'Cử siêu chiến hạm diễn tập Biển Đông, Mỹ răn đe Trung Quốc'

Đợt diễn tập chung của hai tàu chiến cỡ lớn Mỹ trên Biển Đông phát thông điệp "răn đe và ngăn chặn" tới Trung Quốc, theo đại tá Nguyễn Minh Tâm.

Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson và nhóm đổ bộ tấn công USS Essex, hai lực lượng viễn chinh hàng đầu của hải quân Mỹ, cùng hội quân và tổ chức đợt diễn tập chung 6 ngày sau khi tiến vào Biển Đông ngày 11/1. Hải quân Mỹ thông báo hoạt động huấn luyện chung của hai "siêu chiến hạm" nhằm củng cố khả năng sẵn sàng chiến đấu và hiệp đồng tác chiến ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

"Các cuộc diễn tập kiểu này chắc chắn nhằm khuếch trương thanh thế của liên minh mới hình thành hoặc tái khởi động của Mỹ xung quanh Trung Quốc, với mục đích răn đe và ngăn chặn rất rõ ràng", đại tá Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm Tư liệu Khoa giáo, Học viện Chính trị Công an Nhân dân, nói với VnExpress.

Đây là một phần trong loạt hoạt động quân sự sôi động của Mỹ và đồng minh trên Biển Đông gần đây. Hạm đội 7 hải quân Mỹ hôm qua xác nhận tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Benfold đã thực hiện chiến dịch tuần tra tự do hàng hải gần quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, hiện bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson (bên trái, phía dưới), tàu đổ bộ tấn công USS Essex (phía trên, thứ hai từ trái sang) cùng các chiến hạm hộ tống diễn tập trên Biển Đông ngày 13/1. Ảnh: US Navy.

Tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson (bên trái, phía dưới), tàu đổ bộ tấn công USS Essex (phía trên, thứ hai từ trái sang) cùng các chiến hạm hộ tống diễn tập trên Biển Đông ngày 13/1. Ảnh: US Navy.

Hồi tuần trước, truyền thông Nhật Bản đưa tin chiến hạm thuộc Lực lượng Phòng vệ Trên biển (JMSDF) nước này cũng tổ chức các cuộc tuần tra tự do hàng hải gần quần đảo Trường Sa để răn đe Trung Quốc trong năm 2021. Hồi tháng 10/2021, nhóm tác chiến Carl Vinson và tàu sân bay trực thăng JS Kaga của Nhật Bản tổ chức diễn tập chung trên Biển Đông.

Trong khi Mỹ thường xuyên công bố thông tin về các chiến dịch FONOP trên Biển Đông, đây là lần hiếm hoi Nhật Bản tiết lộ về hoạt động tuần tra tự do hàng hải của tàu chiến ở khu vực. Theo chuyên gia, cùng với các đợt diễn tập chung Mỹ - Nhật, những hoạt động FONOP này là dấu hiệu cho thấy quyết tâm hợp tác chặt chẽ giữa hai đồng minh nhằm đối phó với thách thức gia tăng từ Trung Quốc.

Ngoài ra, các hoạt động trên còn cho thấy ý định của Nhật Bản nhằm tích cực thực hiện cam kết duy trì hiện diện quân sự phù hợp ở Biển Đông, khi các quốc gia ngoài khu vực tăng cường đưa chiến hạm đến tuần tra tại vùng biển có tầm quan trọng hàng đầu với thương mại toàn cầu.

Những hoạt động này đều được Mỹ và các đồng minh, đối tác thực hiện trên cơ sở luật pháp quốc tế. Cơ sở pháp lý này càng được củng cố bằng tài liệu nghiên cứu mới được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố ngày 12/1, bác bỏ yêu sách "đường chín đoạn" cũng như cái gọi là "quyền lịch sử" Trung Quốc đơn phương đưa ra trên Biển Đông, trái với luật pháp quốc tế. Giới chuyên gia quốc tế nhận định đây là một "đòn pháp lý" mạnh mẽ mà Mỹ tung ra với yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc.

Trước phản ứng mạnh mẽ của Mỹ và đồng minh cả bằng cơ sở pháp lý và hoạt động trên thực địa, đại tá Tâm dự đoán Trung Quốc nhiều khả năng sẽ có những hành vi quyết liệt, tiềm ẩn nguy cơ làm gia tăng căng thẳng, nhất là trong bối cảnh Bắc Kinh đang dồn lực phát triển lực lượng hải quân phục vụ cho tham vọng hàng hải của mình.

