Bloomberg: Hàng ngàn con sông biến mất, Trung Quốc khát khô - Điều đáng sợ đối với châu Á!

Hàng ngàn con sông đã biến mất, trong khi quá trình công nghiệp hóa và ô nhiễm đã hủy hoại phần lớn lượng nước còn lại ở Trung Quốc.

Thiên nhiên - Nguồn cơn xung đột?

Trong số những tác nhân ảnh hưởng tới địa chính trị, điều kiện tự nhiên cũng có thể là yếu tố gây ra những hậu quả không mong muốn nhất.

Nhà sử học Geoffrey Parker lập luận rằng sự thay đổi về hình thái thời tiết đã gây ra chiến tranh, cách mạng và những biến động trong cuộc khủng hoảng toàn cầu kéo dài vào thế kỷ 17.

Một ví dụ gần đây hơn là khi biến đổi khí hậu mở ra các tuyến đường thương mại, các mỏ tài nguyên ở Bắc Cực, thì nó cũng đồng thời dẫn đến các cuộc cạnh tranh mới ở khu vực này.

Giờ đây, Trung Quốc, một cường quốc có tác động lớn trên toàn cầu, đang dần cạn kiệt tài nguyên nước - và điều này có thể gây ra những xung đột cả ở trong và ngoài nước này, theo Bloomberg.

Bài viết có tiêu đề "Trung Quốc đang dần cạn kiệt tài nguyên nước và đây là điều đáng sợ đối với châu Á" của Bloomberg nhận định: Tài nguyên thiên nhiên luôn là yếu tố quan trọng đối với sức mạnh kinh tế và vị thế của một quốc gia trên trường quốc tế.

Vào thế kỷ 19, Vương quốc Anh, một quốc gia tuy nhỏ bé về diện tích nhưng đã vượt lên dẫn đầu vì trữ lượng than dồi dào cho phép nước này thúc đẩy cuộc Cách mạng Công nghiệp. Nhưng sau đó Anh đã bị Mỹ vượt mặt. Mỹ đã khai thác những vùng đất canh tác khổng lồ, trữ lượng dầu khổng lồ và các nguồn tài nguyên khác để trở thành cường quốc kinh tế số 1 thế giới.

Bloomberg: Hàng ngàn con sông biến mất, Trung Quốc khát khô - Điều đáng sợ đối với châu Á! - Ảnh 1.

Ảnh: AFP/Getty

Trung Quốc cũng đã trỗi dậy theo cách tương tự. Những đợt cải cách kinh tế, mở cửa với hệ thống thương mại toàn cầu và lực lượng lao động dồi dào đã góp phần giúp kinh tế Trung Quốc tăng trưởng như vũ bão từ cuối thập niên 1970 đến đầu thập niên 2000.

Thực tế là Trung Quốc gần như tự túc về đất, nước và nhiều nguyên liệu thô - và lao động giá rẻ cho phép họ khai thác các nguồn tài nguyên này một cách mạnh mẽ - chính những điều này đã giúp Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới.

Trung Quốc ngày càng "khát nước"

Tuy nhiên, sự phong phú về tài nguyên thiên nhiên của Trung Quốc đã là dĩ vãng. Bắc Kinh đã sử dụng, khai thác quá mức nguồn tài nguyên của mình, theo Bloomberg.

Từ một thập kỷ trước, Trung Quốc đã trở thành nhà nhập khẩu hàng hóa nông nghiệp lớn nhất thế giới, do đất canh tác của nước này bị thu hẹp vì suy thoái và sử dụng quá mức.

 

Tốc độ phát triển vũ bão cũng khiến Trung Quốc trở thành nhà nhập khẩu năng lượng lớn nhất thế giới: Nước này mua 3/4 lượng dầu ở nước ngoài vào thời điểm Mỹ đã trở thành nhà xuất khẩu năng lượng ròng.

