Ông Tập công du châu Âu : Chuyến đi nhiều mục tiêu

Tại Pháp, điểm đến đầu tiên trong chuyến công du ba nước châu Âu, ông Tập đã hội đàm ba bên cùng với ông Macron và bà von der Leyen, bàn loạt vấn đề nóng.

 

Ngày 5-5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viên cùng đoàn cấp cao Trung Quốc đã đến Pháp, điểm đến đầu tiên trong chuyến công du ba nước châu Âu kéo dài 5 ngày của ông Tập.

Đây là chuyến công du châu Âu đầu tiên trong năm năm qua của nhà lãnh đạo Trung Quốc, diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh muốn cải thiện quan hệ với châu Âu giữa lúc cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng gia tăng.

Hội đàm ba bên tại Pháp cùng loạt vấn đề gai góc

Tại Pháp ngày 6-5, ông Tập hội đàm ba bên cùng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tại Điện Elysee (thủ đô Paris, Pháp).

Theo hãng tin Reuters, ông Macron và bà von der Leyen đã kêu gọi ông Tập đảm bảo thương mại cân bằng hơn với châu Âu, nhưng rất ít dấu hiệu cho thấy nhà lãnh đạo Trung Quốc sẵn sàng đưa ra những nhượng bộ lớn.

ông Tập
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (giữa) tham dự cuộc gặp ba bên với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen tại Điện Elysee (Paris, Pháp) ngày 6-5. Ảnh: AP

 

Bà von der Leyen cho biết Trung Quốc và châu Âu có chung lợi ích về hòa bình và an ninh, nhưng mối quan hệ này đang bị thách thức vì các vấn đề liên quan cách tiếp cận thị trường và thương mại. Theo bà von der Leyen, Liên minh châu Âu (EU) không thể để lượng hàng hóa khổng lồ Trung Quốc đang tràn ngập thị trường của mình.

“Châu Âu sẽ không dao động trong việc đưa ra những quyết định cứng rắn cần thiết để bảo vệ thị trường của mình” - bà von der Leyen nói, cho rằng mối quan hệ giữa châu Âu và Trung Quốc bị tổn thương do tình trạng tiếp cận thị trường không bình đẳng và việc nhà nước Trung Quốc trợ cấp doanh nghiệp quốc nội.

Phần mình, ông Macron nói rằng châu Âu và Trung Quốc đang ở điểm giao nhau trong lịch sử và điều này đòi hỏi hai bên phải giải quyết những khó khăn về cơ cấu, bao gồm việc tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp. “Tương lai của châu Âu sẽ phụ thuộc rất rõ ràng vào khả năng phát triển hơn nữa mối quan hệ của chúng ta với Trung Quốc” - ông Macron nói.

Theo Reuters, ông Macron cũng cảm ơn Tập vì "thái độ cởi mở" của nhà lãnh đạo Trung Quốc trong cuộc điều tra rượu cognac. Mặc dù Tổng thống Pháp cung cấp rất ít thông tin chi tiết liên quan cuộc điều tra và ông Tập cũng không đề cập đến vấn đề này, nhưng một nguồn tin ngoại giao Pháp cho biết rằng “thái độ cởi mở" mang hàm ý Trung Quốc hiện không đánh thuế rượu cognac cho đến khi cuộc điều tra kết thúc. Tuy nhiên, điều này không loại trừ khả năng Bắc Kinh “hành động" sau khi cuộc điều tra hoàn tất.

Tại cuộc họp, ông Tập đã nhất trí cùng ông Macron và bà von der Leyen rằng những xung đột về kinh tế và thương mại cần được giải quyết thông qua đối thoại, theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã. Tuy nhiên, ông Tập cũng nhấn mạnh rằng dù nhìn từ góc độ lợi thế so sánh hay nhu cầu thị trường toàn cầu, thì cũng không có cái gọi là "vấn đề dư thừa công suất của Trung Quốc".

Ngoài vấn đề thương mại song phương, chiến sự Nga-Ukraine cũng được các bên thảo luận, theo kênh Channel News Asia. Trong cuộc đàm phán ba bên, ông Macron và bà von der Leyen đã kêu gọi ông Tập sử dụng ảnh hưởng của Trung Quốc để tác động lên Nga nhằm chấm dứt chiến sự ở Ukraine.

Theo hãng tin AFP, Tổng thống Macron hoan nghênh “cam kết” của Trung Quốc không bán vũ khí cho Nga và kiểm soát dòng hàng hóa lưỡng dụng cho quân đội Moscow. Ông Macron cũng cảm ơn ông Tập vì đã ủng hộ ý tưởng “thỏa thuận đình chiến Olympic”, kêu gọi đình chiến tất cả cuộc xung đột hiện nay trong lúc Thế vận hội Paris diễn ra vào tháng 7 và tháng 8 tới.

Ông Tập cũng nhấn mạnh Trung Quốc “phản đối việc sử dụng cuộc khủng hoảng Ukraine để đổ lỗi, bôi nhọ nước thứ ba và kích động một cuộc Chiến tranh Lạnh mới”. Ông Tập tuyên bố Bắc Kinh “không đứng ngoài nhìn ngọn lửa bùng phát, mà luôn đóng vai trò tích cực trong việc đạt được hòa bình”, theo tờ People’s Daily.