Trung Quốc đã biên chế tàu sân bay Liêu Ninh vào hạm đội Nam Hải và đang thử nghiệm tàu sân bay Sơn Đông, dự kiến phân về hạm đội Hoàng Hải. Nước này cũng đang thúc đẩy dự án chế tạo tàu sân bay thứ ba Type-003, dự kiến mang tên Thượng Hải và biên chế vào hạm đội Đông Hải.

"Nam Hải là hạm đội mạnh nhất của hải quân Trung Quốc, với đầy đủ binh chủng gồm tàu ngầm chiến lược, tàu ngầm tấn công, tàu sân bay, tàu đổ bộ trực thăng, tàu đổ bộ, khu trục hạm, hộ vệ hạm, không quân hải quân và đặc nhiệm hải quân", chuyên gia nói. Bắc Kinh có thể tin rằng lực lượng này "đủ sức đối phó" với các hoạt động của hải quân Mỹ và đồng minh trên vùng biển hẹp có diện tích hơn ba triệu km2 ở Biển Đông.

Khu vực Biển Đông. Đồ họa: CSIS.

Khu vực Biển Đông. Đồ họa: CSIS.

Đại tá Tâm cảnh báo rằng Trung Quốc có thể coi gia tăng hiện diện quân sự của Mỹ và đồng minh ở Biển Đông là cái cớ "bị khiêu khích" để tiếp tục chạy đua vũ trang, tăng cường hoạt động quân sự hóa Biển Đông, cũng như thúc đẩy tiềm lực quân sự và hiện đại hóa sâu hơn các quân binh chủng của họ. Bắc Kinh có thể dựa vào cớ này để tiếp tục đòi yêu sách chủ quyền phi lý bằng cái gọi là "vùng nước lịch sử", hay "đường 9 đoạn" do họ tự vẽ ra.

"Kết quả là nguy cơ chạy đua vũ trang sẽ ngày càng tăng, đe dọa hòa bình và ổn định tại Biển Đông, cũng như liên vùng châu Á - Thái Bình Dương và toàn cầu", ông nói.

Chuyên gia chỉ ra một bất cập của Mỹ trong cuộc chiến pháp lý với Trung Quốc trên Biển Đông là nước này chưa tham gia Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Việc không tham gia UNCLOS cho phép Mỹ tùy ý triển khai hoạt động quân sự trên tất cả vùng biển thế giới mà không chịu ràng buộc của Công ước, nhưng đồng thời cũng làm suy yếu lập luận về quy định luật pháp quốc tế mà nước này đưa ra.

Trong khi đó, Trung Quốc tuyên bố bảo lưu và chưa phê duyệt một số điều khoản của UNCLOS mà họ cho là gây bất lợi cho mình trong các tranh chấp trên biển. "Nếu Trung Quốc tuyên bố rút khỏi UNCLOS để thoát ràng buộc và tìm kiếm lợi thế, đây chắc chắn là kịch bản tồi tệ hơn rất nhiều so với hiện trạng", đại tá Tâm nói.

"Khi các công cụ pháp lý bị vô hiệu hóa, bóng ma xung đột vũ trang và chiến tranh sẽ cận kề", ông nhấn mạnh. "Do đó, Mỹ và các đồng minh cần cân nhắc kỹ về liều lượng trong chiến thuật răn đe Trung Quốc, để tránh làm gia tăng quá mức căng thẳng khu vực".

Tiêm kích tàng hình F-35C đáp xuống tàu sân bay Carl Vinson trên biển Philippines ngày 2/1. Ảnh: US Navy.

Tiêm kích tàng hình F-35C đáp xuống tàu sân bay Carl Vinson trên biển Philippines ngày 2/1. Ảnh: US Navy.

Ông đánh giá rằng chiến thuật của Nhật Bản, điều tàu chiến tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông nhưng không đi vào vùng 12 hải lý quanh các thực thể ở quần đảo Trường Sa, là một nỗ lực phù hợp, vừa gửi thông điệp răn đe tới Trung Quốc, vừa ngăn tình trạng "già néo đứt dây" vốn có thể làm bùng căng thẳng.

Nhật Bản thời gian qua cũng tăng cường quan hệ với ASEAN nhằm thúc đẩy hòa bình, an ninh và thịnh vượng của khu vực, dựa trên luật pháp quốc tế. Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Nhật Bản cuối tháng 10/2021, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio khẳng định ủng hộ lập trường của ASEAN về Biển Đông, hoan nghênh vai trò của khối trong thúc đẩy hợp tác, đối thoại, xây dựng lòng tin ở khu vực.

"Nhật Bản đánh giá giữ quan hệ tốt với các nước ASEAN là biện pháp quan trọng để có thêm đồng minh đối phó với Trung Quốc và tự bảo vệ mình thông qua cam kết bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông", đại tá Tâm kết luận.

Theo Vnexpress