Thế giới hôm nay: 08/07/2024

Một số tin tức quốc tế đáng chú ý ngày 8/7/2024 trên tờ the Economist.

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Khảo sát sau bỏ phiếu trong cuộc bầu cử quốc hội Pháp cho thấy một liên minh cánh tả được thành lập vội vàng đã giành được nhiều ghế nhất. Thật bất ngờ, đảng Mặt trận Quốc gia cực hữu sẽ về đích ở vị trí thứ ba, ngay sau đảng Phục hưng trung dung của tổng thống Emmanuel Macron. Mặt trận Nhân dân Mới cánh tả dự kiến ​​sẽ giành được 171-187 ghế (trong tổng số 577) với tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao bất thường. Sẽ không có khối nào chiếm đa số hoàn toàn, báo trước một thời kỳ cạnh tranh chính trị và bất ổn.

Nhà lập pháp thứ năm của đảng Dân chủ Mỹ —Angie Craig, một nữ nghị sĩ đến từ Minnesota — đã kêu gọi Joe Biden từ bỏ cuộc đua tổng thống, cho rằng cuộc phỏng vấn trên truyền hình hôm thứ Sáu đã không thể dập tắt được những tranh cãi trong đảng của ông. Trong lúc đó, ông Biden đưa ra giọng điệu thách thức. Lãnh đạo phe Dân chủ ở Hạ viện Hakeem Jeffries được cho là đã lên lịch một cuộc họp trực tuyến vào Chủ nhật với các hạ nghị sĩ Dân chủ cấp cao để thảo luận về việc liệu ông Biden có nên rút lui hay không. Trước đó, khi được ABC News hỏi liệu ông có từ chức nếu các lãnh đạo của đảng Dân chủ thúc giục ông từ bỏ hay không, ông nói “họ sẽ không làm điều đó.”

Các quan chức Hamas cho biết họ đang chờ phản hồi từ Israel sau khi đưa ra phản đối quan trọng đối với thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza do Mỹ đề xuất. Trước đó, Hamas đã yêu cầu Israel cam kết ngừng bắn vĩnh viễn trước khi ký kết. Giờ đây hai bên sẽ bắt đầu đàm phán để đạt được mục tiêu đó trong giai đoạn ngừng bắn kéo dài sáu tuần đầu tiên. Một phái đoàn Israel đang nghiên cứu kế hoạch này với các nhà hòa giải của Qatar.

Keir Starmer, thủ tướng mới của Anh, đã đến Scotland trong chặng đầu tiên của chuyến công du tới tất cả bốn quốc gia thành viên của Vương quốc Liên hiệp Anh. Đảng Lao động của ông đã đạt được những thắng lợi lớn ở Scotland trong chiến thắng vang dội hôm thứ Năm, làm tiêu tan hy vọng của những người theo chủ nghĩa dân tộc Scotland về một cuộc trưng cầu dân ý khác về độc lập trong tương lai gần. Sau chuyến đi, tân thủ tướng sẽ tới Washington để tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO.

Tổng thống Argentina Javier Milei tới Brazil để gặp cựu tổng thống Jair Bolsonaro. Hai nhân vật cánh hữu này đang chủ trì một hội nghị chính trị, CPAC Brasil, nhằm tập hợp các nhà lãnh đạo tương tự khác ở Mỹ Latinh. Khó có khả năng ông Milei sẽ gặp tổng thống hiện tại của Brazil, Luiz Inacio Lula da Silva, người mà ông gọi là “cộng sản.”

“Những người yêu nước vì châu Âu”, một nhóm chính trị cánh hữu do thủ tướng Hungary Viktor Orban thành lập, đã thu được đủ ủng hộ từ các thành viên trong Nghị viện châu Âu để được chính thức công nhận. Ông Orban, người đảm nhận chức chủ tịch luân phiên của EU trong tháng này, hy vọng sẽ sử dụng khối này để “thay đổi nền chính trị châu Âu.” Họ muốn ngăn chặn hỗ trợ của châu Âu dành cho Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga, bên cạnh những mục tiêu khác.

