Đề nghị của Tổng thống Trump và "lằn ranh đỏ" của Iran: Hai bên chỉ có 1 con đường

Sẽ rất khó để thu hẹp khoảng cách giữa lập trường đàm phán của các bên, vì mức độ mâu thuẫn tích tụ quá cao.

Cuộc tấn công của Israel và Mỹ không đạt được mục tiêu phá hủy các cơ sở hạt nhân của Iran, ngày 24/6/2025 Mỹ phải tuyên bố ngừng bắn và thông qua các bên trung gian hoà giải, Tổng thống Donald Trump đã đề nghị Iran trở lại bàn đàm phán để tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng hạt nhân. 

Iran và Mỹ đã tổ chức 5 vòng đàm phán. Các cuộc đàm phán này đang diễn ra tích cực và mang lại hy vọng giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran. Phiên thứ sáu dự kiến diễn ra vào ngày 15/6/2025 đã bị hủy bỏ, vì hai ngày trước đó, Israel đã phát động Chiến dịch "Sư tử trỗi dậy", tấn công vào các cơ sở hạt nhân và quân sự của Iran.

Các cuộc tấn công của Mỹ và Israel nhằm phá hủy các cơ sở hạ tầng hạt nhân của Iran một lần lại đặt câu hỏi về tương lai của thỏa thuận. Hiện tại, mức độ tin cậy giữa các bên đang ở mức rất thấp. 

"Lằn ranh đỏ" của Iran

Thứ trưởng Ngoại giao Iran Majid Takht-Ravanchi cho biết, đại diện chính quyền Mỹ đã liên lạc với Tehran thông qua các bên trung gian. Phái đoàn Mỹ sẽ do Đặc phái viên của Tổng thống Trump về Trung Đông Steven Witkoff đứng đầu. Tuy nhiên, vẫn chưa xác định được ngày cụ thể cũng như các chi tiết kỹ thuật của các cuộc tham vấn.

Vai trò của châu Âu trong vấn đề hạt nhân Iran rất mờ nhạt. Họ ném bom các cơ sở hạt nhân của Iran mà không thông báo cho các nước châu Âu. Do đó, đàm phán với Mỹ sẽ là lựa chọn thực tế nhất, vì từ chối đàm phán sẽ làm gia tăng nghi ngờ về ý định hạt nhân của mình.

Đáng lưu ý là chiến dịch quân sự chưa từng có của Israel và Mỹ đã không phá hủy được chương trình hạt nhân của Iran. Mối đe dọa tấn công Iran trong tương lai cũng không còn khiến Iran sợ hãi như trước nữa, khi Iran đã chứng minh được sức mạnh quân sự của mình có thể tấn công toàn bộ lãnh thổ Israel.

Hiện trường một khu vực ở Israel bị Iran tấn công tên lửa. Ảnh: REUTERS/Amir Cohen

Việc Iran tấn công căn cứ Al-Udeid của Mỹ, mặc dù mang tính biểu tượng, nhưng đây là đòn cảnh báo về khả năng tấn công mạnh hơn trong tương lai và có thể là một trong những lý do khiến ông Trump ngày 24/6/2025 phải tuyên bố ngừng bắn giữa Israel và Iran, đồng thời đề nghị nối lại đàm phán với Tehran.

Iran sẵn sàng quay lại bàn đàm phán, nhưng với điều kiện Mỹ phải cam kết không tấn công Iran lần nữa. Ngày 30/6/2025, trả lời BBC, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Majid Takht-Ravanchi nói Tehran sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của mình nếu Mỹ cam kết không tiến hành các cuộc tấn công quân sự mới vào Iran. Bộ Ngoại giao Iran cho biết: "Các cuộc tấn công mới là "lằn ranh đỏ" đối với Tehran.

Thỏa thuận toàn diện khó đạt

Mỹ đòi xóa bỏ toàn bộ chương trình hạt nhân của Iran, để đổi lấy việc nới lỏng lệnh trừng phạt. Trong khi đó, Iran chỉ chấp nhận từ bỏ kế hoạch chế tạo vũ khí hạt nhân, nhưng phải được quyền sử dụng hạt nhân vào mục đích hoà bình.

