Cơ hội cuối cùng để cứu hành tinh?

Chỉ còn 10 ngày nữa sẽ diễn ra Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow (Anh) nhưng những khó khăn vẫn chất chồng. Thậm chí, hội nghị có thể phải đối mặt với nguy cơ thất bại nếu các nước tiếp tục không thực thi các cam kết chống biến đổi khí hậu của mình...

Cảnh báo này được đưa ra bởi chính Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres khi ông nhấn mạnh rằng, tình hình khí hậu hiện nay là “tấm vé một chiều dẫn tới thảm họa”, đồng thời khẳng định cần “tránh thất bại” tại sự kiện lần này. Theo người đứng đầu LHQ, vẫn còn thời gian để tránh cho Hội nghị COP26 khỏi nguy cơ này, nhưng ông cũng đồng thời cảnh báo thời gian đang ngày càng thu hẹp trong khi những thách thức ngày càng khó khăn hơn. 

Cơ hội cuối cùng để cứu hành tinh?
Hướng tới Hội nghị COP26 tại Trung tâm Hội nghị Milan (Italy). Ảnh: Getty Images 

Một trong những tin tức không mấy thuận lợi đó là Điện Kremlin đã thông báo chính thức, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không tham dự Hội nghị COP26. Nga hiện là nước phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn thứ 4 thế giới và cũng là một trong những nhà sản xuất dầu và khí đốt hàng đầu thế giới. Vì vậy, việc nhà lãnh đạo Nga không tham dự sẽ khiến Hội nghị COP26 gặp thách thức nhiều hơn trong việc đạt các mục tiêu đề ra. Trước đó, Tổng thống Putin tuyên bố, Nga sẽ nỗ lực trung hòa carbon trước năm 2060 và bày tỏ hy vọng năng lượng khí hydro, ammonia và khí đốt tự nhiên sẽ đóng vai trò lớn hơn trên thị trường năng lượng vào những năm tới đây, trong khi dầu mỏ và than đá sẽ giảm. Ông cũng khẳng định, Nga sẵn sàng đối thoại nhằm tìm kiếm những cách thức giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu.

COP26 được cho là hội nghị thượng đỉnh về khí hậu lớn nhất kể từ hội nghị lịch sử COP21 tại Paris năm 2015. Kể từ Hội nghị COP21, thế giới vẫn phải loay hoay đối phó với tình trạng nóng lên của Trái Đất khi các cam kết về cắt giảm khí thải carbon không được tuân thủ nghiêm túc, nhất là những nước phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính hàng đầu thế giới. Bởi thế, Hội nghị COP26 diễn ra từ ngày 31-10 đến 12-11 được kỳ vọng sẽ tạo bước tiến quan trọng trong việc đặt ra các mục tiêu về khí thải trên toàn thế giới nhằm làm chậm lại quá trình Trái Đất ấm lên.

Tại hội nghị sắp tới, nước chủ nhà Anh hy vọng thuyết phục các nhà lãnh đạo thế giới đạt được đồng thuận về một thỏa thuận khí hậu quan trọng và đang tìm kiếm sự ủng hộ từ các cường quốc đối với một kế hoạch triệt để hơn nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. 

Theo Tổng thư ký LHQ Guterres, hiện nhiệt độ Trái Đất đang tiến dần mức tăng 2,7 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đây là một kết quả không mấy khả quan, nhất là khi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đã được nhất trí tại Hội nghị COP21 kêu gọi nỗ lực cộng đồng quốc tế kiềm chế mức tăng nhiệt độ Trái Đất dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và mức tăng lý tưởng là gần 1,5 độ C. 

Trong khi đó, ngày 21-10, trước thềm Hội nghị COP26, Văn phòng Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ (ODNI) cảnh báo rằng, biến đổi khí hậu có thể gây ra các mối đe dọa trên diện rộng đối với an ninh quốc gia của Mỹ và sự ổn định trên toàn thế giới. Trong một bản tóm lược các báo cáo tình báo, Nhà Trắng cho biết, thời tiết khắc nghiệt hơn sẽ làm trầm trọng thêm một số nguy cơ đối với các lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ, từ những tác động vật lý có thể làm tăng các thách thức an ninh, cho đến cách thức các nước ứng phó với thách thức biến đổi khí hậu. Đây là lần đầu tiên ODNI đưa ra những cảnh báo đáng lo ngại này trên cơ sở tập hợp các báo cáo tình báo của 18 cơ quan tình báo nước này.

Đáng chú ý, các cơ quan tình báo Mỹ cũng nhận định biến đổi khí hậu đang khiến những căng thẳng về địa chính trị gia tăng khi các nước tranh cãi về việc nước nào cần phải làm nhiều hơn; những “điểm nóng” xuyên biên giới khi các quốc gia ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu bằng cách cố gắng bảo đảm lợi ích của họ. 

Trong một động thái tích cực, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng 6 cũng đã thông qua luật khí hậu, theo đó đặt ra mục tiêu tham vọng mang tính ràng buộc pháp lý trong việc trung hòa khí thải carbon vào năm 2050 và quy định vào năm 2030 cắt giảm ròng ít nhất 55% lượng khí thải so với năm 1990. Tuy nhiên, những nỗ lực này chưa thể đủ để cứu Trái Đất khỏi những nguy cơ tồi tệ hơn nếu không có sự chung tay góp sức và hành động nghiêm túc của những cường quốc hàng đầu trên thế giới và cũng là những “nhà vô địch” về lượng khí thải phát ra gây hủy hoại môi trường và khí hậu trên hành tinh xanh.

XUÂN PHONG

Theo QĐND