Mỹ dùng tuần duyên đối phó Trung Quốc

Các nhà lãnh đạo quân sự Mỹ tin rằng sự gia tăng hiện diện của các tàu tuần duyên sẽ nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ hơn từ các nước ven Biển Đông, bởi lẽ nó không phô trương thông điệp "cơ bắp" như các tàu chiến của hải quân.

Mỹ dùng tuần duyên đối phó Trung Quốc - Ảnh 1.

Tàu tuần duyên Munro (WMSL-755) diễn tập tiếp nhiên liệu với tàu chiến của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản (ảnh lớn) và tuần duyên Philippines (ảnh nhỏ) cho thấy tiềm năng phối hợp đa dạng của tuần duyên Mỹ tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương - Ảnh: Hải quân Mỹ

Quá trình triển khai của tuần duyên Mỹ đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang diễn ra cấp tập. Hồi cuối tháng 7 năm nay, Mỹ đã hoàn tất việc triển khai thêm 3 tàu tuần duyên tốc độ cao đến đảo Guam nhằm tăng cường hiện diện tại khu vực. Đến giữa tháng 8, tàu tuần duyên hạng nặng Munro (WMSL-755) được triển khai đến Tây Thái Bình Dương.

Munro vừa kết thúc đợt diễn tập với Lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản và tuần duyên, cơ quan bảo vệ nghề cá Philippines vào cuối tháng 8 vừa qua.

Vì sao là tuần duyên?

Trước sự cứng rắn ngày càng tăng của Trung Quốc, các chỉ huy tuần duyên Mỹ đã tuyên bố sẽ sát cánh cùng các nước Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Trong cuộc họp báo với truyền thông châu Á ngày 3-9, phó đô đốc Michael F. McAllister - chỉ huy tuần duyên Mỹ tại Thái Bình Dương - đã cảnh báo về sự bất ổn và xung đột tiềm tàng nếu Trung Quốc thực thi luật an toàn giao thông hàng hải 2021 trong các vùng biển gần nước này.

Đây không phải là lần đầu tiên các chỉ huy tuần duyên Mỹ nói về những hành động đi ngược lợi ích quốc tế của Trung Quốc. Trong cuộc họp báo ngày 29-7, đô đốc Karl L. Schultz - tư lệnh Lực lượng tuần duyên Mỹ - đã nói về "các nhân tố khu vực đã hạ gục các tàu cá ở những vùng biển tranh chấp", về "những dải cát nhỏ trên biển nay đã được bồi đắp thành những hòn đảo có năng lực quân sự và hệ thống phòng thủ".

Đô đốc Schultz khẳng định tuần duyên Mỹ có thể đóng vai trò thúc đẩy mô hình quản trị hàng hải hiện đại dựa trên luật lệ, tuân thủ các nguyên tắc và luật pháp quốc tế.

Phó đô đốc McAllister cho biết vai trò chính của lực lượng tuần duyên là cố gắng đóng góp vào sự ổn định và an ninh của khu vực và khẳng định tuần duyên có những đặc trưng cho phép lực lượng này thực hiện các mục tiêu trên một cách hiệu quả.

"Đầu tiên, tuần duyên là một nhánh của lực lượng vũ trang Mỹ nên có thể tích hợp hoạt động với các nhánh khác của quân đội. Mặt khác tuần duyên còn là một lực lượng chấp pháp, cho phép phối hợp với các nước trong bảo vệ môi trường biển, chống tội phạm trên biển, thực thi các hiệp định nghề cá, giải quyết nạn buôn lậu người..." - ông McAllister nói.

Theo ông McAllister, các đặc tính trên cho phép tuần duyên Mỹ tương tác với cả hải quân và lực lượng tuần duyên của các nước Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

3 mũi giáp công trên biển

Cùng với một tàu khu trục của hải quân, tàu Munro đã băng qua eo biển Đài Loan hôm 27-8, trở thành minh chứng mới nhất cho chiến lược 3 lực lượng hàng hải (Tri-Service Maritime Strategy - TSMS) đang được Washington thực hiện.

Được ra mắt vào tháng 12-2020, TSMS kết hợp 3 lực lượng hàng hải của Mỹ là hải quân, thủy quân lục chiến và tuần duyên nhằm cung cấp một bức tranh tổng thể về các thách thức đối với sức mạnh hàng hải của Mỹ và cách ứng phó.

Đối với tuần duyên, TSMS là sự điều chỉnh chiến lược lớn nhất trong vòng 30 năm qua. Sự ra đời của chiến lược này cho thấy các nhà lãnh đạo quân sự Mỹ đều tin rằng để giành ưu thế trong cạnh tranh hàng hải chiến lược, Mỹ phải có khả năng vượt qua đối thủ không chỉ về tính sát thương mà còn về khả năng hoạt động hiệu quả dưới ngưỡng xung đột.

Trong một bài viết trên trang web của Viện Brookings (Mỹ), đại tá tuần duyên Michael Sinclair lưu ý phần lớn các nước đối tác và đồng minh của Mỹ không quan tâm đến việc xây dựng lực lượng hải quân kiểu Mỹ. Thay vào đó, các nước này, bao gồm những nước ven Biển Đông, lo lắng về việc không thể quản lý và bảo vệ các vùng biển một cách hiệu quả.

Theo ông Sinclair, Trung Quốc đang sử dụng "mọi biện pháp dưới ngưỡng chiến tranh" để đạt được các mục tiêu chiến lược. Do đó, nếu bỏ qua hợp tác và hỗ trợ tuần duyên các nước, thế trận quốc phòng trên biển của Mỹ sẽ mất đi sự toàn diện.

Với việc Mỹ đã rút quân khỏi Afghanistan, hoạt động của hải quân và thủy quân lục chiến được dự báo sẽ dồn sang khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong thời gian tới.

Tuy nhiên, một trong những vướng mắc hiện nay là tuần duyên Mỹ vẫn trực thuộc Bộ An ninh nội địa Mỹ thay vì Bộ Quốc phòng. Tư lệnh của lực lượng này cũng không phải là thành viên có quyền biểu quyết trong Hội đồng tham mưu trưởng liên quân. Đã có nhiều tiếng nói kêu gọi thay đổi điều này để tăng cường hơn nữa vai trò cũng như sự quan tâm, phân bổ ngân sách từ Quốc hội Mỹ.

Tương phản với hải cảnh của Trung Quốc

Chiến lược 3 lực lượng hàng hải đã kêu gọi tăng cường các hoạt động thường nhật và quyết đoán hơn để đối phó với các hoạt động gia tăng căng thẳng nhưng dưới mức xung đột hoặc chiến tranh của Trung Quốc (chiến thuật vùng xám).

Chiến lược tuần duyên của Mỹ cũng là một nỗ lực tạo ra bức tranh tương phản với hải cảnh Trung Quốc - một công cụ mà Bắc Kinh dùng để đe dọa, cưỡng ép và quấy rối các nước khác trong khu vực Biển Đông.

"Chúng tôi đang cố gắng thiết lập mô hình cho những cách hành xử sẽ giúp thương mại tự do, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, bảo vệ các nguồn tài nguyên có giá trị và chống lại các hoạt động bất hợp pháp ảnh hưởng đến tất cả" - phó đô đốc Michael F. McAllister nói về ý định biến tuần duyên Mỹ thành lực lượng tuần duyên kiểu mẫu ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Nguồn: Tuổi trẻ