Thế giới hôm nay: 09/04/2024

Một số tin tức quốc tế đáng chú ý ngày 9/4/2024 trên tờ the Economist.

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Hàng triệu người ở Bắc Mỹ đã xem nhật thực toàn phần bắt đầu quét qua lục địa lúc 11:07 PDT. Hiện tượng này xảy ra khoảng 18 tháng một lần nhưng hiếm khi xảy ra ở khu vực đông dân cư như vậy. Từ bờ biển phía Tây sang bờ biển phía Đông lục địa, người Mexico, người Mỹ, và người Canada đều xem được nhật thực.

Binyamin Netanyahu cho biết ngày tháng đã được ấn định cho cuộc tấn công trên bộ của Israel vào Rafah, một thành phố ở phía nam Gaza, nơi có khoảng 1,4 triệu người Palestine đang sinh sống. “Điều này sẽ xảy ra,” ông tuyên bố. Bộ trưởng an ninh quốc gia cực hữu Itamar Ben-Gvir cảnh báo thủ tướng sẽ “không còn quyền hạn” nếu Israel không tiến hành chiến dịch này, bất chấp phản đối của Mỹ.

Các phiên điều trần bắt đầu tại Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), tòa án hàng đầu của Liên Hợp Quốc, về vụ kiện do Nicaragua đưa ra về việc Đức hỗ trợ cho cuộc chiến của Israel ở Gaza. Nicaragua lập luận rằng bằng cách cung cấp cho Israel viện trợ quân sự và tài chính, Đức đã “góp phần thực hiện tội ác diệt chủng” ở dải đất này. Đây là vụ án thứ ba của ICJ trong năm nay liên quan đến cuộc xung đột. Nam Phi trước đó đã cáo buộc Israel phạm tội diệt chủng.

TSMC, nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới, công bố kế hoạch xây dựng nhà máy bán dẫn thứ ba ở Arizona. Công ty Đài Loan sẽ nhận được khoản trợ cấp lên tới 6,6 tỷ USD từ chính phủ Mỹ và tăng đầu tư vào Mỹ lên 65 tỷ USD. Mỹ đang mong muốn mở rộng sản xuất chip trong nước, nhưng thái độ bất hợp tác của công nhân và các thủ tục pháp lý đã làm chậm nỗ lực của TSMC ở nước này.

Bộ trưởng tài chính Mỹ Janet Yellen nói mối quan hệ giữa nước bà với Trung Quốc đang có “một nền tảng vững chắc hơn” khi bà kết thúc chuyến thăm kéo dài sáu ngày. Bà Yellen đã thảo luận về chiến lược kinh tế của Trung Quốc với thủ tướng Lý Cường và các quan chức khác. Mỹ lo ngại Trung Quốc đang mở rộng xuất khẩu công nghệ xanh để bù đắp cho sự sụt giảm nhu cầu trong nước, qua đó làm giảm giá của các nhà sản xuất nước ngoài.

Sản xuất công nghiệp ở Đức đã tăng 2,1% so với tháng trước trong tháng 2 – tháng thứ hai liên tiếp có tăng trưởng. Nhưng sản xuất vẫn thấp hơn mức tiền đại dịch, cho thấy lĩnh vực này còn nhiều thách thức. Đức là nền kinh tế lớn hoạt động kém nhất thế giới trong năm ngoái, giảm 0,3% do chi phí năng lượng cao, nhu cầu trong nước và xuất khẩu yếu.

Donald Trump nói rằng luật phá thai nên được quy định bởi từng bang, sau nhiều tháng đồn đoán về quan điểm của ông về vấn đề này. Trong một bài đăng trên mạng xã hội, ông Trump nói phá thai nên được cho phép trong một số trường hợp đặc biệt. Tuyên bố này của ông có thể có lợi cho phe Dân chủ: trong một cuộc thăm dò gần đây, 81% người Mỹ cho rằng chính quyền không nên quản lý vấn đề phá thai.

Con số trong ngày: 10,6 tỷ USD, là số tiền mà FTX, sàn giao dịch tiền điện tử đã phá sản, còn nợ khách hàng.

TIÊU ĐIỂM

Nicaragua kiện Đức vì hỗ trợ Israel

Nicaragua biết đôi điều về nhân quyền và luật pháp quốc tế, khi từng bị Liên Hợp Quốc cáo buộc hồi tháng 2 về tội ác chống lại loài người. Tuy nhiên, thay vì trả lời những cáo buộc như vậy, họ lại đi kiện. Vào thứ Ba, Đức sẽ phản hồi các tuyên bố của Nicaragua trước Tòa án Công lý Quốc tế rằng nước này đồng lõa với tội diệt chủng khi bán vũ khí cho Israel và ngừng quyên góp tự nguyện cho UNRWA, một cơ quan của Liên Hợp Quốc chuyên hỗ trợ người Palestine.

