Vai trò của Liên hợp quốc hiện nay trong các cuộc xung đột trên thế giới

Là tổ chức liên chính phủ lớn nhất toàn cầu, Liên hợp quốc đóng vai trò chiến lược gì trong thời đại hỗn loạn?

 

Chú thích ảnh
Toàn cảnh cuộc họp HĐBA LHQ tại New York, Mỹ. Ảnh: Kyodo/TTXVN

 

Theo Tiến sĩ Reyron Leones del Rosario (người Philippines) mới đây, Liên hợp quốc (LHQ), tổ chức liên chính phủ lớn nhất và duy nhất trên toàn cầu, đóng vai trò chiến lược trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, đặc biệt trong thời đại đầy biến động hiện nay. Thành lập năm 1945 sau Chiến tranh thế giới thứ II, LHQ được xây dựng trên nền tảng của sự hợp tác quốc tế với mục tiêu ngăn chặn một cuộc chiến tranh thế giới khác. Tuy nhiên, trong bối cảnh địa chính trị phức tạp hiện nay, vai trò và hiệu quả của LHQ ngày càng bị thách thức bởi các cuộc xung đột toàn cầu và những rào cản từ chính cơ cấu tổ chức của mình.

Tiến sĩ Rosario lưu ý, thế giới hiện đại đang chứng kiến sự leo thang của nhiều cuộc xung đột như chiến tranh Israel-Hamas, xung đột Nga-Ukraine, hành động quân sự hóa ở Biển Đông của Trung Quốc, cùng với các cuộc xung đột ở Sudan, Myanmar, Ethiopia, Haiti, Venezuela, và Bangladesh.

Trong các trường hợp, Hội đồng Bảo an LHQ, bao gồm năm thành viên thường trực là Trung Quốc, Pháp, Nga, Vương quốc Anh, và Mỹ, đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định các biện pháp can thiệp. Tuy nhiên, quyền phủ quyết của các thành viên thường trực đã trở thành một trong những rào cản lớn nhất đối với khả năng ra quyết định hiệu quả của Hội đồng Bảo an. Chỉ cần một quốc gia bỏ phiếu chống hoặc bỏ phiếu trắng, nghị quyết quan trọng có thể bị chặn lại.

Các quốc gia thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, theo cách này hay cách khác, đều có lợi ích quốc gia riêng trong nhiều cuộc xung đột toàn cầu, làm cho quá trình đồng thuận trở nên khó khăn. Tình trạng này đặt ra câu hỏi về khả năng LHQ có thể thực hiện nhiệm vụ duy trì hòa bình nếu các thành viên chủ chốt tiếp tục bị ràng buộc bởi lợi ích quốc gia và sự miễn trừ trách nhiệm đối với các hành động gây hại đến cộng đồng quốc tế.

Tiến sĩ Rosario nhấn mạnh rằng, ngoại giao LHQ được coi là chuẩn mực quốc tế, nhưng nó chỉ có hiệu lực đối với những quốc gia công nhận và tuân thủ chuẩn mực này, bất chấp việc họ là thành viên LHQ. Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) giải quyết các tranh chấp chung giữa các quốc gia và đưa ra ý kiến tư vấn về các vấn đề pháp lý quốc tế, trong khi Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) chịu trách nhiệm truy tố các cá nhân hoặc tác nhân nhà nước từ các quốc gia thành viên về các tội ác chiến tranh, diệt chủng, và tội ác chống lại loài người. Tuy nhiên, việc một số quốc gia không ký Quy chế Rome của ICC do lo ngại về sự can thiệp vào các cuộc xung đột tiềm ẩn trong tương lai đã làm giảm hiệu quả của cơ quan này.

Có thể nói, LHQ hiện đang đối mặt với những thách thức lớn trong việc thực hiện sứ mệnh của mình. Các cuộc xung đột và hậu quả chiến tranh tiếp tục lan rộng trên khắp các châu lục, nền văn hóa, và dân tộc. Các vụ việc như giết người, hiếp dâm, nô lệ, tra tấn, và trục xuất ngày càng trở nên phổ biến trong các vùng chiến sự. Ngoại giao của LHQ, mặc dù đã có những nỗ lực to lớn, vẫn chưa thể ngăn chặn hoàn toàn các hành vi này.

Trong bối cảnh thế giới phức tạp và đầy xung đột, vai trò của LHQ trong việc duy trì hòa bình và giải quyết xung đột càng trở nên quan trọng. Tuy nhiên, Tiến sĩ Rosario cho rằng để thực sự hiệu quả, LHQ cần phải vượt qua các hạn chế từ cơ cấu tổ chức và lợi ích quốc gia của các thành viên thường trực. Chỉ khi các quốc gia thành viên cùng nhau cam kết tuân thủ các nghị quyết và chuẩn mực quốc tế, LHQ mới có thể thực sự trở thành lực lượng lớn nhất trong việc ngăn chặn xung đột và thúc đẩy hòa bình trên toàn thế giới.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo moderndiplomacy.eu)