Trung Quốc đang chuẩn bị cho 4 năm khó lường khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng, với nguy cơ căng thẳng gia tăng về thương mại và vấn đề Đài Loan, vốn đã không mấy êm đẹp trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông.
Ngay cả khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhanh chóng chúc mừng Tổng thống đắc cử Mỹ hôm 7/11, các nhà phân tích vẫn cảnh báo về mối quan hệ đối đầu căng thẳng hơn giữa hai siêu cường, nguy cơ mở ra một kỷ nguyên mới của chủ nghĩa cạnh tranh ở Washington.
"Nhiều người ở Trung Quốc đang chuẩn bị cho một số biến động hoặc bão tố, nhưng không ai biết chúng là gì", Tang Shiping, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, người hôm 3/11 đã công bố một thuật toán dự đoán chính xác chiến thắng của Trump, cho hay. "Tôi không nghĩ có bất kỳ ai thực sự hiểu hoặc đoán được những gì Trump sẽ làm trong nhiệm kỳ thứ hai".
Trong thông điệp chúc mừng Tổng thống đắc cử Trump, Chủ tịch Tập viết rằng "lịch sử cho thấy Trung Quốc và Mỹ luôn được lợi từ hợp tác và tổn thất khi đối đầu". "Mối quan hệ Trung - Mỹ ổn định, lành mạnh và bền vững sẽ đóng góp cho lợi ích chung của hai nước và đáp ứng nguyện vọng của cộng đồng quốc tế", ông nhấn mạnh.
Tuy nhiên, quan hệ Mỹ - Trung trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump tại Nhà Trắng lại hoàn toàn không ổn định.
Hồi cuối năm 2016, sau khi trở thành tổng thống đắc cử, ông Trump đã điện đàm với bà Thái Anh Văn, lãnh đạo Đài Loan khi đó. Trong cuộc thảo luận, ông Trump và bà Thái đã nhấn mạnh về quan hệ an ninh, chính trị, kinh tế gắn bó mật thiết giữa hai bên.
Đây là lần đầu tiên một tổng thống đắc cử Mỹ điện đàm với một lãnh đạo Đài Loan kể từ khi Washington cắt quan hệ ngoại giao với đảo Đài Loan năm 1979, công nhận Bắc Kinh là chính quyền duy nhất của "Một Trung Quốc", đồng thời giữ quan hệ thân thiện không chính thức với Đài Bắc. Động thái của ông Trump khiến Trung Quốc tức giận, cảnh báo việc phá vỡ chính sách "Một Trung Quốc" là tự "lấy đá ghè chân".
Trong 4 năm Tổng thống Joe Biden nắm quyền, căng thẳng tiếp tục dâng cao ở Đài Loan, hòn đảo mà Trung Quốc coi là vùng lãnh thổ chờ thống nhất, có thể bằng vũ lực nếu cần thiết. Trung Quốc hồi tháng 10 tiến hành đợt tập trận hiệp đồng với kịch bản phong tỏa cảng xung quanh Đài Loan, nhằm răn đe "hành động ly khai" của hòn đảo.
Nhiều người lo ngại khi Trump lên nắm quyền, tính cách khó đoán của ông có thể khiến vấn đề Đài Loan vượt khỏi tầm kiểm soát.
Trong giai đoạn tranh cử, ông Trump không ngần ngại chỉ trích Đài Bắc, liên tục nói rằng giới chức Đài Loan cần trả thêm tiền để Mỹ hỗ trợ hòn đảo trong các hoạt động phòng thủ.
"Đài Loan nên chi tiền cho Mỹ để được bảo vệ. Bạn biết đấy, chúng ta không khác gì một công ty bảo hiểm", ông nói trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 7, bên lề Đại hội Toàn quốc đảng Cộng hòa.
Ông cho rằng do Đài Loan gần như nắm trọn lợi thế lớn so với Mỹ trong ngành công nghiệp bán dẫn, hòn đảo cần chi tiền để được bảo vệ. "Chúng ta đã ngu ngốc đến mức nào? Họ đã giành lấy toàn bộ lĩnh vực bán dẫn của Mỹ và trở nên cực kỳ giàu có", ông Trump cho hay.