Trong khi đó, tình hình tài nguyên nước của Trung Quốc đặc biệt tồi tệ. Chuyên gia Gopal Reddy thuộc tổ chức nghiên cứu Ready for Climate lưu ý: Dân số Trung Quốc chiếm 20% toàn thế giới, nhưng nước này chỉ có 7% lượng nước ngọt. Toàn bộ các khu vực, đặc biệt là ở phía Bắc Trung Quốc, phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước tồi tệ hơn cả Trung Đông khô cằn.

Hàng ngàn con sông đã biến mất, trong khi quá trình công nghiệp hóa và ô nhiễm đã hủy hoại phần lớn lượng nước còn lại ở Trung Quốc.

Một số ước tính cho biết có đến 80% đến 90% nước ngầm và một nửa lượng nước sông của Trung Quốc không thể làm nước uống vì quá bẩn; hơn một nửa lượng nước ngầm và khoảng 25% lượng nước sống của nước này thậm chí không thể sử dụng cho công nghiệp hoặc nông nghiệp.

Bloomberg: Hàng ngàn con sông biến mất, Trung Quốc khát khô - Điều đáng sợ đối với châu Á! - Ảnh 3.

Ảnh: FT

Giải quyết vấn đề này cũng rất tốn kém. Trung Quốc buộc phải chuyển nước từ những vùng tương đối dồi dào sang khu vực phía Bắc khô hạn. Các chuyên gia ước tính mỗi năm Trung Quốc phải chi hơn 100 tỷ USD để khắc phục tình trạng khan hiếm nước.

Tình trạng thiếu hụt và canh tác nông nghiệp không bền vững dẫn đến tình trạng sa mạc hóa nhiều diện tích đất đai. Trong khi đó, tình trạng thiếu hụt năng lượng liên quan đến nước đã trở nên phổ biến trên toàn quốc.

Chính phủ Trung Quốc đã thúc đẩy sự phân bổ và cải thiện hiệu quả sử dụng nước, nhưng những chính sách này vẫn chưa đủ để giải quyết vấn đề.

Tháng 12/2021, giới chức Trung Quốc đã đưa ra dự báo rằng Quảng Châu và Thâm Quyến - hai thành phố lớn ở Đồng bằng sông Châu Giang tương đối dồi dào tài nguyên nước - sẽ đối mặt với tình trạng hạn hán nghiêm trọng trong năm 2022.

Các tác động kinh tế và chính trị đang khiến Trung Quốc càng thêm khó khăn. Ngoài vấn đề chi phí, các vấn đề tài nguyên của Trung Quốc còn kéo theo một loạt các thách thức khác: nhân khẩu học suy giảm, bầu không khí chính trị ngày càng ngột ngạt, nhiều cải cách kinh tế quan trọng bị đình trệ hoặc đảo lộn - hậu quả của chúng đã thể hiện rõ trước khi đại dịch bùng phát.

Năm 2005, Thủ tướng Trung Quốc vào thời điểm đó là ông Ôn Gia Bảo đã tuyên bố rằng khan hiếm nước đe dọa "sự tồn vong của đất nước". Bộ trưởng Tài nguyên Nước Trung Quốc vào thời điểm đó tuyên bố rằng nước này phải "chiến đấu cho từng giọt nước hoặc chết."

Có thể đó là những câu nói có phần cường điệu hóa, nhưng thực tế là tình trạng khan hiếm tài nguyên và bất ổn chính trị thường đi đôi với nhau.

Bên cạnh những tác động trong nước từ dự án chuyển nước từ phía Nam lên phía Bắc, thì một số quốc gia láng giềng của Trung Quốc cũng lo ngại do thượng nguồn của nhiều con sông lớn trong khu vực nằm trong lãnh thổ nước này. Trong số các quốc gia có thể bị ảnh hưởng có các quốc gia Đông Nam Á (như Lào, Thái Lan và Việt Nam), hay Nam Á (Ấn Độ)./.

Theo Soha