Quan hệ Việt - Mỹ thể hiện tầm nhìn chiến lược của nhiều thế hệ lãnh đạo

Đại sứ Hà Huy Thông là Trưởng đoàn tiền trạm mở cơ quan liên lạc Việt Nam tại Mỹ năm 1994 - 1995. Tham gia rất sớm trong các cuộc đàm phán về quan hệ Việt - Mỹ, Đại sứ cho rằng quan hệ tốt đẹp giữa hai nước ngày nay đã thể hiện tầm nhìn chiến lược của nhiều thế hệ lãnh đạo hai nước.

Thưa Đại sứ, việc mở cơ quan liên lạc Việt Nam tại Mỹ diễn ra như thế nào, ông đã gặp những thuận lợi và khó khăn gì lớn nhất khi ấy?

- Sau khi Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố bỏ cấm vận và lập quan hệ với Việt Nam ở cấp cơ quan liên lạc (CQLL) ngày 3/2/1994, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã tuyên bố hoan nghênh.

Để triển khai quyết định của lãnh đạo cấp cao của Mỹ và Việt Nam, hai bên đã lập 3 kênh đối thoại về các vấn đề chính về chính trị; giải quyết vấn đề tài sản ngoại giao của mình ở nước bên kia; và vấn đề quyền con người.

Phía Mỹ bắt đầu cử Đoàn tiền trạm vào Việt Nam để chuẩn bị mở CQLL.

Ngay sau khi hai bên ký kết Thoả thuận về tài sản ngoại giao (ngày 10/12/1994), Việt Nam cũng cử đoàn tiền trạm gồm 5 người. Anh em chúng tôi chỉ có một ngày để chuẩn bị thu dọn nhà cửa, đồ đạc... rời Hà Nội ngày 12/12/1994 sang Mỹ để chuẩn bị mở CQLL tại Washington.

Thuận lợi lớn nhất là việc mở CQLL ở Thủ đô Việt Nam và Mỹ đã là quyết định của lãnh đạo cấp cao nhất, phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước và xu thế hoà bình, hợp tác và phát triển sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc đầu những năm 1990, nên được dư luận quan tâm ủng hộ.

Quan hệ Việt - Mỹ thể hiện tầm nhìn chiến lược của nhiều thế hệ lãnh đạo - Ảnh 1.

Ông Hà Huy Thông, lúc đó là Trưởng đoàn tiền trạm của Việt Nam đi mở Cơ quan liên lạc tại Washington D.C., ký Thoả thuận với đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ bàn giao lại tòa nhà của chính quyền trước đây ở miền Nam cho Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày nay. Ảnh: Tư liệu của nhân vật.

Tuy nhiên, đoàn ta đi có 2 khó khăn chủ yếu. Thứ nhất, xu hướng chống bình thường hoá quan hệ Mỹ - Việt vẫn còn vì nhiều lý do, nên chúng tôi được chỉ đạo và căn dặn rất nhiều. Thứ hai, khối lượng công việc lớn, dồn dập, khẩn trương mà thời gian gấp.

Khi đoàn ta đến Washington giữa tháng 12/1994 trời tuyết lạnh cóng dưới 0 độ C, sở tại chuẩn bị nghỉ Noel, đón năm mới 1995, rồi đến Tết âm lịch của ta... nhiều nơi  bắt đầu nghỉ.Khối lượng công việc lớn phải giải quyết trong thời gian gấp, từ việc phải làm việc với các cơ quan chức năng của Mỹ, chào Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương Winston Lord (đã từng làm Trợ lý cho Ngoại trưởng H.Kissinger tại Đàm phán Hiệp định Paris (1968-1973) về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam) và đề nghị phía Mỹ tạo điều kiện thuận lợi cho Đoàn tiền trạm để sớm mở cơ quan liên lạc tại Mỹ cùng thời điểm với Mỹ mở cơ quan liên lạc tại Việt Nam, làm việc với Bộ Ngoại giao Mỹ để tiếp quản tài sản ngoại giao, trong đó có toà nhà 2251 phố R, nay được coi là "Nhà Việt Nam", và tìm chỗ thích hợp để làm trụ sở của CQLL tại toà nhà số 1233 phố 20, đến tìm chỗ ăn ở cho cán bộ ta, đến chào cơ quan đại diện của một số nước bạn bè truyền thống, một số nước lớn tại Washington, cho đến nhiều vấn đề hậu cần như giúp cán bộ và gia đình mua đồ dùng thiết yếu, mở tài khoản, phương tiện đi lại...