BYD, một công ty xe điện của Trung Quốc, đã công bố kế hoạch mua 20% cổ phần của Rever Automotive, nhà phân phối ô tô của họ tại Thái Lan. Thông báo này được đưa ra vài ngày sau khi BYD mở nhà máy đầu tiên tại Thái Lan, thị trường lớn nhất bên ngoài Trung Quốc. Các quan chức Thái Lan đã bắt đầu điều tra việc các đại lý BYD giảm giá mạnh sau khi có khiếu nại của các nhà phân phối khác.

Con số trong ngày: 40, là số lượng ngân hàng Trung Quốc biến mất trong tuần kết thúc vào ngày 24 tháng 6, khi chúng được sáp nhập vào các ngân hàng lớn hơn.

TIÊU ĐIỂM

Thủ tướng Ấn Độ thăm Nga

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ tới Moscow vào thứ Hai để gặp Vladimir Putin. Ấn Độ có mối quan hệ nồng ấm với Nga kể từ thời Chiến tranh Lạnh, nhưng gần đây đã xích lại gần phương Tây hơn. Tuy nhiên, khi các nước phương Tây cắt đứt quan hệ với Nga và áp đặt trừng phạt lên nước này vì cuộc xâm lược Ukraine, Ấn Độ đã trở thành một khách hàng quan trọng mua dầu của Nga. Thương mại giữa hai nước đã tăng vọt lên mức cao nhất mọi thời đại là 65 tỷ USD trong năm tính đến tháng 4.

Ông Modi dự kiến ​​sẽ đề xuất các cách để tăng xuất khẩu của Ấn Độ sang Nga nhằm giúp mối quan hệ thương mại cân bằng hơn. Ông cũng được kỳ vọng sẽ nói về số phận của những người Ấn Độ bị cuốn vào cuộc chiến ở Ukraine. Bộ ngoại giao Ấn Độ khẳng định việc cuộc gặp diễn ra cùng thời điểm với hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên. Dù sao đi nữa, chuyến thăm của ông Modi rõ ràng là một thắng lợi của ông Putin.

Liệu Joe Biden có tiếp tục tranh cử?

Sau màn tranh luận thảm họa trước Donald Trump hôm 27/6, tổng thống Mỹ đang cố gắng kiểm soát cuộc nổi loạn bên trong đảng Dân chủ xoay quanh những lo ngại sức khoẻ của ông không cho phép ông chiến đấu trong cuộc bầu cử vào tháng 11. Sự miễn cưỡng của ông Biden giờ đã trở thành thái độ thách thức. Trong một cuộc phỏng vấn được mong chờ hôm thứ Sáu, ông Biden nói rằng đó chỉ là “một đêm tồi tệ.” Ông từ chối thừa nhận mình đang đứng sau trong kết quả thăm dò, và rằng nhiều thành viên trong đảng tin rằng ông nên đứng sang một bên.

Tuy nhiên, việc các đảng viên Dân chủ lo lắng về sự bướng bỉnh của tổng thống cũng có thể khiến lập trường của họ trở nên cứng rắn hơn. Một lá thư được cho là đang lưu hành trong các thượng nghị sĩ Dân chủ yêu cầu ông Biden rút lui. Ít nhất năm thành viên Dân chủ tại Hạ viện cũng đã yêu cầu ông làm như vậy. Những chính khách lớn tuổi từng ám chỉ việc tổng thống rời đi, như Nancy Pelosi, có thể sẽ trở nên rõ ràng hơn. Tuần tới sẽ là một tuần rất quan trọng đối với Joe Biden.

Thương vụ mua lại sóng gió của Nippon Steel

Một giám đốc điều hành cấp cao của Nippon Steel sẽ đến thăm Mỹ trong tuần này để nỗ lực cứu vãn thương vụ mua lại US Steel. Thỏa thuận trị giá 14 tỷ USD đã được cổ đông tán thành, nhưng vấp phải phản đối rộng rãi.

