Tương lai nào cho Dải Gaza?

Gần sáu tháng kể từ khi xung đột Israel-Hamas bùng phát, tương lai cho lệnh ngừng bắn lâu dài để tiến tới hòa bình tại Dải Gaza vẫn rất mong manh.

 

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết yêu cầu ngừng bắn tại Gaza, ngày 25/3. (Nguồn: AP)
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết yêu cầu ngừng bắn tại Gaza, ngày 25/3. (Nguồn: AP)

Bất chấp nỗ lực của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nhà trung gian hòa giải chủ chốt như Mỹ, Ai Cập, Qatar, quan điểm của Israel và Hamas về giải pháp cho cuộc xung đột vẫn còn khoảng cách rất lớn.

Trong khi Israel tuyên bố các mục tiêu khi phát động tấn công trả đũa nhằm vào Hamas đạt được vẫn còn hạn chế và tiếp tục các cuộc không kích, thậm chí ngay trong tháng lễ Ramadan linh thiêng của người Hồi giáo, thì hàng triệu người dân ở Dải Gaza vẫn đang phải đối mặt với bom đạn và khủng hoảng nhân đạo ngày càng nghiêm trọng.

Tại Dải Gaza, hầu hết cơ sở hạ tầng dân sự đã bị phá hủy khiến khoảng 1 triệu người dân không còn nơi trú ngụ trong khi 1,9 triệu người, chiếm tới 85% dân số Gaza đã phải di dời. Đáng buồn hơn, xung đột khiến hơn 32.000 người Palestine thiệt mạng, trong đó khoảng 70% là phụ nữ và trẻ em. Theo ước tính của Liên hợp quốc, ngay cả khi sự ổn định trở lại thì quá trình tái thiết Gaza cũng phải cần nhiều thập kỷ để phục hồi với hàng chục tỷ USD.

Nhiều vòng đàm phán nhằm kiếm tìm giải pháp cho cuộc xung đột, mà trước mắt là một lệnh ngừng bắn lâu dài đã thất bại. Israel và Hamas luôn cáo buộc lẫn nhau vi phạm cam kết và đưa ra những yêu cầu mà đối phương khó chấp nhận.

Thế khó của Mỹ

Trong bối cảnh đó, một tia sáng dường như đã le lói cuối đường hầm. Ngày 25/3 vừa qua, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức ở Dải Gaza trong tháng lễ Ramadan.

Ngay lập tức, Israel đã phản ứng gay gắt. Tel Aviv cáo buộc việc bỏ phiếu trắng, không dùng quyền phủ quyết để ngăn thông qua Nghị quyết của Washington là dấu hiệu thay đổi chính sách nhất quán của Mỹ với Israel, cho rằng động thái của Mỹ đã làm tổn hại đến cuộc chiến của Israel chống Hamas và kế hoạch giải cứu hơn 300 con tin đang bị Hamas giam giữ.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hủy chuyến thăm của cố vấn an ninh quốc gia Tzachi Hanegbi và Bộ trưởng Các vấn đề chiến lược Ron Dermer đến Washington, bất chấp phía Mỹ cho biết đã liên hệ với Israel trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu để giải thích đây không phải là thay đổi chính sách của Washington đối với Tel Aviv.

Trái ngược với phản ứng giận dữ của Israel, Hamas hoan nghênh Nghị quyết yêu cầu ngừng bắn tại Dải Gaza lần đầu tiên được Hội đồng Bảo an thông qua. Hamas tuyên bố, việc thông qua Nghị quyết cho thấy sự cần thiết phải đạt được một lệnh ngừng bắn lâu dài, tiến tới việc Israel rút hoàn toàn lực lượng khỏi Dải Gaza và người dân Palestine được trở về nhà. Trớ trêu, đây lại là điều mà Tel Aviv luôn phản đối, cho rằng đó là một sự thất bại của Israel.

Đáng chú ý, Nghị quyết được thông qua trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant đang có mặt ở Washington. Trong các cuộc gặp với cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan, Ngoại trưởng Antony Blinken và người đồng cấp Lloyd Austin ngày 25 và 26/3, ông Gallant yêu cầu Mỹ bán thêm vũ khí, thiết bị hỗ trợ cuộc xung đột và ủng hộ Israel tiếp tục tấn công vào Dải Gaza. Thế nhưng, nhiều nhà quan sát cho rằng, những yêu cầu từ Tel Aviv đối với Washington trong lúc này là “cực kỳ tế nhị”, gây khó cho chính quyền của Tổng thống Biden.

Gần đây, việc ông Netanyahu cân nhắc về một cuộc tấn công quân sự quy mô lớn vào Rafah, nơi có hơn 1 triệu người Palestine đang trú ẩn, đã gây ra tranh cãi trong chính quyền Biden. Là đồng minh chủ chốt của Israel, nhưng hiện Mỹ cũng đang phải tính toán đến nhiều vấn đề trong nước, đặc biệt là cuộc bầu cử tổng thống đang cận kề.

Điều này khiến Mỹ có những động thái gây áp lực, buộc Israel giảm quy mô và kết thúc chiến dịch quân sự, đặt trọng tâm vào các hoạt động ngoại giao. Tuy nhiên, Mỹ cũng chưa đưa ra được giải pháp thuyết phục nào cho cách tiếp cận của Israel.

Con đường trước mắt

Dưới áp lực quốc tế, Thủ tướng Israel Netanyahu đã khẳng định Israel không tìm cách “tái chiếm đóng” Gaza. Tel Aviv cho rằng, để có thể đảm nhận trách nhiệm về giữ trật tự và an ninh nội bộ ở Dải Gaza, các lực lượng an ninh Palestine cần được đào tạo, tài trợ, hợp pháp hóa (được chấp nhận ở Palestine) và được triển khai trong khuôn khổ chính trị. Tuy nhiên, Israel cho rằng cách duy nhất có thể bảo đảm an ninh cho Dải Gaza là sự hiện diện của lực lượng quốc tế dưới sự lãnh đạo của Mỹ.

Trong bối cảnh Mỹ đang phải dàn trải lực lượng ở nhiều điểm nóng và hướng tới giảm số quân hiện diện tại khu vực, việc này rất khó thành hiện thực. Vì vậy, tình hình an ninh trong và xung quanh Dải Gaza vẫn cực kỳ mong manh, nhất là khi các bên chưa đạt thỏa thuận ngừng bắn và kế hoạch cụ thể hậu xung đột.

Để có được hòa bình bền vững ở Dải Gaza, giải pháp khả thi là phải bảo đảm được cả bốn khía cạnh chính gồm quản trị, an ninh, tái thiết và khuôn khổ chính trị. Thành công ở bất kỳ khía cạnh nào đều phụ thuộc lớn vào sự đồng thuận của cả Israel và Palestine cũng như các bên liên quan.

Cho đến nay, chưa có bất kỳ khía cạnh nào được bảo đảm, các bên mới dừng lại ở việc phản ứng và thỏa thuận có tính toán trước áp lực dư luận. Việc Hội đồng Bảo an lần đầu tiên ra Nghị quyết yêu cầu ngừng bắn là điều đáng hoan nghênh, nhưng con đường đến hòa bình lâu dài và bền vững ở Dải Gaza còn nhiều chông gai.

MAI LAN/Theo Baoquocte.vn