Thế giới hôm nay: 14/01/2025

Một số tin tức quốc tế đáng chú ý ngày 14/1/2025 trên tờ the Economist.

NguồnThe Economist | Biên dịchĐỗ Đặng Nhật Huy

Tổng thống Joe Biden cho biết một thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza đang “gần được hoàn tất.” Hôm thứ Hai, Qatar, quốc gia tổ chức các cuộc đàm phán, đã trình với Hamas và Israel bản dự thảo cuối cùng, theo Reuters. Trong một bài phát biểu, ông Biden nói thỏa thuận đề xuất sẽ giải phóng các con tin bị Hamas bắt giữ, tạm dừng cuộc chiến, và “cho phép chúng ta tăng cường đáng kể viện trợ nhân đạo cho người Palestine.” Đàm phán dự kiến sẽ tiếp tục vào thứ Ba.

Đồng đô la Mỹ đạt mức cao nhất trong hai năm so với rổ các đồng tiền chính, được thúc đẩy bởi dữ liệu việc làm mạnh mẽ công bố hôm thứ Sáu. Dữ liệu này làm giảm kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang sẽ cắt giảm lãi suất mạnh trong năm 2025. Giá cổ phiếu tại châu Á giảm, do các nhà đầu tư lo ngại lãi suất cao kéo dài ở Mỹ sẽ hút vốn vào đồng đô la, làm giảm tiền đổ vào các đồng tiền yếu hơn và thị trường mới nổi.

Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ đưa ra cảnh báo cháy nghiêm trọng nhất cho một số khu vực của Hạt Los Angeles và Ventura, dự báo “tình huống đặc biệt nguy hiểm” khi gió dự kiến tăng mạnh trở lại và làm gia tăng các đám cháy hiện có. Ít nhất 24 người đã thiệt mạng trong thảm họa này, mà thống đốc California Gavin Newsom cho biết có thể là đợt cháy rừng tốn kém nhất trong lịch sử Mỹ.

Ít nhất 40 nông dân đã bị giết vào cuối tuần qua tại bang Borno ở đông bắc Nigeria sau khi ra ngoài các khu vực an toàn được chỉ định, giới chức cho biết vào thứ Hai. Chính quyền nghi ngờ các kẻ tấn công thuộc nhóm Boko Haram và chi nhánh IS tại Nigeria. Các vụ tấn công nông dân đang làm trầm trọng thêm khủng hoảng đói kém ở Borno, nơi cũng bị ảnh hưởng bởi lũ lụt vào mùa thu năm ngoái.

 

Mỹ công bố các hạn chế về xuất khẩu công nghệ sử dụng trong phát triển trí tuệ nhân tạo. Các quy định này, sẽ có hiệu lực từ cuối năm nay, hạn chế xuất khẩu chip AI tới hầu hết các quốc gia, đồng thời duy trì lệnh cấm đối với Trung Quốc, Nga, Iran, và Triều Tiên. Chính phủ Mỹ muốn ngăn các đối thủ tiếp cận công nghệ tiên tiến, song các nhà sản xuất chip Mỹ cho rằng quy định mới sẽ làm suy yếu khả năng cạnh tranh.

Gazprom được cho là đang có kế hoạch cắt giảm 1.600 việc làm — tương đương 40% lực lượng lao động tại trụ sở chính ở St Petersburg. Gã khổng lồ năng lượng thuộc sở hữu nhà nước của Nga đã gặp khó khăn kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, với doanh số bán khí đốt tại châu Âu sụt giảm và các thỏa thuận vận chuyển bị đình chỉ bởi một số nước. Nỗ lực mở rộng ra các thị trường khác như Trung Quốc đã bị đình trệ. Năm 2023, công ty ghi nhận khoản lỗ đầu tiên trong hơn hai mươi năm.

Tập đoàn dược phẩm Eli Lilly sẽ trả tới 2,5 tỷ USD cho Scorpion Therapeutics để mua lại quyền sở hữu liệu pháp điều trị ung thư STX-478 của công ty này. Loại thuốc mới nhắm vào bệnh ung thư vú và hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm ban đầu. Thỏa thuận bao gồm một khoản thanh toán trả trước và các khoản thanh toán bổ sung gắn liền với các cột mốc pháp lý và doanh số bán hàng. Scorpion sẽ tách các tài sản không liên quan đến liệu pháp điều trị ung thư thành một thực thể mới, trong đó Eli Lilly sẽ nắm cổ phần thiểu số.

Con số trong ngày: 60%, là tỷ lệ người Greenland ủng hộ hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ, theo một khảo sát hồi tháng 12.

TIÊU ĐIỂM

Ứng viên bộ trưởng quốc phòng nhiều điều tiếng của ông Trump

Vào thứ Ba, các thượng nghị sĩ Mỹ sẽ bắt đầu chất vấn ứng viên bộ trưởng quốc phòng Pete Hegseth của Donald Trump. Người dẫn chương trình của Fox News và cựu chỉ huy trung đội này là một lựa chọn gây tranh cãi. Ông bị cáo buộc thường xuyên say rượu, tấn công tình dục một phụ nữ, và ngoại tình. Ông Hegseth phủ nhận hai cáo buộc đầu tiên.