Thỏa thuận hạt nhân JCPOA được ký kết giữa Iran với các nước P5+1 năm 2015 dưới thời Tổng thống Obama đã cho phép điều này, và nó cũng được cho phép theo các nguyên tắc của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Tuy nhiên, Iran không tin cậy vào chính quyền của Tổng thống Trump. Năm 2018, ông Trump đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận JCPOA, và lần này mặc dù các cuộc đàm phán đang diễn ra tích cực, Mỹ vẫn thực hiện tấn công nhằm vào Iran.

Một yếu tố làm phức tạp thêm triển vọng đàm phán là Israel. Tel Aviv không quan tâm đến việc Iran ký thỏa thuận hay không. Mục tiêu của Tel Israel là phá hủy toàn bộ tiềm lực quân sự của Iran, vì họ coi Iran là mối đe dọa hiện hữu.

Để thỏa thuận có cơ hội thành công, không chỉ cần có sự đảm bảo rằng Mỹ sẽ không rút khỏi thỏa thuận như năm 2018. Để Iran thảo luận nghiêm túc về thỏa thuận này, cần khôi phục lại lòng tin. Đây có thể là việc dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt đối với Iran, giải tỏa các tài sản của Iran đang bị phong tỏa. Washington nên thực hiện một số bước đi như vậy để khuyến khích Iran bước vào đàm phán.

Một thỏa thuận mới có thể được các bên chấp nhận phải dựa trên các nguyên tắc của JCPOA năm 2015. Cụ thể, Iran phải quay trở lại giới hạn làm giàu uranium ở mức 3,67%, giảm số lượng máy ly tâm, đặc biệt là các máy ly tâm tiên tiến nhất, cho phép Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tiếp cận các cơ sở các cơ sở hạt nhân, bao gồm cả các bãi thử quân sự.

Ảnh vệ tinh chụp cơ sở hạt nhân Fordow của Iran. Ảnh: Maxar

Iran, xét đến bài học từ việc Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận năm 2018, đòi Mỹ và châu Âu về mặt pháp lý phải tôn trọng và tiếp tục thực hiện thỏa thuận trong trường hợp có sự thay đổi chính quyền ở Washington. 

Ngoài ra, Tehran yêu cầu dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, đặc biệt trong các lĩnh vực năng lượng, ngân hàng và hậu cần, với một lịch trình rõ ràng cùng với các nhượng bộ của Iran về hạt nhân. Các yêu cầu khác sẽ bao gồm việc chấm dứt các chính sách cô lập Iran, đặc biệt là tại Liên hợp quốc, công nhận tính hợp pháp của học thuyết quốc phòng của nước này, cũng như công nhận vai trò của Iran trong an ninh khu vực.

Chỉ có con đường đàm phán

Sớm hay muộn, Mỹ và Iran sẽ phải trở lại bàn đàm phán. 

Giải pháp quân sự đã không giải quyết được vấn đề gì và chỉ làm phức tạp thêm tình hình ở Trung Đông, nơi đang bên bờ vực của một cuộc chiến tranh toàn diện. Quay trở lại giải pháp chính trị là biện pháp duy nhất để đạt được sự ổn định lâu dài trong bối cảnh bạo lực đang lan rộng trong khu vực. Các bên thừa nhận sự cần thiết phải đối thoại trong tương lai gần, nhưng quan điểm của các bên vẫn chưa rõ ràng.

Định dạng đa phương P5+1 trên thực tế không còn nữa. Các nước ký kết JCPOA có lập trường khác nhau về quyền phát triển năng lượng hạt nhân hòa bình của Iran. Điều này sẽ làm phức tạp thêm quá trình đàm phán. Các nước E-3 gồm Anh, Pháp và Đức đồng quan điểm với Mỹ, trong khi Nga và Trung Quốc tin rằng Iran có quyền sử dụng hạt nhân vào mục đích hòa bình.

Sẽ rất khó để thu hẹp khoảng cách giữa lập trường đàm phán của các bên, vì mức độ mâu thuẫn tích tụ quá cao. Một thỏa thuận mới chỉ có thể đạt được thông qua đối thoại mang tính xây dựng, chủ yếu phụ thuộc vào việc Washington có sẵn sàng tính đến lợi ích của Iran và Tehran có đáp ứng được các mối lo ngại của các bên liên quan về việc sản xuất và tàng trữ vũ khí hạt nhân hay không?

Đại sứ Nguyễn Quang Khai, Ủy viên Thường vụ, Quỹ HB&PT VN