Quỹ HBPT Việt Nam: Tọa đàm đánh giá tình hình thế giới và chính sách đối ngoại.

Sáng ngày 15/9, Quỹ Hòa bình và Phát triển đã tổ chức Tọa đàm "Đóng góp cho nội dung văn kiện Đại hội XIII của Đảng về đánh giá tình hình thế giới mới và chính sách đối ngoại".

 

quy hoa binh va phat trien viet nam trao doi ve chinh sach doi ngoai trong noi dung van kien dai hoi xiii

Ông Trần Đắc Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Quỹ phát biểu tại tọa đàm

Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu tập trung thảo luận hai nội dung chính là: nhận thức về những vấn đề đang đặt ra đối với thế giới ngày nay và đánh giá về tình hình của trật tự thế giới, quan hệ của các nước lớn, cục diện trong khu vực. Đồng thời, dự báo những tác động của bối cảnh đó vào Việt Nam trong thời gian tới. 

“Văn kiện đưa ra cụm từ “xây dựng nền ngoại giao hiện đại” nhưng chưa làm rõ nội hàm của khái niệm này. Ngoài ra, văn kiện tập trung chủ yếu vào ngoại giao Nhà nước nhiều mà không đề cập tới đối ngoại nhân dân. Điều đáng nói, trong bối cảnh lúc này, rõ ràng các nhân tố phi nhà nước có vai trò ngày càng lớn đối với quan hệ đối ngoại, quan hệ quốc tế và lợi ích quốc gia”, ông Trần Đắc Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Quỹ Hòa bình và Phát triển cho biết.

Các ý kiến tại toạ đàm đều nhất trí đánh giá tình hình thế giới và khu vực đã, đang và sẽ tiếp tục chuyển biến sâu sắc, rất nhanh với tính chất phức tạp, khó lường gia tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, văn kiện cần phải nói rõ hơn những tác động sâu rộng của đại dịch COVID-19 với thế giới hiện nay.

"COVID-19 đã làm thay đổi toàn bộ cán cân quyền lực, cục diện thế giới. Theo dự báo, COVID-19 sẽ ảnh hưởng kéo dài, đến năm 2025 mới có thể phục hồi phát triển kinh tế, sản xuất kinh doanh... Tuy nhiên, trong văn kiện, các vấn đề liên quan tới COVID-19 hầu như không nhắc đến", ông Nguyễn Quang Khai nhấn mạnh.

Tại tọa đàm, các đại biểu cũng đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp đánh giá môi trường quốc tế và khu vực, các xu thế lớn, kinh tế thế giới, tác động của sự phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt là cách mạng công nghiệp 4.0, quan hệ quốc tế, xu thế toàn cầu hoá, các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống... cùng những cơ hội và thách thức đặt ra đối với nước ta.

Các nội dung về mục tiêu, nhiệm vụ, đường lối đối ngoại đã được các đại biểu trao đổi sâu tại tọa đàm nhằm thúc đẩy lợi ích quốc gia - dân tộc trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

quy hoa binh va phat trien viet nam trao doi ve chinh sach doi ngoai trong noi dung van kien dai hoi xiii

Ông Hà Hùng Cường, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển kết luận buổi tọa đàm.

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Hà Hùng Cường, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm, cởi mở của tọa đàm. Theo ông, đây là cơ hội để Quỹ Hòa bình và Phát triển phát huy nhiệm vụ nghiên cứu, trao đổi thông tin về các vấn đề hòa bình và phát triển; kiến nghị với các cơ quan hữu quan của Việt Nam về chủ trương và giải pháp hoạt động trên lĩnh vực này. Đặc biệt, có những đóng góp nhất định cho đất nước không những trong 5 năm tới mà lâu hơn nữa.

Các đại biểu cũng nhất trí quan điểm, ngành đối ngoại, trong đó đối ngoại nhân dân cần tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong việc củng cố môi trường hoà bình, ổn định, thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

t/h theo Tạp chí Thời đại

Nguồn:vpdf.org.vn Copy link