Nhật - Pháp tăng cường hợp tác an ninh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Nhật Bản và Pháp đã nhất trí nâng hợp tác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương lên tầm cao hơn, trong đó làm sâu sắc quan hệ về an ninh ở khu vực đang giữ vị trí trung tâm trong sự cân bằng của thế giới này...

Ngày 20-1, Nhật Bản và Pháp đã tổ chức hội đàm an ninh trực tuyến theo cơ chế “2+2” giữa các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng hai nước, trong đó hai bên đã nhất trí tăng cường hợp tác tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tuyên bố chung sau cuộc họp nêu rõ: 4 bộ trưởng khẳng định cam kết thúc đẩy hợp tác nhằm đóng góp cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở dựa trên các luật lệ. Trong tuyên bố chung, các bộ trưởng nhất trí làm sâu sắc hơn quan hệ an ninh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nâng mối quan hệ hợp tác giữa hai nước ở khu vực lên tầm cao hơn, đồng thời cùng nhau ứng phó với nhiều vấn đề khu vực và cộng đồng quốc tế.

Về hợp tác tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, hai bên tái khẳng định vai trò trung tâm và thống nhất của ASEAN và ủng hộ đối với Triển vọng ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP). 4 bộ trưởng chia sẻ quan ngại nghiêm trọng về tình hình ở biển Hoa Đông và Biển Đông, đồng thời nhất trí phản đối mạnh mẽ các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực tại đây. Hai bên cũng thảo luận về vấn đề Triều Tiên, trong đó các bộ trưởng khẳng định cam kết đối với các nỗ lực hướng tới dỡ bỏ hoàn toàn, không thể đảo ngược và có thể kiểm chứng đối với chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng, phù hợp với các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Nhật - Pháp tăng cường hợp tác an ninh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Hội đàm an ninh trực tuyến “2+2” giữa các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Nhật Bản và Pháp. Ảnh: AP. 

Việc hai bên nhất trí tăng cường hợp tác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó nhấn mạnh hợp tác về an ninh, đã góp phần thắt chặt quan hệ hai nước trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Tại hội đàm, hai bên cũng nhất trí tiếp tục thúc đẩy các chương trình hợp tác đào tạo, tập trận, kỹ thuật và thiết bị quốc phòng, đồng thời xác nhận tầm quan trọng của việc tăng cường khả năng phục hồi các chuỗi cung ứng giữa hai nước.

Hiện ngoài quan hệ đồng minh truyền thống như với Mỹ, Tokyo cũng đang tìm cách tăng cường mở rộng hợp tác với các đối tác có cùng chí hướng như Pháp hay Australia để gia tăng hơn nữa sức mạnh an ninh, quốc phòng cũng như vai trò ảnh hưởng của Nhật Bản ở khu vực. Hội đàm an ninh trực tuyến Bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng với Pháp diễn ra sau khi Nhật Bản đã có các cuộc hội đàm tương tự với Mỹ và ký thỏa Thỏa thuận Tiếp cận Đối ứng (RAA) với Australia hồi đầu tháng này. Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản. Tokyo hiện đang thúc đẩy “Tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” với 3 trụ cột chính là: Phổ biến, thiết lập nguyên tắc cơ bản của cộng đồng quốc tế; thịnh vượng kinh tế thông qua kết nối; nỗ lực vì hòa bình và ổn định, bao gồm bảo đảm an ninh biển.

Về phía Pháp, quốc gia này cũng dành nhiều sự quan tâm đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang trở thành khu vực trung tâm trong sự cân bằng của thế giới, không chỉ về mặt ngoại giao mà còn cả về chính trị, an ninh và kinh tế. Khu vực này bao gồm ít nhất 38 quốc gia có chung 44% diện tích bề mặt thế giới và 65% dân số, đồng thời chiếm 62% GDP và 46% thương mại hàng hóa của thế giới. Giữ vai trò quan trọng đối với sự lưu thông tự do của nguyên liệu thô và hàng tiêu dùng, an ninh hàng hải ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không chỉ nằm trong mối quan tâm của các nước trong khu vực mà còn của toàn thế giới. 

Đặc biệt, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược ở khu vực ngày càng trở nên gay gắt, Pháp cũng không muốn đứng ngoài cuộc. Pháp là quốc gia châu Âu đầu tiên chính thức hóa chiến lược ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tháng 5-2018, Tổng thống Pháp đã đưa ra chính sách giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại và chủ nghĩa đa phương, đóng góp cho an ninh hàng hải của khu vực, hỗ trợ củng cố chủ quyền của các quốc gia và chống biến đổi khí hậu.

Một năm sau đó, ở Đối thoại Shangri-La tại Singapore, Bộ trưởng các Lực lượng Vũ trang Pháp đã công bố “Chiến lược Quốc phòng của Pháp ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, được hoàn thành vào tháng 7-2021 trong Hội nghị thượng đỉnh Pháp-châu Đại Dương lần thứ năm. Sự gia tăng của các loại tàu nổi, tàu ngầm và vũ khí hải quân là minh chứng rõ ràng và đáng lo ngại nhất cho sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt ở khu vực. Pháp cũng là quốc gia duy nhất trong Liên minh châu Âu có lực lượng bố trí sẵn ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và thường xuyên triển khai tàu chiến, tàu ngầm hoặc máy bay ở khu vực.

MAI NGUYÊN

Theo QĐND