Chiến lược mơ hồ của ông Trump để 'dập lửa' Trung Đông

Tổng thống đắc cử Mỹ cam kết giải quyết xung đột ở Trung Đông, nhưng đến nay chưa vạch rõ kế hoạch làm điều đó như thế nào.

 

Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ vào thời điểm Trung Đông xảy ra nhiều xung đột và bất ổn chưa từng thấy. "Tôi sẽ chấm dứt chiến tranh", ông nói trong bài phát biểu chiến thắng ngày 6/11.

Nếu các bên không đạt được thỏa thuận ngừng bắn trong hai tháng tới, ông Trump sẽ nhậm chức khi tình hình Trung Đông vẫn nóng rực. Israel tiếp tục không kích Dải Gaza và tấn công nhóm Hezbollah tại Lebanon. Xung đột giữa Israel và Iran, nước hậu thuẫn hai nhóm vũ trang trên, cũng chưa có dấu hiệu suy giảm, khi Tehran gần đây tuyên bố quyết tâm đáp trả đòn tấn công trả đũa của Tel Aviv cuối tháng trước.

Israel cũng phải đương đầu với các lực lượng ủy nhiệm của Iran ở Iraq, Syria, Yemen và bất ổn ở Bờ Tây.

Trong suốt chiến dịch tranh cử, Trump nhiều lần cam kết tái lập hòa bình cho khu vực. "Chúng ta hãy kết thúc mọi chuyện và quay lại với nền hòa bình. Hãy ngừng gây thêm thương vong", ông nói về xung đột ở Dải Gaza trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 4.

Israel phát động chiến dịch ở Dải Gaza sau khi Hamas tấn công miền nam nước này ngày 7/10/2023 khiến 1.200 người chết và bắt cóc 250 người. Chiến dịch của Israel làm hơn 43.000 người thiệt mạng ở Dải Gaza, trong đó phần lớn là dân thường, theo cơ quan y tế địa phương.

Người dân Palestine đi lại trên đống đổ nát tại trại tị nạn Nuseirat, miền trung Gaza sau chiến dịch của đặc nhiệm Israel ngày 8/6. Ảnh: AFP

Người dân Palestine bên đống đổ nát tại miền trung Gaza sau chiến dịch của đặc nhiệm Israel ngày 8/6. Ảnh: AFP

Xung đột đã gây ra thảm họa nhân đạo ở Gaza, khiến Israel ngày càng bị chỉ trích và cô lập. Hai tòa án quốc tế đang xem xét cáo buộc Tel Aviv phạm tội ác chiến tranh. Mỹ, Ai Cập và Qatar nhiều tháng qua cố gắng thúc đẩy lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas, song chưa đạt được kết quả như mong đợi. Tình hình bế tắc đến mức Qatar đã quyết định rút khỏi vai trò trung gian đàm phán.

Dù cam kết chấm dứt xung đột Gaza, ông Trump đến nay chưa vạch tầm nhìn hay chiến lược rõ ràng cho điều đó, theo giới quan sát.

Diana Buttu, cựu cố vấn của các lãnh đạo Palestine, cho biết tầm nhìn thiếu rõ ràng của Mỹ trong vấn đề Gaza khiến tương lai của người dân khu vực này và người Palestine nói chung ngày càng trở nên ảm đạm. "Tôi không cho rằng Trump sẽ là tổng thống quan tâm tới người Palestine", bà nói.

Israel đang đối phó với nhóm Hezbollah bằng cả chiến dịch không kích và tấn công trên bộ nhằm vào lãnh thổ Lebanon. Giao tranh biên giới giữa hai bên bùng phát ngay sau khi xung đột Gaza nổ ra. Những nỗ lực thúc đẩy hòa giải của Mỹ ở đây cũng chưa có kết quả.

