Việt Nam trúng cử vào Ủy ban Pháp lý và Kỹ thuật - Cơ quan quyền lực quốc tế đáy đại dương

 PGS. TS. Đào Việt Hà, ứng cử viên của Việt Nam, đã trúng cử trở thành thành viên của Ủy ban Pháp lý và Kỹ thuật cho nhiệm kỳ này.

 

PGS. TS. Đào Việt Hà
PGS. TS. Đào Việt Hà

Ngày 2/9, trang thông tin của Cơ quan quyền lực quốc tế đáy đại dương (International Seabed Authority, ISA) đã công bố Quyết định của Hội đồng ISA chính thức thông qua danh sách thành viên Ủy ban Pháp lý và Kỹ thuật (Legal and Technical Commission, LTC) nhiệm kỳ 2023-2027.

Theo đó, PGS. TS. Đào Việt Hà, ứng cử viên của Việt Nam, đã trúng cử trở thành thành viên của LTC cho nhiệm kỳ này.

PGS. TS. Đào Việt Hà là một trong những chuyên gia kỳ cựu của Việt Nam trong lĩnh vực khoa học môi trường biển với thâm niên hơn 30 năm công tác trong ngành.

Hiện, PGS. TS. Đào Việt Hà đang giữ chức vụ Viện trưởng Viện Hải dương học (Nha Trang, Khánh Hoà), và là Chủ tịch Ủy ban Liên Chính phủ về hải dương học Việt Nam. Bà từng chủ trì thực hiện nhiều dự án quốc tế về hải dương học, và đảm nhiệm vị trí Trưởng dự án hợp tác quốc tế về độc tố biển trong khu vực Tây Thái Bình Dương.

41 thành viên đắc cử LTC nhiệm kỳ 2023-2027 đến từ các nước: Togo, Ghana, Nigeria, Kenya, Namibia, Sierra Leone, Ai Cập, Tanzania, Cameroon và Uganda (đại diện khu vực Châu Phi); Saudi Arabia, Philippines, Fiji, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Tonga, Trung Quốc và Việt Nam (đại diện khu vực châu Á-Thái Bình Dương); Australia, Pháp, Bồ Đào Nha, New Zealand, Anh, Na Uy, Tây Ban Nha, Bỉ và Đức (đại diện khu vực Tây Âu và các nước khác); Chile, Cộng hoà Dominican, Trinidad and Tobago, Argentina, Mexico, Brazil, Costa Rica và Jamaica (đại diện khu vực Mỹ Latinh và Caribe); Nga, Ba Lan, Ukraine và Cộng hoà Czech (đại diện khu vực Đông Âu).

LTC là cơ quan chuyên môn của ISA, được thành lập trên cơ sở Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

LTC đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của ISA, đưa ra các khuyến nghị đối với việc ISA thực thi chức năng của mình, đặc biệt là việc quản lý các hoạt động thăm dò và khai thác tài nguyên phi sinh vật tại đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nằm ngoài phạm vi quyền tài phán quốc gia.

PGS. TS. Đào Việt Hà đã công bố hơn 40 bài báo ở các tạp chí khoa học quốc tế và quốc gia và là tác giả chính 01 giải pháp hữu ích do Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp năm 2018.

Bà là giáo sư thỉnh giảng của trường đại học Tokyo, Nhật Bản năm 2012, giảng viên quốc tế tại một số khóa tập huấn về độc tố biển tại Nhật bản, Singapore, Malaysia, Brunei, Kuwait, Indonesia, Thái Lan…, tham gia giảng dạy đại học và sau đại học tại nhiều trường đại học trong và ngoài nước.

PGS. TS. Đào Việt Hà cũng là diễn giả tại nhiều hội thảo lớn của khu vực và quốc tế.

CHU VĂN/Theo Baoquocte.vn