Theo Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet, việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lựa chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tiên trong chuyến công du Đông Nam Á thể hiện rõ ưu tiên chiến lược và tầm quan trọng sâu sắc mà Pháp dành cho mối quan hệ song phương với Việt Nam, kỳ vọng đưa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước đi vào thực chất và hiệu quả.
Việt Nam và Pháp chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 12/4/1973. Trước đó, Pháp đã mở cơ quan đại diện tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau Hiệp định Geneve năm 1954 với tư cách là Phái đoàn. Bề dày lịch sử quan hệ và hợp tác sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực đã tạo cơ sở vững chắc đưa quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hồi năm 2013.

Tháng 10/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm chính thức Pháp và hai nước ra Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Pháp lên Đối tác chiến lược toàn diện. Như vậy, Pháp trở thành nước đầu tiên thuộc khối Liên minh châu Âu (EU) có quan hệ ở mức cao nhất với Việt Nam.
Sau nửa thế kỷ thiết lập quan hệ, Việt Nam và Pháp có nhiều bước phát triển rất hiệu quả trên nhiều lĩnh vực. Hai nước duy trì nhiều cơ chế hợp tác song phương đa dạng, phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế.
Kinh tế luôn là trụ cột quan trọng trong quan hệ hai nước. Pháp hiện là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ năm của Việt Nam, kim ngạch thương mại năm 2024 đạt 5,42 tỷ USD, tăng 12,9% so với năm 2023 là 4,81 tỷ USD. Pháp đứng thứ 16/147 quốc gia và lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 700 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 3,95 tỷ USD. Việt Nam có 20 dự án đầu tư tại Pháp với tổng vốn đăng ký đạt 38,93 triệu USD.
Đặc biệt, Pháp là nhà tài trợ châu Âu song phương ODA hàng đầu cho Việt Nam và Việt Nam đứng thứ hai trong số các nước hưởng ODA của Pháp, tập trung vào các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, chuyển giao công nghệ, nông nghiệp, công nghiệp xanh và tài chính.
Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng nhận định, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Emmanuel Macron là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với quan hệ song phương, nhất là sau khi hai nước đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Đây là cơ hội tuyệt vời để lãnh đạo hai nước cùng thống nhất những bước đi mới từ chính trị, quốc phòng, kinh tế, văn hóa, giáo dục, nhằm cụ thể hóa các khuôn khổ đã định ra trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.

Nhiều lĩnh vực cụ thể đang được hai bên bàn thảo sâu như thúc đẩy các ưu tiên kinh tế - thương mại - đầu tư, tăng cường hợp tác quốc phòng - an ninh, đổi mới sáng tạo, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, y tế.
Việc ký kết các thỏa thuận hợp tác mới trong khuôn khổ chuyến thăm sẽ tạo động lực và cơ sở pháp lý quan trọng cho các hoạt động hợp tác những năm tới. Chuyến thăm cũng được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy giao lưu nhân dân, tăng cường trao đổi văn hóa và hữu nghị truyền thống giữa hai nước.
Theo chương trình nghị sự, Tổng thống Pháp sẽ hội đàm với Chủ tịch nước Lương Cường. Hai nhà lãnh đạo sẽ thúc đẩy các biện pháp hợp tác sâu rộng, ký kết và thông qua nhiều văn kiện ở những lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu và Pháp có thế mạnh.
Tổng thống Emmanuel Macron cũng hội kiến Tổng Bí thư Tô Lâm và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Sau đó, Tổng thống Emmanuel Macron và phu nhân sẽ cùng Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Tại đây, ông Emmanuel Macron sẽ có bài phát biểu quan trọng và giao lưu với sinh viên.
Theo CAND