Vụ khủng bố ở Moscow gây chia rẽ Nga và đồng minh lịch sử?

Phản ứng của Nga sau vụ tấn công khủng bố ở ngoại ô thủ đô Moscow có thể gây chia rẽ Moscow với một trong những đồng minh lịch sử là Tajikistan.

 

Vụ tấn công khủng bố nhằm vào trung tâm hòa nhạc Crocus City Hall ở ngoại ô Moscow vào tối ngày 22/3 đã khiến 139 người thiệt mạng. ISIS-K, một nhánh của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), đã nhận trách nhiệm gây ra vụ tấn công. Mỹ cũng khẳng định ISIS-K là thủ phạm duy nhất trong vụ tấn công đẫm máu ở Nga.  

Tuy nhiên, truyền thông Nga đưa tin 4 nghi phạm liên quan tới vụ tấn công được xác định là công dân Tajikistan.

 

Tổng thống Nga Vladimir Putin (bên phải) gặp Tổng thống Tajikistan Emomali Rahmon. Ảnh: Kremlin.ru

Tajikistan nằm ở Trung Á vốn có mối quan hệ lịch sử sâu sắc với Nga, và từng là một phần của Liên Xô cũ. Tajikistan đang là thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga dẫn đầu được thành lập vào năm 1992.  

Theo giới chuyên gia, việc 4 nghi phạm trong vụ khủng bố ở ngoại ô Moscow đến từ Tajikistan có thể tạo ra căng thẳng mới giữa Nga và Tajikistan. 

Tờ Moscow Times đưa tin, Bộ Ngoại giao Tajikistan hôm 23/3 cho biết những báo cáo về việc công dân nước này liên quan tới vụ khủng bố ở Moscow là “giả mạo”. Thậm chí, Bộ Nội vụ Tajikistan khẳng định, 2 trong số các nghi phạm được truyền thông Nga nêu tên đang ở Tajikistan vào thời điểm xảy ra vụ tấn công. 

Còn hôm 24/3, Tổng thống Tajikistan Emomali Rahmon đã nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng "những kẻ khủng bố không có quốc tịch, không quê hương, và không tôn giáo". 

Rạn nứt quan hệ

Kể từ khi triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022, Nga đã bị nhiều nước cô lập. Ngay cả những đồng minh lâu đời vốn có quan hệ văn hóa và kinh tế chặt chẽ như Tajikistan cũng bộc lộ sự bất đồng với Moscow. 

Tờ Mail Online đưa tin vào tháng 10/2022, Tổng thống Rahmon cho biết Tajikistan đã phải "cầu mong" Nga tham dự một diễn đàn ở Tajikistan. "Chúng tôi không bao giờ được đối xử như đối tác chiến lược! Không có ý xúc phạm gì cả, nhưng chúng tôi muốn được tôn trọng!", ông Rahmon nói.

 

Bốn nghi phạm trong vụ tấn công khủng bố ở ngoại ô Moscow bị đưa ra tòa án. Ảnh: Tass

Thậm chí, mối quan hệ giữa Nga và các thành viên khác trong CSTO cũng ngày càng căng thẳng. Một số chuyên gia cho rằng khi nhìn vào xung đột ở Ukraine, các thành viên CSTO tin Nga giờ đây khó có khả năng bảo vệ họ.

Đầu năm nay, Tổng thống Armenia cho biết nước này đã đình chỉ tham gia CSTO sau khi ông thường xuyên có những lời chỉ trích tổ chức và Nga.

Trở lại với vụ tấn công khủng bố ở Moscow, Tổng thống Putin nhận định Ukraine có liên quan tới vụ việc. Bởi các nghi phạm có ý định chạy trốn sang Ukraine sau khi gây ra vụ tấn công đẫm máu ở ngoại ô Moscow. Tuy nhiên, Kiev đã phủ nhận mọi cáo buộc. 

Giới chuyên gia cho rằng, IS có thể đã lợi dụng lúc Nga đang tập trung vào xung đột ở Ukraine để tấn công. Bà Vera Mironova tại Trung tâm Davis thuộc Đại học Harvard chia sẻ với tờ Financial Times rằng, IS nhận thấy việc tấn công Moscow ở thời điểm hiện tại là tương đối dễ dàng.

Minh Thu

Nguồn: VNN