AI- Giải pháp chống biến đổi khí hậu toàn cầu

Trong bối cảnh nhiệt độ toàn cầu liên tục chạm mức kỷ lục mới gây ra những tác động tiêu cực, trí tuệ nhân tạo (AI) được xem là một trong những giải pháp đầy tiềm năng có thể hỗ trợ con người tạo ra những biến đổi tích cực trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu.

 

Gia tăng tốc độ dự báo

Sự ra mắt gần đây của Cơ quan Cố vấn quản trị AI của Liên hợp quốc đã thúc đẩy xu hướng sử dụng công nghệ nhằm tìm ra giải pháp cho những thách thức chung. Theo đó, AI được sử dụng để tăng tốc và mở rộng các nỗ lực nhằm hiện thực hóa các tham vọng toàn cầu như Chương trình nghị sự 2030 và 17 Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG).

Trong khi khám phá khoa học trước đây phụ thuộc vào khả năng thu thập, quan sát và phân tích của con người thì giờ đây, máy tính có thể xử lý các tệp dữ liệu khổng lồ, xác định mẫu và chạy mô phỏng trong khoảng thời gian ngắn hơn rất nhiều. Tại Hội nghị COP28, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và Tập đoàn Máy tính IBM đã giới thiệu công cụ AI Watsonx, cho phép người dùng giám sát Trái đất từ không gian, đo lường những thay đổi môi trường đang xảy ra và đưa ra dự báo.

Kho dữ liệu từ NASA và công nghệ AI của IBM Watsonx giúp các nhà khoa học ước tính mức độ cả trong quá khứ và tương lai của cháy rừng, lũ lụt cũng như nhiệt độ tại các đô thị. Ước tính từ NASA cho biết, trong năm 2024, các nhà khoa học sẽ có thể làm việc với 250.000 terabyte các bộ dữ liệu khí hậu. Trước đó, dự án Google DeepMind của Google ra mắt năm 2019 đã đào tạo mô hình AI dự báo thời tiết nhằm dự đoán khả năng của năng lượng gió, giúp gia tăng giá trị của nguồn năng lượng tái tạo.

A8b.jpg
Australia dùng drone để kiểm soát hệ động thực vật. Ảnh: Creativedigital

 

Hiện nay, thực trạng xảy ra ở Bắc cực là dấu hiệu cảnh báo đáng lo ngại. Các mô hình khí hậu đang được nhiều nhà khoa học sử dụng để dự đoán thay đổi dài hạn dường như không nắm bắt được tốc độ khí hậu nóng lên. Tuy nhiên, với sự trợ giúp của AI, bà Anna Liljedahl, nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu khí hậu Woodwell có trụ sở tại Mỹ, có thể đưa ra dự báo về lớp băng vĩnh cửu theo mùa, thay vì theo khoảng thời gian 100 năm thông thường. Điều này giúp bà và nhiều nhà nghiên cứu khác thấy được bức tranh rõ hơn về tốc độ băng tan tại Bắc cực.

Bà Liljedahl cho biết: “AI đang làm những nhiệm vụ khó khăn nhất. Chúng tôi coi đây là công cụ bước đầu, sau đó con người sẽ tham gia vào quá trình và đảm bảo rằng mọi thứ đang đi đúng hướng cũng như khám phá, kiểm nghiệm những đề xuất của AI”.

Cánh tay đắc lực

Về cấp độ quốc gia, AI đang trở thành cánh tay đắc lực hỗ trợ kiểm soát môi trường. Tại Australia, nhân viên kiểm lâm điều khiển drone tại khu bảo tồn thiên nhiên để theo dõi những thay đổi của hệ động thực vật từ trên không và phần mềm AI được sử dụng để đánh giá hình ảnh. Thuật toán được sử dụng để đếm động vật hoặc phân tích các loài thực vật và sâu bệnh. Chúng có thể chỉ ra nơi nào nhân viên kiểm lâm cần can thiệp để các vùng đất ngập nước không bị mất cân bằng.

Ở Singapore, chính quyền đảo quốc này đã sử dụng AI để dự đoán lũ lụt và kiểm tra khả năng chống chịu lũ của cơ sở hạ tầng. Philippines cũng đang rất nỗ lực dùng AI để giải quyết các thách thức biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro do thiên tai. Trung Quốc là một trong những quốc gia hàng đầu về sử dụng AI để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Quốc gia đông dân này đang sử dụng AI trong lĩnh vực dự báo thời tiết, quản lý tài nguyên nước và tối ưu hóa sản xuất năng lượng.