Trump không công khai cam kết hỗ trợ Đài Loan nếu xung đột nổ ra, nhưng cũng tuyên bố Trung Quốc sẽ "không dám làm gì hòn đảo vì Chủ tịch Tập tôn trọng tôi và biết tôi có thể điên rồ tới mức nào".
"Chúng tôi không biết ông ấy sẽ làm gì về vấn đề này", Shen Dingli, học giả độc lập về quan hệ quốc tế tại Thượng Hải, nói. "Ông ấy muốn mặc cả, muốn tận dụng sự khó lường của mình để gây sức ép và răn đe Trung Quốc đại lục".
Lãnh đạo Đài Loan Lại Thanh Đức đã chúc mừng Trump hôm 6/11, viết trên X rằng quan hệ đối tác "được xây dựng dựa trên các giá trị và lợi ích chung" sẽ vẫn là "nền tảng" cho ổn định và thịnh vượng của khu vực.
Trong lĩnh vực kinh tế, Trump năm 2017 từng tìm cách đạt thỏa thuận thương mại với Chủ tịch Tập, mời lãnh đạo Trung Quốc đến dinh thự Mar-a-Lago của ông ở Florida và thăm cấp nhà nước tới Bắc Kinh. Ông gọi Chủ tịch Trung Quốc là "một người bạn" hay "một người tuyệt vời".
Mọi thứ thay đổi vào năm 2018, khi Trump tạo bước ngoặt trong chính sách với Bắc Kinh, phát động cuộc chiến thương mại và áp thuế đối với khoảng 360 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, cũng như áp đặt lệnh trừng phạt với các công ty công nghệ nước này.
Sau đó, Trump đổ lỗi cho Bắc Kinh làm bùng phát đại dịch Covid-19 mà ông gọi là "virus Trung Quốc".
Mặc dù Tổng thống Joe Biden vẫn duy trì nhiều chính sách thời Trump đối với Bắc Kinh, trong đó có cả các biện pháp thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc, ông đã giảm bớt giọng điệu gay gắt với Bắc Kinh và nỗ lực khởi động lại các kênh liên lạc song phương.
Khi vận động tranh cử năm nay, Trump đã hứa sẽ tăng cường các chính sách kinh tế khắc nghiệt mà ông từng theo đuổi trong nhiệm kỳ đầu tiên, như đe dọa áp thuế 60% lên tất cả hàng hóa nhập từ Trung Quốc.
Điều này khiến giới phân tích tin rằng ông và Chủ tịch Trung Quốc khó lòng có một khởi đầu suôn sẻ.
"Mối quan hệ Mỹ - Trung sẽ leo thang căng thẳng trong 100 ngày đầu tiên", Ivan Kanapathy, cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc Mỹ từng phục vụ trong cả chính quyền Trump và Biden, nhận định. "Các hành động cạnh tranh sẽ gia tăng trong lĩnh vực thuế quan, kiểm soát xuất khẩu và trừng phạt".
Nhưng lần này Bắc Kinh đã chuẩn bị tốt hơn.
Giới lãnh đạo Trung Quốc đang cố gắng thúc đẩy khả năng tự cường và bảo vệ nền kinh tế đất nước khỏi những rủi ro bên ngoài như đòn thuế quan từ Mỹ.
Trang Guancha cho biết trong bài bình luận hôm 6/11 rằng Trung Quốc nên cảm ơn Trump vì ông đã "củng cố quyết tâm, ý chí và khả năng tự lực của chúng ta trong các lĩnh vực quan trọng".
Nhưng nguy cơ về một cuộc chiến thương mại mới không thể đến vào thời điểm tồi tệ hơn với Trung Quốc. Nền kinh tế của họ hiện chật vật phục hồi sau đại dịch và khó đạt mục tiêu tăng trưởng 5%. Ngành bất động sản rơi vào khủng hoảng và tỷ lệ thất nghiệp đã tăng vọt, đặc biệt là trong nhóm dân số trẻ.
"Trung Quốc đã chuẩn bị từ lâu", Tong Zhao, chuyên gia cấp cao tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế ở Washington, nói, song thêm rằng một cuộc chiến tranh thương mại khác sẽ gây ra thiệt hại rất lớn cho Bắc Kinh.
