Iran đánh Israel, chảo lửa Trung Đông thêm khó lường

Việc Iran phóng loạt UAV, tên lửa nhằm vào Israel đánh dấu sự leo thang nghiêm trọng tại Trung Đông.

 

Sáng sớm 14-4 (giờ Việt Nam), Iran đã phóng số lượng lớn máy bay không người lái (UAV), tên lửa đạn đạo và tên lửa dẫn đường vào Israel, nhằm trả đũa vụ tòa nhà lãnh sự trong khuôn viên Đại sứ quán Iran ở Syria bị tấn công ngày 1-4. Tehran tố Tel Aviv đứng sau vụ tấn công Đại sứ quán, trong khi tới nay Israel vẫn không thừa nhận cáo buộc.

Iran trả đũa Israel

Truyền thông nhà nước Iran Press TV đưa tin Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) “đã tiến hành các cuộc tấn công trên diện rộng nhằm vào các mục tiêu ở Israel".

“Để đối phó với tội ác của chế độ Do Thái khi tấn công khu lãnh sự của Đại sứ quán Iran ở Damascus, lực lượng không quân của IRGC đã tấn công một số mục tiêu nhất định trên lãnh thổ của chế độ Do Thái bằng hàng chục UAV và tên lửa" - theo tuyên bố của IRGC.

Iran tấn công Israel.jpeg
Hệ thống phòng không Israel đánh chặn tên lửa phóng từ Iran hôm 14-4. Ảnh: AP

 

Đăng trên Telegram, Bộ Ngoại giao Iran cho biết việc nước này phát động cuộc tấn công nói trên là để tự vệ, đài CNN đưa tin. Bộ Ngoại giao Iran cho biết các lực lượng vũ trang Iran đang “thực hiện quyền tự vệ vốn có được quy định tại Điều 51 của Hiến chương Liên Hợp Quốc (LHQ)”.

“Nếu cần thiết, Iran sẽ không ngần ngại thực hiện thêm các biện pháp phòng thủ để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình trước bất kỳ hành động quân sự hung hăng và sử dụng vũ lực bất hợp pháp nào” - Bộ Ngoại giao Iran tuyên bố.

Theo hãng thông tấn IRNA, IRGC đánh giá rằng cuộc tấn công nhằm vào Israel tối 13-4 đã thành công và phá huỷ một số mục tiêu quân sự quan trọng của Israel.

Về phía Israel, người phát ngôn Lực lượng Phòng vệ Israel - ông Daniel Hagari cho biết “99%” trong số hơn 300 vật thể, gồm 170 UAV, hơn 30 tên lửa hành trình và hơn 120 tên lửa đạn đạo, của Iran bắn vào Israel đã bị đánh chặn trước khi tiến tới lãnh thổ Israel. Ông Hagari nhấn mạnh chỉ có “một số lượng nhỏ” tên lửa đạn đạo chạm tới lãnh thổ nước này, theo tờ The Times of Israel.

Ông Hagari cho biết các tên lửa đạn đạo tới Israel đã rơi xuống căn cứ không quân Nevatim ở miền nam Israel và gây ra thiệt hại nhẹ về cấu trúc của căn cứ.

Trong khi đó, Thủ tướng Israel - ông Benjamin Netanyahu viết trên mạng xã hội X rằng: “Chúng ta đánh chặn, đẩy lùi, cùng nhau chúng ta sẽ giành chiến thắng".

Ngay sau vụ tấn công của Iran, Đại sứ Israel tại LHQ Gilad Erdan cho biết đã kêu gọi Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ họp khẩn. Ông Erdan cáo buộc việc Iran nã tên lửa và UAV vào lãnh thổ Israel là hành động leo thang nguy hiểm, vi phạm Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế. HĐBA LHQ sau đó quyết định sẽ triệu tập cuộc họp khẩn theo yêu cầu của phía Israel, dự kiến tổ chức vào chiều 14-4 (theo giờ địa phương).