Donald Trump, có con rể là người Mỹ gốc Lebanon, gần đây tuyên bố trên mạng xã hội X rằng ông sẽ "ngăn chặn những khổ đau và sự tàn phá ở Lebanon". Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng là ông sẽ làm thế nào và lập trường "nước Mỹ trên hết" sẽ ảnh hưởng thế nào đến các quyết sách về xung đột.

Mỹ đóng vai trò trung tâm trong nỗ lực ngoại giao ngăn xung đột lan rộng, nhưng cũng là quốc gia hàng đầu hỗ trợ Israel đối phó Iran và đồng minh với khoảng 18 tỷ USD viện trợ quân sự kể từ tháng 10/2023.

Ngay khi ông Trump được truyền thông Mỹ xướng tên là người thắng cử, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu là một trong những lãnh đạo thế giới đầu tiên chúc mừng Tổng thống đắc cử Mỹ, mô tả đây là "sự trở lại vĩ đại nhất lịch sử".

Trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump bày tỏ ủng hộ nhiều chính sách cứng rắn của lãnh đạo Israel, gồm cả đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran mang tên Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA), văn kiện mà ông Netanyahu phản đối từ lâu.

Ông Trump cũng công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và giúp đảm bảo thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa nước này và 4 quốc gia Arab. Đây được xem là chiến thắng lớn đối với Thủ tướng Netanyahu khi đó.

"Ông ấy ủng hộ Israel nhiều hơn bất kỳ tổng thống nào. Nhiều người hy vọng điều này sẽ lặp lại", Michael Oren, cựu đại sứ Israel tại Washington, nói.

Dù Trump nói sẽ tập trung nhiều cho vấn đề trong nước, Trung Đông vẫn có thể là ngoại lệ.

Các nhà phân tích của Economist nhận định Tổng thống đắc cử Mỹ có thể sẽ thúc đẩy đàm phán thỏa thuận mới hoặc phê duyệt hành động quân sự nhắm vào cơ sở hạt nhân của Iran, giữa lúc JCPOA "dường như đã chết" và Tehran đang bắt đầu làm giàu uranium cấp độ vũ khí.

Giới quan sát cho rằng ông Trump sẽ khiến phe cứng rắn ở Mỹ và Israel thất vọng nếu kiềm chế khả năng của Tel Aviv trong hoạt động đối phó Tehran và các lực lượng ủy nhiệm.

Tổng thống Donald Trump (trái) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Jerusalem hồi tháng 5/2017. Ảnh: AFP

Tổng thống Trump (trái) và Thủ tướng Netanyahu tại Jerusalem hồi tháng 5/2017. Ảnh: AFP

Thủ tướng Netanyahu hy vọng nhận được ủng hộ mạnh mẽ từ ông Trump, nhưng quan hệ giữa họ cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thủ tướng Israel từng chúc mừng chiến thắng của Tổng thống Joe Biden trong cuộc bầu cử năm 2020, khi ông Trump vẫn còn tranh cãi về kết quả kiểm phiếu.

Một số người ở Israel tự hỏi liệu ông Trump có chùn bước trước cái giá phải trả để tiếp tục ủng hộ Israel và yêu cầu ông Netanyahu chấm dứt xung đột trước khi nhậm chức hay không.

"Bạn có thực sự nghĩ rằng Donald Trump muốn vấn đề này tồn tại trong năm đầu nhiệm kỳ của mình hay không?", một nhà ngoại giao phương Tây giấu tên cho hay.

Ông Trump từng nhiều lần thúc giục Israel "hoàn thành công việc". "Hoàn thành ở đây nghĩa là được tự do hành động để đối phó với Hamas hay là phải chấm dứt xung đột ngay bây giờ? Đó là câu hỏi chưa có đáp án", David Makovsky, giám đốc chương trình Quan hệ Arab - Israel tại Viện Chính sách Cận Đông Washington, nói.

Giới phân tích nhấn mạnh không ai có thể chắc chắn về các chính sách của ông Trump cho nhiệm kỳ hai.

Thùy Lâm (Theo AP, The Econimist)

Nguồn: VnExpress