Trong khi đó, Ấn Độ sử dụng AI để quản lý tài nguyên nước và nông nghiệp thông minh. Công nghệ AI giúp nông dân ở Ấn Độ tối ưu hóa việc sử dụng nước, giảm lãng phí, và tăng năng suất. Tại Nhật Bản, 2 tập đoàn hàng đầu Nhật Bản là NEC và Sumitomo Corporation có kế hoạch hợp tác trong kế hoạch phát triển dịch vụ sử dụng AI để ứng phó hạn hán và hỗ trợ canh tác trên toàn thế giới vào năm 2024. Mục đích của NEC và Sumitomo là nhằm đưa ra giải pháp hỗ trợ sản xuất lương thực ổn định trong bối cảnh khủng hoảng lương thực do các hiện tượng thời tiết cực đoan thường xuyên xảy ra.

Bằng cách sử dụng AI kết hợp và phân tích lượng dữ liệu lớn liên quan đến việc canh tác như lịch sử trồng trọt trong quá khứ, thông tin từ vệ tinh và cảm biến được lắp đặt tại các trang trại, dịch vụ hỗ trợ của liên minh NEC - Sumitomo sẽ đề xuất các phương pháp canh tác tốt nhất giúp tăng năng suất, đồng thời tiết kiệm nước và phân bón. Người dùng cũng có thể kiểm tra dữ liệu thu hoạch ước tính và ngày thu hoạch tối ưu trên điện thoại thông minh hoặc máy tính của mình.

Các quốc gia châu Âu cũng chú trọng vào sử dụng AI để đạt được mục tiêu về năng lượng tái tạo và giảm phát thải. Các hệ thống quản lý năng lượng, giao thông thông minh, và quản lý rừng thông qua công nghệ AI đang được triển khai rộng rãi. Ở châu Phi, dự án IKI sử dụng AI nhằm giúp đỡ các cộng đồng dễ bị tổn thương ở Burundi, Chad và Sudan, bằng cách dự đoán các kiểu thời tiết, giúp cộng đồng và chính quyền có thể lập kế hoạch tốt hơn nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm thiểu tác động của nó.

Đề xuất cải thiện

Có một nhược điểm của AI, đó là việc khởi chạy mô hình tiêu tốn nhiều năng lượng và hầu hết trung tâm dữ liệu được vận hành vẫn phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Một nghiên cứu của nhà nghiên cứu người Hà Lan Alex de Vries đã ước tính, trường hợp xấu nhất cho thấy hệ thống AI của Google có thể tiêu thụ lượng điện tương đương với cả nước Ireland mỗi năm. Các nhà phát triển được khuyên rằng không nên chỉ tập trung vào tối ưu hóa AI mà còn phải xem xét nghiêm túc sự cấp thiết của việc sử dụng AI ngay từ đầu, vì chi phí vận hành rất lớn.

A8A.jpg
Công cụ AI WatsonX giúp quan sát Trái đất từ không gian. Ảnh: Tomorow World’s Today

Một số nhà khai thác trung tâm dữ liệu đã bắt đầu giải quyết mối lo ngại này. Amazon Web Services, bộ phận điện toán đám mây của gã khổng lồ mua sắm trực tuyến Amazon, đã cam kết cung cấp “nguồn nước tích cực” vào năm 2030, nghĩa là công ty sẽ “trả lại nhiều nước hơn cho cộng đồng nơi đặt cơ sở hạ tầng trung tâm dữ liệu so với lượng nước đã sử dụng.

Chẳng hạn như ở Oregon, vùng đất hạn hán ngày càng gia tăng trong những năm gần đây, Amazon Web Services triển khai cung cấp miễn phí nước đã qua sử dụng để làm mát trung tâm dữ liệu của hãng cho nông dân địa phương dùng trong việc tưới tiêu.

Giới chuyên gia công nghệ cũng đề xuất AI nên có mức giá phải chăng và dễ tiếp cận đối với một số quốc gia thu nhập thấp, đặc biệt là những quốc gia miền Nam bán cầu đang ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng khí hậu.

 

THANH HẰNG/Theo SGGP