FBI đã dành nhiều tuần để điều tra đời tư của ông và gần đây đã báo cáo cho hai thành viên cấp cao của Ủy ban Quân sự Thượng viện về những phát hiện của họ. Thượng nghị sĩ Dân chủ Richard Blumenthal, mặc dù không tham gia báo cáo, cho biết ông đã thấy các thông tin khác “đáng lo ngại.” Tuy vậy, John Thune, lãnh đạo đa số ở Thượng viện (thuộc phe Cộng hòa), được cho là đã nói với ông Trump rằng ứng viên của ông có thể nhận đủ số phiếu để đảm nhận vị trí bộ trưởng. Nếu được xác nhận, ông Hegseth sẽ trở thành người thiếu kinh nghiệm nhất từng điều hành Lầu Năm Góc, một trong những bộ quan trọng nhất trong chính phủ liên bang.

Cuộc luận tội kịch tích ở Hàn Quốc

Phiên tòa luận tội tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol bắt đầu vào thứ Ba. Tháng 12 vừa qua, ông Yoon đã chóng vánh áp lệnh thiết quân luật nhưng phải rút lại do áp lực công chúng và sự phản đối từ quốc hội. Các nhà lập pháp nhanh chóng luận tội ông. Song Tòa án Hiến pháp phải phê chuẩn thì quyết định này mới có hiệu lực. Tòa án có 180 ngày để đưa ra phán quyết nhưng có thể hành động nhanh chóng do tính cấp bách của vụ việc. Năm phiên điều trần đầu tiên đã được lên lịch cho ba tuần tới.

Ngoài ra ông Yoon cũng đối mặt với các cáo buộc hình sự về tội nổi loạn. Các nhà điều tra đã cố gắng bắt giữ ông tại dinh tổng thống vào ngày 3 tháng 1, nhưng bị lực lượng an ninh tổng thống, vốn trung thành với ông Yoon, ngăn cản. Luật sư của ông Yoon cho rằng lệnh bắt giữ là bất hợp pháp, song cảnh sát dự kiến sẽ tìm cách thực thi lệnh này một lần nữa, có thể sớm nhất là trong tuần. Theo truyền thông địa phương, ông Yoon sẽ không tham dự phiên tòa vào thứ Ba vì sợ bị bắt.

Tân thủ tướng Pháp trình bày kế hoạch của mình

Thủ tướng Pháp sẽ trình bày kế hoạch của chính phủ trước Quốc hội vào thứ Ba. Nhiệm vụ cấp bách nhất đối với François Bayrou, một nhân vật trung dung 73 tuổi vừa được tổng thống Emmanuel Macron bổ nhiệm vào ngày 13 tháng 12, là soạn thảo ngân sách cho năm 2025. Ông dự kiến sẽ theo đuổi một chương trình cắt giảm thâm hụt ít tham vọng hơn so với người tiền nhiệm, Michel Barnier. Cựu thủ tướng từng hy vọng giảm thâm hụt ngân sách từ 6,1% GDP năm 2024 xuống còn 5% năm 2025; song ông Bayrou chỉ nhắm đến mức khoảng 5,5%.

Ông Bayrou đang điều hành một chính phủ thiểu số và cần có thêm ủng hộ trong quốc hội để thông qua ngân sách và tránh một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Nếu ông muốn nhận được ủng hộ từ đảng Xã hội, như mong đợi, ông có thể phải tăng thuế đối với người giàu và doanh nghiệp — cũng như đàm phán lại cải cách lương hưu của ông Macron, vốn đã nâng tuổi nghỉ hưu tối thiểu từ 62 lên 64.

Vấn đề lạm phát tiếp tục khiến Milei đau đầu

Trong năm đầu tiên làm tổng thống Argentina, Javier Milei đã cắt mạnh chi tiêu công và giảm bớt quy định. Kết quả đạt được thật đáng khích lệ. Lạm phát theo tháng chỉ còn 2,4% vào tháng 11, mức thấp nhất trong hơn bốn năm. Số liệu được công bố vào thứ Hai dự kiến cho thấy tỷ lệ này tăng nhẹ trong tháng 12 nhưng vẫn dưới 3%. Trong khi đó, lạm phát năm dự kiến giảm xuống khoảng 118%, so với 166% hồi tháng 11. Tăng trưởng kinh tế cũng được kỳ vọng sẽ tăng lên trong quý cuối năm 2024.

Nhưng năm thứ hai của ông Milei có thể khó khăn hơn. Chính phủ đã phát đi tín hiệu họ sẽ cố gắng gỡ bỏ các biện pháp kiểm soát tiền tệ, dù tổng thống gần đây đã nói trước tiên phải đảm bảo khoản vay 11 tỷ USD từ IMF và các ngân hàng tư nhân để tăng cường dự trữ ngân hàng trung ương. Việc gỡ bỏ các biện pháp kiểm soát có thể đẩy lạm phát tăng lên trước cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 10, khi ông Milei hy vọng tăng vị thế của đảng trong quốc hội — và từ đó dễ dàng thông qua cải cách hơn.

Theo Nghiên cứu Quốc tế