Trung Quốc 'tập dượt' soán ngôi Mỹ

Thành công trong cuộc chiến chống Covid-19 tạo động lực và tự tin để Trung Quốc thúc đẩy tham vọng lấn át ảnh hưởng của Mỹ trên trường quốc tế.

 

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã gần như rũ bỏ thành công những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 hồi năm ngoái và có khả năng duy trì tăng trưởng trong khi phần lớn thế giới rơi vào suy thoái. Điều này đồng nghĩa tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc có thể vượt Mỹ vào cuối thập kỷ này, sớm hơn nhiều so với dự kiến.

"Trung Quốc vượt qua cú sốc Covid-19 sớm hơn phần còn lại của thế giới và giới chức nước này đã lên kế hoạch cho dài hạn", Francoise Huang, chuyên gia kinh tế về châu Á - Thái Bình Dương tại công ty bảo hiểm Euler Hermes, tuần trước nhận xét trong một báo cáo.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại hội nghị trực tuyến của Diễn đàn Kinh tế Thế giới ngày 25/1. Ảnh: Xinhua.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại hội nghị trực tuyến của Diễn đàn Kinh tế Thế giới ngày 25/1. Ảnh: Xinhua.

Trung Quốc vừa lần đầu tiên vượt qua Mỹ về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Và khi năm 2020 chuẩn bị khép lại, họ đã ký một thỏa thuận thương mại quy mô lớn với Liên minh châu Âu (EU) với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng và cho phép các công ty châu Âu tiếp cận gần hơn với 1,4 tỷ người tiêu dùng nước này.

Bắc Kinh đang khởi đầu năm mới 2021 mà không còn phải lo lắng về một trong những đối thủ chính trị quyết liệt nhất với họ, cựu tổng thống Mỹ Donald Trump.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố rằng ông kỳ vọng Bắc Kinh sẽ giành được vị thế trụ cột trên trường quốc tế trong những năm sắp tới.

Tại hội nghị trực tuyến của Diễn đàn Kinh tế Thế giới hôm 25/1, Chủ tịch Tập thể hiện một giọng điệu tự tin khi trình bày về cách mà Trung Quốc đã hỗ trợ các quốc gia khác và thúc đẩy thế giới hợp tác cùng nhau, đưa ra thông điệp về lợi ích của toàn cầu hóa. Ông đồng thời quảng bá về khả năng của Trung Quốc trong việc thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu bằng cách "tạo thêm động lực cho tăng trưởng".

Trung Quốc sẽ "tận dụng lợi thế thị trường lớn và tiềm năng nhu cầu nội địa để mang đến nhiều cơ hội hợp tác hơn giữa các nước và giúp phục hồi kinh tế toàn cầu", ông nói.

Chủ tịch Tập rõ ràng muốn truyền đi thông điệp về sự tự tin, William Reinsch, chuyên gia thương mại tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), đánh giá.

Nhưng một loạt thách thức địa chính trị, bao gồm vấn đề Hong Kong và cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, đã làm sâu sắc thêm căng thẳng giữa Trung Quốc với phương Tây và có thể cản trở những nỗ lực thúc đẩy hợp tác đa phương.

Chủ tịch Tập "đang phung phí ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc do các hành động ngày càng mang tính khiêu khích ở Tân Cương, Hong Kong, Biển Đông và đối với cả Đài Loan", Reinsch nói. Ông cho rằng phương Tây coi những hành động này là "không thể chấp nhận được" và sẽ tiếp tục xa rời Trung Quốc bất chấp sức hấp dẫn từ thị trường của nước này.

Tuy nhiên, sức mạnh kinh tế của Trung Quốc là điều mà thế giới khó có thể phủ nhận. Các quỹ đầu tư toàn cầu hàng đầu như Fidelity hay Invesco đã đổ hàng trăm triệu USD vào một ứng dụng tương tự TikTok mang tên Kuaishou, trong khi các nhãn hàng lớn của Mỹ như Costco, Tesla, Starbucks cũng đang đầu tư mạnh tay vào Trung Quốc.

Nước này đã lần đầu tiên có thể đi vay với lãi suất âm vào năm ngoái, thu hút sự quan tâm đáng kể từ các nhà đầu tư trên toàn cầu, cả ở châu Âu và Mỹ.

Sau những cáo buộc rằng họ đã xử lý sai cuộc khủng hoảng Covid-19 khi nó mới bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc đã phản ứng bằng một lệnh phong tỏa nghiêm ngặt chưa từng có tiền lệ khiến thủ phủ 11 triệu dân của tỉnh Hồ Bắc rơi vào tê liệt.

