Hậu thời đại bà Merkel, chính sách Trung Quốc của Đức khó có thay đổi

Mối quan hệ thương mại Trung-Đức ngày một sâu sắc khiến Berlin khó có thể thay đổi chính sách, ngay cả khi Thủ tướng không còn là bà Merkel.

 

(07.29) Chính sách Trung Quốc của Đức hậu Thủ tướng Angela Merkel được dự đoán sẽ không có nhiều thay đổi. (Nguồn: Nazionale)
Chính sách Trung Quốc của Đức hậu Thủ tướng Angela Merkel được dự đoán sẽ không có nhiều thay đổi. (Nguồn: Nazionale)

Rơi vào thế khó

Bà Angela Merkel đã có chuyến thăm cuối cùng tới Washington với tư cách là Thủ tướng Đức vào đầu tháng này.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tìm kiếm cam kết của Berlin với chiến lược hợp tác đồng minh rộng lớn trước thách thức lớn đến từ Trung Quốc, đặc biệt trong chuyến công du hồi tháng 6 vừa qua.

Song mong muốn này dường như đã không được đáp ứng khi Thủ tướng Angela Merkel chỉ miễn cưỡng đưa ra vài chi tiết cụ thể về sự ủng hộ của Đức.

Trong bối cảnh thương mại Mỹ-Trung giảm mạnh, Bắc Kinh và Berlin tiếp tục là đối tác thương mại đặc biệt quan trọng của nhau.

Cả đương kim Thủ tướng Angela Merkel và người kế nhiệm bà sẽ không muốn làm đảo lộn thực trạng này bằng cách tham gia tích cực hơn trong những hành động chung với Mỹ và các đồng minh châu Âu khác.

Tuy nhiên, có một số dấu hiệu cho thấy sự bất mãn của Đức với Trung Quốc trong quan hệ song phương.

Tháng 4/2020, một tờ báo Đức đã đưa ra hóa đơn đòi Bắc Kinh bồi thường cho Berlin 165 tỷ USD về những thiệt hại mà đại dịch Covid-19 gây ra.

Tháng 10/2020, khảo sát của Pew cho thấy 71% người Đức có cái nhìn tiêu cực về Trung Quốc và 78% không tin rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ “làm điều đúng đắn đối với các vấn đề quốc tế”.

Ngấm ngầm đồng thuận

Đã có nhiều thông điệp trái chiều từ chính phủ Đức về việc liệu chính sách mới đối với Trung Quốc có được tiến hành hay không.

Theo giới quan sát, các động thái có vẻ khiêu khích hơn của Berlin chỉ là cách để cứu vãn thể diện, chứ không phải dấu hiệu cho thấy một sự thay đổi lớn hơn trong chính sách Trung Quốc.

Hiện Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Đức. Trong khi đó, Berlin là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Bắc Kinh trên thế giới và đứng đầu tại châu Âu. Thống kê đơn giản cho thấy cứ 3 chiếc ô tô của Đức thì có 1 chiếc được bán ở Trung Quốc.

Chiều sâu và lợi ích của mối quan hệ thương mại Trung-Đức khiến các nỗ lực, chính sách điều chỉnh đơn phương rất khó triển khai.

Tác giả Matthew Karnitschnig của tờ Politico lập luận rằng, dưới thời Thủ tướng Angela Merkel, Berlin và Bắc Kinh đã đạt được “sự hiểu biết ngầm”. Theo đó, Đức sẽ định kỳ có quan điểm về vấn đề nhân quyền và Trung Quốc sẽ thực hiện một số động thái phản đối.

Tuy nhiên, về cơ bản, cả hai đều không thay đổi chính sách dựa trên lợi ích thực dụng. Chiến lược này có thể tồn tại lâu hơn sau nhiệm kỳ của bà Merkel.

Như vậy, Đức có thể tiếp tục gây sức ép với Trung Quốc về nhân quyền và ủng hộ một số chương trình nghị sự của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Tuy nhiên, nước này sẽ không thực hiện bất kỳ hành động nào tác động lớn đến mối quan hệ thương mại song phương.

Ngược lại, Trung Quốc sẽ giữ nguyên hiện trạng và không sử dụng các biện pháp cưỡng ép kinh tế đối với Đức mà họ áp dụng với các nước phương Tây khác như Australia.

Tuy nhiên, triển vọng quan hệ Trung-Đức có diễn ra theo đúng kịch bản hay không, sẽ phụ thuộc đáng kể vào nhà lãnh đạo mới của Berlin sau cuộc Tổng tuyển cử vào tháng Chín tới.

HUY SƠN

Nguồn: TGVN