Thế giới hôm nay: 11/04/2024

Một số tin tức quốc tế đáng chú ý ngày 11/4/2024 trên tờ the Economist.

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Giá tiêu dùng ở Mỹ đã tăng 3,5% trong thời gian một năm tính đến tháng 3, từ mức 3,2% của tháng 2. Giá tiêu dùng cốt lõi — không tính năng lượng và thực phẩm — tăng 0,4% so với tháng trước. Đây là tháng thứ ba liên tiếp con số này cao hơn dự kiến. Giá xăng và nhà ở tăng, bao gồm cả chi phí thuê nhà, là những yếu tố chính đẩy giá lên cao. Dữ liệu này làm giảm khả năng Cục Dự trữ Liên bang, ngân hàng trung ương của Mỹ, sẽ cắt giảm lãi suất trong mùa hè.

Hãng xếp hạng Fitch đã hạ triển vọng dài hạn về tín dụng quốc gia của Trung Quốc xuống tiêu cực. Fitch cho biết họ dự đoán chính phủ sẽ tăng nợ khi cố gắng kéo nền kinh tế lớn thứ hai thế giới thoát khỏi suy thoái do ngành bất động sản gây ra. Chính phủ Trung Quốc cho biết xếp hạng này không phản ánh “vai trò tích cực của chính sách tài khóa trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.” Moody’s, một cơ quan xếp hạng khác, cũng đã hạ triển vọng của Trung Quốc xuống mức tiêu cực hồi tháng 12.

Nghị viện châu Âu bỏ phiếu ủng hộ hiệp ước di cư và tị nạn đã được đưa ra lần đầu từ cách đây một thập niên. Những cải cách sẽ đẩy nhanh quá trình xin tị nạn và yêu cầu các nước thành viên chia sẻ trách nhiệm. Số đơn xin tị nạn vào EU đã tăng 18% so với cùng kỳ năm 2023, đạt mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng di cư 2015-16.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp Mã Anh Cửu, cựu tổng thống Đài Loan, tại Bắc Kinh. Năm ngoái, ông Mã trở thành cựu lãnh đạo đầu tiên của Đài Loan đến thăm Trung Quốc. Đây là cuộc gặp thứ hai của ông với ông Tập, người mà ông gặp trên cương vị tổng thống vào năm 2015 tại Singapore. Quốc Dân Đảng của ông phản đối Đài Loan độc lập và muốn giảm căng thẳng với Trung Quốc thông qua thương mại và đối thoại.

Một tòa án hàng đầu của EU đã dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với hai tỷ phú Nga, Mikhail Fridman và Petr Aven. Tòa phán quyết rằng không có đủ bằng chứng cho thấy hai nhân vật này ủng hộ cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine. Phán quyết gây trở ngại cho gói trừng phạt của EU đối với Nga. Cặp đôi này là những doanh nhân cao cấp nhất của Nga được dỡ bỏ trừng phạt.

TSMC, nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, cho biết doanh thu của hãng đã tăng gần 1/5 trong quý đầu tiên, cao hơn kỳ vọng của giới phân tích. Doanh thu tăng 34,3% so với cùng kỳ trong tháng 3, tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 11 năm 2022. Công ty Đài Loan đang được hưởng lợi từ mối quan tâm ngày càng tăng đối với các con chip được thiết kế để đào tạo và chạy phần mềm trí tuệ nhân tạo, bù đắp cho nhu cầu yếu kém trên thị trường điện thoại thông minh.

Theo một đánh giá độc lập, y học về giới tính dành cho trẻ em ở Anh được “xây dựng trên nền tảng không vững chắc.” Nghiên cứu được dẫn dắt bởi Hilary Cass, cựu chủ tịch của Đại học Nhi khoa và Sức khỏe Trẻ em Hoàng gia. Bà cho biết các bác sĩ thường không đặt việc chăm sóc giới tính dựa trên nghiên cứu thực chứng, và “sự độc hại của cuộc tranh luận” khiến một số bác sĩ lâm sàng ngại lên tiếng.

Con số trong ngày: 520 triệu, là quy mô dân số trên 60 tuổi dự kiến của Trung Quốc vào năm 2050, chiếm 38% tổng dân số cả nước.

TIÊU ĐIỂM

Thuợng đỉnh Mỹ-Nhật-Philippines

Các nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản, và Philippines sẽ gặp nhau tại Washington vào thứ Năm trong một hội nghị thượng đỉnh ba bên. Joe Biden, Kishida Fumio, và Ferdinand Marcos sẽ cùng tìm kiếm chất gắn kết tốt hơn để chống lại tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương.

Những tham vọng đó liên quan đến việc các lực lượng an ninh Trung Quốc hung hăng tranh giành quyền kiểm soát vùng biển của Nhật Bản ở Biển Hoa Đông và vùng biển của Philippines ở Biển Đông (cho đến nay không có thiệt hại nhân mạng). Trung Quốc muốn thống trị các vùng biển đó để phòng trường hợp đưa quân đến chiếm Đài Loan, mà Bắc Kinh tuyên bố là của họ. Do có liên minh quân sự với Nhật Bản và Philippines, Mỹ cũng nằm ở tuyến đầu chống lại Trung Quốc.

Ngay trước hội nghị thượng đỉnh ở Washington, ba đồng minh đã thể hiện mối quan hệ hợp tác ngày càng sâu đậm của họ. Cùng với Úc, cả ba nước đều triển khai tàu chiến trong một cuộc tuần tra chung chưa từng có trên khu vực tranh chấp ở Biển Đông – khiến Bắc Kinh vô cùng khó chịu.

Lựa chọn khó khăn của ECB

Lạm phát ở châu Âu đang có xu hướng giảm. Tỷ lệ theo năm đã giảm từ 2,8% trong tháng 1 xuống 2,6% trong tháng 2 và 2,4% trong tháng 3. Lạm phát cơ bản (không tính giá năng lượng và thực phẩm) cũng giảm, từ 3,3% trong tháng 1 xuống 2,9% trong tháng 3. Cả hai đều gần như phù hợp với dự báo nội bộ của ECB, trấn an ngân hàng rằng họ đang trên đà quay về mục tiêu 2% vào năm 2025. Tuy vậy, vào thứ Năm, ECB có thể sẽ gợi ý rằng đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên sẽ không diễn ra cho đến tháng 6, trong khi họ chờ dữ liệu tiền lương để chính thức xác nhận lạm phát đã giảm tốc.

Nền kinh tế châu Âu hiện không hề tốt. Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) được theo dõi rộng rãi đang cho thấy suy thoái. Khảo sát cho vay ngân hàng của ECB cho thấy nhu cầu vay vốn từ các doanh nghiệp đã giảm đáng kể trong quý đầu tiên của năm 2024. Nếu chờ đợi quá lâu, ECB có thể phải thực hiện các đợt cắt giảm lãi suất lớn hơn sau đó.

Theo Nghiên cứu Quốc tế