Căng thẳng Trung Quốc - Ấn Độ: Từ chính trị chuyển sang xung đột sâu rộng về kinh tế

Bằng chứng là việc Ấn Độ quyết liệt chặn hàng loạt kênh đầu tư của Trung Quốc vào nước này, từ hạ tầng giao thông, đến công nghệ, viễn thông.

 

Biên giới Trung Quốc - Ấn Độ nóng lên bất ngờ trong tháng 6. Xung khắc biên giới hai nước không phải chuyện mới, đã dai dẳng đã từ nhiều thập kỷ, nhưng đến mức có thiệt hại về người thì lại là lần đầu tiên kể từ 40, 50 năm qua. Sang tuần đầu tháng 7, căng thẳng chính trị, ngoại giao có dấu hiệu chuyển sang xung đột sâu rộng về kinh tế, với việc Ấn Độ quyết liệt chặn hàng loạt kênh đầu tư của Trung Quốc vào nước này, từ hạ tầng giao thông, đến công nghệ, viễn thông.

Sáng 3/7, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã bất ngờ đáp máy bay xuống Leh, thủ phủ vùng Ladakh, nơi binh sĩ Ấn Độ thời gian qua có các cuộc đối đầu căng thẳng với binh lính Trung Quốc. Chuyến thăm được xem như một thông điệp bày tỏ sự ủng hộ và khích lệ tinh thần đối với các lực lượng vũ trang Ấn Độ và cũng là một tín hiệu mạnh gửi tới Trung Quốc.

Căng thẳng Trung Quốc - Ấn Độ: Từ chính trị chuyển sang xung đột sâu rộng về kinh tế - Ảnh 1.

Thủ tướng Ấn Độ Modi (đeo kính đen) trong chuyến thăm Ladakh ngày 3/7. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói: "Thời đại của chủ nghĩa bành trướng đã chấm hết. Bây giờ là thời đại của sự phát triển".

Trung Quốc cùng ngày đã phản ứng với tuyên bố trên của Thủ tướng Modi, cho rằng việc coi Bắc Kinh là kẻ bành trướng là "vô căn cứ".

Xung đột biên giới Ấn Độ - Trung Quốc tồn tại hàng thập kỷ

Xung đột biên giới Ấn Độ và Trung Quốc là một trong những mâu thuẫn tồn tại hàng thập kỷ giữa hai quốc gia láng giềng này. Với tổng diện tích tranh chấp lên tới 120.000 km2, sau 21 vòng đàm phán, hai bên mới dừng lại ở những nguyên tắc chung nhất và ngay cả thỏa thuận trao đổi bản đồ cũng chưa thực hiện được.

Một thách thức chiến lược với Ấn Độ là việc Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng tại khu vực Nam Á và Ấn Độ Dương. Trung Quốc không ngừng tận dụng quan hệ với Pakistan để chống Ấn Độ. Trên trường quốc tế, Bắc Kinh ngăn New Delhi tham gia Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Trung Quốc còn lo ngại Ấn Độ tăng cường quan hệ với Mỹ để chống Trung Quốc, sau khi Washington và New Delhi ký một số thỏa thuận phối hợp giữa quân đội hai nước.

Căng thẳng Trung Quốc - Ấn Độ: Từ chính trị chuyển sang xung đột sâu rộng về kinh tế - Ảnh 2.

Chiến cơ Ấn Độ trên bầu trời vùng Leh thuộc Ladakh. Ảnh: Bloomberg

Ông Surendra Kumar - Chủ tịch Hiệp hội hữu nghị Ấn Độ - Mỹ cho biết: "Mỹ nghĩ rằng Ấn Độ với số dân, với sức mạnh kinh tế, với nguồn nhân lực, với thế hệ trẻ được giáo dục tốt, có thể là một đồng minh rất quan trọng để giữ Trung Quốc trong tầm kiểm soát".

Trong khi đó, New Delhi luôn từ chối tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường vì lo ngại Bắc Kinh dùng sáng kiến này để bao vây và kiềm chế.

