
Khả năng cô lập carbon của các hệ sinh thái carbon xanh (blue carbon: thuật ngữ chỉ lượng carbon được thu giữ bởi các hệ sinh thái ven biển và đại dương trên thế giới) của Đức tương đối nhỏ so với tổng lượng khí thải nhà kính của quốc gia này. Do vậy, việc ưu tiên bảo vệ các hệ sinh thái carbon xanh hiện có là điều cần thiết để tránh việc giải phóng dần dần lượng carbon đã được lưu trữ. Trong một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Estuarine, Coastal and Shelf Science, một nhóm các nhà nghiên cứu do Julian Koplin và Corina Peter ở Viện Alfred Wegener (AWI) ở Đức dẫn đầu đã kêu gọi các biện pháp củng cố hệ sinh thái carbon xanh đồng thời kết hợp hành động vì khí hậu với các mục tiêu đa dạng sinh học.
“Biến đổi khí hậu và mất mát đa dạng sinh học là một trong những thách thức toàn cầu cấp bách nhất. Các hệ sinh thái carbon xanh – các hệ sinh thái biển và ven biển có khả năng cô lập và lưu trữ carbon trong thời gian dài – giúp giải quyết cả hai vấn đề: giảm thiểu biến đổi khí hậu và đáp ứng các chức năng quan trọng của hệ sinh thái”, Koplin cho biết. Đồng cỏ biển và đầm lầy cỏ nước mặn là những hệ sinh thái carbon xanh ở Bắc Âu. Tuy nhiên, sự đóng góp của rong biển, trầm tích biển và rạn san hô trong quá trình này chưa được xác định cụ thể, và vẫn đang được nghiên cứu.
Các tác giả nhấn mạnh cần phải chuẩn hóa các phương pháp đo lường, tăng cường và cải thiện dữ liệu về hệ sinh thái carbon xanh để thu hẹp khoảng cách kiến thức hiện có. Nghiên cứu về carbon xanh hiện đang là xu hướng – nhiều dự án mới đã được tài trợ trên toàn cầu. Tại Đức, thỏa thuận liên minh, Chương trình Hành động bảo vệ khí hậu tự nhiên và Chiến lược Quốc gia về sử dụng và bảo vệ đại dương bền vững đều xác định nghiên cứu về carbon xanh là ưu tiên hàng đầu.
Các nhà nghiên cứu cho rằng việc đẩy mạnh các nghiên cứu sẽ góp phần củng cố chiến lược carbon xanh của Đức. Chiến lược này dựa trên “Kế hoạch Hành động Liên bang về các giải pháp dựa trên thiên nhiên cho khí hậu và đa dạng sinh học” từ năm 2023. Các chỉ thị của EU như Chỉ thị Môi trường sống, Chỉ thị Khung chiến lược biển và Luật Phục hồi thiên nhiên, có hiệu lực tại EU vào tháng 6 năm 2024, đã đặt ra các mục tiêu tổng quát, bao gồm bảo vệ 30% diện tích đất liền và biển, đồng thời duy trì hoặc phục hồi môi trường sống để mang lại” hệ sinh thái khỏe mạnh” – bao gồm các hệ sinh thái carbon xanh.
Theo các nhà nghiên cứu, dù đã có những phương pháp tiếp cận chiến lược đầy hứa hẹn, nhưng vẫn cần phát triển một khuôn khổ quản trị tích hợp và toàn diện để điều chỉnh các chính sách của châu Âu, quốc gia và khu vực, thúc đẩy hợp tác liên ngành hiệu quả, giảm bớt tình trạng phân tán rời rạc.
“Việc xây dựng các biện pháp bảo vệ pháp lý là điều rất quan trọng, ngoài ra cũng cần phát triển các chỉ số để theo dõi và xác định những thay đổi trong lưu trữ carbon dài hạn theo thời gian. Một kế hoạch phục hồi carbon xanh quốc gia có thể góp phần thúc đẩy sự kết hợp giữa các chiến lược hiện có về phục hồi, bảo tồn và hành động vì khí hậu”, Koplin nói. Ở Đức, một nhiệm vụ trọng tâm là bảo vệ các kho lưu trữ carbon hiện có ở đại dương, tránh giải phóng thêm carbon đã được lưu trữ. Đồng thời, các nỗ lực phục hồi nên tập trung vào các hệ sinh thái có tiềm năng cô lập carbon và các lợi ích đa dạng sinh học lớn nhất.
Tại các khu vực đông dân cư và diễn ra nhiều hoạt động như các bờ biển ở Đức, xung đột lợi ích và áp lực kinh tế khiến vấn đề càng trở nên phức tạp. Việc giải quyết những thách thức này đòi hỏi phải cân nhắc thận trọng các yếu tố xã hội và chính trị. Theo các nhà nghiên cứu, sự tham gia của các nhóm bị ảnh hưởng ngay từ ban đầu là yếu tố quan trọng để đạt được thành công. Ngoài ra, để giảm thiểu xung đột, tăng cường sự ủng hộ của công chúng và đảm bảo quản lý bền vững, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh phải xem xét kỹ lưỡng các chức năng sinh thái, kinh tế và xã hội của các hệ sinh thái carbon xanh, cũng như đóng góp của các hệ sinh thái này vào sự phát triển bền vững của các khu vực và cộng đồng liên quan.
Việc giảm thiểu biến đổi khí hậu không thể chỉ dựa vào các giải pháp tự nhiên, dù chúng có vai trò rất quan trọng. Việc giảm thiểu biến đổi khí hậu một cách hiệu quả và bền vững là một thách thức phức tạp, liên quan đến nhiều vấn đề, trong đó ưu tiên hàng đầu vẫn là hạn chế phát thải. Hơn nữa, tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay cũng đặt ra nhiều nguy cơ đối với các hệ sinh thái carbon xanh.
Thanh An dịch từ GFZ Helmholtz Centre for Geosciences
Nguồn Tia Sáng