Quốc tế phản ứng

Ngay sau vụ Iran tấn công quy mô vào Israel, cộng đồng quốc tế đã phản ứng. Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết đã họp nhóm an ninh quốc gia để cập nhật thông tin về các cuộc tấn công của Iran, đồng thời nhấn mạnh cam kết vững chắc của Washington đối với an ninh của Israel trước các mối đe dọa từ Iran và các lực lượng ủy nhiệm của Tehran. Một số nước phương Tây khác như Đức, Anh Pháp,... cũng lên án cuộc tấn công của Iran vào Israel.

Đại sứ quán Việt Nam tại Israel và Đại sứ quán Việt Nam tại Iran đã có khuyến cáo công dân về các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn và sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình, giữ liên lạc thường xuyên với cộng đồng người Việt, xây dựng các kế hoạch bảo hộ công dân phù hợp với diễn biến xung đột, bảo vệ an toàn cho công dân Việt Nam, theo Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Tổng thư ký LHQ António Guterres lên án mạnh cuộc tấn công của Iran, kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch, và cảnh báo khả năng vụ việc sẽ leo thang tàn khốc trên toàn khu vực. “Tôi vô cùng cảnh giác về mối nguy hiểm thực sự của viễn cảnh leo thang tàn khốc trên toàn khu vực. Tôi kêu gọi tất cả các bên kiềm chế tối đa để tránh bất kỳ hành động nào có thể dẫn đến đối đầu quân sự lớn trên nhiều mặt trận ở Trung Đông" - ông Guterres nhấn mạnh.

Một loạt nước khác như Chile, Ai Cập, Hà Lan, Tây Ban Nha, Trung Quốc,... cũng bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về vụ việc và kêu gọi kiềm chế để tránh khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn tại Trung Đông.

Trong khi đó, giới chuyên gia bày tỏ sự lo ngại về việc nổ ra một cuộc xung đột rộng hơn ở Trung Đông sau vụ tấn công của Iran. Theo ông Jonathan Panikoff, Giám đốc Sáng kiến An ninh Trung Đông Scowcroft của Hội đồng Đại Tây Dương, nhận định việc Iran trả đũa Israel đã đẩy khu vực đến bờ vực của một cuộc chiến rộng lớn hơn mà hầu như không ai thực sự muốn và đã tìm cách tránh né trong sáu tháng qua.

Ông Danny Citrinowicz, nhà nghiên cứu tại viện nghiên cứu Hội đồng Đại Tây Dương và đã từng làm việc trong cơ quan tình báo quốc phòng Israel trong 25 năm, cho rằng trong mọi trường hợp, và bất kể kết quả cuộc tấn công của Iran như thế nào, đây là sự kiện chưa từng có trong mối quan hệ giữa Iran và Israel.

Biên giới Israel-Lebanon căng thẳng không kém

Nhóm vũ trang Hezbollah (Lebanon) ngày 14-4 tuyên bố rằng nhóm này đã phóng hàng chục quả pháo phản lực Katyusha nhằm vào trụ sở phòng không của Lực lượng Phòng không Israel trên Cao nguyên Golan, đài CNN đưa tin.

Hezbollah cho biết cuộc tấn công được thực hiện lúc 0 giờ 35 phút sáng 14-4 (theo giờ địa phương).

Ngày 14-4, Lực lượng Phòng vệ Israel cho biết họ đã tấn công các địa điểm mà lực lượng Radwan tinh nhuệ (thuộc nhóm Hezbollah) trú ẩn ở thị trấn Jbaa (miền nam Lebanon).

Lực lượng Phòng vệ Israel cũng tấn công các khu vực ở Khiam và Kafr Kila, nơi mà họ cho rằng lực lượng Radwan đang hiện diện.

Israel cho biết các cuộc tấn công nhằm đáp trả cuộc tấn công của Hezbollah trước đó.\

DƯƠNG KHANG/Theo PLO