Nga-Ukraine: Gian nan đàm phán, ác liệt chiến trường

Triển vọng sớm đạt được thỏa thuận hoà bình chấm dứt xung đột Nga-Ukraine vẫn chưa thể nhìn thấy rõ ràng khi các bên còn hoài nghi về cam kết của nhau.

 

Tuần rồi, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng Nga và Ukraine đang “rất gần một thỏa thuận” và kêu gọi hai bên gặp mặt trực tiếp để “hoàn tất nó”. Tuy nhiên, thực tế các bên vẫn còn nhiều "hoài nghi" trên bàn đàm phán. Bên cạnh đó tình hình trên chiến trường Ukraine thay đổi nhanh chóng khiến triển vọng hòa bình thêm trắc trở.

Hoài nghi trên bàn đàm phán

Tuần qua đánh dấu một tuần ngoại giao sôi nổi của các bên liên quan trong nỗ lực tìm kiếm thỏa thuận hoà bình cho xung đột Nga-Ukraine, theo đài CNN.

Ngày 25-4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc hội đàm với đặc phái viên Mỹ về Trung Đông Steve Witkoff tại Điện Kremlin để thảo luận về “khả năng nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp giữa đại diện của Nga và Ukraine”. Tại cuộc gặp, ông Putin tái khẳng định sẵn sàng đàm phán vô điều kiện với Ukraine, theo người phát ngôn Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov.

Bình luận về cuộc gặp, Tổng thống Trump nói rằng Nga và Ukraine đang “rất gần với một thỏa thuận”. Tuy nhiên, chỉ một ngày sau đó, ông Trump chỉ trích ông Putin tiến hành các cuộc tấn công vào khu vực dân sự của Ukraine “mà không có lý do”, đồng thời đe dọa áp lệnh trừng phạt mới lên Nga.

“Không có lý do gì để ông Putin bắn tên lửa vào các khu vực dân sự, thành phố và thị trấn trong vài ngày qua. Điều đó khiến tôi nghĩ rằng có lẽ ông ấy không muốn dừng chiến sự, ông ta chỉ đang lợi dụng tôi. Chuyện này phải được xử lý theo cách khác, thông qua việc nhắm vào ‘ngân hàng’ hay ‘trừng phạt thứ cấp. Quá nhiều người chết!” - ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social.

Thỏa thuận hoà bình Nga-Ukraine
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gặp nhau bên lề tang lễ Giáo hoàng Francis ngày 26-4. Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO UKRAINE

Trước đó, ngày 23-4, ông Trump chỉ trích gay gắt Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky vì đã tuyên bố Ukraine sẽ không công nhận quyền kiểm soát của Moscow đối với bán đảo Crimea, gọi đây là phát ngôn “gây tổn hại nghiêm trọng đến các cuộc đàm phán hòa bình với Nga”.

“Chính những phát ngôn của ông Zelensky khiến việc giải quyết cuộc chiến này trở nên vô cùng khó khăn. Tình hình của Ukraine đang rất thê thảm, ông ấy có thể chọn hòa bình, hoặc tiếp tục chiến đấu thêm ba năm nữa rồi đánh mất cả đất nước” - ông Trump nhấn mạnh.

Về phía Ukraine, ngày 26-4, khi đến Vatican dự tang lễ của Giáo hoàng Francis, Tổng thống Zelensky đã có cuộc gặp với loạt lãnh đạo phương Tây, bao gồm Tổng thống Trump, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Anh Keir Starmer và Thủ tướng Ý Giorgia Meloni.

Nhà Trắng mô tả cuộc gặp giữa ông Trump và ông Zelensky “rất hiệu quả”. Viết trên X, Tổng thống Zelensky mô tả cuộc gặp là “tốt đẹp” và nhấn mạnh sự cần thiết của “thỏa thuận ngừng bắn hoàn toàn và vô điều kiện cũng như một nền hòa bình đáng tin cậy và lâu dài để ngăn chặn một cuộc chiến khác nổ ra”.

Ngoại trưởng Ukraine - ông Andrii Sybiha cho biết Tổng thống Zelensky và Tổng thống Macron có cuộc “thảo luận riêng về những nỗ lực hòa bình tiếp theo”, nhưng không cung cấp thông tin chi tiết về cuộc thảo luận.

“Ukraine sẵn sàng ngừng bắn vô điều kiện và mong muốn hợp tác với Mỹ và châu Âu để thực hiện điều đó. Giờ đây, Nga phải chứng minh rằng họ thực sự muốn chấm dứt cuộc chiến này” - ông Macron nói sau cuộc gặp, cho biết Pháp sẽ làm việc thông qua “liên minh tự nguyện” để thúc đẩy ngừng bắn và nền hòa bình hoàn toàn, lâu dài ở Ukraine.

Bình luận về cuộc gặp giữa ông Macron và ông Zelensky, Đại sứ lưu động của Bộ Ngoại giao Nga Rodion Miroshnik nói rằng tổng thống Pháp chỉ đang “phí hơi” khi tuyên bố Ukraine sẵn sàng ngừng bắn vô điều kiện.