Đơn của Nicaragua được đưa ra sau vụ kiện trước đó của Nam Phi cáo buộc Israel phạm tội diệt chủng ở Gaza. Bằng cách nhắm vào Đức, vụ kiện này tìm cách mở rộng luật pháp quốc tế theo cách chưa từng thấy. Nó phớt lờ quy tắc “bên thứ ba không thể thiếu” của tòa án, điều sẽ ngăn tòa đưa ra phán quyết ảnh hưởng đến Israel vì nước này không phải là một bên trong vụ kiện. Nguyên đơn cũng yêu cầu Đức tiếp tục quyên góp tự nguyện cho UNRWA.

Ireland có tân thủ tướng

Vào thứ Ba, Simon Harris, ở tuổi 37, sẽ trở thành thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử Ireland, trẻ hơn người tiền nhiệm một năm. Quyết định rời bỏ chính trường của Leo Varadkar vào tháng trước đã dọn đường cho ông Harris kế nhiệm ông với tư cách là lãnh đạo của Fine Gael, một đảng trung hữu, và trở thành taoiseach (thủ tướng). Ông Harris là người ăn nói lưu loát và hiểu biết về truyền thông. Sự thăng tiến của ông không quá đặc biệt: sau khi rời trường đại học sớm, ông trở thành trợ lý cho một nghị sĩ cấp cao và đi lên từ đó.

Nhưng công việc mới của ông Harris có thể sẽ không suôn sẻ như vậy. Ông có chưa đầy một năm để tận hưởng chức vụ mới trước cuộc bầu cử tiếp theo. Nhiều người vẫn chưa rõ ông đại diện cho điều gì. Sự ủng hộ dành cho đảng của ông – vốn đang phải vật lộn với khủng hoảng nhà ở, y tế, và chi phí sinh hoạt – tiếp tục giảm kể từ khi ông Varadkar từ chức. Một phần ba số nghị sĩ của đảng này đã tuyên bố sẽ không tranh cử nữa – ông Varadkar đứng đầu trong số đó.

Giai đoạn tai tiếng của Boeing

Những khó khăn của Boeing sẽ được thể hiện rõ ràng vào thứ Ba khi hãng công bố số liệu giao máy bay thương mại trong quý đầu năm. Công ty Mỹ có thể sẽ giao khoảng 85 máy bay so với hơn 140 chiếc của Airbus, đối thủ châu Âu, trong cùng thời kỳ.

Rất khó để họ bắt kịp. Hy vọng của Boeing trong việc nâng sản lượng máy bay 737MAX, mẫu máy bay đường ngắn của hãng, đã bị cản trở bởi các hạn chế của cơ quan quản lý sau vụ bung chốt cửa máy bay hồi tháng 1. Vụ việc làm tăng thêm lo ngại về hoạt động sản xuất và kiểm soát chất lượng của công ty. Và hình ảnh của Boeing lại càng xấu đi khi vào Chủ nhật, một chiếc máy bay 737 dòng cũ đã bị thổi tung vỏ động cơ khi đang cất cánh. Boeing cũng phải bổ nhiệm một giám đốc điều hành mới để thay thế Dave Calhoun, người đã thông báo vào tháng 3 rằng ông sẽ từ chức vào cuối năm nay. Nhà lãnh đạo mới của gã khổng lồ hàng không vũ trụ sẽ có nhiều điều phải khắc phục.

Các nước Bắc Âu và Baltic đẩy mạnh hợp tác quốc phòng

Kể từ khi giành được độc lập từ Liên Xô, ba nước vùng Baltic đã tăng cường kết nối với các nước láng giềng phía bắc. Người Bắc Âu giờ đây lại càng có lý do để thắt chặt quan hệ: hợp tác quốc phòng chống lại Nga. Vào thứ Ba, thị trấn Visby của Thụy Điển sẽ tiếp đón các ngoại trưởng của Estonia, Latvia, và Litva, cũng như ngoại trưởng của bốn nước Bắc Âu (Đan Mạch, Phần Lan, Iceland và Na Uy). Nhóm này được gọi là Nhóm Bắc Âu-Baltic.

Quốc phòng là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự. Những nước đóng góp viện trợ hào phóng nhất cho Ukraine, theo tỷ trọng GDP, nằm phần lớn ở khu vực này, với Estonia và Đan Mạch đứng đầu. Saab, một công ty Thụy Điển, và Nammo của Na Uy là những nhà cung cấp vũ khí quan trọng cho Ukraine. Phần Lan và Thụy Điển gần đây đã gia nhập NATO.

Các nước Bắc Âu và Baltic cũng đồng ý rằng EU nên thu giữ tài sản trị giá 228 tỷ USD của Nga ở châu Âu và giao số tiền này cho Ukraine. Băng đã tan cách đây vài tuần ở Visby, nhưng tài sản của Nga thì vẫn còn đóng băng.

Theo Nghiên cứu Quốc tế