Ấn Độ cùng lúc phải chứng kiến sự leo thang căng thẳng với Trung Quốc và Pakistan

Một diễn biến mới tuần qua tại Nam Á, mà có lẽ cũng cần nhắc đến, là việc biên giới phía Tây Ấn Độ cũng đột ngột nóng trở lại khi nổ súng xảy ra ở vùng giáp Pakistan. Quân đội Ấn Độ cho biết binh sĩ Pakistan sáng 2/7 vi phạm lệnh ngừng bắn, sử dụng cối hạng nặng và nhiều vũ khí khác bắn qua đường kiểm soát LoC, vào vị trí của binh sĩ Ấn Độ.

Một thống kê gần đây cho hay, những cuộc đụng độ dọc biên giới giữa Ấn Độ và Pakistan trong năm 2020 đã gấp đôi năm 2019. Ấn Độ cũng cho biết kể từ đầu năm tới nay họ đã tiêu diệt khoảng 127 người Pakistan mà cho là các phần tử khủng bố, tăng hơn 30% so với năm ngoái. Có thể thấy rất rõ là Ấn Độ đang cùng lúc phải chứng kiến sự leo thang căng thẳng với cả Trung Quốc và Pakistan.

Căng thẳng Trung Quốc - Ấn Độ: Từ chính trị chuyển sang xung đột sâu rộng về kinh tế - Ảnh 3.

Binh sĩ Ấn Độ ở biên giới. Ảnh: India Today

Thực ra còn quá sớm để nói Pakistan sẽ tận dụng tình hình căng thẳng Ấn Độ - Trung Quốc để có những bước đi mạnh mẽ tại Jammu và Kashmir, nhưng cũng có những thực tế không thể bỏ qua đó là mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Islamabad đang ngày càng khăng khít. Hồi đầu năm, trong lúc tình hình tại Jammu và Kashmir bị đốt nóng thì Trung Quốc và Pakistan đã tiến hành một cuộc tập trận hải quân chung có tên "Người bảo vệ biển", thu hút nhiều tàu chiến và máy bay quân sự tối tân. Truyền thông Ấn Độ thời gian gần đây còn lan truyền nhiều thông tin về việc Trung Quốc đang gia tăng sự hiện diện quân sự tại khu vực Jammu và Kashmir.

Trong lúc đó, có các nguồn tin cho hay, Ấn Độ đã phải chuyển một lượng quân và khí tài bố trí dọc biên giới với Pakistan về khu vực tranh chấp với Trung Quốc. Dễ thấy là nếu Ấn Độ cùng phải đương đầu với cả hai mặt trận, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tàn phá nặng nề, đây sẽ là bài toán không hề đơn giản đối với New Dehli.

Ấn Độ đang ở trong thời điểm khó khăn, đặc biệt là khi các va chạm biên giới xảy ra vào lúc tình hình dịch COVID-19 tại nước này đang căng hơn bao giờ hết, nước này đã là điểm dịch lớn thứ tư thế giới, nhưng Ấn Độ cũng làm thế giới bất ngờ và ngạc nhiên với nhiều động thái gần nhất của họ. Dù căng thẳng biên giới đã xuống thang phần nào vào những ngày cuối tháng 6, với việc đạt được một số thỏa thuận về rút quân khỏi khu vực tranh chấp, Ấn Độ dường như đang chọn một hình thức khác để thể hiện sự cứng rắn của mình. Hàng loạt động thái siết chặt và hạn chế về mặt kinh tế với Trung Quốc đã được Ấn Độ tuyên bố tuần qua. Đây là động thái đáng chú ý, đặc biệt khi nước này đang phụ thuộc lớn vào thương mại và dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc.

Căng thẳng Trung Quốc - Ấn Độ: Từ chính trị chuyển sang xung đột sâu rộng về kinh tế - Ảnh 4.

Nhân viên y tế thu thập các mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm COVID-19 tại một khu ổ chuột ở Bhopal, Ấn Độ, ngày 3/7. (Ảnh: Gufe ef /epa/sanjeev)

Nguy cơ xung đột kinh tế từ căng thẳng biên giới Trung - Ấn

Biên giới Trung - Ấn những ngày qua trở nên căng thẳng sau vụ đụng độ làm 20 binh lính Ấn Độ tử vong hồi giữa tháng 6. Cuộc xung đột địa chính trị đang có nguy cơ lan sang sang lĩnh vực kinh tế.