Các biện pháp dập dịch quyết liệt dường như đã phát huy tác dụng. Dù Trung Quốc hiện vẫn ghi nhận các ca nhiễm mới và đang phải đối phó với các ổ dịch tương đối nghiêm trọng gần Bắc Kinh, số ca nhiễm và tử vong của họ chỉ bằng một phần nhỏ so với châu Âu và Mỹ.

Nhà chức trách đã có thể mở cửa trở lại các khu vực lớn của nền kinh tế từ năm ngoái, trong khi nhiều nước khác vẫn phải đóng cửa.

Các biện pháp phòng dịch nghiêm khắc cùng những hành động hỗ trợ kịp thời từ chính quyền đã giúp kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 2,3% trong năm 2020, trong lúc phần lớn thế giới đối diện nguy cơ suy thoái.

"Nhờ phong tỏa và thoát phong tỏa trước tất cả những nước khác nên nền kinh tế Trung Quốc đã vượt lên. Phần còn lại của thế giới thì vẫn chật vật để duy trì cân bằng", Frederic Neumann, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Á tại ngân hàng HSBC, nhận định.

Với tốc độ phát triển nhanh chóng trong vài thập kỷ qua, Trung Quốc từng được nhiều nhà kinh tế dự đoán sẽ vượt Mỹ ở một thời điểm nào đó sau năm 2030. Nhưng việc Bắc Kinh ứng phó thành công với đại dịch và việc phương Tây còn đang chật vật vì Covid-19 đã góp phần rút ngắn quãng thời gian này. Hiện tại, họ dự đoán Trung Quốc có khả năng soán ngôi Mỹ sau năm 2025.

Dù vậy, các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh tăng trưởng tương lai của Trung Quốc vẫn đối diện nhiều mối đe dọa. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hồi tháng 12 năm ngoái cho biết sự phục hồi của Trung Quốc chủ yếu dựa vào hỗ trợ từ chính phủ, trong khi chi tiêu tư nhân không tăng. Số khác lưu ý rằng hàng loạt vụ phá sản và vỡ nợ tại các công ty nhà nước Trung Quốc đang khiến thị trường nợ căng thẳng.

"Chính sách ứng phó với đại dịch của Trung Quốc, dù hiệu quả trong ngắn hạn, đang đẩy thêm nguồn lực vào những công ty nhà nước kém hiệu quả và sẽ làm gia tăng gánh nặng nợ", Julian Evans-Pritchard, chuyên gia kinh tế cấp cao tại công ty phân tích thị trường Capital Economics, tuần trước cho biết trong một báo cáo.

Gánh nặng nợ được cho là sẽ còn đeo bám Trung Quốc trong nhiều năm nữa, phủ bóng đen lên chính sách kinh tế, giới quan sát đánh giá.

Hôm 25/1, Ma Jun, nhà hoạch định chính sách tại Ngân hàng Nhà nước Trung Quốc, đã bày tỏ quan ngại rằng chính quyền các địa phương đang đặt mục tiêu GDP quá tham vọng. Điều đó sẽ làm tăng nguy cơ tích lũy nợ do họ có thể chọn cách thúc đẩy kinh tế bằng cách đi vay nhiều hơn.

Ma thậm chí còn gợi ý rằng Bắc Kinh nên từ bỏ các mục tiêu tăng trưởng GDP trên toàn quốc, mà thay vào đó ưu tiên tăng việc làm và kiểm soát lạm phát.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng, ngày 20/1. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng, ngày 20/1. Ảnh: Reuters.

Bên cạnh đó, còn có một lực cản tiềm năng khác đối với tăng trưởng của Trung Quốc trong những năm tới. Dù tân Tổng thống Mỹ Joe Biden tỏ ra không "hiếu chiến" với Bắc Kinh như người người tiền nhiệm Donald Trump, giới phân tích cho rằng ông sẽ không hoàn toàn đảo ngược cuộc chiến tranh thương mại mà hai bên đang đối đầu, đồng thời không từ bỏ những nỗ lực nhằm tái khẳng định Washington là lãnh đạo toàn cầu về kinh tế và thương mại.

Biden "đã nêu ưu tiên chống Covid-19 và khôi phục tăng trưởng nền kinh tế của nước Mỹ, nhưng ông thực sự vẫn là một người theo chủ nghĩa đa phương", Reinsch từ CSIS bình luận. "Khi đã đạt được những bước tiến về các mục tiêu trong nước, ông sẽ chuyển mối quan tâm sang các vấn đề thương mại toàn cầu".

Vũ Hoàng (Theo CNN)

Nguồn: VnExpress

Nguồn:vpdf.org.vn Copy link