“Ông Zelensky đã thất bại trong hai lần ngừng bắn trước đó là ngừng bắn vào hạ tầng năng lượng và ngừng bắn dịp Lễ Phục sinh nhưng ông Macron lại không nhận ra điều đó. Giờ đây, ông Zelensky giải thích và ông Macron tin tưởng. Nhìn chung, mối quan hệ của họ quả thực ‘đầy ắp lòng tin’” - ông Miroshnik viết trên Telegram.

Những diễn biến trên cho thấy các bên liên quan trong xung đột Nga-Ukraine vẫn hoài nghi lẫn nhau trong việc sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán. Theo giới quan sát, nếu không có chuyển biến tích cực, thỏa thuận hoà bình sẽ không “gần” như ông Trump dự đoán.

Ác liệt trên chiến trường

Tính đến nay, chưa có dấu hiệu nào cho thấy giao tranh trên chiến trường Nga-Ukraine hạ nhiệt. Tuần qua, Ukraine cáo buộc Nga không kích quy mô lớn bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) vào Kiev trong đêm 23 rạng sáng 24-4, đánh dấu cuộc tấn công lớn nhất của Moscow vào thủ đô Ukraine trong chín tháng qua.

Ukraine cho biết vụ tấn công khiến 12 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương, thiệt hại được báo cáo trên khắp sáu quận của Kiev. Đến ngày 26-4, công tác cứu hộ mới cơ bản hoàn tất, theo hãng thông tấn Ukrinform.

thoa-thuan-hoa-binh-nga-ukraine-co-dang-rat-gan-2.png
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp với Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov ngày 26-4. Ảnh: SPUTNIK

Trong tuần, giao tranh diễn ra ác liệt tại khu vực biên giới tỉnh Kursk (Nga) với tỉnh Sumy (Ukraine) trong bối cảnh Moscow hướng tới lập vùng đệm ở khu vực này. Đến cuối tuần, Nga tuyên bố đã giải phóng hoàn toàn tỉnh Kursk khỏi lực lượng Ukraine sau 8 tháng quân Kiev bất ngờ mở chiến dịch tấn công tỉnh này.

“Việc đối phương hoàn toàn tháo chạy khỏi khu vực biên giới Kursk tạo điều kiện cho quân đội chúng ta tiếp tục thực hiện các chiến dịch thành công ở các khu vực tiền tuyến lớn khác” - hãng thông tấn TASS dẫn lời Tổng thống Putin.

Ukraine ngay lập tức bác bỏ thông thông tin trên, cho biết giao tranh ở Kursk vẫn tiếp diễn.

“Lực lượng Phòng vệ Ukraine tiếp tục tiến hành các hoạt động phòng thủ tại một số khu vực ở Kursk. Trong khi tình hình hoạt động vẫn còn nhiều thách thức, các đơn vị Ukraine vẫn duy trì thành công các vị trí của mình và hoàn thành nhiệm vụ được giao. Họ cũng đang gây ra thiệt hại đáng kể cho lực lượng Nga thông qua việc sử dụng tất cả các loại vũ khí có sẵn, sử dụng các chiến thuật phòng thủ chủ động” - theo tuyên bố ngày 26-4 của Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine.

“Không có mối đe dọa nào về việc bao vây đối với Ukraine. Những tuyên bố từ giới lãnh đạo đối phương về thất bại của quân đội Ukraine chỉ là tuyên truyền” - tuyên bố cho biết thêm.

Giới quan sát đánh giá loạt diễn biến xung quanh tỉnh Kursk là đáng chú ý, vì nếu tuyên bố của Nga là đúng, hy vọng của Ukraine trong việc sử dụng Kursk làm con bài mặc cả trên bàn đàm phán đã không còn. Ngoài ra, việc rút lui khỏi Kursk có khả năng làm suy yếu ảnh hưởng chính trị của Kiev cũng như tinh thần quân đội nước này sau ba năm chiến sự.

Moscow ca ngợi đoàn kết Nga-Triều Tiên trên chiến trường Kursk

Cuối tuần qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rằng Triều Tiên đã thể hiện mức độ đoàn kết cao với Nga bằng cách điều động lực lượng đến hỗ trợ Moscow đẩy lùi cuộc xâm nhập của Ukraine vào tỉnh Kursk của Nga, theo RT.

Bà Zakharova đưa ra nhận xét sau khi Tổng Tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov lần đầu xác nhận binh sĩ Triều Tiên tham chiến tại Kursk theo Thỏa thuận Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa Moscow và Bình Nhưỡng, có hiệu lực từ tháng 12-2024.

Bà Zakharova lưu ý rằng thỏa thuận này quy định việc hỗ trợ quân sự lẫn nhau “bằng mọi phương tiện sẵn có” trong trường hợp một bên bị tấn công.

“Sự đoàn kết mà những người bạn Triều Tiên và minh chứng cho trình độ cao, mang tính liên minh, trong quan hệ giữa hai nước. Chúng tôi tin tưởng rằng mối quan hệ này sẽ tiếp tục được củng cố và phát triển” - bà Zakharova nói.

THẢO VY/Theo PLO