trung Quốc của ông.

Theo bà, ở một chừng mực nào đó, việc tập trung vào duy trì ảnh hưởng ở Trung Đông thời chính quyền George W. Bush và Barack Obama đã ngăn cản Mỹ đầu tư sức lực vào chiến lược miệng hố chiến tranh với Trung Quốc.

“Nếu bạn ở phía Trung Quốc, bạn có thể sẽ rất hài lòng khi thấy Mỹ tiếp tục bị sa lầy ở Trung Đông. Trung Quốc hưởng lợi lớn trong suốt một thập kỷ mà Mỹ “quay cuồng” với các ưu tiên ở Trung Đông. Họ đã tận dụng thời gian đó để xây dựng một đất nước mạnh mẽ hơn không chỉ về kinh tế mà cả về quân sự”, bà Glaser nói.

Về vấn đề Trung Quốc, bà Glaser cũng cho rằng chính quyền Biden đã thể hiện rõ mong muốn đầu tư vào việc xây dựng liên minh ở cấp độ lớn mạnh hơn so với những gì chính quyền Trump đã làm, và theo nhiều cách, các liên minh này cũng chắc chắn sẽ phức tạp hơn so với thời chính quyền Obama.

“Tầm nhìn của ông Biden là chúng ta sẽ làm việc cùng với các đồng minh để cạnh tranh có hiệu quả hơn với Trung Quốc. Cũng không phải có 1 liên minh sẽ đem lại giải pháp cho tất cả. Giờ không phải là thời Chiến tranh Lạnh, khi mà việc nước nào ở phe nào là rất rõ ràng”, bà Glaser nói.

Thay vào đó, sẽ có liên minh tập trung vào vấn đề nhân quyền, trong khi các liên minh khác sẽ tập trung vào thương mại và cũng sẽ có những liên minh kết nối với các công ty công nghệ có tầm ảnh hưởng quốc tế.

“Đây sẽ là điều còn phức tạp hơn cả thời Chiến tranh Lạnh, nhưng chúng ta không thể kỳ vọng rằng chúng ta sẽ xây dựng được một liên minh có thể đồng thuận với mình trong mọi vấn đề”, bà nói./.

Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch)
Theo New York Times

Nguồn:vpdf.org.vn Copy link