Gia hạn New START: Tin tốt hay sự lãng phí ưu thế của Mỹ?

Đề xuất gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) với Nga thêm 5 năm của Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 21/1 được cho là 1 trong những quyết sách chính trị quan trọng đầu tiên của chính quyền mới, trước khi hiệp ước cắt giảm hạt nhân cuối cùng giữa hai cường quốc hết hạn vào đầu tháng 2 tới.

 

 

Hãng tin AP dẫn lời Thư ký báo chí của Nhà Trắng Jen Psaki phát biểu trong buổi họp báo: “Tổng thống Mỹ Joe Biden từ lâu luôn nhận thức rõ ràng rằng hiệp ước New START phù hợp với những lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ, và việc gia hạn này càng có ý nghĩa hơn khi mối quan hệ với Nga hiện đang trong tình trạng đối đầu”.

Quyết định gia hạn New START của chính quyền tân Tổng thống Joe Biden vấp phải tranh cãi
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và ông Joe Biden trên cương vị Phó Tổng thống Mỹ trong cuộc gặp tại thủ đô Moscow, Nga ngày 10/3/2011. (Nguồn: Reuters)

Không phải là “cài đặt lại” quan hệ song phương

Theo AFP, song song với quyết định này, ông Joe Biden cũng cam kết sẽ gây sức ép mạnh mẽ lên Moscow trong một loạt vấn đề gây lo ngại.

Hãng tin Reuters dẫn lời bà Jen Psaki cho biết, ông Biden đã giao “nhiệm vụ” cho cộng đồng tình báo Mỹ phải xem xét một cách toàn diện vụ tấn công mạng Solar Winds, sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử 2020, vụ Nga sử dụng vũ khí hóa học để đầu độc thủ lĩnh đối lập Alexei Navalny và vụ Moscow trả tiền cho Taliban để giết binh lính Mỹ tại Afghanistan.

Thư ký báo chí của Nhà Trắng nêu rõ: “Ngay cả khi chúng ta hợp tác với Nga để thúc đẩy các lợi ích của Mỹ, chúng ta cũng nỗ lực để buộc Moscow phải chịu trách nhiệm về những hành động đối địch và liều lĩnh của họ”.

Tuyên bố trên đưa ra trong ngày đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden nhằm ngăn ngừa một cuộc chạy đua vũ trang, nhưng cũng thể hiện rõ rằng ông sẽ không nỗ lực tìm kiếm một sự “cài đặt lại” mối quan hệ như mọi tổng thống thời hậu Chiến tranh Lạnh từng cố làm dưới nhiều hình thức.

Trong một tuyên bố, Lầu Năm Góc cho biết, người dân Mỹ sẽ được “an toàn hơn nhiều” nếu hiệp ước này được duy trì và gia hạn.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby khẳng định: “Chúng tôi vẫn hợp tác với Nga theo những cách thức có thể giúp thúc đẩy lợi ích Mỹ, song vẫn nhận thức rất rõ về những thách thức mà Moscow đặt ra và luôn nỗ lực bảo vệ đất nước trước hành động liều lĩnh và thù địch của họ”.

Hiệp ước kiểm soát vũ khí trên, dự kiến sẽ hết hạn vào ngày 5/2 tới, quy định Mỹ và Nga chỉ được triển khai không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân chiến lược ở mỗi nước.

Ngoài việc đảm bảo hạn chế số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược được triển khai ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, New START còn hạn chế số lượng tên lửa phóng từ đất liền và tàu ngầm cũng như máy bay ném bom có thể mang theo các đầu đạn đó.

Trong khi đó, Điện Kremlin ngày 20/1 khẳng định vẫn luôn sẵn sàng gia hạn New START và hoan nghênh những nỗ lực mà chính quyền Biden đã cam kết nhằm đạt được thỏa thuận này.

Có thể thấy rõ, cách tiếp cận của ông Biden gần như là đối lập hoàn toàn với người tiền nhiệm Donald Trump - người từng bày tỏ sự yêu thích dành cho Putin dù chính quyền của ông đã phá vỡ những thỏa thuận kiểm soát vũ khí cuối cùng còn lại với Nga.

Quyết định thiệt thòi cho Mỹ?

Theo AFP, chính quyền của ông Donald Trump đã thất bại trong nỗ lực mở rộng New START để hiệp ước này có thêm Trung Quốc tham gia. Trung Quốc hiện là nước sở hữu chương trình hạt nhân phát triển nhanh chóng song chưa thể so được với Nga và Mỹ.

Khi thời hạn sắp hết, chính quyền tiền nhiệm đã bày tỏ sự sốt sắng với việc gia hạn hiệp ước thêm 1 năm, song các cuộc thảo luận đã bị sụp đổ vì Mỹ một mực yêu cầu phải có sự kiểm tra sát sao hơn đối với việc Nga đóng băng các hoạt động hạt nhân của mình.

Marshall Billingslea, người dẫn đầu các cuộc đàm phán cho ông Trump, đã ngay lập tức chỉ trích đề xuất của Biden khi nói rằng quyết định này “thể hiện sự thiếu kỹ năng đàm phán một cách trầm trọng”.

Nhà đàm phán Billingslea viết trên Twitter: “Đội ngũ của Biden chỉ mất đúng 24 giờ để lãng phí ưu thế quan trọng nhất mà chúng ta đang có với Nga.

Một cách tiếp cận tốt hơn có thể là một sự gia hạn ngắn – trong 6 tháng chẳng hạn – và dựa trên các điều kiện về giới hạn sản xuất số lượng đầu đạn mà Putin đã chấp nhận.

Điều đó sẽ cản trở Nga sản xuất hàng loạt đầu đạn ‘phi chiến lược’ và tiếp tục khiến thế giới tiếp tục tập trung vào Trung Quốc. Tuy nhiên, giờ đây chúng ta chẳng có được gì với sự gia hạn này”.

Một số chuyên gia cùng các nhà vận động chống hạt nhân đã phản đối sự phân tích này của Billingslea khi cho rằng, không có dấu hiệu nào cho thấy Nga đang vi phạm hiệp ước hoặc Trung Quốc có thể gia nhập”.

Vipin Narang, chuyên gia chiến lược hạt nhân tại Viện Công nghệ Massachusetts, viết trên Twitter: “Những kẻ duy nhất phản đối là những người đang theo đuổi một cuộc chạy đua vũ trang bất tận. Thật vui khi thấy chính quyền Biden đã xúc tiến “trò chơi con gà” với an ninh toàn cầu ngay trong ngày đầu tiên tại nhiệm”.

Chuyên gia cho biết, chính quyền của tân Tổng thống Biden có thể vẫn tìm được những cách thức khác để gây sức ép lên Nga xung quanh những quan ngại của họ về cái gọi là vũ khí hạt nhân chiến thuật – mà Moscow có thể triển khai tại các khu vực xung đột nóng bỏng gần biên giới, khác với các loại vũ khí chiến lược mà chủ yếu để nhắm vào Mỹ.

Derek Johnson, người chỉ đạo chiến dịch vận động Global Zero ủng hộ việc giải giáp hạt nhân, đã gọi đề xuất của ông Biden là bước đi quan trọng hướng tới mục tiêu cuối cùng là một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

Ông nói: “Đây là tin tốt cho tất cả mọi người, trừ khi bạn là một nhà thầu quốc phòng”.

NGỌC BÍCH

(theo AFP/Reuters)

Nguồn: TGVN

Nguồn:vpdf.org.vn Copy link