Dấu hiệu hàn gắn ‘quan hệ đặc biệt’ Mỹ-Anh

Vào tháng 8, nghị viện Anh chỉ trích Tổng thống Joe Biden vì cuộc rút lui "đáng xấu hổ" khỏi Afghanistan. Tờ Guardian (Anh) cho biết Tổng thống Mỹ được cho là đã mất một ngày rưỡi để trả lời cuộc gọi của Thủ tướng Boris Johnson.

 

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trong cuộc họp với Thủ tướng Anh Boris Johnson tại Nhà Trắng ngày 21/9. Ảnh: AP

Ngày 21/9 lại là hình ảnh đối ngược khi Thủ tướng Johnson đến Washington trên một trong những chuyến tàu Amtrak mà Tổng thống Mỹ Biden rất yêu quý. Hai nhà lãnh đạo mừng hiệp ước quân sự mới và việc dỡ bỏ lệnh cấm liên quan đến dịch COVID-19 đối với du khách Anh đến Mỹ. Thủ tướng Johnson ngồi trong Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng và khen ngợi bài phát biểu của nhà lãnh đạo Mỹ trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Nhưng tờ Guardian (Anh) đánh giá mối quan hệ giữa Mỹ và Anh thời hậu Brexit cũng như giữa Tổng thống Biden và Thủ tướng Johnson vẫn khá phức tạp, mang nhiều sắc thái và có tính giao dịch – với nhiều thăng trầm ở trước mắt.

Thomas Wright, Giám đốc Trung tâm Mỹ và Châu Âu tại Viện Brookings ở Washington, nhận định: “Ba tuần trước, rất nhiều tờ báo bảo thủ của Anh đã nói rằng đó là sự sụp đổ hoàn toàn của mối quan hệ và là điều tồi tệ nhất từ trước đến nay. Tôi đoán ngày mai họ sẽ nói đó là một bước đột phá lớn. Tôi không nghĩ một trong hai điều đó là đúng".

Có nhiều ý kiến cho rằng diễn biến tại Afghanistan là tín hiệu cho thấy nhà lãnh đạo Mỹ đang tập trung vào lợi ích của người dân Mỹ, ngay cả khi gây ra sự khó chịu tạm thời giữa các đồng minh lâu năm, và tập trung vào các vấn đề liên quan Trung Quốc.

Thỏa thuận an ninh AUKUS mới của Washington ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương khiến Anh mang vị trí người chiến thắng trong khi Pháp chịu thua thiệt. Nhà Trắng vào ngày 15/9 đã đăng tải thông cáo chung thành lập liên minh 3 bên AUKUS gồm Australia, Anh và Mỹ. Kênh CNN (Mỹ) cho biết dựa trên thỏa thuận, ba nước sẽ tổ chức các cuộc họp để phối hợp về vấn đề mạng, công nghệ tiên tiến và quốc phòng nhằm giúp họ đối phó tốt hơn trước các thách thức an ninh hiện đại.

Bên cạnh đó, Mỹ, Anh sẽ chia sẻ công nghệ và chuyên môn để hỗ trợ Australia chế tạo tàu ngầm chạy năng lượng hạt nhân đầu tiên của nước này. Điều này đồng nghĩa với việc Australia hủy bỏ thỏa thuận hàng chục tỷ USD thuê công ty Pháp Naval Group chế tạo 12 tàu ngầm diesel. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian phát biểu trên đài phát thanh Franceinfo nhận xét: “Điều này không nên xảy ra giữa các đồng minh”.

Ông Wright phân tích: “AUKUS thực sự cho thấy những gì Anh phải đóng góp và nó sẽ hiệu quả vì là lĩnh vực công nghệ cao cấp mà Anh vốn chuyên sâu. Có sự liên kết và có điều gì đó to lớn để đóng góp. Đó là điều tích cực".

Thật khó để coi Thủ tướng Johnson và Tổng thống Biden là những người đồng cảm hoặc bạn tâm giao về tư tưởng theo khuôn mẫu của Ronald Reagan và Margaret Thatcher hoặc Bill Clinton và Tony Blair. Cách đây chưa đầy hai năm, ông Biden từng gọi ông Johnson là “bản sao về thể chất và cảm xúc” của Tổng thống Mỹ khi đó Donald Trump. Ngay cả thông tin mới là các công dân Anh đã được tiêm phòng đầy đủ có thể du lịch Mỹ từ tháng 11, mặc dù được chào đón, cũng đưa ra manh mối rằng Tổng thống Biden không thường xuyên trao đổi với nhà lãnh đạo Anh. Chỉ một ngày trước khi thông tin được công bố, Thủ tướng Johnson không thể hiện kỳ vọng có thể giải quyết vấn đề này trong tuần.

Ông Charles Kupchan, thành viên cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Mỹ), cho biết: “Theo tôi, đã, đang và sẽ luôn có mối quan hệ đặc biệt Anh-Mỹ. Sau một thời gian ở Nhà Trắng, tôi cho rằng nếu có một quốc gia nào đó có lợi ích và quan điểm gần giống với Mỹ nhất, thì đó là Anh”. Ông nói thêm: “Nhiều người trong chúng ta ở phía bên này của Đại Tây Dương lo lắng rằng Brexit sẽ làm tổn hại đến sự sẵn sàng của Anh và khả năng trở thành một người chơi lớn. Theo tôi, phán quyết vẫn chưa đưa ra nhưng Anh đi đúng hướng và chính quyền Tổng thống Biden đã lưu ý điều này”.

Hà Linh/Báo Tin tức