"Với tình hình kinh tế Trung Quốc như hiện tại, một cuộc chiến thương mại mới hoặc những nỗ lực toàn diện hơn nhằm cô lập họ sẽ tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng hơn nhiều đối với khả năng cạnh tranh kinh tế của nước này", Zhao nói.
Sau khi cố gắng truyền động lực mới vào nền kinh tế bằng gói kích thích được công bố hồi tháng 9, Trung Quốc đang thảo luận các cách thức tiếp theo nhằm thúc đẩy tăng trưởng.
Nhưng Alicia Garcia-Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại ngân hàng đầu tư Natixis, không kỳ vọng nỗ lực trên sẽ giải quyết được các vấn đề cơ bản hoặc thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng đang yếu của Trung Quốc.
Một gói kích thích không đủ, diễn ra sau khi Trump tái đắc cử, sẽ tạo nên "tình huống rất tồi tệ" cho Trung Quốc. "Họ cần tìm các nguồn tăng trưởng khác, vì thương mại sẽ không làm được điều đó", bà cho hay.
Dù vậy, giới chức và chuyên gia Trung Quốc vẫn nhìn thấy những ánh sáng le lói cuối đường hầm. Trump gần đây đã quay lại nhấn mạnh mối quan hệ cá nhân giữa ông với Chủ tịch Tập. Trong cuộc phỏng vấn với người dẫn chương trình podcast Joe Rogan vào tháng trước, Trump khoe ông đã có "mối quan hệ tuyệt vời với lãnh đạo Trung Quốc".
"Chúng tôi rất hợp nhau và họ đối xử với tôi tốt hơn bất kỳ ai", ông nói.
Giới lãnh đạo Trung Quốc dường như đã rút ra bài học rằng việc thể hiện sự tôn trọng tối đa với Trump có thể được sử dụng như một chiến lược lâu dài, Wang Zichen, người viết bản tin Pekingnology trên nền tảng truyền thông Substack, cũng là nghiên cứu viên tại Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết.
Bên cạnh đó, Trump hoàn toàn cũng có thể quay lại với con đường đàm phán. "Ông ấy là người thích giao dịch. Khuynh hướng cơ bản của ông ấy là như vậy, là giao dịch, là thỏa thuận", Susan Shirk, học giả về Trung Quốc tại Đại học California ở San Diego, cho biết, dự đoán rằng Trump sẽ cố gắng đạt được một số loại thỏa thuận kinh tế trong nhiệm kỳ thứ hai.
Mặt khác, theo giới chuyên gia, địa chính trị là một yếu tố khó lường nhưng có khả năng mang lại lợi ích cho Bắc Kinh, đặc biệt là nếu Trump quay lại với chính sách đối ngoại "nước Mỹ trên hết" và quay lưng với các đồng minh, đối tác như nhiệm kỳ đầu tiên.
"Trung Quốc có thể hy vọng làm suy yếu nỗ lực của Mỹ nhằm cô lập họ bằng liên minh các nước phương Tây", Zhao nói. "Trung Quốc chắc chắn sẽ nỗ lực thiết lập hình ảnh bản thân là một cường quốc có trách nhiệm hơn, trái ngược với vị thế quốc tế đang suy giảm của Mỹ".
Truyền thông Trung Quốc cũng nhìn thấy một tia hy vọng khác: Khả năng giám đốc điều hành Tesla Elon Musk, nhà tài trợ chính, người ủng hộ mạnh mẽ chiến dịch tranh cử của Trump, nhưng cũng có lợi ích kinh doanh đáng kể ở Trung Quốc, có thể đóng vai trò là cầu nối.
Một số người dùng mạng xã hội Weibo của Trung Quốc thậm chí còn gợi ý rằng Musk có thể trở thành đại sứ Mỹ tiếp theo tại nước này. "Trung Quốc sẽ rất vui khi thấy ông ấy đóng vai trò giúp hai quốc gia hiểu nhau hơn. Về cơ bản, đây là những cơ hội cùng có lợi khi hợp tác", Wang bình luận.
Vũ Hoàng (Theo Washington Post, AFP, Reuters)