Nga giáng thêm đòn trừng phạt, Séc sẵn sàng "ăn miếng, trả miếng"

Giới ngoại giao Cộng hòa Séc bất ngờ với mức độ đáp trả của Nga đồng thời tuyên bố cân nhắc các hành động tiếp theo với Moscow.

Hãng tin TASS dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Rossiya-1 hôm nay cho biết, Đại sứ quán Séc và Đại sứ quán Mỹ tại Nga sẽ không còn được tuyển dụng nhân viên là công dân Nga nữa.

"Cả Mỹ và Séc sẽ không còn thể tuyển dụng công dân của chúng tôi làm việc cho đại sứ quán của họ nữa", bà Zakharova nói.

Theo bà Zakharova, các hợp đồng tuyển dụng của công dân Nga với đại sứ quán hai nước này có thể bị coi là một hình thức tuyển dụng gián điệp.

Quyết định trên được đưa ra sau khi Nga thông báo trục xuất 20 nhà ngoại giao của Cộng hòa Séc, yêu cầu những người này rời khỏi Nga trong vòng 24 giờ. Động thái này nhằm đáp trả việc Séc trục xuất 18 nhà ngoại giao của Nga.

Bà Zakharova cho biết, quyết định trục xuất 18 nhà ngoại giao Nga đồng nghĩa với việc 62 công dân Nga là thành viên trong gia đình của các nhà ngoại giao sẽ phải rời khỏi Séc. "Đây là một sự việc chưa từng có tiền lệ. Họ thông báo trục xuất 18 nhà ngoại giao Nga. Nhưng không có nghĩa chỉ 18 người, mà tận 62 công dân Nga phải rời Séc, trong đó có 28 trẻ em", bà Zakharova nói.

Về phía Séc, giới chức nước này cho biết, quyết định trục xuất là do họ nghi ngờ 18 nhà ngoại giao Nga là gián điệp. Ngoài ra, hai công dân của Nga bị nghi ngờ liên quan đến vụ nổ một kho đạn ở Séc năm 2014 khiến hai người thiệt mạng. Hai công dân Nga này cũng chính là nghi phạm trong nghi án đầu độc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal ở Anh năm 2018.

EU và NATO đã lên tiếng ủng hộ các lệnh trừng phạt của Séc với Nga. Trong khi đó, Nga bác bỏ các cáo buộc của Séc và cho rằng những hành động của Séc chỉ nhằm ủng hộ Mỹ trong bối cảnh Washington áp các lệnh trừng phạt Moscow.
Bình luận về biện pháp đáp trả của Nga, quyền Ngoại trưởng Séc Jan Hamacek hôm nay cho biết, chính phủ nước này khá bất ngờ với mức độ phản ứng của Nga và sẽ cân nhắc các hành động tiếp theo với Moscow.

"Phản ứng (của Nga) mạnh hơn chúng tôi nghĩ, họ trục xuất nhiều nhà ngoại giao của chúng tôi hơn so với số sĩ quan tình báo bị chúng tôi trục xuất", ông Hamacek phát biểu tại một cuộc họp báo phát sóng trên truyền hình quốc gia.

Trong một diễn biến cho thấy căng thẳng leo thang giữa hai quốc gia, Thủ tướng Séc Andrej Babis cuối tuần qua đã công khai ủng hộ ngăn công ty Rosatom của Nga tham gia đấu thầu xây dựng lò phản ứng mới của nhà máy điện hạt nhân Dukovany - một trong hai nhà máy điện hạt nhân của Séc. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Công thương Séc Karel Havlicek hôm nay cho biết: "Trong vài ngày tới, Rosatom sẽ bị gạch tên khỏi danh sách các công ty dự thầu". Ông Havlicek cho hay, Rosatom sẽ bị cấm tham gia dự thầu với tư cách thầu phụ.

Minh Phương
Theo Dân trí

Nguồn:vpdf.org.vn Copy link