Tất cả những việc này phải hoàn tất kịp để làm sao khai trương, treo Quốc huy và Quốc kỳ Việt Nam tại CQLL khi khai trương vào ngày 1/2/1995, nghĩa là 1 năm sau khi lãnh đạo hai nước tuyên bố mở CQLL.

Khi anh Lê Văn Bàng - Đại sứ tại Liên Hợp Quốc đến Washington khai trương và làm Trưởng CQLL ta tại Mỹ (tôi được cử làm Phó trưởng CQLL) ngày 1/2/1995, 5 anh em trong Đoàn tiền trạm chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm vì đã hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Quan hệ Việt – Mỹ thể hiện tầm nhìn chiến lược của nhiều thế hệ lãnh đạo - Ảnh 2.

Ông Hà Huy Thông nhận chìa khóa tòa số 2251 phố R tại Thủ đô Washington, hiện nay được gọi là "Nhà Việt Nam". Ảnh: Tư liệu của nhân vật

Trong nội bộ lãnh đạo Việt Nam và Bộ Ngoại giao  khi đó, Đại sứ thấy sự ủng hộ và phản đối bình thường như thế nào? Ai là người có ảnh hưởng nhất đến bình thường hóa?

-  Mối quan hệ Mỹ - Việt là mối quan hệ phức tạp, trải qua nhiều bước thăng trầm, nhất là cuộc chiến ở Việt Nam (1954 - 1975) được coi là "chương bất hạnh" trong quan hệ hai nước và để lại nhiều hậu quả, trong đó có những vấn đề đến nay chưa giải quyết xong ở cả hai nước. Vì thế, lý do họ phản đối là có thể hiểu được.

"Bình thường hoá quan hệ Mỹ - Việt là quá trình và sự nghiệp vĩ đại... Lợi ích của nhân dân hai nước là nhân tố quyết định quá trình này". Đại sứ Hà Huy Thông

Nhưng cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã kết thúc từ ngày 30/4/1975. Cuộc chiến tranh lạnh cũng đã kết thúc 30 năm trước. Quan hệ ngoại giao Mỹ - Việt đã được thiết lập đến nay là 1/4 thế kỷ.

Còn nếu nói ai là người có ảnh hưởng nhất, tôi nghĩ, bình thường hoá quan hệ Mỹ - Việt là quá trình và sự nghiệp vĩ đại không thể do một cá nhân hay một bên nào quyết định.

Nếu người Mỹ có câu: "Muốn nhảy tango phải có 2 người", thì người Việt có câu: "Con chim muốn bay phải có 2 cánh". Đây là sản phẩm và thành tựu chung của hai nước.  Lợi ích của nhân dân hai nước là nhân tố quyết định quá trình này.

Theo Đại sứ, việc bình thường hóa thể hiện tầm nhìn của lãnh đạo như thế nào? Bình thường hóa đem lại thay đổi ra sao cho Việt Nam lúc đó?

- Tài liệu của phía Mỹ cho biết ngay từ năm 1787 (cũng là năm Mỹ thông qua bản Hiến pháp), khi còn là Công sứ ở Pháp, Thomas Jefferson (người viết bản Tuyên ngôn Độc lập Mỹ 1776) đã báo cáo trong nước mối quan tâm về 6 loại gạo ở Việt Nam và quyết tâm nhập loại gạo ngon nhất từ Việt Nam. Đây được coi là lần đầu tiên Mỹ nhận thức tầm quan trọng và lợi ích trong quan hệ với Việt Nam.

Về phía Việt Nam, từ năm 1912 Bác Hồ đã sống và làm việc ở Boston (bang Massachussetts) - cái nôi của cách mạng Mỹ, và New York có khu phố Harlem có nhiều người cực khổ.

Từ năm 1945, Bác Hồ đã viết thư đề nghị phía Mỹ công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới ra đời và ủng hộ Việt Nam gia nhập Liên Hợp Quốc.

Chỉ 1 tháng sau khi nước Việt Nam ra đời (2/9/1945), Hội Việt - Mỹ đã được thành lập (17/10/1945) để tăng cường quan hệ giữa nhân dân hai nước.

Có tài liệu Mỹ cũng cho biết từ cuối những năm 1960, khi cuộc chiến tranh còn khốc liệt, Bác Hồ đã mong đến ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao và quan hệ trên nhiều mặt, nhất là kinh tế, khoa học kỹ thuật, nông nghiệp...

Việc hai nước bình thường hoá quan hệ năm 1995 chính là cụ thể hoá tầm nhìn của những bậc "khai quốc" và nhiều lãnh đạo của hai nước nhiều năm trước.

Quan hệ Việt – Mỹ thể hiện tầm nhìn chiến lược của nhiều thế hệ lãnh đạo - Ảnh 4.