Chuyến công du của ông Tập tới châu Âu mang tính biểu tượng cao: năm 2024 đánh dấu kỷ niệm 60 năm quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Pháp, kỷ niệm 75 năm quan hệ ngoại giao của Bắc Kinh với Hungary. Với Serbia, chuyến thăm của ông Tập dự kiến trùng ngày kỷ niệm 25 năm vụ Mỹ ném bom Đại sứ quán Trung Quốc tại Serbia, theo tờ Foreign Policy.

Chuyến công du nhiều mục tiêu

Sau chuyến thăm Pháp, ông Tập sẽ đến thăm Serbia (ngày 8-5) và Hungary (ngày 9-5). Tại Serbia, ông Tập sẽ hội đàm với Tổng thống Aleksandar Vucic, thảo luận về quan hệ song phương cũng như việc tăng cường quan hệ Trung Quốc-Serbia. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm cho biết Bắc Kinh mong muốn được hợp tác với Belgrade nhằm củng cố hơn nữa tình hữu nghị bền chặt, làm sâu sắc thêm sự tin cậy chính trị lẫn nhau, mở rộng hợp tác thực chất và bắt tay vào một chương mới trong lịch sử quan hệ song phương, theo tờ China Daily.

Còn tại Hungary, ông Tập dự kiến sẽ nhấn mạnh mối quan hệ kinh tế và ngoại giao chặt chẽ giữa hai nước, bao gồm hợp tác an ninh. Hai bên sẽ thảo luận về các tiến triển trong sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, trong đó bao gồm tuyến đường sắt cao tốc Budapest-Belgrade.

Untitled.jpg
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) tham dự cuộc gặp ba bên với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tại Điện Elysee (Paris, Pháp) ngày 6-5. Ảnh: TÂN HOA XÃ

 

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết chuyến công du của ông Tập nhằm tăng cường quan hệ song phương, thúc đẩy sự phát triển chung của quan hệ Trung Quốc-EU và tăng cường hòa bình, phát triển toàn cầu, theo China Daily.

Trong khi đó, các nhà quan sát nhận định rằng châu Âu đã trở thành ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc kể từ khi nước này dỡ bỏ các hạn chế liên quan đến đại dịch COVID-19, theo Channel News Asia.

PGS-TS Trang Gia Dĩnh - chuyên gia khoa học chính trị ĐH Quốc gia Singapore cho rằng Trung Quốc đang thúc đẩy một “thế giới đa cực” và coi châu Âu là một chủ thể tách biệt và độc lập với Mỹ, điều này “sẽ mang lại cho Trung Quốc không gian chiến lược để hoạt động”.

Ông Trang nói thêm rằng Bắc Kinh “cũng đang cố gắng tìm kiếm thêm đầu tư từ khắp nơi trên thế giới, và châu Âu là một trong những nguồn mà Bắc Kinh đang tìm kiếm”. Theo ông Trang, ông Macron đã từng nói về việc châu Âu cần có tư duy độc lập hơn với Mỹ, vì vậy Pháp có vẻ như là một điểm bắt đầu hữu ích trong chiến lược châu Âu của ông Tập.

Trong khi đó, chuyên gia Yun Sun - Giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Simon (Mỹ) cho rằng ông Tập mong muốn “quản lý những tổn hại đối với mối quan hệ [Trung Quốc-châu Âu] do quan điểm của Trung Quốc trong cuộc chiến của Nga ở Ukraine", đồng thời lưu ý rằng Pháp, Serbia và Hungary là “ba quốc gia có lẽ có cảm tình với Trung Quốc nhất” ở châu Âu, theo tờ Foreign Policy.

Tại sao lại là Pháp, Serbia và Hungary?

Ông Cedomir Nestorovic - GS tại trường Kinh doanh ESSEC (Pháp) nói rằng ba quốc gia được chọn là điểm đến trong chuyến công du không có gì đáng ngạc nhiên, theo kênh Channel News Asia.

Chuyến thăm của ông Tập tới Pháp trùng với dịp kỷ niệm 60 năm quan hệ ngoại giao Trung-Pháp và cho thấy sự nồng ấm tương đối giữa hai bên. Chuyến thăm này diễn ra sau chuyến đi của ông Macron tới Trung Quốc vào tháng 4 năm ngoái, nơi ông Macron nói rằng EU không nên bị lôi kéo vào cuộc xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ về vấn đề Đài Loan.

“Pháp là một trong những nước lớn ở phương Tây cởi mở nhất để nghe những gì Trung Quốc nói” - ông Nestorovic nói.

Các quốc gia khác được lựa chọn, Serbia và Hungary, được coi là thân thiện với Trung Quốc và được sử dụng làm chỗ đứng cho tham vọng mở rộng kinh tế của nước này ở châu Âu. Hai quốc gia này khá dễ tiếp thu Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc và vốn cũng đã tìm kiếm mối quan hệ kinh tế với Bắc Kinh, gồm mời gọi đầu tư lớn vào nhiều lĩnh vực từ cơ sở hạ tầng đến công nghệ.

Ngoài ra, PGS-TS Trang Gia Dĩnh cho rằng việc đến Serbia và Hungary (hai nước nằm trong số những quốc gia châu Âu có thiện cảm nhất với Nga) sẽ cho phép ông Tập đưa ra lập luận rằng “quan hệ Nga-Trung cũng không quá quan ngại đối với châu Âu", do đó phần còn lại của châu Âu “không nên cau mày với nó quá nhiều”.

DƯƠNG KHANG/Theo PLO