Ngày 22/6, Chính quyền bang Maharashtra đang xem xét lại các hợp đồng với ba công ty Trung Quốc có tổng giá trị hơn 600 triệu USD.

Ngày 29/6, Ấn Độ 59 ứng dụng có nguồn gốc Trung Quốc vì cho rằng các nền tảng này đe dọa đến chủ quyền và sự toàn vẹn của Ấn Độ.

Mới nhất, Ấn Độ tuyên bố cấm các công ty Trung Quốc tham gia vào các dự án xây dựng đường cao tốc nước này, bao gồm cả hình thức liên doanh. Một làn sóng tẩy chay hàng hóa Trung Quốc đang lan khắp Ấn Độ sau vụ đụng độ ở biên giới, nhưng các chuyên gia cảnh báo việc này "nói dễ hơn làm".

Về thương mại, Trung Quốc là đối tác lớn thứ hai của Ấn Độ sau Mỹ. Nền kinh tế số hai thế giới chiếm hơn 10% tổng kim ngạch thương mại của Ấn Độ. Ngược lại, Ấn Độ chỉ là một trong những đối tác thương mại nhỏ của Trung Quốc, chiếm khoảng 2% tổng kim ngạch, quốc gia Nam Á này là đối tác thương mại thứ 12 của Trung Quốc, theo dữ liệu năm 2018. Hàng hóa Trung Quốc chiếm 23% tổng nhập khẩu của Ấn Độ, bao gồm thiết bị điện tử, dược phẩm, phụ tùng ô tô, đồ nội thất, giày dép, đồ gia dụng.

Căng thẳng Trung Quốc - Ấn Độ: Từ chính trị chuyển sang xung đột sâu rộng về kinh tế - Ảnh 5.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: CNN

Trong lĩnh vực công nghệ sản xuất, mặc dù người tiêu dùng Ấn Độ ồ ạt kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc liên quan đến cuộc đụng độ tại khu vực biên giới hai nước hôm 15/6 vừa qua, thì OnePlus 8 Pro, mẫu điện thoại đầu bảng của hãng điện thoại Trung Quốc OnePlus, đã được bán hết trong vòng vài phút sau khi được đăng bán lần đầu trên trang Amazon Ấn độ hôm 18/6.

Năm 2019, 4 hãng điện thoại Trung Quốc là Xiaomi, Vivo, Oppo và Realme đã chiếm 60% thị trường điện thoại thông minh ở Ấn Độ.

Các nhà đầu tư công nghệ Trung Quốc đã rót khoảng 4 tỷ USD vào các công ty công nghệ khởi nghiệp của Ấn Độ. Cứ 30 công ty công nghệ Ấn Độ có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD, thì 18 trong số đó được đầu tư bởi Trung Quốc. Sức ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc thực tế đang tạo áp lực địa chính trị vây quanh Ấn Độ.

Trung Quốc - Ấn Độ có nhiều khúc mắc kéo dài từ lịch sử, có thể như là những láng giềng bằng mặt - không bằng lòng, nhưng nhiều thập kỷ qua, ít nhất mọi thứ đã được giữ yên trên bề mặt, biên giới yên tĩnh, gác lại nhiều bất đồng để có những liên kết sâu phục vụ kinh tế phát triển. Ở mức độ hợp tác hai bên hiện nay, ai cũng đều hiểu cái giá của đổ vỡ sẽ là rất đắt. Những toan tính chiến lược là điều bất cứ quốc gia nào cũng đều tính đến, dựa vào cục diện tổng thể và tình hình các quan hệ đa phương, nhưng Trung Quốc và đặc biệt là Ấn Độ chắc chắn đều biết, muốn đẩy cao căng thẳng hơn nữa sẽ phải cân nhắc đến dung hòa và lường trước nhiều yếu tố tác động, hệ lụy khác, bên ngoài ý chí chính trị.

Nguồn: vtv.vn

Nguồn:vpdf.org.vn Copy link