Ông Hà Huy Thông đến dự buổi lễ Tổng thống Bill Clinton đọc Thông điệp liên bang đầu tiên sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ hai ngày 20/1/1997. Ảnh: Tư liệu của nhân vật.

Quan hệ Việt - Mỹ thể hiện tầm nhìn chiến lược của nhiều thế hệ lãnh đạo - Ảnh 5.

Ông Hà Huy Thông và phu nhân chúc mừng Phó Tổng thống Al Gore và phu nhân đắc cử lần hai. Ảnh: Tư liệu của nhân vật.

Nhìn thấy những lợi ích và kết quả mối quan hệ Việt - Mỹ ngày nay, chúng ta sẽ hiểu hơn tầm nhìn chiến lược của nhiều thế hệ lãnh đạo hai nước.

Trong khi thúc đẩy quan hệ, hai bên hiểu rõ những thách thức do lịch sử và khác biệt giữa hai nước, nhưng đặt lợi ích chung và lâu dài của nhân dân lên trên, tìm cách xử lý các khác biệt để đưa quan hệ hướng tới tương lai chung tốt đẹp hơn trong một thế giới mới đang thay đổi nhanh chóng.

Một phần tư thế kỷ qua, quan hệ hai nước đã tiến được chặng đường dài và mở rộng trên nhiều lĩnh vực và đã đem lại nhiều lợi ích cho cả Mỹ và Việt Nam về chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, thương mại, văn hoá, giáo dục, khoa học công nghệ…

Quan hệ Mỹ - Việt đã được nâng lên thành đối tác toàn diện (năm 2013), trao đổi đoàn gia tăng, đặc biệt là chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - lần đầu tiên của một Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tới Mỹ năm 2015, đúng dịp hai nước kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1995 - 2015).

Quá trình cải thiện quan hệ Mỹ - Việt không chỉ đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, mà còn góp phần thúc đẩy hoà bình, hợp tác và phát triển trên thế giới. Cố Thượng nghị sĩ John McCain có lần nói: Mỹ và Việt Nam cải thiện quan hệ còn để nêu gương cho thế giới thấy những nước kẻ thù cũ vẫn có thể trở thành những người bạn.

Ông có thể kể trong nhiệm kỳ của mình, ông đã gặp tình huống ấn tượng nào mà ông nhớ mãi?

- Tình huống ấn tượng thì nhiều, nhưng chỉ xin kể lại một câu chuyện. Ngay sau khi Việt Nam vừa mở CQLL được hơn 2 tháng thì đến dịp kỷ niệm 20 năm kết thúc chiến tranh, tôi được mời đến nói chuyện tại Đại học California  tại San Diego, nơi có cộng đồng người Việt lớn bậc nhất ở Mỹ.

Sau khi tôi phát biểu xong, một số người Việt quá khích, hô khẩu hiệu chống đối, xô đẩy, đến mức có nhân viên FBI nói khó đảm bảo an ninh cho tôi.

Lúc đó tôi không biết rằng, hai năm sau, khi hai nước thỏa thuận mở Tổng lãnh sự quán ở San Francisco và TP.HCM, tôi lại được cử đi tiền trạm để mở Tổng lãnh sự quán tại San Francisco. Hai lần đi tiền trạm để lại những cảm xúc khác nhau, nhưng ngày càng tích cực hơn nhờ sự hiểu biết và tin cậy nhau giữa hai bên ngày càng gia tăng.

Trong nhiệm kỳ của mình, chắc ông đã gặp trực tiếp Tổng thống Bill Clinton - người đã quyết định bình thường hóa và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam?

- Đó là một trong những cuộc gặp đáng nhớ nhất của tôi trong thời kỳ đó. Đấy là khi tôi làm Đại biện lâm thời tại Mỹ, do anh Lê Bàng về nước chuẩn bị sang nhậm chức Đại sứ đầu tiên ở Mỹ. Tôi cùng vợ may mắn được mời tham dự Tổng thống Clinton đọc Thông điệp liên bang đầu tiên ngày 20/1/1997 sau khi tái cử (tháng 11/1996). Tôi đã chuyển lời của lãnh đạo cấp cao nhất của ta chúc mừng Tổng thống Clinton và Phó Tổng thống Al Gore tái cử và đánh giá cao những nỗ lực của lãnh đạo Mỹ thúc đẩy quan hệ giữa hai nước. Trong lúc nói chuyện, Tổng thống Clinton đã cảm ơn lãnh đạo ta và có những phát biểu rất tích cực về quan hệ với Việt Nam.

* Xin cảm ơn Đại sứ.

Nguồn: Dân Việt

Nguồn:vpdf.org.vn Copy link