United Steelworks, một công đoàn lớn đại diện cho hàng nghìn nhân viên của US Steel, phản đối thỏa thuận này. Donald Trump phản đối việc mua lại. Tổng thống Joe Biden cũng phản đối, với hy vọng kêu gọi được ủng hộ của các thành viên công đoàn tại các bang chiến trường quan trọng này. Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Hoa Kỳ, cơ quan chuyên sàng lọc các khoản đầu tư nước ngoài để đảm bảo an ninh quốc gia, hiện đang xem xét thỏa thuận.

Đến từ Nhật Bản, một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ, Nippon Steel có lẽ đã mong đợi được đối xử theo một cách khác. Công ty hy vọng một khi cuộc bầu cử tổng thống trôi qua, tiến trình mua lại sẽ diễn ra suôn sẻ hơn. Nhưng thị trường không lạc quan như vậy. US Steel hiện đang giao dịch ở mức khoảng 39 USD một cổ phiếu, thấp hơn rất nhiều so với mức 55 USD một cổ phiếu mà Nippon Steel đưa ra.

Thuế xe điện mới của EU có phù hợp với tiêu chuẩn của khối?

Vào ngày 4 tháng 7, Liên minh châu Âu đã áp thuế tạm thời đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc. EU lập luận rằng các khoản trợ cấp của Trung Quốc dành cho các nhà sản xuất ô tô cho phép họ xuất khẩu xe điện với mức giá phản cạnh tranh. Các biện pháp mới phù hợp ra sao với chính sách thương mại tổng thể của EU sẽ trở nên rõ ràng hơn vào thứ Hai khi khối này công bố dữ liệu thuế quan 2023.

Năm 2022, 71% hàng hóa vào EU mà không chịu bất kỳ mức thuế nào — ngay cả khi “các rào cản phi thuế quan” đối với thương mại, chẳng hạn như quy định, vẫn còn tồn tại. Hàng xuất khẩu từ Trung Quốc nằm trong nhóm bị đánh thuế cao nhất, khi chỉ 45% được miễn thuế. EU đang thích nghi với một thế giới trong đó các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới và chủ nghĩa đa phương không còn chi phối thương mại toàn cầu, và các biện pháp cứng rắn hơn đã trở thành tiêu chuẩn. Nhưng với tư cách là một khối gồm 27 thành viên, EU cũng sẽ gặp khó khăn trong việc điều chỉnh lợi ích thương mại của các thành viên, thể hiện rõ ràng khi Pháp thúc đẩy áp thuế đối với xe điện của Trung Quốc nhưng Đức phản đối.

Mercosur chỉ là một cái vỏ không hồn

Vào thứ Hai, các nguyên thủ quốc gia từ Thị trường Chung phía Nam – được gọi là Mercosur, một khối thương mại tự do Nam Mỹ bao gồm Brazil, Argentina, Uruguay và Paraguay – sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh hai năm một lần. Cũng như Đế chế La Mã Thần thánh, Mercosur hiếm khi xứng đáng với tên gọi của nó. Thương mại giữa các nước thành viên không hề tự do và khối cũng không thống nhất lắm. Uruguay đã đe dọa sẽ rút lui để theo đuổi các thỏa thuận thương mại tự do song phương. Javier Milei, tổng thống Argentina, sẽ bỏ qua hội nghị thượng đỉnh để dự Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ ở Brazil.

Hơn nữa, các cuộc đàm phán về một thỏa thuận thương mại tự do với Liên minh châu Âu, được mở từ năm 1999, lại càng mong manh hơn. Các bên đạt được thỏa thuận sơ bộ vào năm 2019, nhưng chưa được quốc hội các nước phê chuẩn. Đáng kể nhất là việc các tổ chức vận động hành lang nông nghiệp của Pháp và những người theo chủ nghĩa bảo hộ Brazil trong chính phủ phản đối thoả thuận. Thành công gần đây của phe cực hữu Pháp trong cuộc bầu cử quốc hội châu Âu gần như chắc chắn đã kết án tử cho thỏa thuận, khiến Mercosur trở nên ít quan trọng hơn bao giờ hết.

Theo Nghiên cứu Quốc tế