Quốc tế tìm mọi cách kiềm chế căng thẳng Iran – Israel

Mặc dù đối đầu giữa Israel và Phong trào Hamas đã có dấu hiệu hạ nhiệt, song “thùng thuốc súng” Trung Đông vẫn trực chờ phát nổ trong bối cảnh Iran cảnh báo sẽ đáp trả cuộc không kích của Israel nhằm vào văn phòng lãnh sự nằm trong khuôn viên Đại sứ quán của nước Cộng hòa Hồi giáo ở Syria hôm 1/4 vừa qua.

 

Cộng đồng quốc tế đang nỗ lực tìm cách ngăn không cho kịch bản này xảy ra thông qua những tuyên bố chung về cam kết đảm bảo an ninh cho Israel, đồng thời tìm cách ngăn chặn khả năng xảy ra cuộc chiến lớn trong khu vực.

Trong cuộc điện đàm ngày 12/4 (giờ địa phương) với người đồng cấp Iran Hossein Amir-Abdollahian, Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani kêu gọi chính quyền Tehran có động thái “ôn hòa”. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta không thể mạo hiểm gây leo thang tình hình ở giai đoạn vô cùng bất ổn như vậy. Tất cả các bên liên quan trong khu vực phải thể hiện trách nhiệm”. Ngoại trưởng Italy cũng kêu gọi ông Amir-Abdollahian “gây ảnh hưởng vừa phải đối với các đồng minh của Iran trong khu vực”.

13_4_2024_quocte_trungdong.jpg -0
Hệ thống Vòm Sắt của Israel đánh chặn tên lửa phóng từ Dải Gaza. Ảnh: Reuters.

 

Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng lên tiếng kêu gọi Iran kiềm chế, đồng thời cảnh báo Iran không được tấn công Israel, khẳng định Washington sẽ bảo vệ và hỗ trợ đồng minh Israel. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã điện đàm với các đối tác Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và châu Âu để làm rõ rằng, leo thang căng thẳng không có lợi cho bất kỳ ai và đề nghị các nước nên khuyên can Iran không leo thang. Trước đó, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Hossein Amir-Abdollahian ngày 11/4, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đã cảnh báo về những căng thẳng ngày càng gia tăng.

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Đức, ngăn chặn căng thẳng leo thang trong khu vực là lợi ích của tất cả các bên. Đức kêu gọi tất cả các bên trong khu vực hành động có trách nhiệm và kiềm chế tối đa. Về phần mình, Ngoại trưởng Anh David Cameron đã nhấn mạnh với Ngoại trưởng Hossein Amir-Abdollahian trong cuộc điện đàm cùng ngày rằng, nguy cơ xung đột lan rộng nếu một trong hai bên không thực hiện các biện pháp giảm căng thẳng. Ông cũng kêu gọi Iran kiềm chế.

Giữa lúc căng thẳng leo thang như vậy, hàng loạt các quốc gia đã khuyến cáo công dân hạn chế tới Israel và Iran. Trong một thông báo ngày 12/4, Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã khuyến cáo công dân không nên đến Iran và Israel cho đến khi có thông báo mới, với lý do tình hình căng thẳng trong khu vực. Bộ trên nói thêm rằng, công dân Ấn Độ ở hai nước này nên tuân thủ các biện pháp phòng ngừa tối đa về an toàn và hạn chế di chuyển ở mức tối thiểu. Trước đó, các quốc gia bao gồm Mỹ và Nga đã ban hành khuyến cáo đi lại tương tự cho nhân viên ngoại giao và công dân trong khu vực.

Cùng ngày, Pháp cảnh báo công dân bắt buộc hạn chế đi lại trong những ngày tới Iran, Liban, Israel và các vùng lãnh thổ Palestine. Ngoại trưởng Stephane Sejourne cũng yêu cầu sơ tán thành viên gia đình của các nhà ngoại giao Pháp ở Iran và không cử công chức Pháp nào đi công tác tới các quốc gia trong danh sách. Trong khi đó, hãng hàng không Lufthansa của Đức đã gia hạn lệnh đình chỉ các chuyến bay đến và đi từ Thủ đô Tehran của Iran cho đến ngày 18/4 và các chuyến bay sẽ không bay qua không phận Iran trong thời gian đó. Hãng hàng không này đưa ra quyết định trên sau khi đã đánh giá cẩn thận các báo cáo phân tích an ninh của chính phủ.

Hiện hãng hàng không Austria là hãng hàng không Tây Âu cuối cùng vẫn giữ các chuyến bay tới Iran và cũng cho biết họ sẽ tạm dừng tất cả các chuyến bay từ Vienna đến Tehran cho đến ngày 18/4 để ứng phó với căng thẳng leo thang trong khu vực. “Các tuyến bay đi qua không phận Iran cũng sẽ được điều chỉnh. Sự an toàn của hành khách và phi hành đoàn của chúng tôi được ưu tiên cao nhất”, hãng hàng không này cho biết trong một tuyên bố.

Về phía Iran, phái đoàn nước này tại Liên hợp quốc (LHQ) ngày 11/4 tuyên bố, bất cứ phản ứng quân sự nào từ phía Tehran đối với cuộc không kích của Israel vào toà Lãnh sự quán thuộc Đại sứ quán Iran tại Damascus đều có thể tránh được nếu Hội đồng Bảo an LHQ lên án cuộc tấn công của Israel. Bên cạnh đó, Iran cũng đã kêu gọi các quốc gia Hồi giáo cắt quan hệ với Israel.

Còn Thủ tướng Israel thì cho biết, nước này đang tiếp tục hành động quân sự ở Dải Gaza nhưng cũng đang chuẩn bị cho các kịch bản ở những nơi khác ở bên ngoài vùng lãnh thổ này. Ông tuyên bố: “Chúng tôi xác định một quy tắc đơn giản: Bất cứ ai làm tổn hại tới chúng tôi, chúng tôi sẽ đáp trả. Chúng tôi đã chuẩn bị tất cả để đáp ứng các nhu cầu an ninh của nhà nước Israel, cả phòng thủ lẫn tấn công”.

Quân đội Israel cũng khẳng định đã sẵn sàng để ứng phó với các mối đe dọa tấn công từ Iran hay các lực lượng vũ trang thân nước này trong khu vực. Người phát ngôn quân đội Israel Daniel Hagari cho biết: “Chúng tôi đã chuẩn bị cả phòng thủ lẫn tấn công, với nhiều đơn vị khác nhau của quân đội. Một cuộc tấn công từ lãnh thổ Iran sẽ cho thấy nước này có ý định làm leo thang căng thẳng ở Trung Đông và không còn đứng sau các lực lượng ủy nhiệm. Trong những tháng gần đây, Israel đã cải thiện và nâng cao khả năng tấn công của mình và chúng tôi sẽ biết cách hành động khi cần thiết. Chúng tôi cũng có khả năng phòng thủ nhiều tầng đã được chứng minh trong xung đột với hàng nghìn lần đánh chặn thành công”.

Khổng Hà/Theo CAND